Tháng 5 và các Ðền Thánh

kính Ðức Mẹ tại Italia

 

Tháng 5 và các Ðền Thánh kính Ðức Mẹ tại Italia.

Rama (Avvenire 8-5-2010) - Cứ mỗi độ tháng 5 về, tín hữu Công Giáo Italia lại có thói quen đi hành hương thăm viếng hàng trăm nhà thờ và trung tâm Thánh Mẫu đó đây trên toàn nước. Các nhà thờ và trung tâm kính Ðức Mẹ nảy sinh tại những nơi Ðức Mẹ đã hiện ra hay làm phép lạ hoặc ban ơn cho các tín hữu dọc dài lịch sử của Giáo Hội Italia.

Một trong những đền thánh cổ xưa và nổi tiếng nhất là đền thánh Ðức Mẹ Ban Ơn, hay cũng gọi là đền thánh Ðức Mẹ Mentorella, cách Roma vài chục cây số. Ðền thánh này được xây trên một ngọn núi, nơi tương truyền Chúa Giêsu đã hiện ra với Placido, một quan tướng của hoàng đế Traiano cai trị đế quốc Roma từ năm 98 đến 117, và Chúa mời gọi ông theo Ngài. Về tới Roma tướng Placido xin theo đạo và được rửa tội lấy tên là Eustachio và đã được phúc tử đạo cùng với nhiều Kitô hữu khác. Ngày mùng 7 tháng 10 năm 1978, Ðức Hồng Y Karol Wojtila đã đến hành hương nơi đây và qùy cầu nguyện dưới chân tượng Ðức Mẹ. Ít ngày sau đó Mật Nghị các Hồng Y đã bầu người làm Giáo Hoàng lấy tên là Gioan Phaolô II.

Tại Monte San Savino thuộc tỉnh Arezzo, cách Roma 210 cây số, có đền thánh "Ðức Bà Vertighe". Trong nhà thờ này có một ảnh Ðức Mẹ vẽ trên gỗ, gọi là icone Ðức Bà Al. Tương truyền bức ảnh này thuộc nhà nguyện nhỏ nằm trên một mảnh đất bị hai anh em nhà kia tranh giành nhau. Họ to tiếng cãi nhau vá chửi rủa nhau trước ảnh Ðức Mẹ và quyết định đấu kiếm một sống môt còn với nhau để giải quyết vấn đề. Ðó là chiều ngày mùng 6 tháng 7 năm 1100. Nhưng đêm hôm ấy nhà nguyện nhỏ tự nhiên biến mất khỏi đám đất ấy và đem ảnh Ðức Mẹ đến Vertighe. Tên gọi Vertighe phát xuất từ tiếng Latinh "vertex" có nghĩa là đỉnh đồi. Và từ đấy ngọn đồi Vertighe nổi tiếng vì có nhà nguyện và ảnh Ðức Mẹ. Nhiều người đến cầu khẩn Ðức Mẹ và đã được nhận lời.

Tại Castelleone thuộc tỉnh Cremona miền bắc Italia, có đền thánh "Mẹ Thương Xót". Ngày 11 tháng 5 năm 1511 Ðức Mẹ hiên ra với một bà góa làng Castelleone tên là Domenica, khi bà trên đường đi làm việc tại cánh đồng nho. Ðức Mẹ xin bà chuyển sứ điệp kêu gọi dân chúng cầu nguyện và sám hối và xây một đền thờ dâng kính Mẹ. Nhưng không ai thèm tin lời bà kể lại. Ngày hôm sau bà lại được thị kiến trong cùng chỗ hôm trước, bà bị câm và chân tay bị tật. Bà vất vả trở về trình diện với dân làng. Cha sở là Don Zoveni cũng không tin, và khi cha đụng vào cánh tay của bà Domenica, lập tức cha cũng bi liệt cánh tay. Ngày 13 tháng 5 toàn dân làng đi theo bà Domenica ra cánh đồng nho. Ðức Mẹ hiện ra với bà lần thứ ba và tức khắc cha Zoveni được lành tay, trong khi bà Domenica phải chờ ngày hôm sau khi Ðức Mẹ hiện ra với bà lần thứ tư mới nói được và khỏi bại hai cánh tay. Cùng với bà có rất nhiều người được khỏi bệnh tật trong ngày hôm đó. Giáo xứ bắt đầu xây đền thánh kính Ðức Mẹ và đền thánh được khánh thành năm 1515. Tín hữu tuốn về hành hương rất đông và được Ðức Mẹ ban nhiều ơn lành. Năm 1580 Ðức Cha Nicolò Sfondrati, Giám Mục giáo phận Cremona, sau này sẽ là Ðức Giáo Hoàng Gregorio XIV, chính thức thừa nhận phép lạ.

