Lễ Kỉ niệm 127 năm

thành lập giáo phận Bắc Ninh

Khơi lên tinh thần tử đạo

 

Lễ Kỉ niệm 127 năm thành lập giáo phận Bắc Ninh - Khơi lên tinh thần tử đạo.

Bắc Ninh, Việt Nam (29/05/2010) - Ngày 29 tháng 5 năm 2010 - Trời mưa gió vẫn không thể cản ngăn bước chân của quý linh mục, tu sĩ, Ban hành giáo và hàng ngàn giáo dân hội tụ về mừng lễ kỉ niệm 127 năm thành lập giáo phận tại tòa giám mục và nhà thờ chính tòa Bắc Ninh. Lễ kỉ niệm năm nay là một dịp đặc biệt để mọi người ôn lại, cảm nghiệm và noi gương niềm Tin Cậy Mến son sắt, anh dũng hi sinh của các vị tử đạo Bắc Ninh.


Lễ kỉ niệm 127 năm thành lập giáo phận tại tòa giám mục và nhà thờ chính tòa Bắc Ninh.


Mở đầu buổi lễ là cuộc rước Chúa Giêsu, Ðức Mẹ Mân Côi, Linh cốt thánh tử đạo và một số kiệu hoa Ðức Mẹ tháng năm. Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, quý cha, quý tu sỹ cùng các đoàn thể như kèn đồng, trống trắc, hội hoa, ca đoàn đi theo các kiệu rước. Lúc này, trời chỉ còn mưa lác đác như đang vãi những hạt ân sủng xuống cho Bắc Ninh. Ðoàn rước khởi hành từ lễ đài trước Trung tâm Mục vụ Giáo phận đi ngang qua khuôn viên tòa giám mục và tiến vào nhà thờ chính tòa Bắc Ninh.

Khi toàn bộ đoàn rước đã vào trong nhà thờ, nghi lễ Tế nguyện công đức tiền nhân diễn ra thật cảm động và linh thiêng. Bài vị các thánh tử đạo được đặt trang trọng giữa gian cung thánh, hai vị cầm lọng đứng hai bên. Ðoàn tế gồm quý linh mục và quý vị chức việc trong trang phục truyền thống dân tộc uy nghi tiến lên tế lễ trong tiếng trống chiêng trầm hùng vang vọng. Bài tế như một lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban muôn phúc lành cho giáo phận Bắc Ninh, và cũng là lời ghi ơn và tôn kính các vị tiền nhân "đã hy sinh xương máu, đã chẳng tiếc mồ hôi, để gieo giống đức tin, xây nền Giáo phận".

Sau nghi thức tế lễ tiền nhân, linh mục chánh văn phòng công bố quyết định của đức cha nhận Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các Thánh Tử Ðạo Bắc Ninh làm Bảo Trợ thứ hai, sau Ðức Mẹ Mân Côi là vị Bảo Trợ thứ nhất giáo phận Bắc Ninh. Lí do được đưa ra là: Giáo phận Bắc Ninh có được như ngày hôm nay một phần rất quan trọng là do cha ông đã trung kiên, can đảm sống và làm chứng cho đức tin. Máu các ngài đổ ra là di sản vô giá mà giáo phận có nghĩa vụ bảo tồn và phát huy. Như thế, khi quyết định nhận Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các Thánh Tử Ðạo Bắc Ninh làm Bảo Trợ thứ hai, đức cha muốn khơi dạy tinh thần tử đạo hi sinh và khêu lên ngọn lửa tin mến tha thiết nơi mọi người trong giáo phận. Nhờ đó mà giáo phận luôn kiên trung và thăng tiến.

Ðầu thánh lễ, Ðức cha chủ tế nêu ý nghĩa việc kỉ niệm 127 năm thành lập giáo phận và công ơn của các vị tiền nhân tử đạo. Ðức cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện không chỉ cho mọi tín hữu trong giáo phận, mà là cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ giáo phận, kể cả những người hiểu lầm, gây khó khăn cho giáo phận như gương các thánh tử đạo xưa cầu nguyện cho cả những kẻ giết các Ngài.

