Giáo dục sử dụng
các phương tiện truyền thông mới
Giáo dục sử dụng các phương tiện truyền thông mới.
Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hôi Ðồng Tòa Thánh Truyền Thông, về việc giáo dục sử dụng các phương tiện truyền thông mới.
Roma (Avvenire 15.16-5-2010) - Chúa Nhật 16 tháng 5 năm 2010 là "Ngày quốc tế truyền thông xã hội" lần thứ 44 về đề tài "Các Linh Mục và mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: các phương tiện truyền thông phục vụ Lời Chúa".
Bình luận về đề tài Ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội năm nay, Ðức Cha Claudio Giuliodoro, Chủ tịch Ủy Ban truyền thông xã hội của Hội Ðồng Giám Mục Italia, nối kết Thượng Hồi Ðồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa và sứ điệp Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI gửi cho ngày này phổ biến hồi tháng 2 năm 2010. Ðức Cha nhấn mạnh rằng các linh mục là những người có bổn phận rao giảng Lời Chúa không thể không biết tới môi trường mục vụ mới là thế giới kỹ thuật số. Nó có thể củng cố các kênh truyền thông cổ điển nhưng cũng mở ra các chân trời bất tận cho sự đối thoại và trao đổi tư tưởng, cảm nghĩ và ý kiến. Giáo Hội không thể không đương đầu với thách đố mới này trong sứ mệnh rao giảng Lời Chúa của mình. Ðức Cha cho biết Giáo Hội đã bắt đầu nhập thể việc loan báo Lời Chúa vào trong môi trường mới này của thế giới kỹ thuật số, và các kinh nghiệm khởi đầu đã rất là tích cực. Trong nhiều khía cạnh Giáo Hội Italia đã đi tiên phong trong vấn đề này, bằng cách cho ra một tập cẩm nang hướng dẫn công tác mục vụ trong việc sử dụng kỹ thuật số, đề ra chương trình thập niên cho việc thông truyền Lời Chúa trong thế giới đang thay đổi, đưa ra chương trình rộng rãi phối hợp với dự án văn hóa có sự và cộng tác của các phương tiện truyền thông bao gồm các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, các đài phát thanh và truyền hình.
Ðức Cha Chủ tịch Ủy ban truyền thông của Hội Ðồng Giám Mục Italia nhấn mạnh rằng cần phải đào tạo các linh mục tương lai cho việc loan báo Lời Chúa trong thế giới kỹ thuật số ngay trong giáo trình của đại chủng viện. Ðây không phải chỉ là sứ mệnh liên quan tới các linh mục trẻ, mà liên quan tới các linh mục thuộc mọi lứa tuổi toàn thế giới, kể cả các linh mục nghi ngờ và dị ứng đối với các đổi mới kỹ thuật.
Thực ra, các canh tân kỹ thuật và các phương tiện truyền thông tân tiến này không xóa bỏ các phương tiện truyền thống, nhưng khiến cho chúng trở thành phong phú và hữu hiệu hơn. Các tin tức tài liệu và ý kiến đăng tải trên báo chí được tải vào hệ thống liên mạng và trôi trên dòng sông kỹ thuật số.
Tại Italia, ngoài địa chỉ riêng của các giáo phận trên trang liên mạng, cũng còn có các địa chỉ của các phong trào và hội đoàn giáo hội, cũng như nhiều trang web khác, trong đó có "Từ Ðiển Bách Khoa Công Giáo - Cathopedia" bao gồm 3,494 từ do 25 chuyên viên thực hiện, trình bầy tất cả mọi hiểu biết liên quan đến Giáo Hội Công Giáo. Trên các địa chỉ liên mạng này của các giáo phận tín hữu có thể đối thoại trực tiếp với các Giám Mục và các linh mục tu sĩ, cũng các thành phần dân Chúa khác và trao đổi ý kiến liên quan tới mọi lãnh vực cuộc sống.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hôi Ðồng Tòa Thánh Truyền Thông, về việc giáo dục hàng giáo sĩ tu sĩ sử dụng các phương tiện truyền thông mới.
Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Celli, trong sứ điệp gửi "Ngày Quốc Tế Truyền Thông", phổ biến ngày 23-1-2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khuyến khích các Linh Mục tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến cho việc loan báo Tin Mừng, phổ biến Lời Chúa và phát triển các sinh hoạt mục vụ khác. Ðây cũng là lý do khiến cho Ðức Thánh Cha chọn đề tài nói trên cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông 2010, có phải thế không?
Ðáp: Vâng. Ðúng thế. Sứ mệnh đầu tiên của Giáo Hội là loan báo Lời Chúa. Và không thể chối cãi được sự kiện ngày nay thế giới kỹ thuật số cống hiến cho chúng ta các khả năng, mà cho tới vài năm gần đây đã là điều không thể tượng tượng nổi.
Hỏi: Như thế có nghĩa là Giáo Hội chăm chú theo dõi toàn vấn đề với thái độ đánh giá tích cực đối với thế giới kỹ thuật số?