Ngày thứ ba 11 tháng 5 năm 2010 Ðức Cha Jacques Perrier, Giám Mục Lộ Ðức Tarbes, đã chủ sự các lễ nghi khai mạc mừng 500 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Castelleone. Thánh lễ tạ ơn kết thúc được Ðức Cha Dante Lafranconi, Giám Mục Cremona chủ sự ngày 15-5-2010.

Gần thành phố cảng Livorno bắc Italia, có đền thánh "Ðức Trinh Nữ diễm phúc ban ơn". Gốc gác của đền thành này như sau: ngày 15 tháng 5 năm 1345 có một mục đồng què chân đang chăn chiên thì chợt nhận thấy một hình Ðức Mẹ vẽ trên gỗ. Anh liền qùy xuống thì nghe tiếng nói: "Con hãy cầm lấy và mang Ta đi tới chỗ nào con thấy nặng không mang nổi nữa thì bỏ Ta xuống".

Anh ta liền tay chống nạng tay ôm hình Ðức Mẹ lên ngọn đồi Montenero, vẫn được dân chúng coi như nơi trú ẩn của bọn trộm cướp và gọi là "núi qủy". Lên tới đỉnh đồi, anh cảm thấy bức bình Ðức Mẹ nặng qúa nên để xuống đó. Vừa lúc ấy anh cảm thấy cái chân qùe của mình cũng tự nhiên nhẹ hẳn đi và được lành lặn. Anh xuống đồi và kể lại cho mọi người nghe chuyện lạ xảy ra, vừa kể vừa vung cây nạng anh vẫn dùng để đỡ chân bị què. Thế là dân chúng kéo nhau lên đồi tôn kính hình Ðức Mẹ. Cả chính quyền dân sự cũng hiệp ý với dân và quyết định xây một nhà nguyện nhỏ để giữ hình Ðức Mẹ và làm nơi cầu nguyện. Sau đó đã có một nhà thờ nhỏ được xây lên để kính Ðức Mẹ gọi là nhà thờ "Ðức Mẹ nhỏ". Từ thế kỷ XVIII đền thánh này do các cha dòng Biển Ðức trông coi, và có các phòng trưng bầy các kỷ vật tạ ơn Ðức Mẹ lớn nhất Italia. Từ nhiều thế kỷ qua tín hữu các giáo phận vùng Toscana có thói quen đến hành hương đền thánh Ðức Bà Montenero vào tháng 5 và đem theo dầu để dâng kính Ðức Mẹ. Dầu này được dùng để đốt ngọn đèn chầu trước ảnh Ðức Mẹ. Ngày 15 tháng 5 năm 1947 Ðức Giáo Hoàng Pio XII tuyên bố Ðức Mẹ Montenero là "Bà Chủ thiên quốc toàn vùng Toscana".

Trong tỉnh Udine tây bắc Itallia, có đền thánh "Trinh Nữ diễm phúc ban ơn". Vào giữa thế kỷ XV có một con hầu của một vị quan thuộc triều đình Venezia làm việc trong bếp, nhưng bị tai nạn hầu như đứt hẳn một bàn tay. Bà ta và vị quan chạy đến cầu khấn trước hình Ðức Mẹ treo trong lâu đài, và Ðức Mẹ đã chữa lành bàn tay của bà. Bức hình đó hiện được lưu giữ trong đền thánh kính Ðức Mẹ. Trên tường có rất nhiều kỷ vật tạ ơn cũng như nạng và gậy của những người tàn tật đã được chữa lành để lại để tạ ơn Ðức Mẹ, đồng thời cũng là các chứng tích lòng xót thương của Ðức Mẹ đối với những người ốm yếu tật nguyền.

