Cuộc bách hại Giáo hội
dưới cái nhìn của Ðức Thánh Cha
Cuộc bách hại Giáo hội dưới cái nhìn của Ðức Thánh Cha.
Fatima, Bồ Ðào Nha [Chiesa 14/5/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cao điểm của chuyến viếng thăm Bồ Ðào Nha của Ðức thánh cha Benedicto XVI chính là cuộc hành hương đến Fatima để kỷ niệm việc Ðức Mẹ hiện ra cho ba trẻ em mục đồng. Nói đến Fatima là nói đến "bí mật Fatima", đặc biệt là phần thứ 3 của bí mật này cũng như sứ điệp sám hối.
Có lẽ đây là điều mà Ðức Thánh Cha đã muốn nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm Fatima. Theo cái nhìn thông thường, Giáo hội có bị bách hại là bị bách hại bởi các thế lực thù nghịch bên ngoài. Nhưng vị Giáo hoàng này đã khiến cho mọi người phải sửng sốt khi ngài tuyên bố rằng nếu Giáo hội có bị bách hại thì sự bách hại đó đến từ chính bên trong Giáo hội, một cách cụ thể từ tội lỗi của Giáo hội.
Ðây là cuộc bách hại mà Ðức thánh cha đã nói đến trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Roma đến thủ đô Lisboa, Bồ Ðào Nha, sáng hôm thứ Ba 11 tháng 5 năm 2010. Mặc dù đây là những lời ứng khẩu của Ðức thánh cha trong cuộc phỏng vấn dành cho các ký giả tháp tùng trên chuyến bay, nhưng chắc chắn đã được ngài nghiền ngẫm và cân nhắc trước khi nói. Thông thường, trong các cuộc họp báo trên chuyến bay, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, đã trình lên Ðức thánh cha những câu hỏi của các ký giả. Trong cuộc họp báo vừa rồi, Ðức thánh cha chỉ chọn 3 câu hỏi để trả lời và một trong ba câu hỏi có liên quan đến bí mật Fatima và vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của hàng giáo sĩ.
Về bí mật thứ ba của Fatima, Ðức thánh cha cho biết khi còn đứng đầu bộ giáo lý đức tin, chính ngài là người đã được đức Gioan Phaolô II ủy thác nhiệm vụ công bố và đưa ra lời giải thích về bí mật này. Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Roma đến Lisboa, Ðức thánh cha đã lập lại lời giải thích ấy. Ngài khẳng định rằng bí mật ấy không hề là một lời tiên đoán về một tương lai bất biến, mà chỉ báo trước rằng Giáo hội sẽ phải chịu đau khổ vì bách hại. Theo ngài, lời tiên báo có thể ứng dụng cho trường hợp Ðức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã bị mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981. Nhưng bởi Ðức giáo hoàng là hiện thân của Giáo hội cho nên lời loan báo cũng áp dụng cho tương lai của chính Giáo hội.
Ðức thánh cha giải thích như sau: "Chúa đã nói với chúng ta rằng Giáo hội sẽ không ngừng đau khổ bằng nhiều cách khác nhau cho đến ngày tận thế." Theo Ðức thánh cha, sứ điệp Fatima không nhắm đến những thực hành đạo đức đặc biệt nào mà thiết yếu kêu gọi sự đáp trả nền tảng của con người là sám hối, cầu nguyện và thực thi ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến. Ðây phải là sự đáp trả thường xuyên của Giáo hội.
Ám chỉ đến những cuộc tấn công mới đây, Ðức thánh cha nói rằng "những cuộc tấn công nhắm vào Giáo hoàng và Giáo hội không chỉ đến từ bên ngoài; những đau khổ của Giáo hội đến từ chính bên trong Giáo hội, từ tội lỗi hiện hữu trong Giáo hội". Theo Ðức thánh cha, đây là điều chúng ta luôn thấy được, nhưng ngày nay chúng ta nhìn thấy điều đó một cách thực sự khủng khiếp: cuộc bách hại lớn lao nhứt của Giáo hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà phát xuất từ tội lỗi bên trong Giáo hội. Do đó, Giáo hội cần phải học lại sự sám hối, chấp nhận chịu thanh luyện, học tha thứ cũng như thực thi công lý. Tha thứ không thay thế cho công lý. Nói tắt một lời, chúng ta cần phải học lại điều thiết yếu là: hoán cãi, cầu nguyện, sám hối và các nhân đức đối thần".
Khi khẳng định rằng cuộc bách hại Giáo hội không đến từ bên ngoài mà xuất phát từ tội lỗi của Giáo hội, đức Benedicto XVI chỉ lập lại điều mà ngài đã nói đến trong nhiều dịp trước đó. Chẳng hạn trong bài giảng ứng khẩu trước các thành viên của Ủy ban Kinh Thánh Quốc tế ngày 15 tháng 4 năm 2010, Ðức thánh cha nói: "Tôi phải nói rằng các tín hữu Kitô chúng ta, ngay cả trong thời đại gần đây, đã thường tránh chữ "sám hối", vì nó xem ra quá "nặng nề" đối với chúng ta. Giờ đây, trước những cuộc tấn công của thế giới vốn nói cho chúng ta về tội lỗi của chúng ta, chúng ta thấy rằng được sám hối là một hồng ân."
Trong lá thư gởi cho người Công giáo Ái Nhĩ Lan ngày 19 tháng 3 năm 2010, ngài viết rằng, những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của hàng giáo sĩ đã "làm lu mờ ánh sáng của Tin Mừng đến một mức độ mà ngay cả hằng bao thế kỷ bị bách hại cũng không bì nổi". Theo Ðức thánh cha, chỉ có một cuộc hành trình sám hối của toàn thể Giáo hội tại nước này mới có thể mở ra con đường của thanh luyện và hoán cải, nghĩa là con đường của ân sủng.
Cũng trong lá thư gởi cho người Công giáo Ái Nhĩ Lan, Ðức thánh cha viết rằng những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục "đã góp phần không nhỏ vào việc làm cho đức tin suy yếu". Trong cái nhìn của vị Giáo hoàng này, đức tin suy yếu là nguy hiểm lớn nhứt không những cho thế giới, mà còn cho chính Giáo hội nữa.
Ðây cũng là ý tưởng đã được ngài nhấn mạnh trong lá thư gởi cho các Ðức giám mục trên thế giới ngày 10 tháng 3 năm 2010. Ngài nói rằng ngày nay, tại nhiều vùng rộng lớn trên thế giới, đức tin đang có nguy cơ chết dần chẳng khác nào một ngọn đèn không còn dầu".
Một lần nữa, chiều thứ Tư 12 tháng 3 năm 2010, ngài cũng lập lại điều đó tại Trung tâm thánh mẫu Fatima khi làm phép các ngọn đuốc và trước khi lần chuỗi với đám đông.
Ngài kêu gọi thắp lên ngọn đuốc của thánh thiện. Ðặc biệt trong cuộc gặp gỡ với các Ðức giám mục Bồ Ðào Nha chiều thứ Năm 13 tháng 5 năm 2010, ngài nói rằng những bài diễn văn hay những lời kêu gọi luân lý suông thôi chưa đủ để làm chứng cho đức tin Kitô, mà cần phải sống thánh thiện.
CV.