Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga

trong công cuộc tái rao giảng Tin Mừng

 

Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga trong công cuộc tái rao giảng Tin Mừng.

Roma [Chiesa on line 24/5/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như đã loan tin, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ thiết lập một Hội Ðồng Tòa Thánh mới dành riêng cho công cuộc "rao giảng Tin Mừng mới". Rao giảng Tin Mừng cho các nước chưa biết Chúa Kitô thì đã có Bộ Truyền Giáo. Nay Ðức thánh cha muốn thiết lập một bộ đặc biệt để lo việc tái rao giảng Tin Mừng cho những nước vốn đã có truyền thống Kitô, nhưng hiện đang có nguy cơ đánh mất đức tin. Một cách cụ thể, đối tượng mà Ðức thánh cha đang nhắm tới là các nước Tây phương.

Ðức thánh cha đã muốn xem đây như mục tiêu hàng đầu của triều đại ngài. Và đây là đề tài chính mà một buổi sáng mùa xuân năm 2009 tại Castel Gandolfo, ngài đã thảo luận với 4 vị hồng y có thế giá trong Giáo hội là: Camillio Ruini, Angelo Bagnasco, Angelo Scola, cả ba vị đều là người Ý; riêng Ðức hồng y Christoph Schonborn, Tổng giám mục Vienne, là người Áo.

Nhưng ủng hộ nhiều nhứt cho sáng kiến của Ðức thánh cha chính là Giáo hội Chính thống Nga.

Chiều thứ Năm 20 tháng 5 năm 2010, trước khi khai mạc buổi hòa nhạc do Ðức thượng phụ Chính thống Nga Kyrill tổ chức để vinh danh Ðức Thánh Cha nhân dịp mừng sinh nhựt thứ 83 và 5 năm ngài được bầu làm Giáo hoàng, Ðức cha Hilarion, Tổng giám mục Chính thống Volololamsk, đã nói với Ðức thánh cha rằng Giáo hội Công giáo sẽ không đơn độc một mình trong công cuộc tái rao giảng Tin Mừng choc các nước Tây phương, bởi vì Giáo hội Chính thống Nga sẽ sát cánh bên cạnh Giáo hội Công giáo. Vị Tổng giám mục này giải thích: Giáo hội Chính thống Nga sẽ không còn là một người "cạnh tranh", mà là một đồng minh của Giáo hội Công giáo.

Mối quan hệ tích cực giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo là một trong những thành tựu rõ ràng nhứt trong triều đại của Ðức thánh cha Benedicto XVI. Mối quan hệ này cũng đã được tái lập một cách nhanh chóng. Thật vậy, chỉ cần nhìn lại một thập niên trước để thấy sự căng thẳng giữa hai Giáo hội.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Trang mạng "Chiesa" [Giáo hội], Ðức tổng giám mục Hilarion, giám đốc phòng ngoại vụ của Tòa thượng phụ Chính thống Nga, đã nói đến một số yếu tố khiến cho mối quan hệ giữa hai Giáo hội đã được thắt chặt một cách nhanh chóng.

Yếu tố thứ nhứt, theo Ðức cha Hilarion, là chính con người của Ðức Benedicto XVI. Vị Giáo hoàng này đã thu hút được cảm tình của thế giới Chính thống Nga, vốn đã có cái nhìn thù nghịch đối với Roma từ hằng bao thế kỷ qua.

Yếu tố thứ hai là cái nhìn chung của hai Giáo hội đứng trước tình trạng các nước Tây Phương ngày càng đánh mất cội rễ Kitô của mình.

Và lý do thứ ba khiến cho hai Giáo hội xích lại gần nhau là Truyền Thống Kitô giáo chung. Theo vị đại diện của Giáo hội Chính thống Nga, đây là "xa lộ" của công cuộc rao giảng Tin Mừng mới.

Nhận định về một cuộc gặp gỡ giữa Ðức thánh cha và Ðức thượng phụ Chính thống Mascova Kyrill, Ðức tổng giám mục Hilarion nói rằng "đây là một ước muốn, một niềm hy vọng và chúng ta cần phải chung sức để thực hiện". Ngài nói thêm rằng cần phải giải quyết một số cản ngại mới, đặc biệt là những bất đồng của hai Giáo hội về Giáo hội tại Ukraine. Nhưng Ðức cha Hilarion tin tưởng rằng cuộc gặp gỡ giữa Ðức thánh cha và Ðức thượng phụ Kyrill sẽ diễn ra trong một ngày gần đây. Ngài nói rằng cuộc gặp gỡ sẽ không chỉ diễn ra giữa một vị Giáo hoàng và một vị thượng phụ nào đó trong tương lai, mà phải là giữa Ðức Benedicto XVI và Ðức Kyrill.

Một trong những bằng chứng rõ ràng cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai Giáo hội đó là hai cuốn sách được hai Giáo hội cho phát hành trong những tháng gần đây. Cuốn thứ nhứt được Tòa thượng phụ Chính thống Mascova phát hành gồm những bài viết của Ðức hồng y Ratzinger về Âu Châu, trước và sau khi được bầu làm Giáo hoàng, được Ðức tổng giám mục Hilarion viết bài tựa.

Cuốn thứ hai được Nhà xuất bản Vatican phát hành cách đây vài hôm thu thập những bài viết của Ðức thượng phụ Kyrill trước và sau khi được bầu làm Thượng phụ Mascova và toàn nước Nga. Ðây là những bài viết về phẩm giá và quyền con người, với phần giới thiệu của Ðức cha Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa.

Cả hai cuốn sách đều được một Hiệp hội quốc tế có trụ sở tại Roma tên là "Sofia: idea Russia, idea d' Europa" [Lẽ khôn ngoan: Ý tưởng của Nga, ý tưởng của Âu Châu] bảo trợ. Hiệp hội này đã thành lập Học viện có tên là "Lẽ khôn ngoan và Khoa học" được khánh thành trong khuôn khổ cuộc "Liên hoan về văn hóa và tu đức Nga" trong hai ngày 19 và 20 tháng 5 năm 2010, do Tòa thượng phụ Chính thống Mascova tổ chức.

Hai biến cố chính của Liên Hoan là cuộc hội thảo với chủ đề "Chính thống và Công giáo tại Âu Châu ngày nay. Các cội rễ Kitô và gia sản văn hóa chung của Ðông và Tây" được tổ chức tại nhà thờ chính thống thánh nữ Catarina Alexandria ở Roma.

Biến cố quan trọng thứ hai là buổi hòa tấu do Ðức thượng phụ Kyrill tổ chức để vinh danh Ðức thánh cha tối ngày 20 tháng 5 năm 2010.

Phát biểu nhân cuộc hòa tấu, cả Ðức thánh cha lẫn Ðức tổng giám mục Hilarion đều nhấn mạnh rằng nghệ thuật Kitô giáo cũng là một chiếc xe chuyển tải công cuộc rao giảng Tin Mừng và là men của hiệp nhứt giữa các Giáo hội.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page