Kiểu sống Kitô

trong thế giới ngày nay

 

Kiểu sống Kitô trong thế giới ngày nay.

Phỏng vấn Linh Mục Christoph Theobald, về kiểu sống Kitô trong thế giới ngày nay.

Roma (Avvenire 19-5-2010) - Ngày 19 tháng 5 năm 2010 Linh Mục Christoph Theobald, dòng Tên người Pháp, đã thuyết trình tại Ðại sứ quán Pháp cạnh Tòa Thánh ở Roma về đề tài "Công Ðồng Chung Vaticăng II hôm qua và hôm nay". Buổi thuyết trình do nhật báo Công giáo Pháp "La Croix" và nguyệt san "Études" của dòng Tên tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nguyệt san "Recherches de Science religieuse - Nghiên cứu Khoa học tôn giáo", mà cha Theobald hiện là Giám đốc.

Cùng thuyết trình trong dịp này có Ðức Hồng Y Georges Cottier, thần học gia Phủ Giáo Hoàng. Hai vị điều hợp buổi thuyết trình là cha Dominique Greiner, dòng Ðức Mẹ hồn xác lên trời, chủ bút mục tôn giáo của nhật báo La Croix và cha Pierre de Charentenay, dòng Tên, chủ bút nguyệt san "Études". Linh Mục Théobald sinh tại Koeln bên Ðức, nhưng hiện là giáo sư tại trung tâm Sèvres bên Paris. Cha là tác giả của nhiều sách đã được dịch sang tiếng Ý chẳng hạn như cuốn "Thông truyền Tin Mừng" và "Mạc khải". Từ hơn 30 năm nay cha tìm câu trả lời cho các vấn nạn liên quan tới sự đa diện của các kiểu sống trong thế giới ngày nay, tính cách duy nhất của kiểu sống Kitô, tính cách đáng tin cậy của Chúa Kitô nằm tại điểm nào, và trong xã hội ngày nay tính cách đáng tin cậy của Kitô hữu là tại đâu, Tin Mừng có thể đánh động trái tim con người thời nay như thế nào?... Các suy tư của cha được cô đọng trong bộ sách hai cuốn tựa đề "Kitô giáo như kiểu sống. Một kiểu làm thần học trong thời hậu tân tiến" mới được dịch ra tiếng Ý, do nhà xuất bản Dehoniane phát hành.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Christoph Theobald, về bộ sách nói trên.

Hỏi: Thưa cha, tại sao cha lại chọn tựa đề "Kitô giáo như kiểu sống" cho bộ sách hai cuốn này?

Ðáp: Trước hết ý niệm kiểu mẫu quy chiếu về vẻ đẹp, chẳng hạn như khi chúng ta nhắc tới kiểu kiến trúc gô tích hay kiểu kiến trúc roman. Nhưng chúng ta cũng nói tới kiểu sống. Vì hai lý do đó, xem ra đây là một ý niệm bề ngoài hay đẹp để nói về căn tính Kitô, về chính nòng cốt của Kitô giáo. Ý niệm kiểu mẫu cho phép trông thấy tính cách toàn vẹn của đức tin Kitô từ quan điểm đức tin, từ quan điểm cuộc sống của mọi Kitô hữu. Triết gia Maurice Merleau-Ponty đã đề cập tới kiểu sống như là biểu tượng cho một kiểu sống trong thế giới. Có thể nhìn Kitô giáo qua kiểu nói như sau: trong việc theo Ðức Giêsu thành Nagiarét Kitô giáo đề nghị một kiểu sống trong thế giới một cách rất chuyên biệt. Ý niệm kiểu sống cũng cho phép hấp thụ được một cách tốt đẹp hơn căn tính của Công Ðồng Chung Vaticăng II, được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI coi như là một công đồng mục vụ. Công Ðồng này đã không thêm chân lý vào những điều tín hữu tin, nhưng đã suy tư về tính cách toàn vẹn của chiều kích Kitô trong thế giới ngày nay.

Hỏi: Một kiểu đề cập như thế tìm hiểu biết Kitô giáo như là một thực tại luôn mới mẻ, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Vâng, đúng vậy, luôn luôn mới mẻ và luôn luôn sinh động. Trước hết chúng tôi rất gắn bó với truyền thống, trong ý nghĩa tích cực của việc thông truyền. Như Chúa Giêsu là Ðấng đã trao ban sự sống mình cho loài người trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi qua các giai đoạn lịch sử, bước vào trong cử chỉ nền tảng luôn luôn là của Chúa đó. Ðồng thời cử chỉ này phóng thích óc sáng tạo nơi chúng ta, để có một Kitô giáo thích ứng với mền văn hóa trong đó chúng ta sống, với tất cả sự triệt để của nó.

Hỏi: Khi nêu bật tính cách đặc biệt trong lối sống của Chúa Kitô, cha minh nhiên ý niệm về sự tiếp đón thánh thiện, có đúng thế không?

Ðáp: Nếu phân tích những gì mà các văn bản tường thuật trên mức độ đầu tiên - và tôi nghĩ tới Phúc Âm thánh Luca và cả sách Công Vụ nữa chẳng hạn - chúng ta nhận ra trong đó một loại hiếu khách rộng mở. Chúa Giêsu thường được mời ăn uống với các người tội lỗi và đĩ điếm. Biết bao nhiêu chuyện xảy ra chung quanh các bữa ăn như thế. Tuy nhiên, Chúa tiếp đón một cách bất thình lình những người đến gặp gỡ Ngài. Toàn cung cách sống của Ngài là tiếp đón cởi mở. Ðây là một đề tài nền tảng trong bối cảnh chung của Kinh Thánh. Chúng ta tìm thấy nó ở ngay đầu sách Kinh Thánh, nếu chúng ta nghĩ tới gương mặt của tổ phụ Abraham và bà Sara trong sách Sáng Thế.

