Hội nghị quốc tế về

cha Matteo Ricci tại Roma

 

Hội nghị quốc tế về cha Matteo Ricci tại Roma.

Roma [Asianews 30/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Một cuộc hội thảo quốc tế về cha Matteo Ricci đã được hãng thông tấn Asianews tổ chức tại Roma hôm 29 tháng 4 năm 2010.

Với chủ đề "Trung Quốc ngày nay và cha Matteo Ricci", cuộc hội thảo ghi nhận rằng cuộc đối thoại khoa học, văn hoa và tôn giáo do cha Matteo Ricci khởi xướng cách đây 400 năm vẫn còn tiếp tục tại Trung Quốc ngày nay, là quốc gia đang có một cuộc phát triển kinh tế khổng lồ, nhưng đồng thời cũng tạo ra hố thẳm nghèo đói, xung đột và một lỗ hổng tinh thần chỉ có thể lấp đày khi khoa học và tinh thần, kinh tế và tự do tôn giáo được liên kết với nhau.

Ðược hãng thông tấn Asianews tổ chức và với sự bảo trợ của hội đồng thành phố Roma cũng như Sáng hội "Monte dei Paschi di Siena", Hội nghị quốc tế về "Trung quốc ngày nay và cha Matteo Ricci" đã nhìn lại "Năm Cha Ricci" sẽ kết thúc vào ngày 11 tháng 5 năm 2010, là ngày kỷ niệm đúng 400 năm ngày qua đời của nhà thừa sai Dòng Tên vĩ đại này.

Hội nghị đã qui tụ các viên chức cấp cao của Giáo Triều và nhiều trí thức và tín hữu tại Trung Hoa ngày nay như: Ðức cha Robert Sarah, thư ký của Bộ Truyền Giáo, cha Savio Hon Tai Fai, người Hongkong, thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, giáo sư Joseph Jing, giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Trung Quốc - Âu Châu và cha Bernardo Cervelles, giám đốc hãng thông tấn Asianews.

Giáo sư Zhuo Xinping, giám đốc Viện các tôn giáo thế giới thuộc Hàn lâm viện xã hội Bắc Kinh, mặc dù được mời, nhưng vào giờ phút cuối đã không đến tham dự. Nhân danh giáo sư Zhuo và với tư cách riêng, cha Peter Zhao Jianmin, Tổng đại diện Giáo phận Bắc Kinh, đã gởi điện văn chào mừng Hội Nghị. Trong sứ điệp được viết từ nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ Vô Nhiễm tại Xuanwumen là nơi mà cha Matteo Ricci đã từng sống, linh mục tổng đại diện giáo phận Bắc Kinh mô tả nhà thừa sai người Ý này như "Ðức Khổng Tử của Tây Phương": chứng từ của ngài cũng giống như nước chảy từ Tây sang Ðông để tưới gội Trung Quốc bằng một tinh thần vẫn còn sống động cho tới ngày nay.

Sau khi ông Federico Rocca đã nhân danh ông thị trưởng Roma Gianni Alemanno chào mừng Hội Nghị, Ðức cha Sarah đã nói đến nhiều điều mới mẽ mà cha Matteo Ricci đã mang đến Trung Quốc như: vật lý học, thiên văn học, địa lý, kỹ thuật, hình học v.v.. Nhưng đặc biệt, nhà thừa sai này nhấn mạnh rằng sở dĩ ngài đã có thể đi vào cuộc đối thoại với văn hóa trung hoa được là nhờ bản sắc Kitô và lòng yêu mến đối với Trung Quốc. Ngài là một nhà cách mạng theo đường lối của Tin mừng, nghĩa là tránh mọi liên hệ đến chính trị và quân sự.

Ðức cha Sarah kết luận: Trung quốc ngày nay cần phải xây dựng sự hài hòa giữa những thành tựu vật chất và tinh thần, giữa những thành đạt kinh tế và sự tôn trọng con người, giữa các vấn đề nội bộ và quốc tế.

Ðức cha thư ký bộ truyền giáo kêu gọi đẩy mạnh cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Giáo hội Công giáo.

Về phần mình, cha Savio Hon trình bày về cuốn sách nổi tiếng của cha Matteo Ricci có tựa đề bằng tiếng Latinh "De Amicitia" [Luận về tình thân hữu]. Cha Hon nói rằng Trung Quốc đang cố gắng đánh bóng một hình ảnh "về hài hòa bên trong lẫn bên ngoài ranh giới", nhưng xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc lại không ngừng tạo ra nhiều quan ngại về "nạn da vàng". Theo linh mục thành viên của Ủy ban thần học quốc tế này, để cho cuộc đối thoại giữa Ðông và Tây có thể tiếp tục, Trung Quốc cần phải dựa trên "tình huynh đệ đại đồng", trên "sự siêu việt của Thiên Chúa", bởi vì Ngài là cội nguồn của tình thân hữu và lẽ khôn ngoan của loài người, vốn mở ra cho chiều kích tôn giáo.

Riêng giáo sư Joseph Jing phân tích những vấn đề của Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng của luân lý cá nhân và xã hội, huyền thoại "thịnh vượng" dẫn đến chủ nghĩa hư vô cũng như chương trình phục hồi khổng giáo của chính phủ hiện nay. Theo giáo sư Jing, trong xã hội trung quốc hiện nay đang có một lổ hỗng mà Giáo hội công giáo có một vai trò quan trọng trong việc lấp đày. Giáo sư Jing cũng mô tả những khó khăn mà Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc đang trải qua; ông nói đến việc chính phủ kiểm soát Giáo hội, tình trạng thiếu hòa giải giữa Giáo hội Công khai và Giáo hội thầm lặng. Theo ông, để có thể đóng góp cho xã hội và văn hóa, Giáo hội cần chữa lành vết thương này. Mới đây, học giả Hongkong này đã mở một trung tâm văn hóa giữa Trung Quốc và Âu Châu để đẩy mạnh cuộc đối thoại giữa những nhà trí thức Trung Hoa, Công giáo và không Công giáo.

Kết thúc Hội nghị, cha Bernado Cervellera, giám đốc hãng thông tấn Asianews cũng ghi nhận rằng mặc dù cởi mở với thế giới về kinh tế và thương mại, Trung Quốc vẫn siết chặt việc kiểm soát Internet, đè bẹp các nhà tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo, giam tù những ai cổ võ cho cuộc đối thoại giữa Ðông và Tây. Chủ nghĩa tân khổng giáo duy vật, kết hợp giữa chủ nghĩa Marxit và tiêu thụ vừa tạo ra lổ hỗng tinh thần, lại cũng vừa làm sống dậy nỗi khao khát tôn giáo.

Theo cha Cervellera, vì cũng bị chìm ngập trong chủ nghĩa duy vật, cho nên Tây Phương không hiểu được nỗi khao khát tôn giáo này.

Linh mục giám đốc hãng thông tấn Asianews kêu gọi mọi người hãy nỗ lực hoạt động cho tự do tôn giáo tại Trung Quốc, bởi vì đây là một bảo đảm cho một cuộc đối thoại tự do và phong phú về những giá trị văn hóa và tinh thần.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page