Phần bài giảng, Ðức cha tập trung vào chủ đề "vui mừng và hi vọng". Vui mừng vì có các bậc tiền nhân sống đức tin hi sinh anh dũng. Các Ngài đã giương cao ngọn cờ chiến thắng vì đã chứng minh tấm lòng quả cảm, ý chí kiên cường: chịu chết vì chính nghĩa đức tin, vì lòng yêu thương tha thiết, theo tinh thần đại nghĩa, chẳng vương chút hận thù: "Ðấng trượng phu, đừng thù mới đáng, - Ðấng anh hùng, đừng oán mới hay"! Ðức cha cũng lược qua những nét nổi bật của thánh tử đạo Giuse Hoàng Lương Cảnh - vị thánh tử đạo duy nhất sinh ra, lớn lên, sống làm việc và tử đạo tại chính Bắc Ninh, và 6 vị thánh sinh ra ở ngoài Bắc Ninh, nhưng phục vụ và tử đạo tại Bắc Ninh, đó là các thánh: Phêrô Nguyễn Văn Tự, Ðaminh Bùi Văn Úy, Augustinô Nguyễn Văn Mới, Tôma Nguyễn Văn Ðệ, Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu và Stêphanô Nguyễn Văn Vinh; rồi thêm 2 thánh sinh ra tại Bắc Ninh, nhưng phục vụ và tử đạo tại nơi khác: thánh Anrê Trần An Dũng Lạc và thánh Ðaminh Cẩm. Bên cạnh các vị tử đạo đã được phong thánh, Bắc Ninh còn tự hào có 100 vị Ðầu Mục (những người đứng đầu Ban hành giáo, tương tự như ông Trùm) đã anh dũng hi sinh làm chứng cho đức tin son sắt của mình.

Sau khi lược qua lịch sử hào hùng của các bậc tiền nhân tử đạo, đức cha hi vọng giáo phận sẽ được thăng tiến nhờ ơn Chúa, nhờ phúc ấm của tiền nhân và lòng thảo hiếu, noi gương tiền nhân của cháu con. Cái chết của các vị tử đạo đã minh chứng rằng: tín ngưỡng tôn giáo là cái gì sâu xa, bền bỉ, linh thiêng không thể xóa nhòa, dập tắt bằng những mãnh lực bên ngoài. Ðức cha tha thiết mời gọi toàn thể cộng đoàn là con cháu các Thánh Tử Ðạo Bắc Ninh, hãy noi gương các ngài: sẵn lòng sống chết vì Chúa. Chính nhờ máu các thánh tử đạo mà Giáo hội mới được như hôm nay. Ðó là bài học chúng ta phải ghi nhớ trong lòng. Giáo hội phát triển là nhờ những tín hữu dám sống chết cho niềm tin của mình.

Bắc Ninh đã chính thức nhận thánh tử đạo Giuse Hoàng Lương Cảnh, một giáo dân, làm thánh bảo trợ giáo phận. Vậy sao lại không dám mơ ước rằng: Bắc Ninh sẽ không chỉ có 1 thánh tử đạo Giuse Hoàng Lương Cảnh, mà còn có 125 ngàn Giuse Hoàng Lương Cảnh khác, bởi lẽ, như người Việt Nam thường nói: Cha nào con ấy. Họ nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh!

Nguyện xin Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các Thánh Tử Ðạo Bắc Ninh cầu bầu cùng Chúa thêm sức cho chúng ta sống xứng đáng là con cháu các ngài, có đủ can đảm bước tiếp con đường hi sinh anh dũng vì niềm tin, vì lòng mến Chúa yêu người mà các Ngài đã đi. Tất cả những người con của Mẹ Giáo phận Bắc Ninh dù ở bất cứ nơi đâu cũng đừng bao giờ quên rằng: chúng ta mang trong mình dòng máu của các thánh tử đạo là những người đã đặt Chúa lên trên cả mạng sống của mình.

Sau đây xin trân trọng giới thiệu toàn văn quyết định nhận thánh bảo Trợ thứ hai của giáo phận, bài văn tế và bài giảng trong thánh lễ:

 

- Quyết định nhận thánh bảo Trợ thứ hai của giáo phận

 

Tòa Giám Mục Bắc Ninh

TP. Bắc Ninh - Việt Nam

Tel: +84 (241) 382 1438

Fax: +84 (241) 382 4843

Email: tgmbn@yahoo.com

Số 050/2010/QÐ-TGM

 

Quyết Ðịnh Nhận Thánh Bảo Trợ Thứ Hai Của Giáo Phận

 

Hôm nay, Giáo phận Bắc Ninh hân hoan mừng kỷ niệm 127 năm được Tòa Thánh chính thức thành lập (ngày 29.05.1883 - 29.05.2010). Giáo phận chúng ta có được như ngày hôm nay một phần rất quan trọng là do cha ông chúng ta đã trung kiên, can đảm sống và làm chứng cho đức tin. Cái chết của các ngài tháp nhập vào cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô làm trổ sinh các tín hữu, và làm cho giáo phận phát triển không ngừng. Các ngài đã đi vào ký ức ngàn đời của Hội Thánh nói chung và của giáo phận nói riêng. Máu các ngài đổ ra là di sản vô giá mà giáo phận có nghĩa vụ bảo tồn và phát huy.

