Bí mật thứ ba của Fatima
Bí mật thứ ba của Fatima.
Bồ Ðào Nha [Chiesa on line 11/05/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Theo chương trình, ngày thứ Năm 13 tháng 5 năm 2010, kỷ niệm ngày Ðức Mẹ hiện ra cho ba trẻ em mục đồng Fatima hồi năm 1917, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ chủ sự thánh lễ tại quảng trường của Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima. Ðức thánh cha hành hương đến Trung Tâm này nhân dịp kỷ niệm 10 năm hai trẻ em mục đồng là Giacinta và Francesco Marto được tôn phong Chân phước. Ðây là cao điểm của chuyến viếng thăm Bồ Ðào Nha của Ðức Benedicto XVI.
Cuộc hành hương này nói lên mối quan hệ rất đặc biệt của Ðức thánh cha với Trung Tâm Thánh mẫu Fatima đồng thời cũng gợi lại một trong những vấn đề được nhắc tới rất nhiều trong những ngày này là bí mật thứ ba của Fatima. Hồi năm 2000, lúc còn làm bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, đức Benedicto XVI đã đóng một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo một văn kiện giới thiệu và giải thích bí mật thứ ba này.
Tưởng cũng nên nhắc lại hai bí mật đầu tiên hay đúng hơn hai phần đầu của bí mật Fatima đã được cho công bố năm 1941. Nội dung của hai bí mật này là một thị kiến về hỏa ngục và một lời loan báo về những cuộc bách hại mà Giáo hội phải trải qua.
Phần thứ ba của bí mật hay bí mật thứ ba của Fatima, mặc dù đã được Tòa thánh, theo lệnh của Ðức Goan Phaolo II, chính thức cho công bố hồi năm 2000, nhưng tới nay vẫn tiếp tục gây tranh cãi: nhiều người cho rằng bí mật này vẫn còn được tiếp tục "bảo mật".
Lúc còn đứng đầu bộ giáo lý đức tin, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã đóng một vài trò chủ yếu trong việc công bố bí mật thứ ba của Fatima. Thật vậy, chính ngài là người đã đưa ra giải thích chính thức về bí mật này. Trọng tâm lời giải thích của Ðức hồng y Ratzinger là một suy niệm về lịch sử. Chắc chắc đây sẽ là một bài suy niệm mà ngài sẽ tiếp tục khai triển trong các bài giảng và diễn văn tại Fatima trong ngày hôm nay.
Trong bài suy niệm về bí mật thứ ba của Fatima hồi năm 2000, Ðức hồng y Ratzinger tuyệt đối khẳng định rằng thị kiến của ba trẻ em mục đồng Fatima không hề là một "lời tiên tri về tương lai" hay về một tương lai bất biến, nghĩa là không thể thay đổi được. Trái lại, theo vị Giáo hoàng tương lai, sứ điệp phát xuất từ thị kiến của ba trẻ em mục đồng Fatima là một lời mời gọi về tự do, về thay đổi tốt đẹp hơn.
Ðức hồng y Ratzinger nói rằng đức Gioan Phaolo II đã có lý khi nói rằng ngài đã được cứu thoát bởi bàn tay hiền mẫu của Ðức Mẹ, nhờ đó viên đạn nhắm vào ngài trong cuộc mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981 đã bị lệch đi. Người đứng đầu bộ giáo lý đức tin hồi năm 2000 nói: "không có một định mệnh bất biến nào cả và đức tin và lời cầu nguyện là những sức mạnh có thể ảnh hưởng đến lịch sử".
Trong lời giải thích về bí mật thứ ba của Fatima, Ðức hồng y Ratzinger viết rằng các thị kiến của ba trẻ em mục đồng Fatima không hề là một tiên đoán về một tương lai bất biến. Mặc dầu báo trước các cuộc bách hại mà Giáo hội phải trải qua, những thị kiến này lại là một sứ điệp hy vọng, bởi vì máu của các vị tử đạo là một hạt giống của thanh luyện và canh tân.
