Y khoa và phép lạ

 

Y khoa và phép lạ.

Australia (1/06/2010) - John Cornwell là một tác giả người Anh khá gây tranh cãi gần đây, nhất là từ lúc cho xuất bản cuốn Hitler's Pope vào năm 1999 chỉ trích Ðức Piô XII một cách thiếu vô tư, sai lịch sử, cho rằng ngài đã thỏa hiệp với Quốc Xã và hoàn toàn im lặng trước chính sách và hành động tận diệt người Do Thái của chủ nghĩa này. Năm năm sau đó, ông ta thú nhận: "Ngày nay, dưới ánh sáng các tranh luận và chứng cớ tiếp theo cuốn Hitler's Pope, tôi muốn thưa rằng Ðức Piô XII có một phạm vi hành động hạn hẹp đến nỗi ta không thể đoán chắc được các nguyên động lực khiến ngài im lặng trong thời gian chiến tranh, trong lúc Rôma sống dưới gót giầy của Mussolini và sau đó bị Quốc Xã chiếm đóng". Người ta tưởng ngòi bút của ông sẽ thận trọng hơn khi noí tới ngôi vị giáo hoàng. Nhưng không, năm 2004, ông cho xuất bản cuốn A pontiff in Winter chỉ trích nặng nề Ðức Gioan Phaolô II, được Damian Thompson, chủ bút tờ The Catholic Herald, cho là làm công việc của một chiếc rìu vì "thành tích của Ðức Gioan Phaolô II thường bị làm cho méo mó một cách sống sượng". Nói cho cùng, các trước tác của John Cornwell hoàn toàn phản ảnh cuộc đời của tác giả. Sinh ra trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo, lớn lên vào tiểu chủng viện Cotton College rồi lên đại chủng viện Oscott College năm 1958, chẳng bao lâu sau xuất tu và trong thập niên 1960, theo học ở Oxford và Cambridge. Chính thời gian này, Cornwell bỏ đạo, trở thành người bất khả tri. Nhưng nhờ lấy vợ Công Giáo, người đã dưỡng dục các con ông theo đức tin Công Giáo, nên 20 năm sau khi bỏ đạo đã trở lại với niềm tin của cha ông... nhưng là một đức tin "da báo" khi trắng khi đen, như ta vừa thấy.

Gần đây, John Cornwell có viết một cuốn sách về Ðức Hồng Y John Henry Newman, người sắp được phong chân phước vào tháng 9 tới, khi Ðức GH Bênêđíctô XVI qua thăm Nước Anh. Sách vừa được phát hành cuối tháng 5 năm 2010. Ngày 9 tháng 5 năm 2010, tờ Sunday Times dành cho ông một cột báo để ông nói lên niềm hoài nghi của mình về giá trị của phép lạ từng được Vatican công nhận làm căn bản cho việc phong chân phước cho Ðức HY Newman. Cornwell cho rằng tài liệu về phép lạ của Vatican "đi vào lãnh vực ngôn từ và não trạng trung cổ hết sức bí ẩn". Sau đó ông phê bình chính tính đáng tin về phương diện y khoa của "phép lạ", không quên chêm vào nhiều lời phê phán nặng nề đối với Ðức Bênêđíctô XVI.

Theo Cha John Flynn, một nhà phân tích của Zenit, Cornwell không đơn độc trong việc phỉ báng đối với việc sử dụng các trường hợp khỏi bệnh cách lạ lùng. Tháng 12 năm 2009, sau khi Rôma công bố việc công nhận một phép lạ cần có để phong thánh cho Nữ Tu Mary MacKillop của Úc, một chuyên gia y khoa ở Sydney, David Goldstein, lên tiếng hoài nghi phép lạ ấy. Trong một bài đăng trên tờ The Australian ngày 22 tháng 12 năm 2009, ông này cho rằng không thể xác định được việc khỏi bệnh ấy là kết quả của cầu nguyện. Theo một tường trình khác của tờ The Australian số ngày 24 tháng 12 năm 2009, Giám mục Anh Giáo của Sydney Bắc, Glenn Davies, cũng cùng một nhận định như thế. Vị này đặt câu hỏi: "Ai có thể chứng minh được rằng các phép lạ được tường trình kia thực sự là do Mary MacKillop làm?"