Trong tinh thần Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam: - Kính nhớ các bậc tiền nhân và các chứng nhân đức tin. - Học hỏi và noi gương các ngài.

Với tâm tình cảm tạ tri ân, tôi Cosma Hoàng Văn Ðạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh quyết định: kể từ hôm nay ngày 29.05.2010, giáo phận Bắc Ninh chúng ta sẽ nhận Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các Thánh Tử Ðạo Bắc Ninh làm Bảo Trợ thứ hai.

Xin các Thánh Tử Ðạo Bắc Ninh chuyển cầu và giúp đỡ chúng ta trở nên con cháu xứng đáng của các ngài, trung thành giữ vững đức tin, luôn nhẫn nại trong gian khổ, tuyệt đối phó thác nơi Chúa quan phòng, can đảm dấn thân làm muối men cho đời bằng đời sống yêu thương và phục vụ.

Nhờ lời cầu bầu của Ðức Mẹ Mân Côi và các Thánh Tử Ðạo Bắc Ninh, xin Chúa cho giáo phận chúng ta luôn kiên trung và thăng tiến.

Bắc Ninh, ngày 29 tháng 05 năm 2010

(Ðã ký)

Cosma Hoàng Văn Ðạt, SJ

Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh

 

- Tế Nguyện Công Ðức Tiền Nhân

Hôm nay:

Khởi nhật trung tuần tháng Tư, Canh Dần niên.

Nhằm ngày hai mươi chín tháng năm

Nhất thập đệ tam thiên niên kỷ,

Con Thiên Chúa giáng trần cứu độ chúng sinh.

Nơi đài thiêng:


Nghi lễ Tế nguyện công đức tiền nhân diễn ra thật cảm động và linh thiêng.


Ánh nến lung linh, hương trầm nghi ngút

Hoà quyện linh khí đất Kinh Bắc địa linh, nhân kiệt.

Chúng con gồm:

Ðức Cha Cosma Hoàng Văn Ðạt,

Giám mục Giáo phận Bắc Ninh,

Hiệp cùng các linh mục, tu sĩ chủng sinh,

Các chức việc, các ban hành giáo

Cùng cộng đoàn Dân Chúa đồng hương

Khắp bốn phương quy về một hướng.

Nhân ngày kỷ niệm,

127 năm thành lập Giáo phận Bắc Ninh.

Trong Nhà thờ Chính Toà 118 tuổi,

Trước linh vị các Ðấng Tiền nhân,

Khởi tấu:

Xin cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa,

Ðấng ngự chốn cửu trùng chí thánh, chí tôn.

Xin ghi ơn liệt tổ, liệt tông,

Ðã hy sinh xương máu, đã chẳng tiếc mồ hôi,

Ðể gieo giống đức tin, xây nền Giáo phận.

Gẫm suy:

Giáo phận Bắc Ninh,

Từ Kẻ Mốt đến Kẻ Nê ra tới cửa Lục Ðầu,

Ðường truyền giáo lênh đênh theo dòng nước ngược:

Vào sông Lục Nam lên tới Tiên Nha, Ðại Lãm.

Theo ngả sông Cầu qua Phong Cốc, Yên Tập, Kẻ Roi, Ðạo Ngạn,

Ðến Nhã Lộng, rồi Bắc Cạn, Thái Nguyên.

Rẽ vào sông Thương, đây An Tràng, Bắc Giang, Mỹ Lộc

Tới Tân An, Bố Hạ rừng cam.

Từ sông Ðuống qua Ngăm Giáo, Cẩm Giang,

Ngược sông Hồng qua Tử Ðình, Thường Lệ,

Tới Dân Trù, Bạch Hạc, Vĩnh Yên.

Ngược sông Thao vào sông Lô,

Ðến Vân Cương, Ðồng Chương, Chiêm Hoá.

