Ðức Thánh Cha tiếp kiến hai đại sứ
Liên Minh tiểu vương Arập và Mông Cổ
Ðức Thánh Cha tiếp kiến hai đại sứ Liên Minh tiểu vương Arập và Mông Cổ.
Vatican (SD 20-5-2010) - Sáng 20 tháng 5 năm 2010, trong buổi tiếp kiến tân đại sứ đầu tiên của Liên Minh các Tiểu Vương quốc Arập cạnh Tòa Thánh, là Bà Hissa Abdulla Ahmed Al-Otaiba, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cầu mong cho sự cộng tác giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền nước này được tiếp tục và ngày càng phát triển.
Bà Hissa năm nay 51 tuổi cũng là đại sứ tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha từ tháng 11-2008.
Trong diễn từ chào mừng bà đại sứ mới, Ðức Thánh Cha ghi nhận Liên Minh các tiểu vương quốc Arập đã mở rộng cửa đón nhận hằng trăm ngàn công nhân nước ngoài, giúp bảo đảm sinh nhai cho họ và gia đình, và nhờ đó họ cũng có thể góp phần vào nền thịnh vượng của các tiểu vương quốc Arập. Ngài hài lòng vì chính quyền đã cấp đất để xây dựng nhiều thánh đường Công Giáo, và nói thêm rằng "Mong ước nồng nhiệt nhất của Tòa Thánh là sự cộng tác này được tiếp tục và triển nở, theo sự gia tăng các nhu cầu mục vụ của các tín hữu Công Giáo sinh sống tại nước này. Tự do phụng tự góp phần đáng kể vào công ích và mang lại sự hòa hợp xã hội cho tất cả những người thực hành tự do ấy. Tôi cam đoan rằng ước muốn của các tín hữu Công Giáo tại đất nước của Bà Ðại Sứ là góp phần vào an sinh của xã hội, sống cuộc sống kính sợ Chúa và tôn trọng phẩm giá của mọi người và mọi tôn giáo".
Tòa Thánh và Liên minh các Tiểu vương quốc Arập đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau từ ngày 31-5 năm 2007. Liên minh này gồm 7 Tiểu vương quốc Arập độc lập với thủ đô là Abu Dhabi, và có diện tích tổng cộng 83,600 cây số vuông với 4 triệu dân cư phần lớn là người Arập, nhưng cũng có tỷ lệ rất cao, hơn 70% là công dân nước ngoài đến từ các nước Trung Ðông, Pakistan, Ấn Ðộ, Phi luật tân và Banglades.
Trên toàn quốc có 7 thánh đường Công Giáo trong đó có cử hành thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ và nghi lễ khác nhau. Giáo Hội cũng đang chờ đợi chính quyền cho phép xây cất thêm các nơi thờ phượng.
Tiếp đại sứ Mông Cổ
Cũng sáng 20 tháng 5 năm 2010, Ðức Thánh Cha đã tiếp kiến tân đại sứ Mông Cổ cạnh Tòa Thánh, Ông Luvsantseron Orgil đến trình quốc thư.
Ông Orgil năm nay 46 tuổi cũng là Ðại sứ của Mông Cổ tại Thụy Sĩ từ năm 2009.
Lên tiếng trong dịp này, ngài ca ngợi chính phủ Mông Cổ luôn ủng hộ việc đảm bảo tự do tôn giáo và nói rằng: "Sự kiện chính phủ thành lập một Ủy ban đặc trách việc áp luật pháp một cách nghiêm tục và bảo vệ các quyền lương tâm và tự do thực hành tôn giáo, chứng tỏ sự nhìn nhận tầm quan trọng của các nhóm tôn giáo trong mọi cơ cấu xã hội và tiềm năng của họ trong việc thăng tiến một tương lai hòa hợp và thịnh vượng".
Ðức Thánh Cha đoan quyết với đại sứ Mông Cổ rằng các tín hữu Công Giáo công dân của nước này muốn góp phần vào công ích, hoàn toàn chia sẻ cuộc sống của quốc gia. Sứ mạng đầu tiên của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Trong niềm trung thành với sứ điệp giải thoát của Tin Mừng, Giáo Hội cũng tìm cách góp phần thăng tiến toàn thể cộng đồng. Theo tinh thần đó, Cộng đồng Công Giáo tại Mông Cổ nỗ lực cộng tác với chính quyền và những người thiện chí để khắc phục mọi loại vấn đề xã hội."
Cộng hòa Mông Cổ có 2.8 triệu dân cư, được độc lập khỏi Liên xô từ 20 năm nay. Hầu hết dân chúng tại đây theo Phật giáo Tây Tạng, hay cũng gọi là Phật giáo Kim cương thừa, và chỉ có khoảng 650 tín hữu Công Giáo, với 87 thừa sai và 4 giáo xứ. Cách đây 15 năm (1995) trên toàn quốc chỉ có 14 tín hữu Công Giáo. Tại nước này cũng có một số tu sĩ Don Bosco người Việt (SD 20-5-2010).
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)