Ðể cai quản dân Chúa

Linh Mục phải để cho Chúa Kitô

dẫn dắt mình

 

Ðể cai quản dân Chúa Linh Mục phải để cho Chúa Kitô dẫn dắt mình.

Vatican (26/05/2010) - Ðể là Chủ Chăn theo con tim của Thiên Chúa (x. Gr 3,15) linh mục cần phải đâm rễ sâu trong tình bạn sinh động với Chúa Kitô, không phải chỉ với trí thông minh mà cả sự tự do và ý chí nữa, có một ý thức rõ ràng về căn tính đã nhận lãnh trong Lễ Truyền Chức Linh Mục, một sự sẵn sàng vô điều kiện trong việc dẫn dắt đoàn chiên được trao phó, ở nơi nào Chúa muốn chứ không phải trong chiều hướng xem ra thích hợp hay dễ dãi nhất với mình.

Ðức Thánh Cha Benedicto XVI đã khẳng định như trên trước hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26-5-2010 tại quảng trường thánh Phêrô.

Chỉ còn hai tuần nữa là Năm Linh Mục sẽ kết thúc với đại hội các Linh Mục toàn thế giới triệu tập tại Roma trong các ngày từ mùng 9 tới 11 tháng 6. Vì thế trong trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua Ðức Thánh Cha đã trình bầy nhiệm vụ thứ ba của Linh Mục là cai quản, hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa được trao phó cho các vị, với quyền của Chúa Kitô. Con người thời nay dị ứng với ý niệm về quyền bính nên khó mà hiểu nó theo tinh thần kitô. Ðức Thánh Cha nêu bật các lý do của sự dị ứng này như sau:

Các kinh nghiệm văn hóa, chính trị và lịch sử của qúa khứ mới đây, đặc biệt là các chế độ độc tài tại Ðông âu và Tây âu trong thế kỷ XX, đã khiến cho con người thời nay nghi ngờ đối với ý niệm này. Sự nghi ngờ này thường được diễn tả ra qua chủ trương cần phải hủy bỏ mọi quyền bính không bắt nguồn từ con người, hay không nằm dưới quyền con người hoặc do con người kiểm soát. Nhưng chính khi nhìn vào các chế độ trong thế kỷ vừa qua đã gieo kinh hoáng và chết chóc nhắc nhớ cho biết rằng quyền bính trong mọi lãnh vực mà không được thi hành với quy chiếu về Ðấng Siêu Việt, tách rời khỏi Quyền Bính Tối Cao là Thiên Chúa, thì rốt cuộc chống lại con người một cách không thể tránh né được. Vì thế thật là điều quan trọng khi thừa nhận rằng quyền bính nhận loại không bao giờ là một mục đích, mà chỉ luôn luôn là một phương tiện, và mục đích trong mọi thời đại luôn luôn là con người, được Thiên Chúa tạo dựng nên với phẩm giá bất khả xâm phạm và được mời gọi bước vào trong tương quan với Ðấng Tạo Hóa trên con đường cuộc sống trần gian và trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Nó là một quyền bính được thi hành với tinh thần trách nhiệm trước Thiên Chúa và Ðấng Tạo Hóa. Một quyền bính được hiểu như thế chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ thiện ích đích thật của con người và là sự trong sáng của Sự Thiện Tối Cao là Thiên Chúa; nó không xa lạ với con người, mà trái lại là sự trợ giúp qúy báu trên con đường tiến tới sự hiện thực tràn đầy nơi Chúa Kitô, tiến tới ơn cứu rỗi.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói Giáo Hội được mời gọi dấn thân thi hành loại quyến bính phục vụ đó, không nhân danh mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng đã nhận được từ Thiên Chúa Cha mọi quyền bính trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Thật thế, qua các Chủ Chăn của Giáo Hội Chúa Kitô chăn dắt đoàn chiện của Ngài: chính Chúa hướng dẫn, che chở, khích lệ, vì Ngài yệu thương đoàn chiên một cách sâu thẳm. Nhưng Chúa Giêsu là Mục Tử tối cao của linh hồn chúng ta, đã muốn Ðoàn Tnog Ðồ, ngày nay là các Giám Mục, trong niềm hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô, và các linh mục là các cộng sự viên qúy báu của các vị, tham dự vào sứ mệnh lo lắng cho Dân Chúa, là những người giáo dục trong đức tin, hướng dẫn, linh hoạt và nâng đỡ cộng đoàn kitô... Như thế mỗi một Chủ Chăn là vị trung gian, qua đó chính Chúa Kitô yêu thương con người: chính qua chức thừa tác của chúng ta Chúa đến với các linh hồn, dậy dỗ họ, giữ gìn họ và hướng dẫn họ. Trong sách Chú giải Phú Âm thánh Gioan thánh Agostino nói: "Ước chi việc chăn dắt đoàn chiến đó là sự dấn thân của tình yêu" (123,5). Ðây là điều luật tối thượng cho cung cách sống của các vị thừa tác viên của Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện, như tình yêu của Mục Tử Nhân Lành, tràn đầy niềm vui, rộng mở cho tất cả mọi người, chú ý tới kẻ ở gần cũng như lưu tâm tới người ở xa (S. Agostino, Discorso 340,1: Discorso 46,15), tế nhị đối với các người yếu đuối, bé nhỏ, đơn sơ, kẻ tội lỗi, để biểu lộ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, với các lời trấn an trao ban hy vọng (x. Id., Lettera 95,1). Rồi Ðức Thánh Cha nêu bật các điều kiện để là Chủ Chăn theo lòng Chúa muốn như sau:

