Hiện tình Haiti

3 tháng sau ngày động đất

 

Hiện tình Haiti 3 tháng sau ngày động đất.

Phỏng vấn nhà đạo diễn Raoul Peck về hiện tình Haiti 3 tháng sau cuộc động đất tàn phá đất nước này.

Haiti (Avvenire 2-4-2010) - Trong các ngày đầu tháng 4 năm 2010 đạo diễn Raoul Peck, người Haiti đã đến Milano để giới thiệu cuốn phim của ông chống lại nhà độc tài Duvalier. Cuốn phim tựa đề "Moloch Tropical" kể lại sự điên loạn của quyền bính và thảm cảnh sống của người dân Haiti, đặc biệt dưới thời của tổng thống Francois Duvalier, có biệt danh là "Papa Doc", một trong những nhà độc tài khét tiếng nhất của nước này. Tuy là người gốc Haiti nhưng đạo diễn Peck đã sống tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới trong đó có Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Các phim của ông tố cáo các lệch lạc của quyền bính chính trị, cũng như các lễ nghi và các sa đọa của nó. Ðạo diễn Raoul Peck mới rời Haiti để đến Italia.

Như đã biết trận động đất ngày 12-1-2010 tại Haiti mạnh tới 7 độ theo thước Richter đã khiến cho 300,000 người thiệt mạng và gây thiệt hại cho 3.5 triệu người khác, tức một phần ba dân số toàn nước. Trận động đất đã khiến cho hơn một triệu người mất hết nhà cửa, sản nghiệp. Trong số những người bị thiệt mạng cũng có Ðức Cha Joseph Serge Miot, Tổng Giám Mục thủ đô Port-au-Prince, nhiều linh mục tu sĩ và chủng sinh. Trung tâm xảy ra động đất cách thủ đô Port-au-Prince 15 cây số. Các khu phố thuộc phần thấp hơn của thủ đô hoàn toàn bị tàn phá. Cả dinh tổng thống cũng bị sụp đổ, nhưng tổng thống René Préval và gia đình ông đã thoát chết, vì không có mặt trong dinh khi xảy ra trận động đất.

Ðức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh tại Haiti, cho biết nhà thờ chính tòa cũng như tất cả mọi nhà thờ và chủng viện đều trở thành các đống gạch vụn. Trong số những người bị chết cũng có bà Zilda Arns, bào muội của Ðức Hồng Y Evaristo Arns, nguyên Tổng Giám Mục Sao Paolo bên Brasil. Bà là sáng lập viên tổ chức Mục vụ cho trẻ em của Giáo Hội Công Giáo Brasil, từ nhiều năm nay làm việc thừa sai bên Haiti và là người nổi tiếng vì đã nhận được Giải thưởng về các quyền con người năm 2002 của tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Trong số những người thiệt mạng trong trận động đất cũng có nhiều nhân viên thuộc tỗ chức Bảo Hòa của Liên Hiệp Quốc và khách du lịch, vì tòa nhà trụ sở của Liên Hiệp Quốc và nhiều khách sạn đặc biệt là khách sạn Montana, là khách sạn sang trọng nhất thủ đô Port-au-Prince, cũng bị sập.

Ðáp lời mời gọi của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, Hoa Kỳ và nhiều nước tây Âu khác cũng như các tổ chức bác ái và nhân đạo quốc tế đã tức tốc huy động công tác cứu trợ. Rất tiếc vì phi trường thủ đô Port-au-Prince nhỏ và thiếu các cơ cấu hạ tầng cũng như sự phối hợp, nên công tác cứu trợ đã gặp khá nhiều khó khăn, ít nhất trong mấy tuần đầu tiên. Tuy nhiên tổ chức Caritas toàn Haiti đã hợp lực với Caritas thủ đô đảm trách hữu hiệu việc phân phối đồ cứu trợ.

Sau mấy tuần đào bới các toán cấp cứu cũng đã cứu sống được hàng chục ngàn người. Nhưng với thời gian qua đi hy vọng sống còn của hàng chục ngàn người khác bị kẹt dưới các khối xi măng cốt sắt, bê tông và gạch vụn trở thành mây khói. Chính vì thế cũng không ai biết chính xác số người chết trong trận động đất trong thủ đô Port-au-Prince là bao nhiêu. Ngoài ra, cũng có cảnh lợi dụng hôi của và bạo lực từ phía các băng đảng tội phạm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn đạo diễn Raoul Peck về hiện tình Haiti 3 tháng sau ngày động đất.

Hỏi: Thưa ông Peck, từ Haiti và đặc biệt là từ thủ đô Port-au-Prince các hình ảnh tàn phá, khổ đau và bạo lực vẫn tiếp tục được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Hai tháng rưỡi sau ngày xảy ra trận động đất tình hình Haiti hiện nay ra sao?