Cha Flynn cho rằng: điều may mắn là năm ngoái đã có một cuốn hướng dẫn rất tiện dụng được xuất bản, bàn tới các phản biện này và nhiều phản biện tương tự. Người xuất bản là Jacalyn Duffin, một y sĩ giữ ghế giáo sư Hannah Chair về lịch sử y khoa tại Ðại Học Queen, Ontario, Canada. Trong cuốn sách của mình tựa là Medical Miracles: Doctors, Saints, and Healing in the Modern World (Oxford University Press), Dufin khảo sát 1,400 phép lạ từng được sử dụng cho các vụ phong thánh từ năm 1588 tới năm 1999.

Óc tò mò về phép lạ của bà được đánh động khi được yêu cầu khảo sát các tế bào mẫu mà sau đó bà mới khám phá ra là từng được sử dụng trong các diễn trình phong thánh. Khi nhận được một bản "tiểu sử" (positio, hay tài liệu liên quan tới phép lạ) làm quà, bà mới bất thần hiểu ra các hồ sơ như thế này cần phải hiện diện cho bất cứ vị nào được phong thánh.

Nhân ở Rôma ít lần, bà đã tìm tòi hàng trăm hồ sơ như thế. Theo ước tính của chính bà, bà đã khảo sát từ 1/3 tới 1/2 các phép lạ được lưu trữ tại các văn khố của Vatican kể từ ngày luật lệ về việc phong thánh được đưa ra vào năm 1588.

Chứng cớ

Các qui định mới, vốn được đặt ra để cải tổ Giáo Hội thời hậu Thệ Phản, đòi phải có việc cẩn thận thu lượm chứng cớ và sau đó thận trọng khảo sát các tư liệu bởi các chuyên viên y khoa và khoa học. Duffin cho hay Paolo Zacchia (1584-1659) đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các hướng dẫn này. Trong các trước tác của mình, Zacchia giải thích nhiều loại phép lạ khác nhau và định nghĩa rằng để một vụ khỏi bệnh được coi là phép lạ, thì cơn bệnh phải thuộc loại bất trị và việc khỏi bệnh phải có tính hoàn toàn và tức khắc. Duffin nhận xét rằng các chuyên viên y khoa làm việc cho Vatican vẫn còn trích dẫn Zacchia cho đến tận thế kỷ 20.

Nhiều người phê phán việc lấy việc chữa lành thể lý làm căn bản để công bố một ai đó là thánh. Nhưng Duffin nhận định rằng nhu cầu đòi phải có chứng cớ đáng tin đã đẩy diễn trình chọn lựa hướng tới việc chữa lành vì ở đây có thể có những chứng nhân độc lập, trong đó có bác sĩ. Với thời gian, đã có những thay đổi trong phương cách phong thánh, nhưng khi khảo sát các hồ sơ trong 4 thế kỷ qua, Duffin tuyên bố rằng bà có ấn tượng hết sức tốt về sự ổn định đáng khâm phục trong cam kết đối với khoa học. Thực vậy, Giáo Hội nhất quán dựa vào tính hoài nghi khoa học để thử nghiệm giá trị của các phép lạ. Trong các hồ sơ phép lạ mà Duffin khảo sát, bà thấy các giáo sĩ sẵn sàng phục tùng ý kiến của các khoa học gia. Các nhà thẩm quyền trong Giáo Hội tạm hoãn một phán đoán về hoạt động siêu nhiên cho tới khi họ xác tín rằng các chuyên viên khoa học sẵn sàng nhìn nhận biến cố khỏi bệnh là không thể giải thích được. Bà quả quyết rằng: "Tôn giáo dựa vào cái hay nhất của sự khôn ngoan nhân bản trước khi đặt để một phán đoán dựa trên học lý mạc khải".

Một điểm nữa được bà nói thêm về mối liên hệ giữa khoa học và tôn giáo là: tôn giáo tỏ ra có khuynh hướng thoải mái với khoa học hơn là ngược lại. Vì trong các diễn trình này, một số y sĩ tỏ ra không thoải mái, như thể việc cộng tác của họ bị coi là một thứ phản bội đối với ý niệm của y khoa Phương Tây vốn không thừa nhận bệnh tật hay việc chữa trị có nguồn gốc thần linh.

Duffin nhận xét rằng trong thế kỷ 19, người Công Giáo và người Thệ Phản tranh luận với nhau về vấn đề liệu việc không giải thích được một vụ khỏi bệnh có thực sự có nghĩa biến cố ấy là một phép lạ hay không. Bà nói thêm rằng cuộc tranh luận ấy nay vẫn còn vì như một trong các đồng nghiệp của bà cho biết nếu ta không biết giải thích cách tự nhiên, thì hẳn phải có thứ giải thích khác.

