Mưu toan bịt miệng
Giáo Hội Công Giáo
Mưu toan bịt miệng Giáo Hội Công Giáo.
Phỏng vấn Linh Mục Julien Ries, chuyên viên nhân chủng học người Bỉ, về lý do các tấn kích chống Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI và Giáo Hội Công Giáo.
Roma (Avvenire 27-4-2010; 15-5-2010) - Chúa Nhật 16 tháng 5 năm 2010, 200 ngàn người thuộc các phong trào và hội đoàn Công giáo toàn nước Italia đã nồng nhiệt hưởng ứng lời Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia, kêu gọi tụ tập về quảng trường Thánh Phêrô. Mục đích là để tham dự buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI và biểu lộ tình liên đới với Ðức Thánh Cha, đang bị báo chí thế giới tấn kích từ nhiều tháng qua về các vụ linh mục tu sĩ đó đây trên thế giới lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Các phương tiện truyền thông tấn kích Ðức Thánh Cha và Giáo Hội Công Giáo với mục đích chính xác là để triệt hạ uy tín và sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội, trong mưu toan bịt miệng không cho Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề luân lý đạo đức của cuộc sống con người và cuộc sống xã hội. Và trong cơn lốc truyền thông đó Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI là đối tượng của các lèo lái xuyên tạc của báo chí, trước ý chí trunh thành với giáo huấn Tin Mừng và truyền thống Kitô của người. Kẻ bi quan yếm thế thì cho rằng Giáo Hội đang bị khủng hoảng nặng nề, và sau các biến cố này Giáo Hội sẽ hoàn toàn mất hết uy tín, không còn có thể giảng dậy gì cho ai nữa. Nhưng người lạc quan thì cho rằng đây là dịp rất tốt để Giáo Hội thanh tẩy chính mình và có đường lối cứng rắn hơn đối với các tội phạm trầm trọng như vậy trong hàng ngũ của mình.
Thật ra, trong cái tiêu cực có điều tích cực. Thật thế, bên cạnh sự kiện tiêu cực là các tội lỗi của một số nhỏ trong hàng ngũ giáo sĩ tu sĩ, nổi bật lên một sự kiện tích cực: đó là sứ điệp của Giáo Hội cũng được chú ý trong các lãnh vực "đời", mặc dù đó là sự chú ý mang nhiều giận dữ, khích bác và chỉ trích chua cay.
Chưa bao giờ người ta lại thấy những thành phần tự coi mình là vô thần, không theo tôn giáo nào, hay đã được rửa tội nhưng không hề sống đạo, lại xem ra tha thiết với sự lành mạnh và sống còn của Giáo Hội Công Giáo đến như thế. Sứ điệp xã hội Kitô tập trung nơi việc tôn trọng và thăng tiến phẩm giá con người đã được thế giới "đời" công nhận như là điều nền tảng cả bên ngoài Giáo Hội.
Hiện diện trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 16-5-2010 cũng có hơn 70 nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội Italia thuộc nhiều đảng phái khác nhau.
Họ cho biết sự hiện diện của họ là một cử chỉ đơn sơ của những người công giáo dấn thân trong lãnh vực chính trị, và họ muốn chứng tỏ sự gần gũi liên đới của họ đối với Ðức Thánh Cha, là chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, đang trải qua một giai đoạn khó khăn như giai đoạn hiện nay.
Bà Claudia Nodari, Chủ tịch Liên hiệp bác ái thánh Vinh Sơn toàn Italia, cho biết phong trào muốn hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô trưa ngày 16-5 để chứng tỏ lòng yêu mến và sự gần gũi của phong trào đối với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI. Bà nói: "Ðó là một bổn phận luân lý của mọi Kitô hữu. Phong trào liên đới với Ðức Thánh Cha để chống lại mưu toan xóa bỏ mọi sự lành mà Giáo Hội và các thừa tác viên của Giáo Hội đã và đang tiếp tục làm cho thiện ích tinh thần và vật chất của con người tại khắp nơi trên trái đất này".
