Dân nước Zimbabwe mong muốn

một tương lai tốt đep hơn

 

Dân nước Zimbabwe mong muốn một tương lai tốt đep hơn.

Phỏng vấn Ðức Cha Dieter Scholz, Giám Mục Chinhoyi, về hiện tình chính trị, xã hội và tôn giáo nước Zimbabwe

Zimbabwe (Zenit 12-4-2010) - Hai năm đã trôi qua kể từ khi có các vụ bầu cử tổng thống tại Zimbabwe hồi năm 2008 với các vụ bạo động khiến cho nhiều người chết và hàng trăm người bị thương, đặc biệt là các thành phần đối lập.

Ông Robert Mugabe thuộc đảng Mặt trận thống nhất quốc gia phi châu Zimbabwe tái đắc cử tổng thống, và ông Morgan Tsvangirai, lãnh tụ đảng đối lập Phong Trào Thay đổi Dân Chủ, làm thủ tướng.

Zimbabwe rộng gần 391 ngàn cây sô vuông, có gần 12 triệu 600 ngàn dân, gồm 67.1% thuộc chủng tộc Shona, 13% thuộc chủng tộc Ndebele, 4.9% thuộc chủng tộc Chewa, 3.5% là người da trắng đa số gốc Anglosaxon. 11.5% còn lại gồm người lai giống và người gốc Á châu. 62% tổng số dân Zimbabwe theo Kitô giáo, trong đó có 10% tín hữu Công giáo. Còn lại là theo đạo thờ vật linh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Dieter Scholz, Giám Mục Chinhoyi, về hiện tình chính trị, xã hội và tôn giáo nước Zimbabwe.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, tình trạng sống của người dân Zimbabwe hiện nay ra sao?

Ðáp: Tôi có thể nói rằng đa số người dân Zimbabwe đã mất hy vọng nơi một sự thay đổi. Trong thập niên vừa qua họ đã hy vọng rằng các khổ đau, đói kém, thất nghiệp, nghèo túng, bệnh tật chấm dứt, nhưng mọi chuyện vẫn còn đó. Ðã có nhiều cố gắng sửa chữa lại tình trạng thê thảm này, nhưng chúng đều thất bại, vì lý do này hay vì lý do khác.

Hỏi: Ðức Cha có thể đơn cử vài thí dụ liên quan tới nỗi khổ đau mà dân chúng nước này tiếp tục phải gánh chịu hay không?

Ðáp: Trong cuộc khủng hoảng kéo dài 3 tháng giữa các cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 3 năm 2008 và các cuộc bầu cử tổng thống gồm hai vòng hồi cuối tháng 6 năm 2008, đã có âm mưu loại bỏ phe đối lập với chính quyền là Phong trào thay đổi dân chủ. Ðã xảy ra các vụ đánh đập, tra tấn và tàn sát, và tại Banket, một trong các giáo xứ của tôi cách Chinhoyi 20 cây số, anh Joshua Bakacheza, đặc trách giới trẻ, đã bị bắt cóc vào tháng 5 năm 2008. Hồi đó anh đã phải trốn tránh chỉ vì đã là tài xế của Phong trào thay đổi dân chủ. Ðể tìm ra anh, cảnh sát đã tới gặp người em trai và cho biết là có người cho em học bổng cho tới khi nào ra trường. Tưởng thật, người em trai dùng điện thoại di động gọi cho anh biết tin và xin anh về ký nhận học bổng. Anh ta bị bắt tại trường học, và ba tuần sau người ta tìm thấy xác anh bị đốt và cắt chặt tại Beatrice, ở mạn nam thủ đô Harare. Biến cố này đã khiến cho tín hữu toàn giáo phận rất đau buồn và căm phẫn, vì anh được mọi người biết đến. Ðây chỉ là một thí dụ, còn rất nhiều vụ tương tự. Có các linh mục bị tấn công và nhà xứ bị đốt, vì bị cho là có cảm tình với phong trào dân chủ. Chúng tôi không hiểu tại sao các khác biệt tư tưởng chính trị lại có thể thúc đẩy người ta có các hành động tàn ác như thế. Ngoài mầu nhiệm sự dữ còn có mầu nhiệm kẻ dữ nữa. Ðó là Satan, là Luxiphe như thánh Ignatio miêu tả, nó ngồi trong cánh đồng Babilonia triệu tập mọi qủy dữ trên thế giới, và gửi chúng đi với lệnh thi hành các điều dữ. Trong ba tháng đó tôi đã hiểu các hình ảnh và ngôn ngữ mà thánh Ignatio đã dùng hồi thế kỷ XVI, chúng thật hơn là điều chúng ta tưởng tượng.

