Các tổ chức Kitô Indonesia
phản đối những hạn chế
đối với các nơi thờ phượng
Các tổ chức Kitô Indonesia phản đối những hạn chế đối với các nơi thờ phượng.
Jakarta [Zenit 3/6/2010] - Các tổ chức Kitô tại Indonesia phản đối những hạn chế đối với các nơi thờ phượng.
Theo tin của hãng thông tấn "Các Giáo hội Á châu" của Hội thừa sai Paris, các tín hữu Kitô tại Indonesia gia tăng các áp lực lên chính phủ để yêu cầu nới lỏng những giới hạn về việc xây cất các nơi thờ phượng.
Trong một quốc gia với 85 phần trăm dân số theo Hồi giáo và chỉ có 10 phần trăm theo Kitô giáo, xây dựng sự hài hòa liên tôn là một vấn đề nhậy cảm. Sau các cuộc bạo động tại Celebe từ năm 1998 đến năm 2001 và tại đảo Moluques từ năm 1999 đến năm 2002, các quan hệ giữa tín hữu Kitô và Hồi giáo đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc xây cất hay mở rộng các nơi thờ phượng vẫn còn là một vấn đề đối với các tín hữu Kitô. Trong những tuần lễ vừa qua, nhiều giới Kitô, nhứt là Tin lành, đã kêu gọi tổng thống Indonesia hãy đảm nhận trách nhiệm của mình và bảo đảm việc tôn trọng Hiến Pháp.
Hôm 1 tháng 6 năm 2010, trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày tổng thống đầu tiên của nước này là ông Sukarno đề ra chủ thuyết "Pankasila", tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố rằng Nhà nước Indonesia là một nhà nước dân chủ bảo đảm sự hiện hữu của mọi nhóm, tôn giáo và tín ngưỡng". "Pancasila" [năm cột trụ] là nền tảng của cơ cấu và khế ước xã hội của quốc gia Indonesia hiện nay.
Ngay sau khi tổng thống Yudhoyono đưa ra tuyên bố trên đây, một Giáo hội Tin lành và nhiều tổ chức dân sự khác đã dựa vào đó để yêu cầu ông bảo đảm quyền của các tín hữu Kitô được xây cất các nơi thờ phượng cần thiết cho việc thực thi tôn giáo của họ.
Trong một tuyên ngôn được cho phổ biến hôm 2 tháng 6 năm 2010, mục sư Alexander Paulus, thủ lãnh Giáo hội Tin lành Indonesia đã tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu Nhà nước cũng như các chính quyền địa phương phải làm sao để Indonesia là một quốc gia trong đó chúng tôi luôn có thể gọi là tổ quốc của mình. Theo Hiến Pháp năm 1945, Nhà nước phải bảo đảm sự đối xử bình đẳng giữa mọi công dân Indonesia".
Theo mục sư Paulus, sự bình đẳng này phải bảo đảm cho mọi người Indonesia được tự do thực thi tôn giáo của mình cũng như xây cất các nơi thờ phượng. Trong tuyên ngôn, mục sư này nhấn mạnh rằng trong ba năm vừa qua, đã có ít nhứt 140 nhà thờ Kitô giáo và đền thờ Ấn giáo trên toàn quốc bị tấn công và ngay cả bị phá hủy.
Trong các tổ chức tham gia ký tên vào tuyên ngôn trên đây, có Hội đồng vì hòa bình và tôn giáo Indonesia, Tổ chức hoạt động cho nhân quyền và Viện Setara vì dân chủ và hòa bình.
CV.