Công cuộc truyền giáo

của Giáo hội trong thời hiện đại

 

Công cuộc truyền giáo của Giáo hội trong thời hiện đại.

Roma [CNS 28/5/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cho dẫu Tòa thánh đang chuẩn bị thiết lập một "bộ" mới chuyên về việc tái rao giảng Tin Mừng cho các nước Tây Phương, tức các nước đang đánh mất bản sắc Kitô, công cuộc rao giảng Tin Mừng cho những vùng chưa hề nghe biết Chúa vẫn còn khẩn thiết.

Hiện trên thế giới vẫn còn hơn một phần ba các cộng đồng Công giáo còn nằm trong "vùng đất truyền giáo". Vùng đất này chiếm đến 3 phần 4 dân số thế giới. Ðây là lý do tại sao các chuyên gia về truyền giáo tại Tòa Thánh nói rằng công cuộc rao giảng Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo chỉ mới bắt đầu.

"Hội đồng Tòa thánh về việc tái rao giảng Tin Mừng" hiện vẫn chưa được chính thức loan báo, nhưng người ta tin rằng một hội đồng như thế nhắm đến việc tái rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc có truyền thống Kitô giáo như Âu Châu và Bắc Mỹ chẳng hạn.

Ðức thánh cha Benedicto XVI đã đưa ra ý tưởng về một Bộ như thế nhân chuyến viếng thăm vào tháng 5 năm 2010 tại Bồ Ðào Nha. Ngài nói rằng bản đồ truyền giáo của Giáo hội ngày nay không chỉ có tính cách địa lý, mà còn bao gồm cả phương diện "nhân học", nghĩa là văn hóa và xã hội. Ðức thánh cha có ý nói đến một cuộc rao giảng Tin Mừng cho những người đã lãnh nhận đức tin nhưng nay rời bỏ Giáo hội và Tin Mừng.

Với tình trạng "di động" và hỗn hợp của các dân tộc và văn hóa, cùng với sự bùng nổ của truyền thông, người ta hiểu được tại sao Tòa thánh ít quan tâm đến các ranh giới quốc gia trong các hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

Tuy nhiên, Ðức ông John Kozar, giám đốc toàn quốc các hội giáo hoàng truyền giáo tại Hoa kỳ cho rằng địa lý vẫn còn là một yếu tố quan trọng tại nhiều vùng trên thế giới. Theo vị linh mục này, do những giới hạn về địa lý và lịch sử, hiện vẫn còn một số dân tộc chưa từng có bất cứ một tiếp xúc nào với Chúa Kitô hay niềm tin Công giáo. Chúng ta có thể nghĩ đến những khu rừng già tại Brasil, Papua New Guinea, những vùng rừng núi hẽo lánh tại Malaysia và nhiều nơi khác trên thế giới.

Theo Ðức ông Kozar, tại một số quốc gia đã từng sống dưới chế độ cộng sản qua hằng bao thế hệ, có nhiều người chưa từng nghe nói đến Chúa Kitô. Do đó, một cách duy nhứt để Giáo hội đến với những người này vẫn là hình thức truyền giáo cổ điển.

Các viên chức làm việc tại Bộ Truyền Giáo nói rằng hoạt động truyền giáo cổ điển vẫn là phương thức truyền giáo hiện hành tại các nước đang phát triển. Nhưng ngay cả tại các nước này, tình thế cũng đang thay đổi , đôi khi rất nhanh chóng.

Về phần mình, Ðức cha Robert Sarah, thư ký bộ truyền giáo, nói với hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS rằng "trong một thế giới mà các dân tộc pha trộn với nhau, lãnh thổ không còn là vấn đề chính nữa".

Do đó, các địa điểm truyền giáo cũng thay đổi. Trước đây nhiều nhà truyền giáo được sai đến một nước khác, thường là một vùng xa xôi. Tại đây, họ phải học ngôn ngữ địa phương và hội nhập vào văn hóa của người bản địa. Ngày nay các nhà truyền giáo phải hoạt động trong các thành phố và di chuyển từ nước này sang nước khác.