Hỏi: Tại sao Zimbabwe lại được chọn để vác thập giá này thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ðây là một câu chuyện đài lắm. Như đã biết, các người thuộc địa đã tới đây hồi thế kỷ XIX, và chiếm đất đai bằng bạo lực, lòng ham muốn và lừa đảo. Họ đã lấy đất đai khỏi tay dân chúng, và bắt buộc dân địa phương làm việc cho họ. Có đúng thật là các cơ cấu hạ tầng mà chúng tôi có ngày nay là do người dân và sự hiểu biết của người thuộc địa tạo ra. Nhưng chúng đã được thực hiện với rất nhiều tàn bạo, bất công, cả khi không được hiến pháp hóa như tại Nam Phi, nhưng cũng đã có cảnh loại trừ và kỳ thị chủng tộc. Ðiều này đã đưa tới nội chiến và sự vùng dậy của Phong trào quốc gia phi châu. Thật ra đã có hai phong trào, và ông Mugabe đã là lãnh tụ phong trào Thống nhất quốc gia phi châu của Zimbabwe.

Du kích quân đại diện cho quyền lợi của người dân bản xứ, và quân đội chính phủ được Nam Phi trợ giúp và có các vũ khí và kỹ thuật tối tân. Nhưng có lẽ vì thế mà sau cùng du kích quân đã thắng, vì chiến tranh xảy ra trong rừng. Thật ra, từ khi người thực dân hiện diện cho tới nay, vùng đất này đã không bao giờ có hòa bình. Bạo lực đã luôn luôn hiện diện, không luôn luôn dưới hình thức vật lý, nhưng đôi khi được cơ cấu hóa bằng các luật lệ kỳ thị, bắt buộc dân chúng sống trong cảnh nghèo túng, không có quyền đầu phiếu. Tuy nhiên tôi lạc quan đối với tương lai, vì qua cảnh khổ đau đó người da trắng cũng như người da đen đã thay đổi; trong nghĩa sau cuộc nội chiến hồi thập niên 1980, nhiều người da trắng đã nói với tôi rằng chiến tranh đã giúp họ hiểu điều thiện và các phẩm chất Kitô của người phi châu, nhất là khả năng kiên nhẫn, nhân nhượng và tha thứ của người phi châu. Trước đó họ đã không bao giờ ý thức được điều này, và nếu không có chiến tranh, thì họ đã không bao giờ ý thức được điều ấy. Về phía người phi châu các phẩm chất nói trên đã khiến cho họ có thể ngăn chặn mà không để cho thái độ kỳ thị của giới chính trị đâm rễ trong lòng dân chúng. Thực ra dân chúng rất thân thiện đối với một số ít người da trắng còn lại tại Zimbabwe. Trong một nghĩa nào đó, ông Mugabe là tù nhân của qúa khứ và của thế hệ của ông và ông ta đang ở vào cuối đời.

Hỏi: Như thế là Ðức Cha tin rằng có thể nhìn vào sự phục sinh của Zimbabawe với các thế hệ tương lai của nước này?