Từ Thiết Nham,

Qua Cầu Lường, Ðồng Mỏ,

Vượt Ải Chi Lăng, ghi dấu chân rướm máu:

Giáo phận Lạng Sơn từ gốc Mẹ Bắc Ninh.

Mừng ngày đại khánh,

Bách tử thiên tôn,

Ngưỡng kính:

Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh

Cùng Mười vị hiển thánh anh hùng.

Một trăm vị Ðầu Mục kiên trung,

Ðức Cha Côlômê Lễ

Cùng tám vị mục tử tận tình.

Lớp lớp linh mục, kẻ giảng, tu sỹ Ðaminh,

Hàng hàng giáo dân muôn lòng như một:

Ðã viết nên trang sử vàng sáng chói.

Nay con cháu cúi đầu lạy tạ,

Sắm lễ mọn lòng thành,

cùng Liệt tổ liệt tông hiệp thông phối tế.

Dâng lên Chúa Tể muôn loài,

Khấng ban Phúc trường sinh, đồng quy thượng hưởng,

Thượng hưởng, thượng thượng hưởng.

 

- Bài giảng trong thánh lễ

 

Theo thỉnh nguyện của Ðức cha Antonio Colomer Lễ, lúc ấy là giám mục tông toà Ðông Ðàng Ngoài (gồm giáo phận Hải Phòng, giáo phận Bắc Ninh và giáo phận Lạng Sơn hiện nay), ngày 29.5.1883, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII công bố quyết định thiết lập giáo phận Bắc Ðàng Ngoài (gồm giáo phận Bắc Ninh và giáo phận Lạng Sơn hiện nay), tách khỏi giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, để hoạt động truyền giáo hiệu quả hơn. Ðồng thời Toà Thánh bổ nhiệm chính Ðức cha Lễ coi sóc giáo phận Bắc Ðàng Ngoài. Năm 1913, Toà Thánh thiết lập giáo phận Lạng Sơn, tách từ giáo phận Bắc Ðàng Ngoài. Từ năm 1924, giáo phận Bắc Ðàng Ngoài được đổi tên thành giáo phận Bắc Ninh.

Cách đây 2 năm, nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập, lẽ ra Giáo Phận phải mừng long trọng, nhưng lúc ấy chỉ mừng âm thầm vì còn để tang Ðức cha cố Giuse Maria. Nay nhân dịp Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, trong tinh thần nhớ ơn các bậc tiền nhân, ân nhân và chứng nhân, hôm nay chúng ta họp nhau đây để tạ ơn Chúa và xin các thánh tử đạo Bắc Ninh chuyển cầu đặc biệt cho Giáo Phận, từng người, từng gia đình, từng xứ họ và toàn thể Giáo Phận, cũng như mọi người chung sống với chúng ta trong Giáo Phận.

Chúng ta cùng nhau ôn lại đôi nét lịch sử của Giáo Phận. Các nhà truyền giáo đầu tiên đã giới thiệu Tin Mừng cho giáo phận và những tín hữu đầu tiên đã đón nhận đức tin từ những năm 40 của thế kỷ 17. Ðến thế kỷ 19, công cuộc truyền giáo ở giáo phận Bắc Ninh chưa phát triển lắm, cụ thể là vẫn chưa có một giáo xứ nào được thiết lập. Dưới thời các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Ðức, giữa thế kỷ 19, các cuộc bách hại khốc liệt đã là cơ hội cho hơn 100 ngàn chứng nhân đức tin hy sinh mạng sống vì Chúa. Giáo phận Bắc Ninh lúc ấy còn rất non nớt, nhưng đã góp một phần không nhỏ.

Trước hết chúng ta nhớ đến thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh. Ngài sinh tại họ Yên Lễ, tỉnh Bắc Giang. Ngài làm nghề thầy thuốc: ở đâu có người bệnh cần đến ngài thì ngài đi giúp. Ngài được chọn làm trùm họ. Ðầu tháng 7 năm 1838, sau khi rửa tội cho một em bé ở làng Thổ Hà, ngài bị bắt ở bến đò, thuộc họ Nguyệt Ðức hiện nay. Ngài bị giam cùng với thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, 2 thầy giảng và 3 giáo dân Kẻ Mốt, tại thành Bắc Ninh. Ngày 5.9.1838, ngài cùng với cha Tự bị xử trảm tại làng Cổ Mễ bên bờ sông Cầu. Năm ấy ngài 75 tuổi. Ngài là vị tử đạo duy nhất sinh ra trong Giáo Phận, sống và làm việc suốt đời trong Giáo Phận, hy sinh trong Giáo Phận được tôn phong hiển thánh.