Nhưng trên hết, theo Ðức hồng y Ratzinger, "bởi vì Thiên Chúa có một quả tim nhân loại và do đó đã mạc khải tự do của con người hướng về điều thiện, hướng về Thiên Chúa, cho nên tự do làm điều dữ cũng không hề là tiếng nói cuối cùng".
Ðể hiểu được lời giải thích của Ðức hồng y Ratzinger về bí mật thứ ba của Fatima, chúng ta hãy lắng nghe một đoạn chính của bí mật này như đã được nữ tu Lucia ghi lại năm 1944 như sau: "Thiên Thần lớn tiếng kêu gọi: "sám hối, sám hối, sám hối". Và chúng tôi thấy trong một luồng ánh sáng vô biên là Thiên Chúa: "một cái gì đó giống như thể con người xuất hiện trong một tấm gương khi họ đi ngang qua rước tấm gương đó": một vị giám mục mặc áo trắng mà "chúng tôi nghĩ là Ðức thánh cha". Các giám mục khác, các linh mục, nam nữ tu sĩ đi lên một ngọn núi; trên đỉnh núi có một Cây Thánh Giá lớn... Trước khi đến đó, Ðức thánh cha đi qua một đô thị bị tàn phá một nửa; ngài đau đớn bước đi với những bước run rẩy; ngài đã cầu nguyện cho các linh hồn của các tử thi mà ngài đã gặp trên đường đi. Khi đến đỉnh núi, Ðức thánh cha quỳ gối cầu nguyện dưới chân Thánh Giá; rồi ngài bị giết bởi một nhóm binh lính đã bắn đạn và mũi tên vào ngài. Các vị giám mục khác, các linh mục, tu sĩ và nhiều giáo dân thuộc mọi địa vị cũng lần lượt bị giết như thế. Hai bên thập giá có hai thiên thần, mỗi vị cầm một tách thủy tinh trên tay để hứng máu của các vị tử đạo và rẩy lên các linh hồn đang tiến về Chúa".
Theo Ðức hồng y Ratzinger, từ chủ yếu trong phần thứ ba của bí mật Fatima là tiếng kêu ba lần "sám hối, sám hối, sám hối". Ðiều này gợi lại cho chúng ta sứ điệp ở khởi đầu Tin Mừng theo thánh Marco: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ðể hiểu được các dấu chỉ của thời đại cần phải nhận ra sự khẩn thiết phải sám hối và hoán cãi.
Ðức hồng y nhắc lại một cuộc gặp gỡ với nữ tu Lucia. Trong cuộc gặp gỡ, nữ tu Lucia nói với ngài rằng mục đích của tất cả mọi cuộc hiện ra là giúp cho dân chúng ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy, đức mến.
Giải thích về kiểu nói "Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ thắng", Ðức hồng y Ratzinger nói rằng trái tim cởi mở với Thiên Chúa, trái tim được thanh luyện nhờ chiêm niệm Thiên Chúa, là một trái tim mạnh hơn súng ống và bất cứ khí giới nào. Lời thưa "xin vâng" của Ðức Mẹ đã thay đổi lịch sử thế giới, vì đã mang Ðấng Cứu Thế vào trong trần gian. Thiên Chúa đã có thể làm người và ở lại mãi trong trần gian. Sự Dữ có sức mạnh trong thế giới này như chúng ta không ngừng thấy và cảm nghiệm; nó có được sức mạnh là bởi vì tự do của chúng ta không ngừng để cho nó tách chúng ra khỏi Thiên Chúa.
Ðức hồng y Ratzinger kết luận: "Bởi vì Thiên Chúa mặc lấy một trái tim nhân loại và hướng tự do con người về điều thiên, cho nên tự do chọn điều ác không còn có tiếng nói cuối cùng nữa. Kể từ đó, lời thắng thế chính là lời này: "Trong thế gian, các con sẽ gặp thử thách, nhưng hãy an tâm, Thầy đã thắng thế gian" [Gio 16,33]. Sứ Ðiệp Fatima mời gọi chúng ta tin tưởng ở lời hứa ấy."
CV.