Ðáp: Vâng, tôi tin là các thế hệ tương lai sẽ khác với thế hệ của ông Robert Mugabe. Vào thời độc lập mặc dù có chiến tranh, nhưng người dân Zimbabwe vẫn có mức học vấn cao hơn các dân tộc phi châu vùng nam sa mạc Sahara. Và chắc chắn là Giáo Hội và các thừa sai đã nắm giữ một vai trò quan trọng, với các trường học mà chúng tôi đã điều hành và mở rộng cửa cho học sinh phi châu. ông Morgan Tsvangerai đã từng là học sinh của trường Silveira House, nơi tôi đã làm việc trong 10 năm trời. Trường này đã đào tạo các lãnh tụ nghiệp đoàn da đen đầu tiên. Tuy không phải là tín hữu công giáo, nhưng ông Morgan có nền văn hóa Kitô. Còn đối với tổng thống Robert Mugabe thì trường Silveira House đã như là nhà của ông trước và sau thời chiến tranh. Ông có hai người em gái là Brigit và Sabina làm việc trong trường, được lương bổng, có cuộc sống ổn định và được che chở. Tổng thống Mugabe đã không quên điều đó, và ông đã tới tham dự lễ tấn phong Giám Mục của tôi với một món qùa rất đẹp. Hồi trước thì ông hay đi tham dự thánh lễ, nhưng bây giờ thì ít hơn trước kia. Và tôi cũng không hiểu làm sao ông có thể hòa giải trong lương tâm của ông đức tin, đường lối chính trị và các hành động của ông.

Hỏi: Trong khi mọi sự chung quanh xem ra đã sụp đổ, Giáo Hội là một trong các tiếng nói đối lập cuối cùng còn đứng vững. Ðức Cha có nhận xét gì về vai trò và trách nhiệm chủ chăn của mình, là tiếng nói của những người không có tiếng nói?

Ðáp: Nhiệm vụ chính của tôi là nâng đỡ các linh mục trong công việc còn khó khăn hơn nữa của họ. Các linh mục đã trải qua một giai đoạn bị bách hại thực sự, từ khi chúng tôi công bố thư mục vụ tựa đề "Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của những người bị áp bức" vào dịp lễ Phục Sinh năm 2007. Sau đó chính quyền đã bách hại các linh mục, đặc biệt trong giáo phận của tôi.

Hỏi: Bách hai như thế nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Các vị nhận được những cú điện thoại nặc danh, bị đe dọa và chửi bới sỉ vả từ phía một số các tín hữu công giáo có địa vị trong xã hội. Các phụ nữ có địa vị trong giáo phận của tôi đã điện thoại cho vị chủ tịch hội đồng mục vụ và chửi rằng: các linh mục của ông là lũ côn đồ, trôm cướp và say rượu. Nếu họ không ngừng giảng dậy như họ đã làm, thì sẽ biết tay chúng tôi.

Ðại để những lời đe dọa là như thế. Ðây là một thách đố mục vụ mà chúng tôi phải đương đầu. Phải giúp tín hữu đối chiếu lương tâm của họ với các đòi buộc của đức tin: một đàng là các đòi hỏi của công bằng và đàng khác là kiểu họ đã ủng hộ các biến cố xảy ra trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 6 năm 2008, đồng thời là cung cách tham dự thánh lễ và đeo các biểu tượng tôn giáo. Cho tới nay vì tình hình căng thẳng và các đe dọa liên tục xảy ra trong cộng đoàn Kitô cũng như cộng đoàn xã hội nói chung, chúng tôi chưa thực hiện được điều này.

Vì thế nhiệm vụ đầu tiên của tôi là nâng đỡ các linh mục, đặc biệt là các linh mục đã phải chạy trốn khỏi giáo xứ của mình. Tôi đã cho các vị trú ngụ tại tòa giám mục hay tại trung tâm mục vụ giáo phận để bảo đảm an ninh cho các vị. Tôi đã gửi một vị sang Anh quốc để nghỉ ngơi dưỡng sức một thời gian, và trong các tuần tới sẽ có thêm hai vị khác nữa.

Hỏi: Như thế có nghĩa là các linh mục của Ðức Cha có vấn đề bị kiệt lực?

Ðáp: Vâng, các vị bị kiệt sức trên bình diện vật lý, cảm xúc và tâm lý. Thật khó mà có thể tưởng tượng ra xã hội đóng kín tại Zimbabwe, nơi tình trạng vô pháp luật ngự trị. Nếu có ai bị tấn kích bằng lời nói hay các hành động bạo lực mà có đi tố cáo với cảnh sát, thì liền bị bắt vì tội phá rối trị an và gây hấn. Vì thế nhiệm vụ Giám Mục của tôi là nâng đỡ các linh mục và nâng đỡ tín hữu trong các chuyến viếng thăm trong giáo phận bao gồm toàn miền bắc và đông bắc Zimbabwe.