Tại Capurso trong tỉnh Bari nam Italia, có đền thánh Ðức Mẹ Bisantin Thánh Maria của Giếng Nước. Sự tích đền thánh này như sau. Năm 1705 có linh mục tên là Domenico Tanzella bị đau nặng. Ðức Mẹ hiện ra với cha và truyền cho cha uống nước của một cái giếng cổ có tên là Thánh Maria, và Ðức Mẹ xin cha xây một nhà thờ kính Ðức Mẹ. Cha vâng lời cho người tới kín nước giếng Thánh Maria về uống và được khỏi bệnh. Sau đó cha đến thăm giếng và tìm thấy trong các đống gạch vụn một ảnh Ðức Mẹ bồng Chúa Hài Ðồng kiểu Bisantin vẽ trên tường. Từ hai thế kỷ nay ảnh này được trưng bày trong nhà thờ Thánh Maria của Giếng Nước.

Tại Borgo Maggiore của Cộng hòa San Marino, trung Bắc Italia, tín hữu tôn kính Ðức Mẹ Ủi An hay Ðức Mẹ del Greppo hay della Ruppe sau khi xảy ra trận động đất lớn hồi năm 1781. Hàng năm vào Chúa Nhật thứ nhất tháng 6 tín hữu cử hành lễ kính Ðức Mẹ để cảm tạ Ðức Mẹ đã che chở San Marino không bị hư hại vì trận động đất hồi thế kỷ XVIII.

Tại tỉnh Foggia miền Nam Italia, có đền thánh Ðức Mẹ 7 Khăn cất giữ một hình Ðức Mẹ vẽ trên gỗ. Năm 1067 khi phong trào phá hủy các ảnh tượng thánh nổi lên, tín hữu đã tìm thấy hình Ðức Mẹ trôi trên sông Puglia. Vào năm 1731 Ðức Mẹ đã hiện ra nhiều lần với toàn dân trong khi thành phố này bị trận động đất tàn phá.

Trận dịch hạch xảy ra tại Macerata, trung Italia, hồi năm 1447 cũng là dịp khiến cho dân chúng tại đây quyết định xây một nhà thờ nhỏ kính Ðức Mẹ để xin Mẹ bầu cử Thiên Chúa Tối Cao cho ngưng dịch hạch. Năm thế kỷ sau Macerata được tuyên bố là "thành phố của Ðức Maria".

Tại Castello trong tỉnh Perugia bắc Italia, năm 1348 xảy ra một trận dịch hạch rất lớn khiến cho một phần ba dân số toàn vùng bị chết. Vì vậy có một thường dân xây lên một nhà nguyện nhỏ kính Ðức Mẹ Qua Ðời trên ngọn đồi Canoscio gần đó để tưởng niệm các nạn nhân đã chết. Ðền thánh hiện nay được xây trên nhà nguyện cũ thuộc thế kỷ XIV, vẫn còn mang các vết đạn của thời đệ nhị thế chiến.

Tại San Terenzo a Mare trong tỉnh La Spezia, cũng có một trung tâm thánh mẫu gọi là đền thánh Ðức Mẹ Arena. Trong trận dịch hạch Tây Ban Nha năm 1804, và trong thập niêm 1940, tức thời đệ nhị thế chiến, dân chúng cũng chạy đến khẩn cầu sự trợ giúp của Mẹ Maria và được Mẹ ban ơn.

Tượng Ðức Bà Creta và Ðức Bà ban ơn cũng được tôn kính tại đền thánh Castellazzo Bormida trong tỉnh Alessandria bắc Italia, ngay từ năm 1630 khi xảy ra một trận dịch hạch lớn trong vùng này. Từ năm 1947 tới nay các người đi xe môtô chọn Ðức Mẹ Creta làm Bổn Mạng và kéo nhau tới đây hành hương.

