Bài Chia Sẻ Tin Mừng Của

Ðức Tổng Giám Mục Phó

Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

ngày 7/5/2010

 

Bài Chia Sẻ Tin Mừng Của Ðức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ngày 7/5/2010.

Hà Nội, Việt Nam (7/05/2010) - Bài Chia Sẻ Tin Mừng Của Ðức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ngày 7/5/2010 tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội:

Anh chị em thân mến, tôi quả thực rất băn khoăn không biết phải nói gì, nói như thế nào với anh chị em trong giây phút đặc biệt này. Và tôi cũng đoán chắc anh chị em cũng rất chờ đợi ở những lời đầu tiên của tôi, trong tư cách là người cộng tác với Ðức Tổng Giám Mục Giuse trong trách vụ mục tử.

Thế nhưng Lời Chúa hôm nay trích từ sách Công Vụ và Tin Mừng Gioan mà chúng ta vừa nghe quả là lời giải đáp cho tất cả chúng ta. Thật vậy, Lời Chúa vừa giúp tôi biết phải nói gì với anh chị em, vừa có thể giúp anh chị em hiểu cách sâu xa nhất tâm tình của tôi lúc này.

Trước hết, sách Công Vụ kể cho chúng ta về một tình thế khó khăn, căng thẳng trong Giáo Hội sơ khai, xoay quanh việc có nên cắt bì hay không cho những người gốc dân ngoại trở lại. Thực tế đó là cuộc khủng hoảng trầm trọng đe dọa đến sự hiệp nhất của Hội Thánh, nhưng đàng khác có thể nói là một cơ may để Giáo Hội minh định rõ hơn niềm tin của mình, ngay cả với Do Thái Giáo. Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Hội Thánh thời bấy giờ đã mạnh dạn công bố: Ơn cứu độ hệ tại ở niềm tin vào Ðức Kitô chứ không hệ tại ở việc cắt bì hay không cắt bì. Và để thông truyền sứ điệp Tin Mừng đó mà các Tông Ðồ, các kỳ mục cùng với toàn thể Hội Thánh lúc bấy giờ đã quyết định chọn Phaolô và Barnaba, Giuđa và Xila đi Antiokia.

Như anh chị em thấy, khi được Thánh Thần và Giáo Hội cắt đặt, Phaolô và Barnaba đã vui mừng đi đến Antiokia và thực hiện những gì được ủy thác. Hành trang của các ngài là sứ điệp Tin Mừng và Tin Mừng đó không loại trừ một ai, dù là Do Thái hay Hy Lạp, cắt bì hay không cắt bì, dù là nô lệ hay tự do. Nói khác đi, Tin Mừng các Tông Ðồ mang theo là Tin Mừng có sức giải thoát, đồng thời góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong lòng Hội Thánh.

Hơn nữa, Phaolô và Barnaba được giới thiệu không phải bằng một danh hiệu hay điều gì khác hơn là "những người đã cống hiến cuộc đời vì Danh Ðức Giêsu". Và như chúng ta đều biết, sau này trong các lá thư của Ngài, thánh Phaolô cho thấy đối với Ngài, không có danh hiệu nào cao cả hơn, đáng quí hơn là danh hiệu "tôi tớ của Ðức Kitô". Ðược biết đức Kitô, được phục vụ cho Ðức Kitô, được chia sẻ đau khổ của Ðức Kitô nơi tất cả chi thể của Người thì hơn tất cả.

Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao danh hiệu "tôi tớ của Ðức Kitô" là cao cả, đáng quí đến mức như thế ? Tại sao thánh Phêrô, thánh Phaolô cũng như các Tông Ðồ khác đều coi việc phục vụ cho Ðức Kitô như là điều đáng kể nhất đối với cuộc đời mình, trong khi các Ngài có đủ lý do để hãnh diện, để xưng mình bằng nhiều danh hiệu cao trọng hơn ?

Thánh Gioan, trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, cho chúng ta câu trả lời rất đơn giản mà vô cùng thấm thía: "Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em#Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ mà là bạn hữu". Tôi nghĩ, danh hiệu "tôi tớ của Ðức Kitô" thực ra mang nặng kinh nghiệm của các Tông Ðồ về lòng mến của Ðức Giêsu dành cho các ngài. Thật vậy, các Tông Ðồ như Phêrô, như Phaolô là những người hiểu rõ hơn ai hết sự bất xứng của mình, và cũng nhờ kinh nghiệm về sự bất xứng đó mà các Ngài thấm thía thế nào là Tình Yêu của Thiên Chúa, thế nào là niềm hạnh phúc được trở nên bạn hữu của Chúa và đâu là sứ mạng mà Chúa muốn họ thực hiện. "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy# (và) Ðiều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau". Như thế, sứ mạng của các Tông Ðồ và cũng là kỳ vọng sâu xa nhất của Chúa đặt nơi họ, đó là rao truyền tình yêu của Thiên Chúa qua chính đời sống yêu thương, hiệp nhất với nhau. "Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau".

Anh chị em rất thân mến, tôi đến với anh chị em không mang theo tâm tình hay hành trang nào khác ngoài sứ điệp của Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, và điều tôi mong muốn được phục vụ anh chị em cũng không gì khác hơn là điều mà Phaolô và Barnaba đem lại cho các Kitô hữu ở Antiôkia, theo sự ủy thác của "Thánh Thần và Hội Thánh", đó là Tình Yêu Cứu Ðộ của Thiên Chúa dành cho mọi con người, một tình yêu phá bỏ mọi khoảng cách và tạo nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh cũng như trong cộng đồng nhân loại.

Cho dù Hội Thánh có nhiều chức vụ khác nhau, nhiều đặc sủng khác nhau, nhiều hoạt động khác nhau, nhưng tất cả đều là để phục vụ cho Tình Yêu Cứu Ðộ của Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Ước gì tất cả chúng ta trong Tổng Giáo Phận Hà Nội thân yêu này dám tin rằng, chỉ có Tình Yêu là đáng kể, và chớ gì sự hiệp nhất của tất cả chúng ta, các kitô hữu, sẽ là dấu chỉ khả tín cho Tin Mừng Cứu Ðộ của Ðức Giêsu Kitô trong cuộc sống hôm nay.

 

+ ÐTGM Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page