Ảnh hưởng của Giáo hội
tại Bồ Ðào Nha
Ảnh hưởng của Giáo hội tại Bồ Ðào Nha.
Bồ đào nha [La Croix 10/5/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chắc chắn không phải do trùng hợp ngẫu nhiên mà chuyến viếng thăm Bồ đào nha của Ðức thánh cha Benedicto XVI diễn ra vào chính năm nước này kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nền cộng hòa và tuyên bố tách biệt Nhà nước ra khỏi Giáo hội.
Quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước tại Bồ Ðào Nha xem ra khó khăn sau khi nước này thông qua nhiều luật đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội. Năm 2005, Bồ Ðào Nha cho phép ly dị. Năm sau, nước này cho phép thụ thai trong ống nghiệm và năm 2007 nới lỏng việc cho phép phá thai. Và mới đây, quốc hội đã thông qua luật nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Theo dự trù, luật này đang chờ đợi tổng thống Bồ Ðào Nha ký ban hành sau chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha.
Theo cô Isabel Texeira da Molta, ký giả của báo "Jornal de Noticias", hiện đang làm phát ngôn viên cho Ban Tổ Chức chuyến viếng thăm của Ðức thánh Cha, "ảnh hưởng của Giáo hội trong đời sống xã hội tại Bồ Ðào Nha đã giảm đi rất nhiều kể từ 40 năm nay".
Một số người cho rằng Giáo hội đã mất dần ảnh hưởng đối với xã hội kể từ sau cuộc cách mạng được mệnh danh là "cẩm chướng" hồi năm 1974 để lật đổ nhà độc tài Salazar.
Thật ra, trái với dư luận chung, Giáo hội đã không hề được chế độ độc tài của tướng Salazar nâng đỡ. Nhiều sinh hoạt của Giáo hội như hướng đạo sinh, đại học Công giáo chỉ được phép tổ chức sau năm 1974.
Nhưng theo bà Garca Mira Delgado, đặc trách mục vụ về gia đình của Giáo phận Lisboa, sau năm 1974, các phụ nữ được ra đời làm việc; sự kiện này đã khiến gia tăng nạn ly dị, tình trạng sống chung và sinh con ngoài hôn phối cũng như những thay đổi trong việc giáo dục con cái. Theo bà Delgrado, những "đứa con cách mạng" này không thể không lưu truyền những giá trị mà họ đã tiếp thu.
Ngoài ra, còn có khoảng cách ngày càng gia tăng giữa Miền Nam ngày càng tục hóa và Miền Bắc rất truyền thống là nơi mà mỗi làng đều có vị thánh quan thầy.
Theo một số người khác, chính sự kiện Bồ Ðào Nha được gia nhập vào Liên Âu hồi năm 1986 đã tạo ra những thay đổi lớn lao tại nước này. Tuy nhiên, theo cha Victor Feytor Pinto, cha sở giáo xứ Campo Grande nằm trong khu đại học Lisboa và hiện đang là cố vấn của Hội đồng Tòa thánh về mục vụ y tế, "Bồ Ðào Nha đã thông qua một số luật mới đây không phải do áp lực của các tổ chức Âu châu cho bằng ảnh hưởng của ý thức hệ hiện đại".
Cha Pinto rất được nhiều người biết đến vì đã từng làm việc tại bộ giáo dục, cũng như cao ủy đặc trách về việc phòng chống ma túy. Theo vị linh mục này, không phải dùng giáo lý của mình để đối đầu với các dự án của chính phủ mà Giáo hội có thể làm cho dân chúng nghe tiếng nói của mình về đạo đức và tôn trọng sự sống. Trái lại, Giáo hội cần phải có điều mà cha Pinto gọi là "một chiến thuật gây ảnh hưởng".
Theo cha Pinto, sứ mệnh của Giáo hội không phải là chống lại Quốc Hội mà là soi sáng lương tâm con người. Cha tin rằng Giáo hội vẫn có những quan hệ tốt đẹp với Nhà nước. Theo cha, Giáo hội cần phải đối thoại với chính phủ.
Ðây cũng là chủ trương của bà Delgrado, chủ tịch Phong Trào bảo vệ sự sống do cha Pinto thành lập hồi năm 1978.
Tại Bồ Ðào Nha, Giáo hội không có nhựt báo, đài truyền hình riêng. Tuy nhiên, đài phát thanh Công giáo Renascenca của Giáo hội vẫn luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.
Ông Henrique Leitao, giáo sư môn lịch sử khoa học tại đại học Lisboa khẳng định rằng các phương tiện truyền thông và các nhà trí thức Bồ Ðào Nha rất chú ý đến điều Giáo hội nói. Hồi tuần trước, ông đã tổ chức một cuộc triển lãm về những tác phẩm của Ðức thánh cha. Cũng như nhiều người khác, giáo sư Leitao mong được có mặt trong cuộc gặp gỡ của Ðức thánh cha với giới văn hóa Bồ Ðào Nha tại trung tâm Belem vào sáng hôm nay thứ Tư 12 tháng 5 năm 2010.
Về phần mình, đại học Lisboa cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo về "tư tưởng của Ðức BenedictoXVI" hôm 3 tháng 5 năm 2010, với sự tham dự của khoảng 30 giáo sư đại học và ký giả quan tâm đến "cách Ðức thánh cha kêu gọi xử dụng lý trí".
Quả thật, Ðức thánh cha rất được yêu mến tại Bồ Ðào Nha. Ngay cả những người cộng sản hay thuộc đảng xã hội cũng có thiện cảm với Giáo hội. Ông Jose Pacheco Pereira, cựu tổng bí thư đảng cộng sản Bồ Ðào Nha thường công khai bênh vực các giá trị Kitô. Bà Maria da Graca Carvallo, cựu bộ trưởng khoa học và hiện đang là nghị viên Âu châu, cũng đã lên tiếng bênh vực Giáo hội Công giáo mà bà gọi là một nguồn cảm hứng cho một quan hệ mới với môi sinh.
Cha Mario Rui Pedras, người tổ chức thánh lễ tại quảng trường Terreiro de Paco ở Lisboa chiều thứ Ba 11 tháng 5 năm 2010, khẳng định rằng Ðức thánh cha rất được yêu mến tại Bồ Ðào Nha.
CV.