Lời kêu gọi giải trừ

vũ khí hạt nhân

 

Lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân.

New York [CNS 4/5/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong phần tin tức, chúng tôi có loan tin việc Báo Người Quan Sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, đã cho đăng trên trang nhứt lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân được ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đưa ra trong bài diễn văn khai mạc hội nghị duyệt xét "Thỏa ước ngăn cấm phổ biến vũ khí hạt nhân" tại New York.

Hôm 2 tháng 5 năm 2010, một ngày trước khi Hội Nghị nói trên khai mạc, một nạn nhân của vũ khí nguyên tử nay là một vị Giám mục tại Nhựt Bản cũng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy can đảm làm thêm một bước nữa để tiến tới việc hủy bỏ toàn diện vũ khi hạt nhân.

Vị Giám mục nói trên là Ðức cha Joseph Mitsuaki Takami, Tổng giám mục Nagasaki, Nhựt bản. Ngày 9 tháng 8 năm 1945, khi trái bom nguyên tử thứ hai được ném xuống thành phố Nagasaki, quê hương của ngài, vị Giám mục này còn trong lòng mẹ. Trái bom này đã sát hại khoảng 75 ngàn người và kết thúc đệ nhị thế chiến.

Hôm 2 tháng 5 năm 2010, một ngày trước khi cùng với Ðức cha Joseph Atsumi Misue, Giám mục Hiroshima, Nhựt bản, mang đến Liên Hiệp Quốc một bức sứ điệp kêu gọi hủy bỏ toàn diện vũ khí hạt nhân, Ðức cha Takami đã đến đồng tế tại nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở New York, Hoa kỳ.

Theo tin của hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS, Ðức tổng giám mục Nagasaki đã mang theo đầu của bức tượng của Ðức Mẹ, một di tích duy nhứt còn sót lại sau khi thành phố Nagasaki bị bom nguyên tử bình địa. Bức tượng Ðức Mẹ đã từng được đặt trên bàn thờ chính của Nhà thờ chính tòa Urakami trước khi xảy ra vụ dội bom. Nhà thờ bị bình địa và mọi sự đều biến thành mây khói, duy chỉ có đầu của bức tượng Ðức Mẹ còn sót lại.

Tuyên ngôn mang chữ ký của Ðức cha Takami và Ðức cha Misue gởi cho Hội nghị duyệt xét việc thi hành Thỏa Ước cấm phố biến vũ khí hạt nhân có đoạn viết như sau: "Chúng tôi, giám mục của Giáo hội Công giáo tại Hiroshima và Nagasaki, Nhựt bản, quốc gia duy nhứt đã bị tấn công bằng bom nguyên tử, yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ, chính phủ Nhựt Bản và các nhà lãnh đạo các nước khác hãy nỗ lực tối đa để hủy bỏ vũ khí hạt nhân".

Tuyên ngôn viết thêm: "Còn gì buồn và ngu xuẫn bằng lạm dụng sự tiến bộ mà nhân loại đã đạt được trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật để hủy hoại mạng sống con người hàng loạt và nhanh chóng bao nhiêu có thể!"

Bước đầu tiên mà Ðức tổng giám mục Nagasaki và Ðức giám mục Hiroshima kêu gọi tổng thống Obama hãy làm là thiết lập một chính sách với "chỉ duy một mục đích" là giới hạn mục đích của việc duy trì vũ khí hạt nhân cũng như ngăn cản các nước khác xử dụng vũ khí này".

Ðức cha Takami nói rằng ngài hy vọng di tích còn sót lại của Tượng Ðức Mẹ sẽ lôi kéo sự chú ý của thế giới vào sức mạnh tàn phá khủng khiếp và tính vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân cũng như tầm quan trọng của việc loại bỏ chúng. Ðầu Ðức Mẹ trong bức tượng bị bóp méo và loang lỗ, đôi mắt bị khoét sâu và trống rỗng chẳng khác nào đôi mắt của những người đứng nhìn vào sự tàn phá của trái bom: di tích duy nhứt còn sót lại sau cuộc dội bom nói lên sức mạnh hủy hoại khủng khiếp của bom nguyên tử.

Nhân dịp cử hành thánh lễ cho cộng đồng Công giáo Nhựt bản tại nhà thờ thánh Gioan Tông đồ ở New York, Ðức cha Takami giải thích với báo "The Catholic New York" của Tổng giáo phận New York như sau: "Với bức tượng này, sứ điệp của tôi là, qua sự bầu cử của Ðức Maria, kêu gọi đừng bao giờ xử dụng vũ khí như thế nữa, mà hãy hoạt động cho hòa bình". Ngài nói: "Hiện có quá nhiều vũ khí như thế. Trước hết chúng ta hãy hủy bỏ mọi vũ khí như thế để loại bỏ nguy cơ chiến tranh và kế đó còn phải làm nhiều việc khác nữa".

Khi kêu gọi hủy bỏ vũ khí hạt nhân, Ðức tổng giám mục Nagasaki không chỉ đứng trên căn bản thuần thiêng liêng hay triết học, mà còn dựa vào kinh nghiệm của bản thân và bao nhiêu người đồng bào ruột thịt của mình.

Trái bom nguyên tử được không lực Hoa kỳ ném xuống Nagasaki ngày 9 tháng 8 năm 1945 đã cướp đi mạng sống của hai người cô và bà ngoại của ngài. 14 năm sau, một người anh em họ của ngài qua đời vì phóng xạ.

Ðức cha Takami sinh ngày 6 tháng 3 năm 1946. Ngài lớn lên dưới bóng đen bao phủ bởi làn khói bụi do trái bom nguyên tử tạo ra.

Ngài nói: "Mẹ tôi có nói về đến điều này, nhưng không nhiều lắm, bởi vì bà không muốn nói đến. Bà có một kinh nghiệm quá đau buồn".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page