Hiện nay việc huấn luyện truyền giáo nhắm vào các vấn đề của đô thị như thiếu nhà ở, gia đình đổ vỡ, trẻ em đường phố và tình trạng di dân. Các nhà truyền giáo được đào tạo để làm việc với giới truyền thông và các kỹ thuật mới cũng như thăng tiến sự hợp tác trong vùng.

Ðặc biệt với hiện tượng đô thị hóa ngày càng gia tăng tại các nước nghèo, các vấn đề trên đây luôn rất được quan tâm. Tuy nhiên, theo Ðức cha Sarah, có nguy cơ là các nhà truyền giáo ít còn liên lạc với các nền văn hóa bản địa và đôi khi, vì hoạt động ngắn hạn, dễ bị xem như khách du lịch.

Trích lời một vị hồng y Phi Châu, Ðức cha thư ký bộ truyền giáo nói: "Trước kia các nhà truyền giáo thích đi vào rừng sâu. Ngày nay, họ chỉ thích một ngôi nhà lớn gần phi trường".

Sự sút giảm con số các linh mục trong các dòng truyền giáo cũng có ảnh hưởng đến hoạt động truyền giáo. Ðức cha Sarah nói rằng thời mà Tòa Thánh có thể gởi cả một đạo binh hùng hậu các nhà truyền giáo ngoại quốc đến các vùng đất chưa biết Chúa Kitô đã qua rồi.

Nói đến công cuộc truyền giáo tại Phi Châu, Ðức cha thư ký bộ truyền giáo nhấn mạnh đến việc người Phi Châu phải truyền giáo cho người Phi Châu: cần phải cổ võ sự hợp tác truyền giáo trong lục địa này. Sở dĩ Phi Châu cần phải truyền giáo cho Phi Châu là bởi vì ơn gọi gia tăng rất nhanh tại lục địa này. Chẳng hạn, chỉ riêng tại Nigeria, hiện có hơn 4,500 chủng sinh.

Những tốn phí cho công cuộc truyền giáo cũng tiếp tục gia tăng. Trong thời gian gần đây, vì nhiều ký do, trong đó có cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc quyên góp cho hoạt động truyền giáo cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, theo Ðức ông Kozar, ngày nay dân chúng rất mau mắn đáp trả trước những khủng hoảng nhứt thời, nhưng lại không màng đến những nhu cầu hằng ngày của Giáo hội phổ quát.

Các Giáo hội thuộc các xứ truyền giáo có thể cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho công cuộc tái rao giảng Tin Mừng tại các nước Tây Phương, Ðức cha Sarah cho biết: các cộng đồng Giáo hội tại Phi Châu và Á Châu đã bắt đầu gởi các nhà truyền giáo đến làm việc tại Âu Châu. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo này nói rằng tái rao giảng Tin Mừng không phải là một công việc dễ dàng. Ðức cha Sarah nói: "Khi người Âu Châu đến Phi Châu, họ bắt gặp một dân tộc rất sùng đạo, cởi mở với Chúa và Tin Mừng. Nhưng điều này lại không đúng cho một nhà truyền giáo đến làm việc tại Âu Châu ngày nay".

Theo Ðức cha thư ký bộ truyền giáo, xu thế toàn cầu hóa và việc bùng nổ thông tin đã khiến cho những người ngoài Kitô giáo chỉ có một sự hiểu biết hời hợt về Kitô giáo. Một cuộc hoán cãi thực sự không đến do nghe về Chúa Kitô trên phát thanh, truyền hình hay hệ thống Internet, mà đòi hỏi một sự gặp gỡ thân tình với Ngài. Và dĩ nhiên, điều này đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của một nhà truyền giáo.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page