Những thách đố của Ðức Thánh Cha
trong chuyến viếng thăm Bồ Ðào Nha
Những thách đố của Ðức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Bồ Ðào Nha.
Bồ Ðào Nha [National Catholic Reporter 7/5/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày thứ Ba 11 tháng 5 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI lên đường viếng thăm Bồ Ðào Nha. Cao điểm của chuyến viếng thăm là cuộc hành hương đến Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Ðức Gioan Phaolô II tôn phong chân phước cho hai trẻ em mục đồng Giacinta và Francesco Marto.
Ký giả John Allen của báo "The National Catholic Reporter", xuất bản tại Hoa kỳ, đã phân tách một số thách đố mà Ðức thánh cha sẽ đương đầu trong chuyến viếng thăm này.
Trước hết là cuộc "khủng hoảng" mà Bồ Ðào Nha đang trải qua.
Bồ Ðào Nha là một quốc gia với dân số 10 triệu 6 trăm ngàn người, trong số này chính thức có 88 phần trăm tự nhận là Công giáo. Trong thời gian gần đây, Bồ Ðào Nha là một trong số ít những nước, trong đó Giáo hội ít phải đương đầu với vụ tai tiếng về những lạm dụng tình dục trẻ em của hàng giáo sĩ. Trong một cuộc họp báo mới đây, Ðức cha Antonio Marto, Giám mục Leira - Fatima, nói với các ký giả rằng chuyện lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục sẽ không ảnh hưởng đến chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha, một phần vì tại nước này đã không nổ ra những vụ tai tiếng như đã xảy ra tại Ái Nhĩ Lan và Ðức.
Nói đến khủng hoảng tại Bồ Ðào Nha là nói đến khủng hoảng về kinh tế. Chỉ trong một đêm, hàng tỷ mỹ kim đã bị quét sạch khỏi thị trường chứng khoán Bồ Ðào Nha. Người ta đang sợ là kinh tế nước này sẽ "rơi tự do" và xã hội sẽ hổn loạn như đang xảy ra tại Hy Lạp. Hiện nay chương trình thắt lưng buộc bụng do chính phủ của thủ tướng Jose Socrates đề ra đã khiến các nghiệp đoàn lao động tổ chức đình công và phản đối trên toàn quốc.
Ðây chính là lúc mà dân chúng Bồ Ðào Nha muốn nghe đức Benedicto XVI nói gì về công lý trong kinh tế. Có thể nói: Bồ Ðào Nha là một phòng thí nghiệm để Ðức thánh cha cho áp dụng cụ thể những nguyên tắc mà ngài đã vạch ra trong thông điệp xã hội có tựa đề "Bác ái trong sự thật" (Caritas in Varitate) được cho công bố hồi tháng 7 năm 2009. Có lẽ không có nơi nào đang chờ đợi để lắng nghe Ðức thánh cha cho bằng Bồ Ðào Nha.
Thách đố thứ hai mà Ðức thánh cha sẽ đương đầu, theo ký giả John Allen, là chủ nghĩa tục hóa. Trong cuốn sách có tựa đề "A secular Age" [một thời đại tục hóa], tác giả Charles Taylor phân biệt ba ý nghĩa của chữ "tục hóa". Trước hết từ này nói lên sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước. Trong ý nghĩa thứ hai, từ này chỉ sự giảm sút trong lòng tin và thực hành tôn giáo. Và cuối cùng, từ này cũng chỉ những giải thích "không có tính cách tôn giáo" về cuộc sống ngày càng được nhiều người chấp nhận.
Tây Phương có lẽ là nơi duy nhứt trên thế giới trong đó hiện tượng tục hóa có đầy đủ cả ba ý nghĩa trên đây . Là một phần của vòng đai Công giáo gần Ðịa Trung Hải, Bồ Ðào Nha có lẽ ít bị tục hóa hơn các nước khác tại Âu Châu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Giáo hội cũng đã giảm sút nhiều. Những cuộc thăm dò chẳng hạn cho thấy chỉ có 19 phần trăm người Công giáo Bồ Ðào Nha còn đi xem lễ Chúa Nhựt.
