Ðức Thánh Cha bắt đầu

viếng thăm Chypre

 

Ðức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Chypre.

Paphos (Vat. 4/06/2010) - Chiều ngày 4 tháng 6 năm 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã đến đảo Chypre để viếng thăm trong vòng 3 ngày, cho đến chiều Chúa Nhật mùng 6 tháng 6 năm 2010.


Ðức Thánh Cha bước vào máy bay chuẩn bị lên đường viếng thăm Chypre.


Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm đảo này. Ðối với Ðức Thánh Cha Biển Ðức, đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của ngài tại hải ngoại và là chuyến thứ 3 trong năm 2010 sau đảo Malta và Bồ đào nha.

Ngoài việc viếng thăm và củng cố cộng đoàn Công Giáo địa phương, chuyến tông du của Ðức Thánh Cha cũng nhắm tăng cường đối thoại đại kết với Chính Thống giáo và trao tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông cho các vị đại diện Giáo Hội tại miền này. Công nghị Giám Mục Trung Ðông sẽ nhóm tại Vatican từ ngày 14 đến 24 tháng 10 năm 2010.

Giáo hội tại đảo Chypre

Ðảo Chypre chỉ rộng 5,896 cây số vuông với dân số gần 800 ngàn người, trong đó 76% là người gốc Hy lạp phần lớn theo Chính Thống giáo và chỉ có 25 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 3.15%. Có 10% dân đảo Chypre là người gốc Thổ nhĩ kỳ theo Hồi giáo. Ngoài ra có 13% dân số tại đảo này là người nước ngoài. Cộng đồng Công Giáo tại đảo Chypre thuộc ba nghi lễ chính là Maronite, Arméni và la tinh, với tổng cộng 2 GM, 30 LM triều và dòng, 42 nữ tu và 18 tu huynh.

Từ 36 năm nay, đảo Chypre bị chia đôi, 1 phần 3 ở miền bắc thuộc người Thổ Nhĩ kỳ và 2 phần 3 ở miền nam thuộc cộng hòa Chypre. Các cuộc thương thuyết cho đến nay chưa đưa tới kết quả nào.

Trên chuyến bay, Ðức Thánh Cha đã nói chuyện với giới ký giả tháp tùng về một số vấn đề ở Trung Ðông, đặc biệt về vụ Ðức Cha Luigi Padovese, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ bị người tài xế dùng dao sát hại trưa ngày 3 tháng 6 năm 2010 tại tư gia.

Ðức Thánh Cha nói: "Dĩ nhiên là tôi rất đau buồn về cái chết của Ðức Cha Padovese, người đã đóng góp rất nhiều vào việc chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông, người đã cộng tác và lẽ ra là một thành phần quí giá của công nghị Giám Mục sắp tới. Chúng ta hãy phó thác linh hồn Người cho lòng nhân từ Chúa... Vụ sát hại như một bóng đen, nhưng không liên hệ gì với các đề tài của cuộc viếng thăm tại đảo Chypre, và chúng ta không được qui gán vụ này cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Thổ. Ðây là vụ mà chúng tôi mới chỉ có một ít thông tin, Chắc chắn đây không phải là một vụ ám sát chính trị hoặc tôn giáo. Ðây là một vấn đề cá nhân. Chúng tôi còn chờ đợi tất cả các giải thích. Nhưng giờ đây chúng ta đừng lẫn lộn tình trạng đau thương này với cuộc đối với với Hồi giáo và cac đề tài cuộc viếng thăm này... Ðây là một vụ riêng gây đau buồn, nhưng không được làm lu mờ cuộc đối thoại vốn là một đề tài và là một chủ đích cuộc viếng thăm hiện nay của tôi".

Ðức Cha Luigi Padovese người Italia, năm nay 63 tuổi (1947) sinh tại Milano bắc Italia và gia nhập dòng Capuchino, và làm giáo sư môn giáo phụ học tại Học viện Giáo Hoàng Antonianum của dòng Phanxicô ở Roma. Từ 6 năm nay ngài làm Ðại diện Tông Tòa miền Anatolie bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Mehmet Celalettin, Thị trưởng thành phố Iskenderun nơi có Tòa Giám Mục của Ðức Cha Padovese, thì Ðức Cha đã bị người tài xế kiêm cận vệ tên là Murat dùng dao đâm chết trong vườn nhà ngài. Ðức Cha được chở vào nhà thương cứu cấp nhưng quá trễ. Thủ phạm bị bắt với tang vật. Ông Murat là một tín hữu Công Giáo làm tài xế cho Ðức Cha Padovese từ 4 năm rưỡi nay. Thân phụ và các anh chị em cũng phục vụ Giáo Hội từ nhiều thập niên. Từ ít lâu nay ông bị bệnh tâm lý và đang được chữa trị.

Ðón tiếp

Sau 3 tiếng rưỡi đồng hồ bay, máy bay chở Ðức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Paphos ở miền tây nam đảo Chypre lúc 2 giờ chiều, giờ địa phương. Ðây là một thành phố cảng thơ mộng và cổ kính với 40 ngàn dân cư, thu hút nhiều du khách và có nhiều di tích khảo cổ nên được tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc liệt kê vào danh sách các gia sản của nhân loại.