Ông Francesco D'Agostino, Chủ tịch hội luật gia công giáo Italia, thì nói: "Chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải cám ơn Ðức Thánh Cha vì gương sáng và giáo huấn liên lỉ của ngài lấy sự thiện đương đầu với sự dữ. Chúng tôi hiện diện để diễn tả sự hiệp thông liên kết tất cả mọi người lắng nghe Lời Chúa".
Ông Gabriele Brunini, Chủ tịch liên đoàn quốc gia các nhóm bác ái Thương Xót, cho biết "sự hiện diện của các thành viên tại quảng trường Thánh Phêrô là kiểu tốt nhất để tỏ tình liên đới với Ðức Thánh Cha, cầu nguyện với người và cho người. Ðây không phải là chuyện chối bỏ các sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra, nhưng dùng gương mù gương xấu của các vụ lạm dụng tính dục trẻ em để tấn công Ðức Giáo Hoàng và Giáo Hội nhằm bịt miệng Giáo Hội lại là chuyện khác".
Bà Maria Grazia Colombo, Chủ tịch Hiệp hội phụ huynh các trường công giáo Italia, khẳng định: như là cha mẹ các gia đình chúng tôi biết ơn Ðức Thánh Cha trong các năm qua đã an ủi và khích lệ chúng tôi trong nhiệm vụ giáo dục, và trợ giúp chúng tôi tái chiếm được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong một thế giới xem ra khước từ trách nhiệm giáo dục người trẻ.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Julien Ries, chuyên viên nhân chủng học người Bỉ, về lý do các tấn kích chống Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI và Giáo Hội Công Giáo hiện nay. Cha Ries là sử gia tôn giáo nổi tiếng thế giới và từng là giáo sư tại đại học công giáo Louvain bên Bỉ. Trong các ngày qua cha vừa tròn 90 tuổi, nhưng vẫn luôn có cái nhìn rất sáng suốt và sâu sắc đối với thực tại.
Hỏi: Thưa cha Ries, cha nghĩ gì về những tấn kích liên tục trong thời gian qua chống lại Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI?
Ðáp: Chắc chắn là người ta khó chịu đối với sự kiện Giáo Hội còn mạnh mẽ như thế. Vì vậy người ta tìm mọi cách làm cho nó suy yếu đi. Nhất là tại Âu châu chúng ta thấy có một sự chống đối mạnh mẽ đối với Giáo Hội, Ðức Thánh Cha và các sáng kiến của người. Khi Ðức Thánh Cha công du Phi châu hồi năm 2009, người đã đề cập tới vấn đề phòng ngừa bệnh Aids hay Sida. Nhưng các lời của người đã bị giới truyền thông bóp méo, xuyên tạc. Và một vài chính quyền, chẳng hạn như chính quyền Bỉ, cũng đã tấn công Ðức Giáo Hoàng. Theo tôi thấy, triều đại giáo hoàng này bị chỉ trích, vì người ta vẫn còn coi Ðức Thánh Cha như là Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin. Trong thời gian đầu người ta coi Ðức Giáo Hoàng thuộc chế độ cũ, và người ta tấn công ngài.
Các lực lượng đen tối đang tung hoành tại Âu châu có mầu sắc Tam Ðiểm đã hiểu rằng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI thông minh chừng nào, nên chúng tấn công ngài trong mọi hoàn cảnh, chính trong lúc Ðức Thánh Cha muốn áp dụng sâu rộng Công Ðồng Chung Vaticăng II liên quan tới tư tưởng đích thật về Giáo Hội trong thế giới. Ngoài ra, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai mạc triều đại giáo hoàng của người với lời mời gọi "Ðừng sợ hãi!" Nhưng đã có những người sợ hãi Ðức Gioan Phaolô II tới độ mưu sát người tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 13-5-1981.
Hỏi: Thưa cha, có một vài quan sát viên nhấn mạnh rằng các lời chỉ trích Giáo Hội Công Giáo hiện nay xảy ra, là vì Giáo Hội vẫn còn tự giới thiệu như là người mang chân lý. Cha có đồng ý với nhận xét này không?