Ðáp: Chắc chắn rồi, nhưng Tòa Thánh không có thái độ ngây thơ đâu, bởi vì chúng tôi hoàn toàn ý thức về các hạn hẹp gắn liền với các kỹ thuật tân tiến. Nhưng trong trường hợp này, Tòa Thánh và Ðức Thánh Cha muốn nhấn mạnh các khả thể và cơ may được cống hiến cho Giáo Hội, để cho Lời của Chúa Giêsu Kitô cứu rỗi con người vang lên cả trong thế giới kỹ thuật số nữa. Vấn đề đó là làm thế nào để khai thác và tận dụng các cơ may này trong các bối cảnh khác nhau trên thế giới. Thật thế, một đàng là bối cảnh Á châu, trong đó việc đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác là điều quan trọng; đàng khác là bối cảnh Âu châu bị tục hóa.
Hỏi: Thưa Ðức Cha, thế giới kỹ thuật số trên thực tế có thể là một kiểu giúp đi tới các nơi và các môi trường mà người ta không thể hiện diện một cách vật lý, hay không?
Ðáp: Ðúng thế. Tôi có quen một cha xứ của một thành phố lớn Âu châu. Là một linh mục có kiến thức cao và thông minh, cha đã mở một địa chỉ trên hệ thống liên mạng. Và cha cho tôi biết số người vào liên lạc với cha qua địa chỉ này đông hơn số tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật mỗi tuần. Tôi không nghĩ rằng thế giới kỹ thuật số, việc vào trang địa chỉ trên liên mạng có thể thay thế cuộc sống bình thường của Giáo Hội. Nhưng như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã dùng một hình ảnh rất ý nghĩa để nói lên sự thật này: đó là Giáo Hội phải hiện diện trong "các xa lộ lớn" của thế giới kỹ thuật số, nơi con người ngày nay hiện diện. Chúng ta rất biết rằng ngày nay giới trẻ ngồi hàng giờ trước máy vi tính hơn là trước màn truyền hình. Thật là điều tốt đẹp, khi người trẻ có thể gặp được Lời Chúa trong các xa lộ liên mạng này, mà tôi thích nghĩ là Lời Chúa cũng cắm lều ở giữa thế giới kỹ thuật số nữa.
Hỏi: Ðức Cha đã đề cập tới các nguy hiểm gắn liền với việc sử dụng các kỹ thuật mới ngày nay. Ðức Cha muốn ám chỉ những gì vậy?
Ðáp: Một trong các âu lo lớn cũng là các âu lo của các cơ cấu dân sự: đó là việc bảo vệ trẻ em vị thành niên. Chúng ta tất cả đều biết là ngày nay trẻ em sử dụng hệ thống liên mạng một mình. Với tất cả các nguy hiểm và ảnh hưởng xấu xa của nhiều chất liệu tiêu cực được tải lên hệ thống liên mạng, mà chúng có thể tượng tượng ra. Giáo Hội là thầy dậy nhân bản có thể giúp con người sử dụng các phương tiện kỹ thuật truyền thông tối tân này một cách đúng đắn, với tinh thần trách nhiệm.
Hỏi: Ðức Cha nghĩ gì về sứ điệp cho Ngày quốc tế truyền thông năm nay, đặc biệt dành cho các linh mục, dưới ánh sáng của Năm Linh Mục sắp kết thúc vào các ngày 9 đến 11 tháng 6 năm 2010?
Ðáp: Trong sứ điệp Ðức Thánh Cha đã đề cập đến "việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số": đó là điều rõ ràng. Nhưng không phải tất cả mọi linh mục đều có thể chăm lo cho lãnh vực hoạt động đặc biệt này. Vì ở đây cần phải có một ơn gọi đặc biệt. Chúng tôi hy vọng rằng các linh mục trẻ - là giới, như người Mỹ thường nói, được sinh ra trong kỹ thuật số - biết thi hành sứ mệnh mục vụ của mình trong nền văn hóa hiện nay, là nền văn hóa đã bị các kỹ thuật mới thay đổi rất nhiều.
Hỏi: Ngày nay cũng có một hiện tượng mới: đó là hiện tượng của các trang liên mạng và liên mạng xã hội... Ðức Cha nghĩ sao?
Ðáp: Cả trong lãnh vực này nữa cũng cần phải giáo dục con người. Chúng là các dụng cụ tế nhị, nhưng trong đó có nguy cơ trở thành các dụng cụ phổ biến những điều dối trá và không tôn trọng phẩm giá con người. Xưa kia, khi có các cảnh trình diễn bất xứng, thì người ta tránh đi coi. Ngày nay cũng thế, nhưng với sự kiện các kỹ thuật tân tiến liên mạng tác động lan tràn, thì thái độ đó không đủ nữa. Chúng ta phải giáo dục con người nắm giữ một vai trò tích cực, không phải chỉ trong việc tiếp nhận mà cả trong việc đặt vào trong đó các thực tại cộng đoàn mới mẻ, như các trang địa chỉ Blog và Facebook, để phổ biến những gì là chân, thiện, mỹ phát huy và thăng tiến cuộc sống con người.
(Avvenire 15.16-5-2010)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)