Ðể là Chủ Chăn theo con tim của Thiên Chúa (x. Gr 3,15) Linh Mục cần phải đâm rễ sâu trong tình bạn sinh động với Chúa Kitô, không phải chỉ với trí thông minh mà cả với sự tự do và ý chí nữa, và có một ý thức rõ ràng về căn tính đã nhận lãnh trong Lễ Truyền Chức Linh Mục, một sự sẵn sàng vô điều kiện trong việc dẫn dắt đoàn chiên được trao phó, ở nơi Chúa muốn chứ không phải trong chiều hướng xem ra thích hợp hay dễ dãi nhất đối với mình. Ðiều này trước hết đòi hỏi phải sẵn sàng liên tục để cho chính Chúa Kitô cai quản cuộc sống linh mục. Thật vậy không ai có khả năng chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, nếu không sống sâu thẳm và đích thực sự vâng lời Chúa Kitô và Giáo Hội. Và sự ngoan ngoan của Dân Chúa đối với các linh mục tùy thuộc sự ngoan ngoãn của các linh mục đối với Chúa Kitô. Vì thế ở nền tảng của thừa tác muc vụ luôn luôn có sự gặp gỡ cá nhân và liên lỉ với Chúa, hiểu biết Chúa sâu đậm và đồng hình dạng với ý muốn của Chúa Kitô.

