Nhiều người Công giáo Nam Phi
không mấy phấn khởi
trước Giải Túc Cầu Thế Giới
Nhiều người Công giáo Nam Phi không mấy phấn khởi trước Giải Túc Cầu Thế Giới.
Durban, Nam Phi [CNS 4/6/2010] - Nhiều người Công giáo Nam Phi không mấy phấn khởi trước Giải Túc Cầu Thế Giới sẽ khai diễn tại nước này vào ngày thứ Sáu 11 tháng 6 năm 2010.
Trong khi "cơn sốt" World Cup đang làm dậy cả nước, một số người Công giáo vẫn tỏ ra nghi ngờ về những kết quả lâu dài của Giải này.
Ông Parick Vorster, giám đốc Trung tâm Công giáo bảo vệ trẻ em tại thành phố Durban nói với hãng thông tấn Công giáo Ðức KNA rằng World Cup là một món quà dành cho Nam Phi, vì thế giới đặt tin tưởng nơi nước này.
Ông Vorster, một chuyên gia tâm lý và thần học nói rằng nghèo đói, Sida và bạo động hiện đang là những vấn đề lớn của quốc gia này. Ông khẳng định rằng quốc gia này sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy mình có thể làm được nhiều điều tốt đẹp.
Tuy nhiên Zanele Mambo, một thiếu nữ đã từng sống trong trung tâm thánh Philomena do ông Vorster điều khiển, lại tỏ ra bi quan về những kết quả của World Cup. Người thiếu nữ 24 tuổi này bị nhiễm HIV vì bị hãm hiếp năm lên 9 tuổi. Trong cuốn sách có tựa đề "Họ gọi tôi là Smiley" [cô gái hay cười] và xuyên qua công tác trợ giúp trẻ em đường phố của cô tại Durban, cô Mambo muốn mang lại hy vọng và can đảm cho những người đang phải chống chọi lại bệnh Sida. Cô than phiền vì hành động thô lỗ và bạo động của cảnh sát đối với trẻ em đường phố. Cô cho biết: cảnh sát đã đưa xe đến hốt các em và chở đi nơi khác để cho du khách đến Nam Phi nhân dịp World Cup sẽ không thấy có những người đau khổ đang sống trên đường phố.
Ngoài ra, trong thời gian qua, các tổ chức Kitô tại nước này cũng đã mạnh mẽ tố giác nạn buôn người. Theo ước tính, đã có khoảng từ 40 ngàn đến 100 ngàn người được đưa vào Nam Phi để phục vụ tình dục trong suốt thời kỳ World Cup.
Mặc dù khó kiểm chứng được con số trên đây, tổng thống Nam Phi, ông Zuma kêu gọi các bậc phụ huynh phải đề cao cảnh giác để tránh cho con em không bị bán làm nô lệ tình dục.
Các Ðức giám mục vùng Nam Phi như Lesotho, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe đã gặp nhau để thảo luận về vấn đề buôn người trong vùng. Trong một tuyên ngôn được gởi đến hãng thông tấn Fides, các Ðức giám mục miền Nam Phi Châu nói rằng các tổ chức tôn giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ý thức và hổ trợ các chính phủ trong cuộc chiến chống lại tệ nạn này.
CV.