Kế đến chúng ta nhớ đến thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, linh mục dòng Ðaminh, coi sóc họ Kẻ Mốt. Ngài bị bắt ngày 29.6.1838 cùng với hai thánh thầy giảng là Phanxicô Xavie Hà Trọng Mậu, Ðaminh Bùi Văn Uý và 3 thánh giáo dân Âutinh Nguyễn Văn Mới, Tôma Nguyễn Văn Ðệ, Stêphanô Nguyễn Văn Vinh. Các ngài cùng bị giam với thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh tại thành Bắc Ninh. Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự cùng bị xử trảm với thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh. Các vị còn lại bị xử giảo tại làng Cổ Mễ ngày 19.12.1839.

Trên đây là 7 vị tử đạo tại Giáo Phận và đã được phong hiển thánh.

Chúng ta cũng nhớ đến hai người con của Giáo Phận làm linh mục và phục vụ cũng như chịu tử đạo ngoài Giáo Phận. Thánh Anrê Dũng Lạc làm linh mục giáo phận Hà Nội và chịu tử đạo tại Hà Nội năm 1838. Thánh Ðaminh Cẩm làm linh mục giáo phận Thái Bình, chịu tử đạo tại Hưng Yên. Chúng ta không quên hai vị thánh mặc dù sinh ra ngoài Giáo Phận và chịu tử đạo ngoài Giáo Phận nhưng đã đến phục vụ Giáo Phận. Thánh Vinh sơn Ðỗ Yến, linh mục dòng Ðaminh đã coi sóc giáo dân vùng Gia Bình và Lương Tài, chịu tử đạo tại Hải Dương năm 1838. Thánh Phêrô Amato Bình, linh mục dòng Ðaminh người Tây Ban Nha đã coi sóc giáo dân vùng Bắc Giang, chịu tử đạo năm 1861 tại Hải Dương.

Một sự kiện có lẽ lịch sử Hội Thánh đông tây kim cổ không có là 100 vị đầu mục, tức là các vị trong các ban Hành Giáo từ khắp nơi trong Giáo Phận lúc ấy, cùng chịu chết một ngày tại cổng thành Bắc Ninh năm 1862. Gọi chung là 100 vị đầu mục, nhưng thực ra có một số quân nhân và một số người nhà Ðức Chúa Trời, tức là các thanh niên muốn dâng mình cho Chúa để phục vụ Hội Thánh. Các ngài đã bị bắt giam, tra khảo, đe doạ, cuối cùng một số vị bị đâm chém rồi đẩy xuống hố chôn tập thể, đa số bị chôn sống.

Chúng ta nêu lên ở đây một vài điều khá đặc biệt nơi các vị tử đạo Bắc Ninh. Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh đã 75 tuổi, lẽ ra theo luật nước thời ấy không bị kết án tử hình, nhưng ngài vẫn bị kết án tử hình. Khi quan hỏi ngài về các kinh trong đạo, ngài đọc nhiều điều, trong đó có câu: "Xin Chúa cho vua quan cai trị nước này càng ngày càng thịnh", quan bảo: "Ngươi đang bị vua quan kết án mà vẫn cầu nguyện cho vua quan!", ngài trả lời: "Ðạo chúng tôi là đạo yêu thương, nên cầu nguyện cho cả những người thù ghét đạo". Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự trong khi bị giam tìm thấy một quyển sổ ghi tên các giáo dân Kẻ Mốt. Ngài đã xin lính một cái chiếu để khỏi bị muỗi đốt, nhưng thực ra là ngài đắp chiếu để xé quyển sổ mà nuốt, và khi không nuốt được nữa, ngài xé vụn để giáo dân không bị quan quân làm hại. Khi được yêu cầu quá khoá, tức là bước qua Thánh Giá, ngài nói: "Thiên Chúa là thượng phụ, vua là trung phụ, cha mẹ là hạ phụ. Tôi không thể vì cha mẹ mà phản bội vua, cũng không thể vì vua mà phản bội Thiên Chúa được." Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh đến Kẻ Mốt cày thuê cuốc mướn kiếm ăn, nhưng nhờ đó biết đạo. Mặc dù chưa được rửa tội, ngài nhất định không chịu quá khoá, nên bị bắt. Ngài được thánh Phêrô Tự rửa tội trong khi bị giam giữ ở thành Bắc Ninh. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong các thánh tử đạo Việt Nam là bị bắt khi còn là dự tòng. Tượng chịu nạn chúng ta thấy trong nhà thờ Chính Tòa hôm nay chính là tượng đã được các quan yêu cầu các vị đầu mục bươc qua, nhưng các ngài đã từ chối. Cám ơn xứ Xuân Hoà, nơi có 26 vị tử đạo, đã gìn giữ được gia sản vô giá này.

