Nhận định về kiểu nói

"Giáo hội tội lỗi"

 

Nhận định về kiểu nói "Giáo hội tội lỗi".

Roma [Chiesa on line 26/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong bài tường thuật về cuộc gặp gỡ của Ðức thánh cha Benedicto XVI với các Ðức hồng y nhân dịp mừng sinh nhựt thứ 83, báo Người Quan Sát Roma viết rằng "Ðức thánh cha nói đến tội lỗi của Giáo hội và nhắc lại rằng, chính vì bị thương tích và là tội nhân, mà Giáo hội lại càng cảm nghiệm được những sự an ủi của Chúa".

Tuy nhiên, trong một bài viết trên trang mạng "Chiesa" [Giáo hội], ký giả Sandro Magister cho rằng kiểu nói "Giáo hội tội lỗi" chưa bao giờ là một kiểu nói riêng của Ðức thánh cha Benedicto XVI và ngài luôn xem đây là một sai lầm.

Trong rất nhiều dịp, chẳng hạn trong bài giảng Lễ Hiễn Linh năm 2008, Ðức thánh cha định nghĩa Giáo hội theo một cách hoàn toàn khác. Ngài nói rằng Giáo hội là "thánh thiện và gồm những người tội lỗi". Và Ðức thánh cha đã tỏ ra rất cẩn trọng khi xử dụng công thức này. Như khi kết thúc tuần tĩnh tâm của giáo triều dạo mùa chay năm 2007, Ðức thánh cha đã cám ơn vị giảng tĩnh tâm là Ðức hồng Giacomo Biffi vì đã "dạy chúng ta biết yêu mến Giáo hội nhiều hơn", Giáo hội mà nói theo công thức của thánh Ambrosio "là Giáo hội không tỳ vết gồm những con người tội lỗi".

Thật vậy, kiểu nói "Giáo hội không tỳ vết gồm những người tội lỗi" là của thánh Ambrosio, khi thánh nhân dẫn giải về Tin Mừng theo thánh Luca. Kiểu nói này có nghĩa là Giáo hội là thánh thiện và không tỳ vết, mặc dù đón nhận những người bị tỳ ố vì tội lỗi.

Năm 1996, Ðức hồng y Giacomo Biffi, một chuyên gia về thánh Ambrosio, vị giám mục Milano vào thế kỷ thứ tư đã từng rửa tội cho thánh Augustino, đã cho xuất bản một cuốn sách với tựa đề bằng tiếng Latinh "Casta meretrix" [cô gái điếm trong sạch] để chỉ về Giáo hội.

Trong nhiều thập niên qua, giới Công giáo cấp tiến đã xử dụng kiểu nói này để nói rằng Giáo hội là thánh thiện, nhưng đồng thời cũng là tội lỗi do đó phải luôn xin tha thứ vì tội lỗi của mình.

Nhiều người cho rằng công thức này thường được các thánh giáo phụ xử dụng. Thật ra, công thức này chỉ xuất hiện có một lần duy nhứt trong một đoạn chú giải của thánh Ambrosio về Tin Mừng theo thánh Luca. Ngoài ra, trước và sau ngài, chưa hề có vị giáo phụ nào đã xửng dụng công thức này. Mãi cho đến năm 1948, một nhà thần học nổi tiếng là đức cố Hồng y Hans Urs von Balthasar đã viết một cuốn sách về Giáo hội học với tựa đề "Casta meretrix". Tuy nhiên, vị Hồng y này không hề mượn công thức này để trực tiếp nói rằng Giáo hội tự bản chất là tội lỗi.

Vấn đề là: thánh Ambrosio muốn nói gì khi ngài gọi Giáo hội là "một cô gái điếm trong sạch"?

Theo tác giả Sandro Magister, thánh Ambrosio chi muốn áp dụng cho Giáo hội hình tượng bà Rahab, cô gái điếm thành Giericho trong sách Joshua, người đã từng che chở và cứu thoát người Israel trong nhà mình.

Ngay cả trước thánh Ambrosio, nàng Rahab cũng đã được xem là một biểu tượng của Giáo hội. Các thánh giáo phụ như Clemente thành Roma, thánh Giustino, ông Origene, thánh Cypriano đều đã nói đến hình tượng bà Rahab. Công thức "ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ" hẵn cũng phát xuất từ biểu tượng "ngôi nhà an toàn của bà Rahab".

Giải thích về kiểu nói "cô gái điếm trong sạch" được thánh Ambrosio xử dụng để nói về Giáo hội, Ðức hồng y Biffi viết rằng kiểu nói không chỉ tính cách tội lỗi và đáng lên án, mà trái lại đề cao sự thánh thiện của Giáo hội.

Sự kiện trước mắt thế gian Giáo hội có thể xuất hiện với những tỳ vết của tội lỗi và bị công chúng khinh thường luôn mời gọi Giáo hội không ngừng trở về Ðấng Sáng Lập là Chúa Giêsu, Người cũng đã từng bị các thế lực trần thế xem như một người tội lỗi. Và đây chính là điều mà thánh Ambrosio muốn nói đến khi ngài viết: "Giáo hội thật sự mang lấy dáng vẽ của một tội nhân, bởi vì chính Chúa Kitô cũng đã mang lấy hình dáng của một tội nhân".

Nhưng chính vì là thánh thiện, một sự thánh thiện không tỳ vết xuất phát từ chính Chúa Kitô, mà Giáo hội đón nhận các tội nhân, cùng với họ đau khổ vì những tội lỗi của họ và chăm sóc cho họ.

Ám chỉ đến chiến dịch bôi nhọ của báo chí nhắm vào Ðức thánh cha và Giáo hội xoay quanh tai tiếng về những lạm dụng tình dục trẻ em của một số linh mục, tác giả Sandro Magister kết luận: "trong thời đại thảm họa như hiện nay, với những tố cáo nhằm chối bỏ chính sự thánh thiện của Giáo hội, đây là một sự thật không nên quẻn lãng".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page