Nhưng Ðức Mẹ không chỉ can thiệp trong những tai ương và biến cố lớn, mà cũng cho thấy sự hiện diện của Mẹ trong cuộc sống thường ngày nữa. Tại Pomigliano trên sườn núi Vesuvio nam Italia, có đền thánh Ðức Mẹ dell'Arco. Trên mặt Ðức Mẹ có một dòng máu chảy xuống từ mắt bên phải. Lý do là vào thế kỷ XV có một tín hữu tính tình nóng nảy. Bị thua trong một trận chơi bun ông văng tục và lấy tên Ðức Mẹ mà chửi thề, khiến cho Ðức Mẹ phải chảy nước mắt máu. Ðó là tượng Ðức Mẹ Pomigliano với dòng lệ máu ở má bên phải, được các tín hữu Pomigliano tôn kính từ đó đến nay.

Tại Firenze trung bắc Italia, có đền thánh Ðức Mẹ Truyền Tin rất thánh trong đó cất giữ một hình Ðức Mẹ. Mặt Ðức Mẹ do bàn tay của một người vô hình vẽ. Tương truyền kể rằng họa sĩ tác giả vẽ bức ảnh này đã cầu nguyện với Ðức Mẹ rất lâu, và ông xin Ðức Mẹ giúp ông vẽ gương mặt thật của Ðức Mẹ. Ðể đợi Ðức Mẹ nhận lời ông vẽ thân mình Ðức Mẹ trước. Nhưng bỗng dưng vào một buổi sáng năm 1252, ông thấy mặt Ðức Mẹ cũng đã hoàn tất. Từ hơn 7 thế kỷ qua các nhà phê bình hội họa đã thắc mắc về bức vẽ này, trong khi tín hữu tiếp tục đến kính viếng, cầu xin với Ðức Mẹ và nhận được rất nhiều ơn lành hồn xác.

Tuy nhiên tại Siracusa trên đảo Sicilia miền nam Italia, còn có một đền thánh nổi tiếng khác, hàng năm thu hút nửa triệu tín hữu hành hương kính viếng: đó là đền thánh Ðức Bà Nước Mắt. Chuyện lạ xảy ra trong gia đình của một cặp vợ chồng trẻ tên là Ianusso. Từ ngày 29 tháng 8 cho tới ngày mùng 1 tháng 9 năm 1953 Ảnh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Ðức Mẹ bằng thạch cao treo ở đầu giường gia đình Ianusso liên tục chảy nước mắt. Nhiều người đã tới thăm, chứng kiến sự lạ tận mắt, đã rờ và nếm thử nước mắt có vị mặn như nước mắt người. Ðài truyền hình Italia cũng cho phóng viên tới quay phim và tường thuật. Tòa Tổng Giám Mục Siracusa đã cho điều tra, và phân tích nước mắt trong phòng thí nghiệm. Kết qủa khoa học cho biết đó là nước mắt người thật.

Từ hơn nửa thế kỷ qua dòng nước mắt đó của Ðức Mẹ đã biến thành một dòng suối ơn thánh lôi cuốn hàng chục triệu người tới kính viếng và hành hương. Nước mắt Ðức Mẹ được hứng và đựng trong một lọ thủy tinh nhỏ, và cứ vào ngày 29 mỗi tháng, tín hữu hành hương đều tham dự cuộc rước từ đường Orti, nơi có nhà của gia đình Ianusso đến đền thánh Ðức Mẹ. Cha Nino Siringo, quản lý đền thánh, cho biết tín hữu không tham dự cuộc rước vì tò mò, nhưng họ tham dự với tất cả đức tin sâu xa, vì muốn đáp trả lại lời Mẹ Maria kêu mời mọi con cái hoán cải đời sống và cung cách suy tư hành xử, lời kêu mời được nói lên bằng chính nước mắt đớn đau của Mẹ.

(Avvenire 8-5-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page