Ðức Thánh Cha kết thúc tốt đẹp
chuyến viếng thăm tại Bồ đào nha
Ðức Thánh Cha kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm tại Bồ đào nha.
Vatican
(Vat. 14/05/2010) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã kết thúc
tốt đẹp chuyến viếng thăm mục vụ 4 ngày tại Bồ đào nha
và đề tới Roma chiều ngày 14 tháng 5 năm 2010.
Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Ðại Lộ Ðồng Minh (Avenida dos Aliados) ở trung tâm thành phố Porto, miền Bắc Bồ Ðào Nha) vào lúc quá 11 giờ ngày 14/05/2010, trước sự hiện diện của 150 ngàn tín hữu, trong đó có cả ông bà Tổng thống Cavacao Silva và các giới chức chính quyền. |
Trước đó, vào ban sáng, ngài đã giã từ trung tâm Thánh Mẫu Fatima, đáp trực thăng quân sự đến thành phố Porto cách đó 190 cây số ở mạn bắc. Ðây là thành phố lớn thứ 2 của Bồ đào nha với 240 ngàn dân cư, nhưng nếu kể cả khu vực ngoại ô thì dân số lên tới 2 triệu người, và được coi là thủ đô công nghệ của miền bắc Bồ đào nha.
Về mặt tôn giáo, giáo phận Porto hiện có 1 triệu 900 ngàn tín hữu Công Giáo với 447 giáo xứ và 338 linh mục giáo phận, 168 linh mục dòng. Ơn gọi khan hiếm vì trong năm ngoái chỉ có 1 tân linh mục giáo phận và 6 Linh Mục dòng. Ngoài ra, có 80 tu huynh và 1,100 nữ tu.
Tại Ðại Lộ Ðồng Minh ở trung tâm thành phố, vào lúc quá 11 giờ, Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của 150 ngàn tín hữu, trong đó có cả ông bà Tổng thống Cavacao Silva và các giới chức chính quyền. Số tín hữu tham dự và sự tiếp đón nồng nhiệt của mọi người vượt quá mức dự trù của ban tổ chức.
Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức Thánh Cha đặc biệt nói đến sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô và mời gọi tha nhân về cùng Chúa. Ngài dựa vào lời thánh Phêrô nói với cộng đoàn trong buổi tuyển chọn thánh Matthia:
'Thánh Phêrô nói: "Cần có một người cùng chúng tôi trở thành chứng nhân về sự phục sinh". Chính người kế vị hiện nay của Thánh Phêrô lập lại lời này với mỗi người trong anh chị em: Thưa anh chị em, điều cần thiết là anh chị em cùng với tôi trở thành chứng nhân về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thực vậy, nếu anh chị em khổng là chứng nhân trong môi trường của mình thì ai sẽ làm thay? Trong Giáo Hội và cùng với Giáo Hội, tín hữu Kitô là một thừa sai của Chúa Kitô, được sai đến trong trần thế. Ðây là sứ mạng không thể trì hoãn của mỗi cộng đoàn Giáo Hội: nghĩa là đón nhận và trao tặng thế giới Chúa Kitô phục sinh, để mỗi tình trạng suy nhược và chết chóc được biến đổi nhờ Thánh Linh, thành một cơ hội tăng trưởng và sống mạnh. Với mục tiêu ấy, trong mỗi thánh lễ, chúng ta sẽ nghe lời Chúa chăm chú hơn, và siêng năng nếm hưởng Bánh sự hiện diện của Chúa. Ðiều ấy sẽ làm cho chúng ta thành chứng nhân, và hơn nữa thành nững ngừơi mang Chúa Giêsu Phục Sinh vào thế giới, mang Chúa đến những lãnh vực khác nhau trong xã hội, và cho những người sống và hoạt động trong đó, phổ biến "sự sống dồi dào" (Ga 10,10) mà Chúa đã đạt được cho chúng ta nhờ thập giá và sự phục sinh của Ngài và thỏa mãn những khát vọng hợp pháp nhất của tâm hồn con người".