Tổng thống Demetris Christofias, phu nhân, đã đón tiếp Ðức Thánh Cha tại chân thang máy bay trước sự hiện diện của đoàn quân danh dự. Quốc thiều Vatican và Chypre được ban quân nhạc trổi lên trong khi Ðức Thánh Cha và Tổng thống tiến vào Hội trường của phi trường, trước sự hiện diện của đông đảo quan khách đạo đời.

Trong diễn văn chào mừng Ðức Thánh Cha, Tổng thống Christofias nhận định rằng: "Sự hiện diện của ngài hôm nay ở đây mang theo một sứ điệp hòa bình mạnh mẽ vượt lên trên oán thù và chiến tranh. Chúng tôi cùng chia sẻ với ngài quan điểm về hòa bình và công bằng xã hội. Cuộc chiến đấu của chúng ta chống nghèo đói, loại trừ, bất công và nghèo đói trên thế giới là một cuộc chiến chung. Ðảo Chypre đang cần những lời hòa bình của ngài, xét vì tình trạng khó khăn của đảo này trong vùng bị chiếm đóng. Xin cho phép tôi được nói rằng nước Chypre đang cần lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của ngài để mau lẹ tìm lại được sự thống nhất và tự do. Chúng tôi biết ơn vì những ngày mà ngài trải qua ở đây với chúng tôi. Sự hiện diện của ngài tại đất nước chúng tôi thực là một cơ hội lịch sử".


Ðức Thánh Cha vẫy tay chào dân chúng khi đến Nhà Thờ Agia Kyriaki Chrysopolitissa ở Paphos, Chypre.


Về phần Ðức Thánh Cha, trong diễn từ đầu tiên trên đất Chypre, sau khi chào thăm tổng thống, chính quyền và các vị lãnh đạo tôn giáo, ngài nói: "Trong tư cách là người kế vị thánh Phêrô, tôi đặc biệt đến chào thăm các tín hữu Công Giáo tại Chypre, để củng cố họ trong đức tin và khích lệ họ trở thành những tín hữu Kitô gương mẫu, những công dân gương mẫu, và giữ vai trò trọn vẹn của mình trong xã hội, để mưu ích cho Giáo Hội cũng như quốc gia.

Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng "Nước Chypre là một vị trí thích hợp để khởi đầu việc suy tư của Giáo Hội chúng tôi về chỗ đứng của Giáo Hội Công Giáo cổ kính tại Trung Ðông, tình liên đới của chúng tôi với tất cả các tín hữu Kitô trong vùng và xác tín của chúng tôi, theo đó họ có một vai trò không thể thay để được trong hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc.

Sau bài diễn văn, Ðức Thánh Cha đã làm phép cây Oliu đặt trước Hội trường của sân bay, tượng tương cho mong ước hòa bình của lãnh thổ này.

Cầu nguyện đại kết

Rời phi trường Paphos, Ðức Thánh Cha đã tiến về nhà thờ Thánh nữ Ciciaca Chrisopolitissa, của Chính Thống giáo, cách đó 25 cây số. Thánh đường này cũng được mở cửa cho các tín hữu Công Giáo và Anh giáo sử dụng kể từ năm 1987 theo quyết định của Ðức Giám Mục Chính Thống ở địa phương bấy giờ, nay là Ðức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Giáo Hội Chính Thống tại đây. Nhà thờ hướng về khu vực khảo cổ, nơi có vết tích của một Vương cung thánh đường cổ kính của Kitô giáo hồi thế thứ 4.

Cạnh thánh đường có một di tích gọi là "Cột Thánh Phaolô" rất được các tín hữu tôn kính, nhắc nhớ một lưu truyền theo đó thánh Phaolô tông đồ đã cư ngụ tại đảo này. Nhiều tín hữu Công giáo thuộc phong trào Con đường Tân dự tòng cũng hiện diện, cùng với nhiều người khác, họ đứng trong khu vực khảo cổ, cầm cờ quốc gia nguyên quán và biểu ngữ xuất xứ của họ.

Vào bên trong thánh đường, Ðức Thánh Cha đã chào thăm một số đại diện giáo dân và các nữ tu chiêm niệm trước khi tiến ra lễ đài đơn sơ được dựng bên ngoài Nhà thờ thánh Chrysopolitissa chiều, Ðức Thánh Cha đã chủ sự buổi cầu nguyện đại kết vào lúc 3 giờ rưỡi với sự hiện diện của các vị đại diện và tín hữu Chính Thống cũng như Công Giáo và một số nữ tu chiêm niệm.. Ngoài ra có các đại diện của Giáo Hội Anh giáo và Tin Lành Luther.

