Ý nghĩa chuyến viếng thăm

Bồ Ðào Nha của Ðức Thánh Cha

 

Ý nghĩa chuyến viếng thăm Bồ Ðào Nha của Ðức Thánh Cha.

Bồ Ðào Nha [CNS 5/5/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thứ Ba 11 tháng 5 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ lên đường viếng thăm Bồ Ðào Nha.

Như cha Federico Lombardi đã giới thiệu trong cuộc họp báo hôm thứ Hai mùng 3 tháng 5 năm 2010, cao điểm của chuyến viếng thăm Bồ Ðào Nha của Ðức thánh cha chính là cuộc hành hương đến Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm 4 ngày này sẽ là cơ hội để Ðức thánh cha nói đến những vấn đề thiêng liêng, chính trị và kinh tế được xem là tối quan trọng đối với Bồ đào nha cũng như Âu Châu.

Trước tiên, chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha thiết yếu là một cuộc hành hương đến Fatima, nơi Ðức Mẹ đã hiện ra cho ba trẻ em mục đồng hồi năm 1917. Trong cái nhìn của Ðức thánh cha, những cuộc hiện ra của Ðức Mẹ trong lịch sử nhân loại là một dấu chỉ quan trọng cho Giáo hội và thế giới, vốn luôn được mời gọi hoán cãi.

Về phương diện chính trị, chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha diễn ra vào giữa lúc những thay đổi văn hóa đòi hỏi nước này phải củng cố bản sắc công giáo của mình. Chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha lại diễn ra vào giữa lúc nước này đang chuẩn bị ban hành luật mới nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhứt. Các vị lãnh đạo Giáo hội tại nước này hiện đang quan ngại về sự xói mòn những giá trị luân lý truyền thống, nhứt là nơi giới trẻ.

Cuối cùng, chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha lại xảy ra vào lúc nền kinh tế Bồ Ðào Nha đang xuống dốc thê thảm khiến người ta nghĩ rằng nước này sẽ là nước thứ hai trong Liên Âu sau Hy lạp gặp rơi vào khủng hoảng. Ðây là cơ hội để Ðức thánh cha ôn lại một trong những chủ đề tâm đắc của ngài là: sự thống nhứt Âu Châu, nếu chỉ xây dựng trên kinh tế và tài chính, sẽ sụp đổ.

4 ngày viếng thăm là một chương trình khá nặng đối với một vị Giáo hoàng 83 tuổi. Tổng cộng có tất cả 17 cuộc gặp gỡ chính và ít nhứt 11 bài diễn văn mà Ðức thánh cha sẽ đọc. Ngày bận nhứt của Ðức thánh cha sẽ là ngày 12 tháng 5 năm 2010: ngài sẽ gặp gỡ với thủ tướng Bồ Ðào Nha, ông Jose Socrates và các nhà lãnh đạo văn hóa. Sau đó, ngài sẽ đi bằng trực thăng đến Fatima để chủ sự các cuộc lễ kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra.

Ngày 13 tháng 5 năm 2010, Lễ Ðức Mẹ Fatima, Ðức thánh cha sẽ chủ sự thánh lễ bên ngoài Ðền Thánh và sau đó đi viếng mộ của ba trẻ em mục đồng được Ðức Mẹ hiện ra. Ðặc biệt năm 2010 là năm kỷ niệm 10 năm hai trẻ em mục đồng là Francisco và Jacinta Marto được tôn phong chân phước.

Có nhiều nguồn tin đồn đoán rằng trong chuyến hành hương Fatima, Ðức thánh cha sẽ loan báo việc tôn phong Chân phước cho nữ tu dòng kín Lucia Dos Santos, một trong ba trẻ em mục đồng. Nữ tu Lucia qua đời hồi năm 2005. Chỉ hai năm sau, Ðức thánh cha đã chuẩn y việc mở hồ sơ xin phong Chân phước cho nữ tu.

Lúc còn đứng đầu Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Ðức thánh cha thường tỏ ra rất cẩn trọng đối với điều được gọi là các cuộc hiện ra và các sứ điệp siêu nhiên. Tuy nhiên, năm 2000, ngài đã đóng một vai trò quan trọng khi Tòa Thánh cho công bố điều được gọi là bí mật thứ ba của Fatima. Lúc bấy giờ, Ðức hồng y Ratzinger nói rằng bí mật, được nữ tu Lucia viết ra sau khi được Ðức Mẹ hiện ra, là một lời tiên báo có tính cách tượng trưng về những cuộc chiến đấu của Giáo hội chống lại các chế độ chính trị độc ác trong thế kỷ 20.

Lúc đó, vị giáo hoàng tương lai mô tả những cuộc hiện ra như thế là "những thị kiến" có thật phản ảnh vài trò liên tục của Ðức Mẹ trong Giáo hội là can thiệp để nâng đỡ công cuộc cứu độ của Con Mẹ. Ðức hồng y Ratzinger nói rằng những người được Ðức Mẹ hiện ra là những người nghèo hèn, dựa trên sức mạnh của ngôn ngữ và hình ảnh tượng trưng hơn là những bài diễn văn dài dòng.

Tại Fatima, người ta chờ đợi Ðức thánh cha sẽ nói về ý nghĩa của những thị kiến như thế trong thế giới hiện đại. Ngài cũng sẽ cầu nguyện cho người tiền nhiệm của ngài là Ðức Gioan Phaolô II, người luôn tin rằng mình đã được Ðức Mẹ che chở một cách đặc biệt trong cuộc mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981.

Trong chuyến viếng thăm, Ðức thánh cha sẽ có một cuộc gặp gỡ quan trọng với tổng thống Bồ Ðào Nha, ông Anibal Cavaco Silva. Vào ngày 19 tháng 5 năm 2010, ông Silva phải quyết định có nên phủ quyết hay không luật nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính đã được quốc hội nước này thông qua dạo tháng 2 năm 2010.

Ðức Thánh Cha đã từng tuyên bố rõ ràng rằng một luật như thế là một hành động lệch lạc về luân lý của Âu Châu và là một tấn công vào trật tự tự nhiên. Trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh dạo tháng Giêng năm2 010, Ðức thánh cha đã tố cáo "những luật pháp hay dự luật nào, nhân danh cuộc chiến chống lại kỳ thị, đi ngược lại chính nền tảng sinh lý của sự khác biệt giữa hai phái tính".

Ðảng Dân Chủ Xã hội, do thủ tướng Socrates lãnh đạo, nói rằng họ có đủ phiếu để đảo lộn phủ quyết của tổng thống về luật nhìn nhận hôn phối đồng tính.

Khoảng 90 phần trăm dân số Bồ Ðào Nha theo Công giáo, nhưng ảnh hưởng của Giáo hội trong cuộc sống công cộng đã suy giảm kể từ năm 2007, khi nước này hợp pháp hóa hành động phá thai. Các vị lãnh đạo Giáo hội rất quan ngại về sinh xuất tại nước này, được xem là một trong những tỷ lệ thấp nhứt trên thế giới.

Các Ðức giám mục Bồ Ðào Nha hy vọng rằng với chuyến viếng thăm sắp tới của Ðức Thánh Cha, Giáo hội tại nước này sẽ lấy lại chỗ đứng trong cuộc sống công cộng và động viên các nhân viên Giáo hội.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page