Với các thánh tử đạo Bắc Ninh, chúng ta có được mẫu gương cho mọi thành phần dân Chúa: những người dâng mình cho Chúa, các ban Hành Giáo, các giáo lý viên, các thầy thuốc, các công nhân, các nông dân, các quân nhân, các chủng sinh, cũng như cả các tân tòng và các dự tòng nữa.

Các vị tử đạo Bắc Ninh đã viết nên những trang sử hào hùng nhất của Giáo Phận và trở thành những hạt lúa gieo xuống đất chịu thối đi để sinh muôn vàn bông hạt là Giáo Phận hiện nay. Từ khoảng 25 ngàn giáo dân trong 11 xứ đầu tiên khi mới thành lập, trải qua bao thăng trầm, nay Giáo Phận có 125 ngàn giáo dân. Ngoài ra, con cái Giáo Phận có mặt nhiều nơi, đặc biệt ở Miền Nam và ở nước ngoài. Tính từ năm 1954 đến nay, Giáo Phận đã cung cấp cho các nơi ngoài Giáo Phận khoảng 150 linh mục, trong số ấy có 1 giám mục, 3 viện phụ, một số cha Tổng Ðại Diện, một số cha bề trên các dòng tu, và không ít các giáo sư chủng viện.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì các vị tử đạo là một hồng ân vô giá Chúa ban cho Giáo Phận. Không những các ngài chuyển cầu cho chúng ta mà còn là những mẫu gương chói sáng để chúng ta học hỏi và noi theo. Có lẽ chúng ta không có dịp đổ máu vì đức tin như các ngài, nhưng chúng ta không thiếu những dịp hy sinh vì đức tin với các ngài.

Như các ngài, chúng ta hãy quý trọng ơn đức tin đã lãnh nhận. Ðức tin là ánh sáng Chúa soi chiếu chúng ta trên đường đời. Chúng ta hãy siêng năng đọc kinh cầu nguyện, đọc sách báo đạo, nghe đài phát thanh đạo, xem phim ảnh đạo, học giáo lý, đọc Sách Thánh, nhất là tham dự thánh lễ, để đức tin được nuôi dưỡng và lớn mạnh không ngừng. Chúng ta hãy tránh xa các tệ nạn xã hội cũng như các dịp đưa chúng ta xa Chúa và Hội Thánh.

Chúng ta cố gắng xây dựng gia đình thánh thiện theo tinh thần đức tin để gia đình thực sự hạnh phúc. Chúng ta hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của xứ họ và Giáo Phận, để mỗi người và cả Giáo Phận cùng lớn lên không ngừng. Chúng ta hãy nâng đỡ những người hiến thân phục vụ Hội Thánh như các linh mục tu sĩ, các ban Hành Giáo, các hội đoàn.

Ðối với mọi người trong cũng như ngoài đạo, chúng ta nhận ra hình ảnh Chúa trong mỗi người, sống đoàn kết, đùm bọc nhau, lấy yêu mến và phục vụ làm phương châm. Chúng ta hãy đặc biệt bác ái với những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh. Ðối với những ai lầm lỡ hoặc làm chúng ta phải đau khổ, chúng ta rộng lòng tha thứ và giúp đỡ để họ có đời sống tốt đẹp hơn.

Làm như vậy là chúng ta viết tiếp những trang sử vàng của Giáo Phận mà các bậc cha ông của chúng ta đã viết bằng cả đời sống cũng như cái chết của các ngài. Nhờ lời cầu khẩn của Mẹ Maria Mân Côi và của các ngài, xin Chúa cho Giáo Phận thân yêu của chúng ta luôn luôn trung kiên và không ngừng thăng tiến.

+ Cosma Hoàng Văn Ðạt

Giám mục giáo phận Bắc Ninh

 

Nguyễn Xuân Trường

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page