Vào cuối sách Kinh Thánh, trong thư gửi giáo đoàn Do thái hay diễn từ về chức Linh Mục của Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy cùng đề tài này, với lời nhắn nhủ tuyệt vời sau đây: "Anh em đừng quên lòng hiếu khách; khi thực thi điều đó một vài người đã tiếp đón các thiên thần mà không biết"; lời này ám chỉ cảnh tổ phụ Abraham tiếp đón ba người khách lạ là các sứ giả và là chính Thiên Chúa. Bên cạnh lý do kinh thánh này, cần phải nhấn mạnh rằng bối cảnh hiện nay đã thúc đẩy nhiều nhà tư tưởng suy nghĩ về lòng hiếu khách. Nếu thúc đẩy lòng hiếu khách đến tột độ, xem ra nó là một mâu thuẫn, vì chúng ta không biết được người mình tiếp đón là một người bạn hay là một kẻ thù. Trong nghĩa này, có thể hiểu được sự thánh thiện của Ðức Giêsu thành Nagiarét, nghĩa là Người có một kiểu tiếp đón hoàn toàn vô điều kiện đối với bất cứ ai đến gặp Người. Theo tôi, trong tương quan với Kinh Thánh và với triết lý, đây là một kiểu tới gần tính cách duy nhất của gương mặt Ðức Giêsu.

Hỏi: Trong tác phẩm của cha, người ta mạnh mẽ cảm thấy nhu cầu trao đổi với tư tưởng triết học mới đây. Ðây là một khía cạnh quan trọng của quan niệm thần học hay sao thưa cha?

Ðáp: Vâng, tôi tin như thế. Tôi đã tìm tiến tới gần chính căn tính của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên chúa - hay như Phúc Âm thánh Gioan nói - Ðấng Thánh của Thiên Chúa, bắt đầu từ sự nhậy cảm của con người thời nay. Ðối với tôi, đó là một nhiệm vụ ưu tiên. Ðồng thời tôi cũng duy trì mạnh mẽ việc lo lắng quy chiếu các khẳng định Kitô học cao cả nhất, mà chúng ta đã nhận được từ truyền thống Kitô. Từ một kiểu tương tự trong việc tiếp cận với sự thánh thiện duy nhất, chắc chắn có thể hiểu rằng Thiên Chúa là Ðấng ba lần Thánh, thông truyền cho chúng ta sự thánh thiện của Ngài qua Ðức Giêsu thành Nagiarét; và Ngài mời gọi chúng ta ngồi vào bàn tiệc sự tiếp đón của Ngài. Ðây là cách thế diễn tả đức tin muôn thuở, nhưng qua các kiểu diễn tả theo sự nhậy cảm ngày nay.

Hỏi: Thưa cha Theobald, cha phân tích vấn đề sự đáng tin cậy của kiểu sống Kitô. Ðây có phải là khía cạnh cần được tái khám phá hay không?

Ðáp: Trong tất cả mọi môi trường sống của xã hội ngày nay, nói chung người ta rất đòi hỏi đối với vấn đề của sự đáng tin cậy. Vì thế tôi đã tìm cách duyệt xét vấn đề một cách nghiêm chỉnh. Nói cho cùng, sự đáng tin cậy của Chúa Kitô là cái gì rất đơn sơ, bởi vì người dân vùng Galilea đã tiếp nhận Chúa như là một người đáng tin cây. Trước hết, Chúa Kitô là Ðấng đã luôn luôn nói lên những điều Ngài nghĩ, và đã làm những gì Ngài nói. Ðây là điều kiện đầu tiên của sự trung thực, hòa hợp với chính mình.

Ðiều kiện thứ hai là trong thái độ đối đầu với các tương quan. Luật vàng giúp chúng ta hiểu điều này: tất cả những gì các con muốn người khác làm cho các con, thì hãy làm điều đó cho họ. Ðiều này đòi hỏi phải có một thái độ hết sức đặc biệt, mà Chúa Kitô đã sống trọn vẹn sâu thẳm cho tới cùng: đó là khả năng tự đặt mình vào chỗ người khác với lòng thương xót và sự thiện cảm, mà không rời khỏi chỗ của mình. Ðương nhiên là điều kiện này bị đe dọa một cách nặng nề, khi người khác là kẻ thù. Ðiều này cũng có thể xảy ra từ bên trong nhóm các môn đệ: bằng chứng là gương mặt của Giuđa. Và chính tại đây có một điều kiện thứ ba của sự đáng tin cậy, nghĩa là sự thay đổi tương quan hướng tới cái chết. Sách Khải Huyền diễn tả điều đó một cách tuyệt diệu khi nói về các Kitô hữu rằng "họ đã yêu thương sự sống đến độ sợ hãi cái chết". Họ đã noi gương Chúa Kitô, là Ðấng đã tự trao nộp sự sống của mình cho người khác. Nhưng có thể bước vào sự hiệp thông với Ngài và chấp nhận cái không đáng tin cậy của mình, đồng thời tuyên xưng ước muốn ngày càng trở nên đồng hình dạng với Ngài hơn. Theo tôi, điều này xem ra có thể khiến cho Kitô giáo ngày càng trở thành đáng tin cây hơn.

(Avvenire 19-5-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page