Tự do báo chí là

nhựa sống của nền dân chủ

 

Tự do báo chí là nhựa sống của nền dân chủ.

Vatican (Vat. 14/05/2010) - Mùng 3 tháng 5 năm 2010 là "Ngày quốc tế tự do báo chí" lần thứ XVIII. Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc thành lập hồi năm 1993, nhằm mục đích thăng tiến các hành động cụ thể và các sáng kiến bảo vệ quyền tự do thông tin, tự do báo chí; đồng thời cũng là dịp lượng định tình hình tự do báo chí trên thế giới. Ngoài ra, nó cũng có mục đích lôi cuốn sự chú ý, gây ý thức cho nhân dân toàn thế giới đối với quyền căn bản này và tưởng niệm các nhà báo đã bị thiệt mạng trong khi thi hành nghề nghiệp của mình.

Ðể thăng tiến quyền tư do dư luận, tự do diễn tả và tự do báo chí, số 10 của Thỏa hiệp âu châu về các quyền con người khẳng định rằng: "Mọi người đều có quyền tự do diễn tả. Quyền này bao gồm sự tự do ý kiến, tự do nhận và phổ biến các tin tức hay tư tưởng, mà không bị các quyền bính công cộng xen mình vào, và không có biên giới". Một ủy ban quốc tế đã được thành lập gồm các chuyên viên quốc tế có nhiệm vụ đặc trách các vấn đề liên quan tới quyền tự do diễn tả và thông tin trong thời khủng hoảng. Các thay đổi trong xã hội truyền thông ngày nay đặt để Hội Ðồng Âu châu trước thách đố bảo vệ và duy trì các nguyên tắc nền tảng trong các thực tại mới, như hệ thống liên mạng.

Ông Andrew McIntosh, tường trình viên thường trực của Quốc Hội Âu châu về tự do truyền thông khẳng định rằng: "Ngày quốc tế tự do báo chí nhắc cho chúng ta biết rằng các nhà báo và giới truyền thông là cột trụ nền tảng của nền dân chủ. Vì thế thật là điều rất đáng lo âu, khi thấy từ năm 2007 tới nay đã có 20 nhà báo bị ám sát tại Âu châu, trong đó có nhiều nhà báo đã tố cáo và phanh phui các vụ làm ăn của nạn gian tham hối lộ và nạn tội phạm có tổ chức". Ông McIntosh kêu gọi các nước thành viên trong Liên Hiệp Âu châu, giới truyền thông và các hiệp hội nhà báo cùng hiệp lực với nhau, làm sao để bảo đảm cho việc thực thi khoản 10 của Thỏa hiệp âu châu về các quyền con người, liên quan tới quyền tự do tư tưởng và tự do thông tin, được tôn trọng nghiêm chỉnh.

Trong khi các cuộc khủng hoảng trên thế giới tiếp nối nhau, người dân cần có một hệ thống thông tin đa diện, với các nhà báo báo thu thập tin tức, phân tích tình hình thế giới phức tạp, và kiểm soát xem các quyền con người có được tôn trọng đúng đắn hay không, cũng như mạnh mẽ tố cáo nạn gian tham hối lộ, cửa quyền và lạm dụng quyền bính. Nhìn vào quang cảnh truyền thông trên thế giới hiện nay, Liên Hiệp các nhà báo quốc tế báo động cảnh suy thoái quyền tự do tư tưởng và tự do thông tin ngay tại Âu châu, vì nhiều tòa báo bị đóng cửa, nhân viên và ngân qũy bị cắt giảm, các nhà báo điều tra và cho tin tức có phẩm chất có nguy cơ biến mất. Chính trong hoàn cảnh khó khăn này Liên Hiệp các nhà báo quốc tế đã phát động bảo vệ một nghành báo chí có luân lý đạo đức, và thăng tiến luật đạo đức báo chí bao gồm đòi buộc tôn trọng sự thật, sự độc lập và công bằng, tinh thần nhân bản và liên đới. Các nhà báo điều tra tại Âu châu tiếp tục bị sách nhiễu, đe dọa và sát hại trong khi thi hành nghề nghiệp của họ là kiếm tìm sự thật và cho công luận được biết sự thật. Và vì thế nhiều nhà báo đã bị ám sát: điển hình như bà Anna Politkovskaia bị ám sát tại Nga, Ông Hrant Dink bị giết bên Thổ Nhĩ Kỳ, ông Georgyi Gongadze bị ám sát bên Ucraine, và nhà báo Elmar Huseynov bị giết bên Azerbaidjan. Tất cả đã bị sát hại vì can đảm dấn thân phanh phui sự thật liên quan tới các đề tài chính trị tế nhị, dính líu tới trách nhiệm của một số người lãnh đạo.

Thật ra trong năm 2009 đã có 76 nhà báo bị giết, tức gia tăng 21% so với năm 2008, 33 nhà báo bị bắt cóc, 573 nhà báo bị bắt giữ, 1,456 người bị tấn công hay ngăn cản hành nghề, 570 tờ báo bị kiểm duyệt, 157 nhà báo phải trốn khỏi quê hương mình, 1 chủ địa chỉ liên mạng bị chết trong tù, 151 người khác khác bị bắt giữ, 61 người khác nữa bị tấn công, và chính quyền của 60 quốc gia kiểm soát gắt gao hệ thống liên mạng Internet, không cho dân chúng tự do trao đổi tin tức cũng như diễn tả tư tưởng và ý kiến của mình.

Mới đây tổ chức "Các phóng viên vô biên giới" đã công bố danh sách 40 quốc gia hay tổ chức và cá nhân chuyên tước đoạt quyền tự do thông tin và tự do báo chí, trong đó có các các nước thuộc khối A rập như: A rập Sauđi, Yémen, Iran, Siria. Trong vùng Trung Ðông thì có lực lượng Hamas, lực lượng quốc phòng Israel, lực lượng an ninh Palestina. Vùng trung Trung Á thì có Uzbekistan, Kazakistan, Turkmenistan và các lực lượng Taleban. Bên Ðông Âu thì có các nước như Nga và Bielorussia. Tai Tây Ban Nha có tổ chức ETA, tại Italia có các tổ chức tội phạm Mafia, Camorra và N'drangata. Bên Phi châu thì có các nước Eritrea, Libia, Gambia, Tusinia, Nigeria, Zwaziland, Rwanda, Zimbabwe, Guinea Equatoriale, Trong vùng Trung Ðông thì có lực lượng Hamas, lực lượng quốc phòng Israel. Bên châu Mỹ Latinh thì có Cuba, các lực lượng du kích quâm FARC và "Diều hâu đen" Colombia, hay tổ chức buôn ma túy Sinaloa thuộc Vịnh Mehicô.

Tại Á Châu thì ngoài Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào và Myanmar, còn có Sri Lanka và các du kích quân Phi Luật Tân.

Tất cả các chính quyền và các tổ chức nói trên đều theo đường lối cai trị độc tài, sợ hãi sự thật, chủ trương ngu dân, nên tìm mọi cách và đưa ra mọi luật lệ để kìm kẹp con người và đất nước trong tình trạng nô lệ, chậm tiến, dốt nát. Cung cách cai trị đốc tài như thế thật đáng kết án, vì khi giết chết tự do báo chí là họ lấy mất đi nhựa sống của nền dân chủ và cướp mất một trong các quyền tự do căn bản nhất của con người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page