Tòa thánh kêu gọi quan tâm
đến số phận của những gia đình tỵ nạn
Tòa thánh kêu gọi quan tâm đến số phận của những gia đình tỵ nạn.
Roma [Zenit 17/5/2010] - Tòa thánh kêu gọi quan tâm đến số phận của những gia đình tỵ nạn.
Hôm 15 tháng 5 năm 2010, nhân ngày Thế Giới về Gia Ðình với chủ đề "Gia đình di dân: cái nhìn của Giáo hội", Ðức cha Agostino Marchettto, thư ký Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn đã nói đến những khó khăn mà các gia đình của người tỵ nạn đang trải qua. Ngài kêu gọi thế giới quãng đại đón tiếp người tỵ nạn.
Trong một bài viết nhân dịp cử hành Ngày Thế Giới Gia Ðình, Ðức cha Marchetto đặc biệt kêu gọi quan tâm đến số phận của các gia đình tỵ nạn; ngài cầu mong họ được các cộng đồng địa phương tỏ tình liên đới và cảm thông. Theo ngài, chỉ nhờ một thái độ như thế, người tỵ nạn mới có thể hội nhập vào xã hội mới.
Nhưng theo Ðức cha thư ký Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn, "ngày nay, sự cảm thông và thiện cảm dành cho người tỵ nạn đang giảm sút". Người tỵ nạn rất thường bị xem như một mối đe dọa hay như một vấn đề chính trị. Người ta quên rằng người tỵ nạn có thể mang lại những đóng góp quý báu cho những quốc gia đón tiếp họ.
Trích dẫn các thống kê, Ðức cha Marchetto nhắc lại rằng Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc hiện đang chăm sóc cho khoảng 20 triệu người tỵ nạn trên khắp thế giới. Ngoài ra, tại các quốc gia ở nam bán cầu, người ta cũng ước tính có đến 6 triệu người đang phải sống trong các trại tỵ nạn từ 5 năm nay.
Theo Ðức cha thư ký Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn, gia đình tỵ nạn phải trải qua rất nhiều khó khăn. Ðặc biệt các bà mẹ rất đau khổ khi thấy con cái không còn tôn trọng và lắng nghe mình nữa. Bởi vì cha mẹ không còn có khả năng lo lắng cho nhu cầu của con cái cho nên con cái muốn sống độc lập và không màng đến quyền bính của cha mẹ.
Nhưng điều đáng quan ngại hơn cả, theo Ðức cha Marchetto, đó là nguy cơ khai thác tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; nhiều người bị buộc phải bán mình để sống còn.
Tất cả những tệ nạn trên đây tác hại một cách trầm trọng đến đời sống gia đình và cơ cấu xã hội khiến cho nhiều người không còn ý thức về luân lý, đánh mất nhân tính và phẩm giá của mình.
CV.