Thánh Tôma Tiến Sĩ, bậc thầy của tư tưởng

và mẫu gương của việc nghiên cứu thần học

 

Thánh Tôma Tiến Sĩ, bậc thầy của tư tưởng và mẫu gương của việc nghiên cứu thần học.

Vatican (Vat. 2/06/2010) - Thánh Toma thành Aquino là bậc thầy của tư tưởng và là mẫu gương của việc nghiên cứu thần học. Qua việc học hiểu sâu rộng và tường tận triết lý của Aristotele, thánh nhân cho thấy rằng giữa đức tin kitô và lý trí có sự hòa hơp tự nhiên. Những gì không thích hợp được với đức tin thì không phải lý trí đích thật, và những gì ngược lại vời lý trí thì không phải là đức tin đích thật. Qua đó thánh Toma Tiến Sĩ đã tạo ra một tổng hợp mới tạo làm nền tảng văn hóa cho các thế kỷ sau đó.

Ðức Thánh Cha Benedicto XVI đã khẳng định như trên trước gần 30,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư mùng 2 tháng 6 năm 2010 tại quảng trường thánh Phêrô.

Sau mấy bài giáo lý về chức linh mục và các chuyến công du, trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha trở lại với đề tài chính là vài tư tưởng gia lớn của thời Trung Cổ, lần này là gương mặt của thánh Toma Tiến Sĩ, được đề nghị với Giáo Hội như là bậc thầy của tư tưởng và mẫu gương của việc làm thần học một cách đúng đắn. Sau thánh Agostino, thánh Toma Tiến Sĩ đã được Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trích dẫn nhiều nhất, đến 61 lần. Thánh nhân được gọi là "Tiến Sĩ thiên thần", có lẽ vì các nhân đức, nhất là vì sự cao vượt của tư tưởng và cuộc sống trong sạch của người.

Ðề cập tới tiểu sử thánh Toma Ðức Thánh Cha nói: Toma sinh giữa các năm 1224-1225 trong lâu đài của gia đình trưởng giả giầu có tại Roccasecca, gần Aquino và đan viện Montecassino, nơi người được cha mẹ gửi trọ học và nhận được các yếu tố đầu tiên của việc giáo huấn. Vài năm sau đó, người được thuyên chuyển về Napoli, thủ đô của Vương quốc Sicilia, nơi vua Philiphê đã thành lập một đại học nổi tiếng. Trong đại học này tư tưởng của triết gia Aristotele được giảng dậy mà không bị hạn chế cấm đoán như ở các nơi khác. Ðiều đáng nói là chính trong những năm theo học tại Napoli thánh Toma gia nhập Dòng Ða Minh, được thánh Ða Minh thành lập ít năm trước đó. Nhưng khi người mặc áo thì bị gia đình chống đối nên Toma phải trở về sống trong gia đình một thời gian.

Năm 1245 vì đã trưởng thành nên Toma có thể theo con đường ơn gọi của mình. Người được Dòng gửi đi học thần học tại Paris dưới sự hướng dẫn của thánh Alberto Cả. Giữa hai thầy trò nảy sinh tình bạn sâu đậm và yêu mến lòng qúy trọng nhau lớn tới độ thánh Alberto Cả muốn Toma theo người đến Koeln bên Ðức, nơi Dòng gửi thánh nhân đến để thành lập một học viện thần học. Thế là Toma có địp tiếp xúc với các tác phẩm lớn của triết gia Aristotele và các tác giả chú giải A rập.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: vào thời đó nền văn hóa Latinh được kích thích sâu xa bởi sự gặp gỡ với các tác phẩm của triết gia Aristotele, đã không được biết tới cho tới thời ấy. Ðây là các tác phẩm liên quan tới sự hiểu biết thiên nhiên, các khoa học thiên nhiên, siêu hình, linh hồn và luân lý đạo đức, giầu tin tức và trực giác xem ra có giá trị và có sức thuyết phục. Ðó đã là một quan niệm đầy đủ về thế giới được phát triển trước và không có Chúa Kitô, nhưng chỉ với lý trí tinh tuyền, và xem ra được áp đặt cho lý trí như là chính thị kiến, vì thế nên nó lôi cuốn người trẻ hiểu biết triết lý này. Nhiều người hăng say tiếp nhận hành trang hiểu biết cổ xưa ấy mà không có óc phê bình, vì xem ra nó canh tân văn hóa và mở ra các chân trời mới. Nhiều người khác sợ rằng tư tưởng ngoại giáo của triết gia Aristotele đi ngược lại với đức tin kitô nên khước từ học hiểu nó. Hai nền văn hóa gặp gỡ nhau: nền văn hóa tiền kitô của Aristotele với tính cách lý sự triệt để của nó và nền văn hóa cổ điển kitô. Một vài môi trường được hướng đẫn khước từ Aristotele, lý do cũng vì nó được giới thiệu bởi các nhà chú giải A rập như Avicenna và Averroè. Chẳng hạn các nhà chú giải A rập này dậy rằng con người không có trí thông minh riêng, mà chỉ có trí thông minh duy nhất đại đồng mà thôi. Nó là bản thể tinh thần chung cho tất cả mọi người, hoạt động trong mọi người như là bản chất duy nhất: như thế có sự truất phế bản vị con người. Có một điểm khác nữa đáng được thảo luận đó là quan niệm thế giới vĩnh cửu như Thiên Chúa. Và các điểm này làm nảy sinh ra các tranh luận bất tận trong thế giới đại học và trong Giáo Hội. Nhưng triết lý của Aristotele được phổ biến giữa dân thường.