Ðáp: Vâng, người ta đã nhấn mạnh nhiều trên vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em để chứng minh cho thấy một Giáo Hội yếu đuối và che lấp các tội lỗi của mình. Tôi tin là người ta đã lạm dụng tình trạng này để nói rằng ngày nay không cần phải có sự tin tưởng nào đối với Giáo Hội nữa. Và người ta muốn đánh vào một điểm chính xác là sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội. Ðây là công việc nhắm triệt hạ sự đáng tín nhiệm của Giáo Hội liên quan tới một trong các sứ mệnh chính yếu của Giáo Hội là giáo dục, đặc biệt là giáo dục người trẻ.
Hỏi: Như thế thì phải đưa ra câu trả lời nào cho trường hợp này thưa cha?
Ðáp: Tôi nghĩ rằng những gì người ta đang làm trong giai đoạn này là điều tích cực. Trước hết là sự kiện Giáo Hội khẳng định đứng về phía các nạn nhân. Lạm dụng tính dục trẻ em là một tội phạm cần phải loại trừ bằng mọi cách. Thế rồi các linh mục cũng phải ở trên độ cao trong nhiệm vụ của mình, và vì thế việc đào tạo các chủng sinh thật là điều quan trọng. Ngoài ra cần phải nhớ rằng Giáo Hội muốn rằng sự độc thân là một việc thánh hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô.
Hỏi: Cha có nhận thấy khoảng trống nào cho một cuộc đối thoại giữa các tín hữu và những người không tin tại Âu châu ngày nay hay không?
Ðáp: Tôi nhận thấy Giáo Hội ngày càng ý thức hơn về quan niệm của mình về con người, về gia đình, và bản vị con người. Ðây là các đề tài đã được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nhấn mạnh trong Thông điệp "Bác Ái trong Chân Lý". Thông điệp đặc biệt nêu bật phẩm giá con người. Các nguyên tắc này giúp cuộc đối thoại tiến tới trong mọi lãnh vực được thảo luận, thí dụ như đề tài sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên.
Tôi thấy hình ảnh "sân của dân ngoại" mà Ðức Thánh Cha Biển XVI dùng rất là đẹp: nó là biểu tượng đích thật ám chỉ những người ngoại giáo hay tín đồ kiếm tìm Thiên Chúa xưa kia. Hình ảnh "cái sân" là hình ảnh phong phú ám chỉ khoảng trống cho một cuộc đối chiếu trao đổi và các vấn đề có thể cùng nhau thảo luận làm việc. Có các tín hữu cũng như những người không đặc biệt là "bạn" của Giáo Hội nhưng nhậy cảm đối với các nguyên lý công giáo liên quan tới các đề tài như: lao động, phẩm giá con người, tôn trọng sự sống.
Hỏi: Cha có thể cho một thí dụ liên quan tới sự chú ý "đời" này đối với Giáo Hội công giáo không?
Ðáp: Tại Pháp, tôi ghi nhận trường hợp của nhà nhân chủng học Maurice Godelier, tác giả cuốn "Nền tảng các xã hội nhân bản. Ðiều mà nhân chủng học dậy chúng ta". Ông Godelier đã bước vào trong một nhãn quan khác với nhãn quan của chuyên viên cấu trúc Claude Strauss. Và nhà xuất bản Cerf của tôi đã yêu cầu tôi chủ tọa một cuộc gặp gỡ tại Paris, nhân dịp phát hành cuốn sách thứ ba của tôi về nhân chủng học tôn giáo. Lập trường về con người tôn giáo của tôi khiến cho giới truyền thông chú ý.
Hỏi: Thế cha giải thích sự tò mò đó của giới truyền thông như thế nào?
Ðáp: Vì sự kiện con người là trung tâm của xã hội, và tất cả đều tự hỏi đâu là vai trò và nhiêm vụ của gia đình trong thời đại chúng ta ngày nay.
(Avvenire 27-4-2010; 15-5-2010)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)