Tuy nhiên, theo Duffin, thái độ như thế thực sự không giải đáp được vấn nạn chủ yếu nhất liên quan tới các phép lạ y khoa. Thái độ duy thực nghiệm (positivist), một thái độ vốn từ chối không chấp nhận phép lạ, chủ trương rằng ta phải coi bất cứ điều lạ lùng nào là ảo giác hay dối trá, vì chỉ có một thế giới tự nhiên mà thôi. Duffin cho rằng việc tin tưởng như thế vào việc giải thích tự nhiên, thực tế, chỉ là một niềm tin mang mặt nạ sự kiện. Nói cách khác, quả quyết rằng một phép lạ đơn thuần chỉ là truyện không thể xẩy ra thì đâu có thuận lý hơn hay thuận lý kém một hành vi đức tin, vốn xác quyết phép lạ là điều có thể xẩy ra.

Theo Duffin, sự khác nhau giữa phương thức tôn giáo và phương thức duy thực nghiệm hệ ở việc giải thích chứng cớ. Qui điển y khoa là qui điển phát sinh từ truyền thống chống duy thần, trong khi đối với tôn giáo, mọi giải thích khoa học có giá trị phải được loại bỏ trước khi người ta có thể công bố một phép lạ. Trong cả hai phương thức, đều có điều không biết, nhưng người tôn giáo sẵn sàng chấp nhận vai trò tác nhân của Thiên Chúa.

Kiến thức y khoa

Vì nhiều người vẫn chưa chịu nhìn nhận khả thể Thiên Chúa có thể can thiệp, nên Giáo Hội Công Giáo chắc chắn phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng các tài nguyên y khoa để có thể loại bỏ bất cứ lối giải thích tự nhiên nào cho việc khỏi bệnh. Trong một chương của Sách, Duffin đã khảo sát việc sử dụng kiến thức y khoa vào diễn trình phong thánh. Trước nhất, Vatican không thừa nhận là lành bệnh lạ lùng nơi người nào từ khước việc chữa chạy chính thống của y khoa, để chỉ tin vào đức tin. Việc điều trị của các bác sĩ cung cấp cho ta chứng cớ y khoa khách quan, tránh được bất cứ sự thao túng nào đối với trường hợp đang bàn.

Nhờ khảo sát các hồ sơ, Duffin thấy rằng mỗi ngày các chứng cớ của bác sĩ càng được coi trọng hơn. Các hồ sơ được bà khảo sát cho thấy trong thế kỷ 17, trung bình mỗi hồ sơ phong thánh đều có một bác sĩ điều trị được nêu danh, nhưng chỉ một thiểu số đích thân ra làm chứng. Tuy nhiên, sau năm 1700, ít nhất có từ 1/3 hay nhiều hơn các y sĩ được nêu tên trong hồ sơ đã đích thân đứng ra làm chứng.

Hạ bán thế kỷ 17, chứng cớ của các y sĩ điều trị cho bệnh nhân đã được bổ túc bằng các quan sát viên y khoa độc lập. Sau cùng, con số các bác sĩ chuyên môn được tham khảo đã gia tăng đáng kể đến độ ngang bằng hay có khi vượt cả con số các y sĩ điều trị. Duffin cũng nhấn mạnh rằng Giáo Hội không chỉ hoàn toàn dựa vào các bác sĩ Công Giáo mà thôi. Các cuộc điều tra có xem sét tới đức tin của mọi nhân chứng, kể cả của các bác sĩ. Trước thế kỷ 20, phần lớn các phép lạ xẩy ra trong các nước thuộc Âu Châu, nơi phần đông các bác sĩ là người Công Giáo. Tuy nhiên, nhiều người thú nhận là họ không thường xuyên thực hành niềm tin của mình, một số còn cho là mình từng bị vạ tuyệt thông. Nhưng không ai bị loại làm nhân chứng cả. Những năm gần đây, các bác sĩ thuộc các tín ngưỡng khác và ngay những người công khai tuyên bố mình vô tín ngưỡng vẫn đã đứng ra làm chứng. Cuối cùng, một phép lạ chỉ được công bố khi các bác sĩ sẵn sàng nhìn nhận mình không biết người bệnh lành bệnh ra sao khi phương pháp điều trị y khoa tốt nhất đã thất bại. Một sự nhìn nhận mà não trạng kiêu hãnh hiện đại vốn tin vào kiến thức và khoa học ngày nay khó mà đưa ra được. Chỉ có điều: những người có tín ngưỡng như John Cornwell hay giám mục Anh Giáo Glenn Davies đã tỏ ra còn khó nhìn nhận sự thật ấy hơn các nhà khoa học nữa.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page