Theo học trường của thánh Alberto Cả, thánh Toma đã nắm giữ hoạt động quan trọng nền tảng đối với lịch sử triết lý và thần học, và đối với cả lịch sử của nền văn hóa nữa. Toma học hiểu tường tận Aristotele và các người giải thích tư tưởng của ông, dịch ra tiếng Latinh các tác phẩm gốc tiếng Hy lạp. Và như thế người không cần phải dựa trên các nhà chú giải A rập nữa, nhưng có thể đọc các văn bản gốc, và chú giải đa số các tác phẩm của Aristotele, phân biệt điều có giá trị và điều đáng nghi ngờ hay cần phải khước từ, cho thấy sự phù hợp với các dữ kiện của Mạc Khải kitô và dùng tư tưởng của Aristotele một cách rộng rãi và sâu sắc trong việc trình bầy các tác phẩm thần học mà thánh nhân biên soạn. Ðức Thánh Cha đã nhận xét về thánh Toma như sau:

Cuối cùng, Toma thành Aquino cho thấy rằng giữa đức tin kitô và lý trí có sự hòa hơp tự nhiên. Và công trình lớn của thánh Toma đã là trong lúc hai nền văn hóa gặp gỡ nhau, khi xem ra đức tin phải hàng phục trước lý trí, thì thánh nhân cho thấy rằng chúng đồng hành với nhau; những gì xem ra là lý trí nhưng không thích hợp được với đức tin, thì không phải là lý trí thật, và những gì xem ra là đức tin, thì không phải là đức tin thật khi nó ngược lại với lý tính đích thật. Như thế thánh nhân đã tạo ra một tổng hợp mới tạo thành nền tảng văn hóa của các thế kỷ sau đó.

Các khả năng trí tuệ tuyệt vời của người đã khiến cho thánh Toma được gọi về Paris để làm giáo sư đặc trách ghế dậy thần học của Dòng. Tại đây người đã bắt đầu sáng tác cho tới chết, và đã chú giải Kinh Thánh, chú giải các tác phẩm của triết gia Aristotele, biên soạn các tác phẩm lớn có hệ thống trong đó có "Tổng luận thần học", cũng như các khảo luận và các diễn văn liên quan tới nhiều đề tài khác nhau. Ðể biên soạn các tác phẩm người có vài thư ký phụ giúp, trong đó có tu sĩ Reginaldo di Peperno, luôn theo người và trở thành bạn thân rất tin cậy lẫn nhau. Ðó là một trong các đặc tính của các thánh: các vị vun trồng tình bạn, vì nó là một trong các biểu hiệu cao thượng nhất của trái tim con người và có cái gì thần thiêng trong đó, như chính thánh Toma đã giải thích trong vài câu hỏi của Tổng luận thần học, trong đó người viết: "Lòng mến một cách chính yếu là tình bạn của con người với Thiên Chúa, và với các kẻ thuộc về Ngài" (II, q.23.a.1).