Không những Công giáo tại Bồ Ðào Nha đang bị những ngọn gió tục hóa lay động, mà dưới nhiều khía cạnh, Công giáo tại nước này cũng giảm mất uy tín rất nhiều vì chế độc độc tài của ông Antonino de Oliveira Salazar từ năm 1932 đến năm 1974.
Ngoại trừ một vài nhóm nhỏ, hầu như toàn bộ Giáo hội Công giáo tại Bồ Ðào Nha đều đã ủng hộ nhà độc tài Salazar. Ông Salazar là một cựu chủng sinh. Là một người triệt để chống cộng, ông luôn trích dẫn các thông điệp xã hội của các Ðức giáo hoàng để biện minh cho các chính sách kinh tế của ông. Khi chế độ độc tài của ông Salazar sụp đổ, uy tín của nhiều tổ chức Giáo hội cũng bị giảm sút.
Mới đây, Bồ đào Nha đã quyết định đi theo đường hướng chung của hầu hết các nước Liên Âu. Dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Jose Socrates thuộc Ðảng xã hội, sau một cuộc trưng cầu dân ý, Bồ Ðào Nha đã hợp pháp hóa hành động phá thai, một cách cụ thể cho phép phá thai trong 10 tuần lễ đầu của thời kỳ thai nghén. Mới đây, quốc hội nước này cũng đã thông qua một luật mới nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Luật này đang chờ được tổng thống Anibal Cavaco Silva ký ban hành. Là một người Công giáo thuần thành, rất có thể tổng thống Silva sẽ phủ quyết luật này. Tuy nhiên, các dân biểu thuộc đảng xã hội nói rằng họ có đủ số phiếu để đảo ngược phủ quyết của tổng thống. Nếu luật này được ban hành thì Bồ Ðào Nha sẽ gia nhập vào nhóm các nước Liên Âu nhìn nhận hôn phối của người đồng tính là Tây Ban Nha, Bỉ, Hòa Lan, Na Uy và Thụy Ðiển. Ngoài ra hiện nay Iceland [Băng Ðảo] cũng đang thảo luận về luật này.
Như vậy, thách đố đang chờ Ðức thánh cha trong chuyến viếng thăm này là vận động dân chúng chống lại luật này. Tuy không đi vào sân khấu chính trị, chắc chắn Ðức thánh cha sẽ nhắc lại cho dân chúng Bồ Ðào Nha về những cội rễ Kitô của họ và nhấn mạnh đến những giá trị kito nền tảng của Âu Châu. Người dân Bồ Ðào Nha hẳn sẽ đón nhận lời của Ðức thánh cha như một ám chỉ về cuộc tranh luận hiện tại liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Ðức thánh cha cũng có đủ óc thực tế để nhận ra rằng có những luồng gió chống Giáo hội đang thổi qua khắp Âu châu. Trong một tương lai không xa mấy, hầu hết các nước thành viên của Liên Âu đều sẽ cho phép phá thai, nhìn nhận hôn phối của người đồng tính và hợp pháp hóa hành động làm cho chết êm dịu.
Cuối cùng, theo ký giả John Allen, trong cuộc hành hương Fatima, Ðức thánh cha sẽ nhắc lại ý nghĩa của các cuộc hiện ra của Ðức Mẹ. Trong một cuộc họp báo hôm 4 tháng 5 năm 2010, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, nói với các ký giả rằng để hiểu được lập trường của Ðức Thánh Cha Benedicto XVI đối với các cuộc hiện ra và những điều được gọi là mạc khải tư, cần phải trở lại năm 2000, khi Ðức hồng y Ratzinger cho công bố "bí mật thứ ba của Fatima". Ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa của sứ điệp Fatima hơn là những cuộc hiện ra. Theo ngài, sứ điệp Fatima được tóm gọn trong hai chữ "sám hối". Ngài nói rằng Ðức Trinh Nữ Fatima nhắc lại cho Giáo hội và thế giới ý nghĩa và tầm quan trọng của Mẹ Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ cũng như ý nghĩa và giá trị của mỗi người phụ nữ trong cuộc sống con người.
Tóm lại, khác với người tiền nhiệm của ngài, đức Benedicto XVI là một người rất cẩn trọng và theo kiểu nói của ký giả John Allen, là một người "sùng kính lạnh lùng đối với Ðức Mẹ". Do đó, chuyến đi hành hương này hẳn phải là một kinh nghiệm đặc biệt của ngài.
CV.