Ðức thánh cha nói rằng

tấm khăn liệm thành Torino phù hợp

với tường thuật của Tin Mừng

 

Ðức thánh cha nói rằng tấm khăn liệm thành Torino phù hợp với tường thuật của Tin Mừng.

Torino [Zenit 3/5/2010] - Ðức thánh cha Benedicto XVI nói rằng tấm khăn liệm thành Torino có những điểm phù hợp với những bài tường thuật của Tin Mừng.

Hôm Chúa Nhựt mùng 2 tháng 5 năm 2010, khi kính viếng tấm khăn liệm thành Torino, Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng tấm khăn liệm này là "tấm vải liệm thi thể của một người bị đóng đinh phù hợp với tất cả những gì các sách Tin Mừng nói về Chúa Giêsu".

Ðó là tất cả những gì Ðức thánh cha nói về tấm khăn liệm. Như thường lệ, ngài dành công việc xác định tính trung thực của tấm khăn liệm cho các nhà khoa học. Phần ngài, ngài chỉ chú trọng đến lãnh vực riêng của ngài là thần học, tu đức và mục vụ. Ngài đã trao một chìa khóa để hiểu về tấm khăn liệm khi nói: "đây là một bức Icon của hy vọng".

Theo bà Emanuella Marinelli, giáo sư vạn vật học và địa chất học, thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Tấm Khăn Liệm tại Roma, có một số điểm tương đồng giữa tấm khăn liệm và những bài tường thuật của Tin Mừng như:

- Trước khi bị đóng đinh, tội phạm luôn bị đánh đòn: Người in hình trên tấm khăn liệm đã bị đánh 120 lần. Ðiều này phù hợp với tường thuật của Tin Mừng, theo đó tổng trấn Philatô ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu với ý định sau đó tha chết cho Ngài.

- Việc đội mão gai là một sự kiện bất thường. Nhưng trên đầu của người có hình được in trên tấm khăn liệm, người ta thấy có hiện tượng này. Ðiều này hoàn toàn đúng với bài tường thuật của Tin Mừng.

- Những vết thương nơi mũi và đầu gối cũng phù hợp với những cú đánh của các binh sĩ La mã mỗi khi Chúa Giêsu té ngã.

- Người có hình in trong tấm khăn liệm mang trên vai những vết thương bầm do mang gỗ giá đến pháp trường: điều này cũng phù hợp với trường hợp của Chúa Giêsu như Tin Mừng tường thuật.

- Người có hình in trong tấm khăn liệm bị đóng đinh vào thập giá. Theo các chuyên gia, hình thức và chiều kích của những chiếc đinh trên tấm khăn liệm hoàn toàn phù hợp với những cây đinh hiện đang được cất giữ tại vương cung thánh đường Thánh Giá ở Gierusalem.

- Chân của người có hình được in trong tấm khăn liệm vẫn còn nguyên vẹn, điều này hoàn toàn phù hợp với tường thuật của Tin Mừng: khi những người lính la mã thấy Chúa Giêsu đã chết, họ không đánh dập chân Ngài.

- Người của tấm khăn liệm bị đâm ở cạnh sườn bên phải: Chúa Giêsu cũng đã bị đâm ở cạnh sườn, từ đó nước và máu chảy ra. Ðức thánh cha đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện này trong bài suy niệm của ngài hôm Chúa Nhựt mùng 2 tháng 5 năm 2010.

- Thi thể của nạn nhân không được rửa trước khi tẩm liệm: đây cũng là trường hợp của Chúa Giêsu. Sách Tin Mừng viết rằng vì sắp đến ngày Sabbat, cho nên người ta phải vội vả chôn cất Chúa Giêsu.

- Trên thi thể của người có hình in trên tấm khăn liệm người ta cũng thấy có những thứ hương thơm được tẩm vào xác Chúa Giêsu.

- Thi thể của người trong tấm khăn liệm được quấn trong một tấm vải đắt tiền: đây hẳn không phải là trường hợp một phạm nhân thường.

- Người ta không tìm thấy có bất cứ dấu vết nào của đất trên thi thể. Ðây chính là trường hợp của Chúa Giêsu: các sách Tin Mừng viết rằng ngài đã được ông Giuse Arimathia dành cho chính ngôi mộ được đục trong đá của ông.

- Cuối cùng, những vết tích tìm thấy trong tấm khăn liệm cho thấy nạn nhân chỉ ở lại trong tấm khăn liệm một thời gian rất ngắn, chưa đủ để thối rữa.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page