Trong lời chào mừng Ðức Thánh Cha đầu buổi cầu nguyện, Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống Chrysostomos cho biết chính tại thánh đường này xưa là một Hội đường Do thái và từ đây thánh Barnabê và Phaolô đã rao giảng Lời Chúa cho người Do thái. Nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích, Thánh Thần Tình Thương của Ðấng Nhập Thể, chịu đóng đanh và sống lại không thể bị thu hẹp nơi người Do thái. Chúa Kitô đến trần thế để bất cứ ai tin vào Ngài sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời (Ga 3,6). Ðức Tổng Giám Mục cũng mạnh mẽ tố giác sự chiếm đóng của người Thổ nhĩ kỳ ở miền bắc Chypre, bao nhiêu thánh đường Kitô bị phá hủy, biến thành nơi trần tục và 30 ảnh đạo bị lấy mất.

Về phần Ðức Thánh Cha, trong bài giảng, ngài nhận định rằng:

"Giáo Hội tại đảo Chypre có lý mà hãnh diện về mối liên hệ trực tiếp của mình với lời giảng của thánh Phaolô, Barnabê và Marco, và sự hiệp thông của mình trong đức tin tông truyền, một sự hiệp thông liên kết Giáo Hội tại đây với tất cả các Giáo Hội vẫn duy trì cùng qui luật đức tin. Ðây là một tình hiệp thông, tuy bất toàn, nhưng đã liên kết chúng ta với nhau, và thúc đẩy chúng ta vượt thắng những chia rẽ, cố gắng tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn hữu hàinh mà Chúa muốn cho các môn đệ của Ngài. Vì, như thánh Phaolô đã nói: "Có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh chị em được kêu gọi trở thành một niềm hy vọng của ơn gọi, một Chúa, một đức tin và một phép rửa" (Ep 4,,4-5).

"Tình hiệp thông của Giáo Hội trong đức tin tông truyền là một hồng ân và cũng là một lời mời gọi thi hành sứ mạng. Trong đoạn trích từ sách Tông đồ công vụ chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy một hình ảnh sự hiệp nhất của Giáo Hội trong kinh nguyện, và sự cởi mở của Giáo Hội đối với sự thúc đẩy của Thánh Linh để thi hành sứ mạng truyền giáo, Như thánh Phaolô và Barnabê, mỗi tín hữu Kitô, nhờ phép rửa, được đặt riêng để làm chứng tá ngôn sứ về Chúa Phục Sinh và tin mừng hòa giải của Chúa, lòng từ bi và an bình của Ngài. Trong bối cảnh đó, Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt về Trung Ðông, sẽ nhóm tại Roma vào tháng 10 năm nay, sẽ suy tư về vai trò sinh tử của các tín hữu Kitô trong vùng, khuyến khích hợp trong việc làm chứng tá Tin Mừng, giúp đẩy mạnh việc đối thoại và cộng tác giữa các tín hữu Kitô trong toàn vùng. Thật là một điều ý nghĩa vì công việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ được phong phú thêm nhờ sự hiện diện của các đại biểu anh em từ các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác trong vùng Trung Ðông, như một dấu chỉ quyết tâm chung của chúng ta phục vụ Lời Chúa và cởi mở đối với sức mạnh ơn thánh hòa giải của Ngài.

"Sự hiệp nhất của tất cả các môn đệ Chúa Kitô là một hồng ân cần phải cầu xin Chúa Cha ban cho trong niềm hy vọng sự hiệp nhất này sẽ củng cố việc làm chứng tá cho Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Chúa cầu nguyện cho các môn đệ được nên thánh và hiệp nhất để thế gian tin (Ga 17,21). Cách đây đúng 100 năm, tại Hội nghị tại Edinburgh về truyền giáo, sự ý thức mạnh mẽ: sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là một chướng ngại cản trở việc loan báo Tin Mừng, đã làm nảy sinh phong trào đại kết hiện đại. Ngày nay chúng ta có thể cảm tạ Chúa, Ðấng hướng dẫn chúng ta qua Thánh Linh của ngài, đặc biệt trong những thập niên gần đây, tái khám phá gia sản phong phú của các tông đồ chung cho Ðông và Tây phương, và qua cuộc đối thoại kiên nhẫn và kiên trì, chúng ta tìm kiến những con đường để xích lại gần nhau hơn, khắc phục những tranh luận quá khứ, và tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn."

Buổi cầu nguyện đại kết kết thúc với kinh Lạy Cha. Sau đó Ðức Thánh Cha còn vào nhà thánh để làm phép tấm bia khánh thánh Nhà Dưỡng Lão mới do cộng đồng Công Giáo la tinh ở Paphos thực hiện.

Liền đó, Ðức Thánh Cha đã lên xe tiến về thủ đô Nicosie của Cộng hòa Chypre cách đó 170 cây số.. Thành phố này có 309 ngàn dân cư, cũng bị chia đôi, đồng đều về lãnh thổ nhưng dân số khác nhau: 224 ngàn dân thuộc cộng hòa Chypre Hy Lạp, và 85 ngàn thuộc phần Chypre Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa hai miền là khu vực trái độn do Quân đội Liên Hiệp Quốc trấn đóng, và tu viện dòng Phanxicô nơi được dùng làm Tòa Sứ thần Tòa Thánh tọa lạc trong khu vực trái độn ấy.

Ðến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh vào lúc quá 6 giờ chiều, Ðức Thánh Cha đã dùng bữa tối và qua đêm tại đây.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page