Ðức
Thánh Cha minh xác rằng "Chúng ta không áp đặt điều gì,
nhưng luôn đề nghị, như Thánh Phêrô đã nhắn nhủ chúng ta
trong một thư của Người: "Anh chị em hãy thờ lạy Chúa
là Ðức Kitô, trong tâm hồn mình, luôn sẵn sàng trả lời
cho bất kỳ ai hỏi anh chị em lý do tại sao anh chị em hy vọng"
(1 Pr 3,15). Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều hỏi như thế,
cả những người dường như không đặt câu hỏi. Do kinh
nghiệm bản thân và kinh nghiệm chung, chúng ta biết rõ chính
Chúa Giêsu là Ðấng mà mọi người mong đợi. Thực vậy,
những mong đợi sâu thẳm nhất của thế giới và những
điều chắc chắn nhất của Tin Mừng gặp nhau trong sứ mạng
mà chúng ta không thể từ khước được, bởi vì "Nếu
không có Thiên Chúa, thì con người chẳng biết đi đâu và
cũng chẳng hiểu nổi mình là ai".
Ðức Thánh Cha bước vào Chiếc máy bay Airbus 320 của hãng hàng không TAP của Bồ Ðào Nha tại Phi Trường Sa Carnerio Airport ở thành phố Porto, để chuẩn bị trở về lại Roma. |
Cũng trong bài giảng, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đi xa hơn trong việc làm chứng cho Chúa, tìm đến gặp tha nhân. Ngài nói thêm rằng: "Chúng ta phải vượt thắng cám dỗ chỉ muốn giới hạn vào những gì mình còn có được hoặc nghĩ rằng mình đang có, thuộc về mình hoặc chắc chắn là của mình: thái độ như vậy là một cái chết từ từ, một đàng vì sự hiện diện của Giáo Hội trên thế giới chỉ có thể là một sự hiện diện truyền giáo trong tác động lan rộng của Chúa Thánh Linh. Ngay từ thủa đầu, các tín hữu Kitô đã thấy rõ tầm quan trọng sự sự thông truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những người chưa biết Chúa. Trong những năm gần đây, bối cảnh nhân sự, văn hóa, xã hội và tôn giáo của nhân loại đã thay đổi; ngày nay Giáo Hội được kêu gọi đương đầu với những thách đố mới và sẵn sàng đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác, cùng với những người thiện chí tìm cách xây dựng một cuộc sống chung hòa bình giữa các dân tộc. Cánh đồng truyền giáo cho dân ngoại ngày nay được mở rộng hơn nhiều và không thể chỉ được xác định dựa trên các tiêu chuẩn địa lý mà thôi; thực vậy, không những những dân ngoài Kitô giáo và những miền đất xa xăm mới chờ đợi chúng ta, nhưng cả những môi trường xã hội và văn hóa, nhất là tâm hồn con người,chính là những đối tượng đích thực mà hoạt động truyền giáo của Dân Chúa phải nhắm tới".
Ðây chính là một mệnh lệnh mà chúng ta cần trung thành chu toàn, theo cùng con đường Chúa Kitô đã đi qua, nghĩa là "con đường thanh bần, vâng phục và phục vụ, hy sinh bản thân cho đến chết, từ đó Ngài trở thành người chiến thắng nhờ sự phục sinh của Ngài" (Ad Gentes 5). Ðúng vậy, chúng ta được mời gọi trở thành người phục vụ nhân loại ngày nay, trong niềm tín thác chỉ nơi một mình Chúa Giêsu, để cho Lời Chúa soi sáng: "Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và thiết định để các con đi và mang lại nhiều hoa trái, và để hoa trái của các con tồn tại" (Ga 15,16). Bao nhiêu là thời giờ uổng phí, bao nhiêu công trình bị hoãn lại, chỉ vì không để ý đến điều ấy! Tất cả phải được xác định từ Chúa Kitô, xét về nguồn mạch cũng như hiệu năng của việc truyền giáo: chúng ta luôn lãnh nhận sứ mạng truyền giáo từ Chúa Kitô, Ðấng đã cho chúng ta biết điều Người đã nghe từ Chúa Cha, và chúng ta được Người thiết định trong sứ mạng nhờ Thánh Linh, trong Giáo Hội".
Cuối thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã làm phép viên đá đầu tiên của Ðại chủng viện Redemptoris Mater, Mẹ Ðấng Cứu Chuộc, sẽ được gắn vào Ðại chủng viện Chúa Chiên Lành ở thành phố Porto này.
Sau thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã ra phi trường Porto. Tổng thống và các Giám Mục cũng có mặt để tiễn biệt ngài.
Chiếc máy bay Airbus 320 của hãng hàng không TAP Bồ đào nha được chọn để chở Ðức Thánh Cha, đoàn tùy tùng và các ký giả quốc tế. Sau 3 giờ bay, vượt qua 1,760 cây số, máy bay chở Ðức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Ciampino của thành Roma lối 6 giờ chiều, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm mục vụ thứ 15 ở nước ngoài.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)