Tuy nhiên thánh nhân không ở lại Paris lâu. Năm 1259 người tham dự Tổng Tu Nghị Dòng Ða Minh tại Valenciennes và là thành viên của một ủy ban thiết lập chương trình học của Dòng. Từ năm 1261 tới 1265 thánh Toma sống tại Orvieto. Ðức Giáo Hoàng Urbano IV rất qúy trọng thanh nhân nên xin người sáng tác các văn bản phụng vụ cho lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, được thành lập sau phép lạ thánh thẻ tại Bolsena. Thánh Toma có tâm hồn rất sùng kính Thánh Thể. Các thánh thi rất hay đẹp mà phụng vụ Giáo Hội hát để cử hành mầu nhiệm sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa trong Thánh Thể, bắt nguồn từ đức tin và sự khôn ngoan thần học của người. Từ năm 1265 tới 1268 thánh Toma sống tại Roma, nơi người hướng dẫn một học viện của Dòng và tại đây thánh nhân bắt đầu viết Khảo Luận Thần Học (x. Jean-Pierre Torrell, Tommaso d'Aquino. L'uomo e il teologo, Casale Monf., 1994, tr. 118-184).

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Năm 1269 người được gọi về Paris để dậy học một thời gian nữa. Các sinh viên theo dự các lớp của người rất đông khiến giảng đường không còn chỗ ngồi, vì sinh viên rất thích nghe người giảng dậy. Việc giải thích triết gia Aristotele của thánh nhân không được mọi người chấp nhận, nhưng cả những người đối kháng với thánh nhân như Goffredo di Fontaines cũng phải công nhân rằng giáo thuyết của tu sĩ Toma cao vượt hơn các giáo thuyết khác về lợi ích, giá trị, và nó sửa sai các giáo thuyết của tất cả mọi vị tiến sĩ khác. Ðể tránh cho thánh nhân khỏi rơi vào các tranh luận, các bề trên gọi người về Napoli giúp vua Carlo I, vì nhà vua muốn cải tổ các chương trình đại học.

Ngoài việc nghiên cứu và dậy học, thánh Toma còn dành giờ cho việc giảng dậy dân chúng. Dân chúng rất thích đi nghe người giảng. Thật là một ơn lớn khi các thần học gia biết nói với tín hữu một cách đơn sơ và sốt mến. Ngoài ra thừa tác giảng dậy cũng giúp các nhà nghiên cứu thần học có được óc thực tế mục vụ lành mạnh, và làm giầu cho các nghiên cứu của họ bằng các kích thích sống động.

Các tháng cuối cùng trong cuộc đời thánh Toma trôi qua trong bầu khí thần bí. Vào tháng 12 năm 1273 thánh nhân gọi tu sĩ Reginaldo đến để báo cho biết phải ngưng mọi công việc, vì trong khi cử hành Thánh Lễ thánh nhân đã được Chúa mạc khải và hiểu rằng những gì người đã viết cho tới nay chỉ là "một đống rạ". Giai thoại này không chỉ giúp chúng ta thấy sự khiêm tốn của thánh nhân, nhưng còn cho thấy sự kiện tất cả những gì chúng ta nghĩ hay nói về đức tin, dù có cao siêu và tinh tuyền tới đâu đi nữa, cũng bị cao vượt một cách vô tận bởi sự cao cả và vẻ đẹp của Thiên Chúa sẽ được mạc khải vẹn toàn cho chúng ta ở trên Trời. Vài tháng sau đó thánh Toma qua đời khi đang trên đường sang Lyon tham dự Công Ðồng Chung, do Ðức Giáo Hoàng Gregorio X triệu tập. Ngài tắt thờ tại đan viện Xitô Fossanova, sau khi nhận của ăn đàng.

Tiểu sử thánh nhân có kể rằng một buổi sáng sớm người cầu nguyện trước Thánh Giá Chúa trong nhà nguyện thánh Nicola ở Napoli, ông từ Domenico da Caserta nghe thánh Toma nói chuyện với Chúa và hỏi Chúa là những gì người viết về các mầu nhiệm của đức tin kitô có đúng không, thì Chúa Giêsu trả lời: "Toma ơi, con đã nói tốt về Ta. Ðâu sẽ là phầàn thưởng của con?" Và câu thánh Toma trả lời Chúa cũng là câu mà chúng ta là bạn hữu và môn đệ Chúa muốn luôn nói với Ngài: "Không gì khác ngoài Chúa ra, lậy Chúa" (Ibid tr. 320).

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha mời mọi người tham dự Thánh lễ và buổi rước kiệu Mình Màu Thánh Chúa người chủ sự chiều thứ năm hôm nay tại Roma. Sau cùng Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page