Tôn giáo và chính sách

đối ngoại của Hoa kỳ

 

Tôn giáo và chính sách đối ngoại của Hoa kỳ.

Washington - [The Washington Post 3/05/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến, Hôm 30 tháng 4 năm 2010, Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới của Hoa kỳ đã cho công bố bản phúc trình thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới. Trong bản phúc trình, Ủy ban này đề nghị đưa Việt nam trở lại danh sách những nước cần được lưu ý một cách đặc biệt vì những vi phạm tự do tôn giáo. Nhân dịp này, chúng tôi xin được trích đọc bài viết có tựa đề "tôn giáo và chính sách đối ngoại của Hoa kỳ" của ký giả Leonard Leo, đăng trên báo "The Washington Post" trong số ra gần đây.

Ðầu tháng 12 năm 2009, một phái đoàn của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới của Hoa kỳ đã đến Sudan để thẩm định tình hình trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng Tư năm 2010. Phái đoàn này đã có mặt tại thủ đô Khartoum khi một số nhà tranh đấu ôn hòa bị giam giữ vì yêu cầu thông qua những cải tổ về an ninh và hình sự. Phái đoàn đã gặp ông Yasir Arman, một dân biểu quốc hội ra tranh cử tổng thống và sau nay bị giam giữ và đánh đập.

Cuối tháng giêng năm 2010, một phái đoàn của Ủy Ban cũng đã đến Cairo, Ai cập, chỉ vài ngày sau khi 6 tín hữu Kitô Copte và một người Hồi giáo bị bắn gục khi họ vừa tham dự Lễ Ðêm Giáng Sinh tại làng Naga Hammadi. Tình trạng căng thẳng về chính trị và tôn giáo là điều có thể thấy được. Phái đoàn của Ủy ban có mặt tại Cairo vào chính ngày tổng thống Ai Cập công khai nhìn nhận các vấn đề liên quan đến tôn giáo và báo chí kêu gọi điều tra những nguyên nhân làm phát sinh bạo động.

Tháng 3 năm 2010, một phái đoàn của Ủy ban đến Nigeria lần thứ ba chỉ trong một năm và vài ngày sau khi 500 người bị sát hại trong một cuộc đụng độ giữa các tín đồ tôn giáo tại thành phố Jos, cao nguyên nước này. Ðây là cuộc đụng độ mới nhứt trong một chuỗi những cuộc bạo động xảy ra trong vòng một thập niên khiến cho 13 ngàn người Kitô lẫn Hồi giáo bị thiệt mạng. Phái đoàn đã gặp gỡ với cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng công chính, cảnh sát liên bang Nigeria và nhiều viên chức khác để nêu lên câu hỏi tại sao những kẻ gây rối loạn không bị trừng phạt.

Những chuyến công tác trên đây nói lên sứ mệnh của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới là nhận diện những "điểm nóng" nơi tự do tôn giáo bị chối bỏ và nhân quyền bị chà đạp, hầu giúp chính phủ đưa ra những giải pháp kết hợp chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia và những tiêu chuẩn của quốc tế về nhân quyền.

Hiện nay chính phủ Hoa kỳ rất quan tâm về vai trò của tôn giáo trong các vấn đề thế giới. Thật ra đây không phải là một vấn đề mới mẽ đối với chính phủ này. Tôn giáo vẫn luôn là yếu tố gây ra mâu thuẫn và thường bị qui trách cho những xung đột chính trị, kinh tế và xã hội. Tự do tôn giáo, một quyền cơ bản của con người, thường là quyền đầu tiên bị các chế độ độc tài chối bỏ trước khi loại trừ những tự do khác như tự do hội họp, tự do lập hội, tự do báo chí cũng như hạn chế quyền của người phụ nữ, các nhóm thiểu số và những người bất đồng chính kiến. Kinh nghiệm của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới tại Sudan, Nigeria và Ai Cập cũng như tại gần 30 quốc gia khác cho thấy tình trạng không có tự do tôn giáo luôn dẫn đến chủ nghĩa cực đoan, bất ổn và những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác.

Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới của Hoa kỳ đã đặc biệt quan tâm đến tình trạng tại Sudan bởi vì chính sách Hồi giáo hóa và Á rập hóa của chính phủ này là một yếu tố chủ yếu trong cuộc nội chiến Nam Bắc tại nước này từ năm 1983 đến năm 2005. Trong giai đoạn này, những nhà lãnh đạo phương Bắc, trong đó có đương kim tổng thống Omar Hassn Ahmad al Bashir, đã khai thác tôn giáo để động viên những người hồi giáo miền Bắc chống lại những người không hồi giáo ở miền Nam.

Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới quan ngại về những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính phủ Sudan đối với những người ngoài Hồi giáo và những người Hồi giáo không chấp nhận chính sách Hồi giáo hóa của chính phủ.

Tại Ai cập, kỳ thị và bất khoan nhượng đối với các nhóm tôn giáo thiểu số không hồi giáo là điều rất phổ quát. Chính phủ không can thiệp một cách hữu hiệu để trừng phạt những người gây ra bạo động. Mặc dù đã có 3 người hồi giáo bị bắt giữ sau vụ sát hại các tín hữu Kitô dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, nhưng các tín hữu Kitô vẫn lo sợ bị trả đủa và không tin rằng chính phủ sẽ xét xử những kẻ sát nhân.

Chính phủ Nigeria cũng không có phản ứng thích đáng trước các cuộc bạo động chống lại những người ngoài Hồi giáo tại thành phố Jos, bang Cao nguyên.

Những cuộc điều tra của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới của Hoa kỳ cho thấy tự do tôn giáo là yếu tố huyết mạch cho an ninh, đề phòng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, thiết lập xã hội dân sự và pháp quyền, cũng như tiến bộ kinh tế. Theo Ủy ban này, bảo vệ tự do tôn giáo thường góp phần đẩy mạnh ổn định, hòa bình và thịnh vượng.

Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới đã được Quốc Hội Hoa kỳ thành lập năm 1998 như một Ủy ban độc lập lưỡng đảng có mục đích làm cho tự do tôn giáo trở thành một khía cạnh chủ yếu trong chính sách ngoại giao, an ninh quốc nội và phát triển kinh tế của Hoa kỳ. Ủy ban này được thành lập để theo dõi tự do tôn giáo trên thế giới dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và sau đó báo cáo lên tổng thống.

Ủy ban này đã giúp hiểu được tình hình tự do tôn giáo tại nhiều nước trong đó có Việt nam.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page