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ rằng trong các thập niêm cuối cùng này người ta thường dùng tính từ "mục vụ" hầu như đối chọi với tính từ phẩm trật, ám chỉ truyền thống cấu trúc quyền bính trong Giáo Hội gồm ba bậc của Bí Tích Truyền Chức là giám mục, linh mục và phó tế. Dư luận công cộng thường hiểu thực tại phẩm trật như là sự vâng phục và pháp lý, trái nghịch với sự mềm dẻo, sinh động của mục vụ và lòng khiêm nhường theo tinh thần tin mừng. Sự hiểu lầm này về phẩm trật cũng do các lạm dụng quyền bính và óc ham hố chức tước gây ra trong lich sử, nhưng chúng xa lạ với nguồn gốc ý niệm về phẩm trật. "Gerarchia" phẩm trật có nghĩa là "lãnh vực thánh thiêng", nhưng nghĩa thật của nó là "nguồn gốc thánh thiêng"; nghĩa là quyền bính này không đến từ con người, mà có nguồn gốc nơi sự thánh thiêng, nơi Bí Tích. Nó đặt để con người dưới ơn kêu gọi, dưới mầu nhiệm của Chúa Kitô, và biến cá nhân trở thành đầy tở của Chúa Kitô, và chỉ như là đầy tờ của Chúa Kitô người đó mới có thể cai quản và hướng dẫn cho Chúa Kitô và vời Chúa Kitô. Vì thế ai bước vào trong Chức Thánh của Bí Tích, bước vào "nguồn gốc thánh" thì không phải là một người chuyên chế, mà là người bước vào trong một mối dây tương quan mới của sự vâng lời Chúa Kitô: họ bị cột buộc vào Chúa Kitô trong sự hiệp thông với các chi thể khác của Chức Thánh, của Chức Linh Mục. Cả Ðức Giáo Hoàng - là điểm tham chiếu của tất ưả mọi Chủ Chăn khác và của sự hiệp thông của Giáo Hội - cũng không thể làm điều mình muốn; trái lại Giáo Hoàng là người giữ gìn sự vâng phục Chúa Kitô, vâng phục lời của Chúa được tóm tắt trong "luật đức tin", trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội; và Giáo Hoàng phải đi trước làm gương trong việc vâng phục Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài. Từ Phẩm trật như thế bao gồm một mối dây có ba chiều kích: trước hết là nối kết với Chúa Kitô và trật tự mà Chúa ban cho Giáo Hội Ngài; thứ hai, nối kết với các Chủ Chăn khác trong sự hiệp thông duy nhất của Giáo Hội; và thứ ba, nối kết với các tín hữu được giao phó cho từng vị trong trật tự của Giáo Hội.

Như thế sự hiệp thông và phẩm trật không trái nghịch nhau mà điều kiện hóa nhau. Cả hai chỉ là một sự hiệp thông phẩm trật. Chủ Chăn là người hướng dẫn và giữ gìn đoàn chiên và ngăn ngừa để nó khỏi tản lạc. Ngoài quan niệm siêu nhiên rõ ràng sáng tỏ đó, không thể nào hiểu được nhiệm vụ cai quản riêng của các linh mục. Trái lại được nâng đỡ bởi tình yêu thương đối với ơn cứu rỗi của từng tín hữu, nhiệm vụ đó đặc biệt qúy báu và cần thiết cả trong thời đại của chúng ta nữa. Nếu mục đích là đem lời loan báo Chúa Kitô tới với con người và dẫn đưa con người đến chỗ gặp gỡ Chúa để họ được ơn cứu độ, được sự sống, thì nhiệm vụ hướng dẫn là việc phục vụ được sống với sự tận hiến hoàn toàn cho việc xây dựng đoàn chiên trong chân lý và sự thánh thiện, thường phải đi ngược dòng và nhắc nhớ cho biết rằng ai lớn nhất phải làm như người nhỏ nhất, ai cai trị phải sống như người phục vụ (x. LG 27).

Chỉ nơi Chúa Kitô linh mục mới có thể kín múc được sức mạnh để thực thi chức phục vụ của mình trong sự trung thành với Chúa Kitô và với Giáo Hội, noi gương các thánh trong đó có Cha Thánh Gioan Vianney, thi hành chức vụ linh mục của mình với tình yêu thương tận tụy, chỉ nhắm một mục đích duy nhất là mưu ích cho các linh hồn, dám trả giá mắc mỏ cho tới chỗ tử đạo để trung thành với chân lý và công lý của Tin Mừng. Ðức Thánh Cha đã khích lệ các linh mục đừng sợ hãi hướng dẫn từng tín hữu đến với Chúa Kitô, đào tao Chúa Kitô nơi trái tim từng người, và để cho Chúa Kitô sống trong từng tín hữu.

Sau cùng Ðức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho ngài cũng như cho các Giám Mục và linh mục toàn thế giới để các vị biết săn sóc đoàn chiên Chúa trao phó, kể cả các con chiên lạc. Ngài mời gọi các linh mục tham dự đại hội kết thúc Năm Linh Mục trong các ngày từ mùng 9 đến 11 tạ Roma.

Sau khi chào tín hữu và du khách bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page