Kinh Truyền tin

lễ Chúa Ba Ngôi

 

Kinh Truyền tin lễ Chúa Ba Ngôi.

Vatican (Vat. 30/05/2010) - Cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau công đồng Vaticanô II đã thay đổi tên gọi các Chúa Nhựt sau muà Phục Sinh. Trước kia, các Chúa Nhựt này được đặt tên là "sau lễ Hiện xưống" kéo dài cho đến hết năm phụng vụ. Từ nay, các Chúa Nhựt được gọi là "Thường niên", và tính tiếp theo con số đã bị gián đoạn từ muà Bốn mươi. Mở đầu bài huấn dụ trưa Chúa Nhựt 30 tháng 5 năm 2010, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI lưu ý rằng trở lại các Chúa Nhựt "Thường niên" không có nghĩa là trở lại nếp sống tầm thường. Không phải thế, bởi vì ơn thánh mà chúng ta đã lãnh nhận từ các bí tích của mùa Phục sinh thúc đẩy chúng ta luôn thăng tiến đến đường thánh thiện. Tiếp đó, khi suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba ngôi được mừng vào chúa nhựt tiếp theo lễ Ngũ Tuần, đức Bênêđictô XVI đã trình bày cho thấy rằng trót cả cuộc đời Kitô hữu diễn ra trong sự kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, từ lúc lãnh bí tích rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, cho đến những lần cầu nguyện nhân danh Chúa Ba Ngôi. Ðặc biệt, nhân dịp Năm Linh mục sắp kết thúc, một tư tưởng của thánh Gioan Maria Vianney được trích dẫn để nhắc nhở các tín hữu là họ đã được các linh mục đón tiếp, hướng dẫn và tháp tùng trong đời ân sủng từ khi được tái sinh làm con cái Chúa cho đến lúc lìa đời. Vào cuối bài huấn dụ, Ðức thánh cha nhắc đến lễ phong Chân Phước cho một nữ tu diễn ra sáng Chúa Nhựt 30 tháng 5 năm 2010 tại đền thờ đức Bà, và cũng xin mọi người cầu nguyện cho cuộc viếng thăm đảo Cyprus vào cuối tuần này để trao Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng Giám mục bàn về Trung đông. Sau đây là bản dịch Việt ngữ nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Sau mùa Phục sinh, kết thúc với lễ Ngũ Tuần, phụng vụ trở về với Mùa Thường niên. Ðiều này không có nghĩa là các tín hữu có thể an phận với nếp sống bình thường; ngược lại, do việc gia nhập đời sống thần linh qua các bí tích, chúng ta được kêu mời mỗi ngày hãy cởi mở cho ơn thánh Chúa tác động ngõ hầu được tăng trưởng trong tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Phần nào lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay tóm lại mặc khải của Thiên Chúa diễn ra qua các mầu nhiệm Vượt qua: cuộc tử nạn và phục sinh của đức Kitô, việc lên trời ngự bên hữu Chúa Cha và trao ban Thánh linh. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh; tuy vậy các giáo phụ đã tim cách diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua cuộc sống đức tin sâu xa.

Thực vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi đã đến cư ngụ ở trong chúng ta từ khi lãnh bí tích Thánh tẩy. Tác viên nói: "Cha rửa tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Chúng ta khẩn cầu Danh Thánh của Thiên Chúa mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá. Cha Romano Guardini đã nhận định về dấu thánh giá như thế này: "Chúng ta làm dấu thánh giá trước khi cầu nguyện .. để tâm hồn được chỉnh đốn, tập trung tư tưởng, tâm tình và ý chí vào Thiên Chúa. Sau khi cầu nguyện, chúng ta làm dấu thánh giá, để giữ gìn điều mà Chúa đã ban. Dấu thánh giá bao trùm toàn thân ta, thể xác và linh hồn; tất cả con người chúng ta đưọc thánh hiến nhân danh Một Chúa ba ngôi".

Vì thế, lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện đã được gói ghém nơi dấu thánh giá nhân danh Thiên Chúa hằng sống. Và như Chúa Giêsu đã hứa với các thành tông đồ là "khi nào Thánh Linh của chân lý ngự đến, thì ngài sẽ dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn" (Ga 16,13), điều này diễn ra trong phụng vụ ngày chúa nhựt, khi các linh mục ban phát từ tuần này sang tuần khác, bánh của Lời Chúa và bánh Thánh Thể. Thánh Gioan Vianney, cha sở họ Ars đã nhắc nhở các tín hữu thế này: "Ai đã đón rước linh hồn của anh chị em gia nhập vào cuộc sống mới? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng linh hồn anh chị em để cung cấp sức lực trên đường lữ hành? Linh mục. Ai đã chuẩn bị linh hồn anh chị em để trình diện trước nhan Chúa, bằng cách rửa sạch nó lần cuối trong máu thánh Chúa Giêsu? Vẫn là linh mục".

Các bạn thân mến, chúng ta hãy mượn lời của thánh Hilariô giám mục Poitiers để cầu nguyện như sau: "Xin hãy duy trì tinh tuyền đức tin ngay chính ở trong con, và cho đến hơi thở cuối cùng, xin ban cho con tiếng nói của lương tâm, để con luôn được trung thành với điều mà con đã tuyên xưng vào lúc được tái sinh, khi con được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (De Trinitate XII, 57). Vào lúc hướng về Ðức Trinh nữ Maria, thọ tạo đã được chiếm ngự trọn vẹn bởi Ba Ngôi cực thánh, chúng ta xin Mẹ phù hộ để tiếp tục cuộc lữ hành dương thế.

Sáng nay, tại đền thờ Ðức Bà, đã diễn ra lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Pierina de Micheli, thuộc dòng Con cái Ðức Mẹ vô nhiễm Buenos Aires. Chị chào đời năm 1890 tại Milano, trong một gia đình đạo hạnh đã nảy sinh nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ. Khi lên 23 tuổi, chị cũng đi theo con đường dâng hiến, phục vụ trong ngành giáo dục ở Ac-khen-ti-na và ở Italia. Chúa đã ban cho chị ơn sùng kính đặc biệt với Nhan Thánh Chúa Kitô thụ nạn, Ðấng đã nâng đỡ chị trong những lúc thử thách và bệnh tật. Chị qua đời năm 1945 và được an táng tại Rôma.

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page