Tôi tìm cách khơi dậy đức tin nơi họ trong các lần đi ban Bí Tích Thêm Sức, và thật là dịp tuyệt vời khi nói với họ về các ơn của Chúa Thánh Thần: ơn an ủi, ơn đức tin, ơn đức cậy. Và từ gương sống đức tin Kitô trong các khổ đau của họ tôi nhận được nhiều hơn là điều tôi có thể cho họ với các lời nói của tôi. Tôi tin rằng sự bách hại khơi dậy cái tồi tệ nhất nơi những kẻ bách hại, nhưng cũng khơi dậy điều tốt đẹp nhất nơi các tín hữu bị bách hại.

Hỏi: Cùng với các Giám Mục khác Ðức Cha đã nói tới tình trạng tồi tệ của Zimbabwe một cách công khai, đặc biệt là qua việc công bố thư mục vụ chung. Ðức Cha không sợ hãi sao?

Ðáp: Ðối với tôi thì không có vấn đề, một phần vì trong thời chiến tranh tôi đã cộng tác với Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Zimbabwe, cùng với Ðức Cha Lamont là chủ tịch và ba vị khác nữa. Tôi đã bị bắt, bị bỏ tù và bị trục xuất. Hồi đó chúng tôi đã nói lên sự thật, và bây giờ chúng tôi cũng phải nói lên sự thật, và đó là điều chúng tôi đã làm trong thư mục vụ.

Và bằng chứng là chính quyền đã rất giận dữ. Bây gìơ cũng thế, mỗi khi chúng tôi gặp các giới chức chính quyền họ đều nhắc đến "bức thư mục vụ" ấy, mặc dù chúng tôi đã viết nhiều thư mục vụ khác nữa. Nhưng đó là nhiệm vụ của chúng tôi: nâng đỡ hàng giáo sĩ, sống với người dân, đồng hành với họ trong các giờ phút đen tối này của lịch sử đất nước, và thi hành vai trò ngôn sứ, nói lên sự thật.

Hỏi: Ðức Cha có cảm thầy rằng dân nước Zimbabwe bị cộng đồng thế giới bỏ quên hay không?

Ðáp: Không. Chúng tôi không cảm thấy mình bị bỏ quên. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới qua các điện thư, qua thư viết tay, và các qùa tặng lớn nhỏ, đặc biệt trong các tháng bầu cử hồi năm 2008.

Giáo phận của chúng tôi có 5 nhà thương. Những người bị cảnh sát đánh trọng thương trong các vụ đụng độ đã tìm đến các nhà thương công giáo để được săn sóc băng bó. Ban đầu họ từ chối, nhưng sau cùng họ đến với các vết thương lớn. Chúng tôi đã không có đủ thuốc men, nhưng hiện nay cha Halamba đã tới với nhân viên của tổ chức Trợ Giúp các Giáo Hội đau khổ, và sau khi nghe tôi trình bầy tình hình, chỉ trong vòng vài ngày tổ chức đã cung cấp cho các nhà thương rất nhiều thuốc men.

Hỏi: Ðức Cha có tức giận vì những chuyện xảy ra cho dân nước Zimbabwe hay không? Và Ðức Cha muốn kêu gọi điều gì cho dân nước Zimbabwe?

Ðáp: Tôi cũng có tức giận, vì thấy xảy ra qua nhiều bạo lực bất công vô lý. Những khi đó tôi lui vào nhà nguyện và đợi cho cơn giận qua đi. Nhưng nếu không có công lý, thì sẽ không có hòa bình và hòa giải. Và cũng không thể hòa giải nếu không thừa nhận và tôn trọng sự thật.

Tôi muốn xin mọi người cầu nguyện cho dân nước Zimbabwe được hòa bình, cho những người đã thất cử cũng như những người đã thắng cử biết nghĩ tới công ích, vì người dân đã qúa mệt mỏi, đói khổ, không công ăn việc làm, không có đủ trường học và nhà thương, và họ mong muốn có sự thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Zenit 12-4-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page