Ðáp: Trước hết tôi phải nói rằng các hình ảnh về trận động đất tại Haiti, mà các phương tiện truyền thông quốc tế chiếu trên màn hình, đã chỉ là một phần của những gì xảy ra tại Haiti. Các đài truyền hình tìm kiếm các hình ảnh mạnh, các câu chuyện thê thảm, phụ nữ, trẻ em, các cảnh bạo lực, cướp bóc hôi của và nhấn mạnh trêm thảm cảnh và tai ương... Dĩ nhiên là cũng có những điều đó, và đó là điều đúng chứ không phải là sai, nhưng ngày nay người dân Haiti cũng ra công gắng sức góp phần tái thiết nhà cửa, trước khi mùa mưa tới và để tái xây dựng cuộc sống của họ. Tôi đã trông thấy một dân tộc ngoại thường, xắn tay áo lên để bắt đầu trở lại và để tiếp tục sống.

Hỏi: Thế mà từ các nước Tây Âu người ta có cảm tưởng là hỗn loạn thống trị tại Haiti và cả các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng làm việc mà không có một sự phối hơp thực sự... có đúng thế không thưa ông?

Ðáp: Ðúng thế. Có tình trạng thiếu tổ chức và không có khả năng phản ứng và can thiệp một cách hữu hiệu tại những nơi dân chúng cần được trợ giúp một cách cấp bách nhất cũng như để đáp ứng các ưu tiên khẩn cấp nhất. Nhưng nhất là cộng đồng quốc tế không đánh giá đúng mức các khả thể của người dân Haiti và giúp họ trở thành các tác nhân chính của việc tự tái thiết các đổ vỡ do trận động đất gây ra.

Hỏi: Thưa ông, có vài người cho rằng đàng sau các chương trình và trợ giúp tái thiết đó có bàn tay của Hoa Kỳ âm mưu thống trị Haiti trong một cách thế nào đó, có đúng vậy không?

Ðáp: Tôi không tin là có âm mưu mô thống trị nào đó. Theo tôi thấy thì chỉ có sự thiếu tổ chức và phối hợp. Các trợ giúp của người Hoa Kỳ rất là ý nghĩa.

Hỏi: Tuy nhiên trong cuốn phim của ông người ta nhận thấy rõ ràng là có các lèo lái của Hoa Kỳ, đã đưa một người của họ lên nắm quyền và người Hoa Kỳ không chấp nhập việc ông ấy không tôn trọng các luật lệ. Ðây có phải là một lịch sử được lập lại tại Haiti hay không?

Ðáp: Không phải chỉ tại Haiti. Cuốn phim của tôi không chỉ liên quan tới đất nước Haiti của tôi hay những người đã cai trị nó mà thôi, nhưng nó là một lời tố cáo chống lại tất cả mọi quyền bính bạo lực và các nhà độc tài áp bức dân chúng của họ, ít nhiều tại khắp nơi trên thế giới này, viện cớ là họ đã được dân chúng bầu lên.

Hỏi: Vâng, đúng thế. Trong phim "Moloch Tropical" đạo diễn đã để cho tổng thống Duvalier của Haiti lập đi lập lại nhiều lần là ông ta đã được người dân bầu lên một cách dân chủ. Nhưng rồi ông lại đã thi hành một quyền bính độc tài và sống rất xa cách người dân. Cuốn phim này có phải là một lời tuyên bố không tin tưởng nơi hệ thống dân chủ dựa trên việc đầu phiếu tự do hay không?

Ðáp: Nền dân chủ không phải là một cái gì đã được sáng chế ra một lần cho luôn mãi. Chúng ta tất cả phải tiếp tục làm việc để củng cố và phát huy nó, trước hết bằng cách đưa ra các hình thức kiểm soát việc làm của những người cầm quyền. Trong nghĩa này, sự độc lập và tự do của giới báo chí truyền thông là điều nền tảng, để nền dân chủ không bị giản lược thành một lá phiếu đơn sơ, được người dân sử dụng như là một hình thức bề ngoài cho có chuyện.

Hỏi: Nhưng mà cả ông nữa, ông cũng đã nhượng bộ quyền bính, bằng cách chấp nhận làm bộ trưởng Văn hóa trong chính quyền của tổng thống René Préval mà...

Ðáp: Không có ai là hoàn hảo cả. Ðó đã là một kinh nghiệm khó khăn và đau đớn, cả khi tôi đã diễn tả không phải một tham vọng cá nhân, nhưng một kinh nghiệm của một nhóm người tranh đấu cho dân chủ. Dầu sao đi nữa, tôi đã rời chức vụ và quyền bính rất sớm để tiếp tục là một nghệ sĩ và một đạo diễn không bao giờ bị sức mạnh của quyền lực khuất phục. Với cuốn phim này tôi đã đặc biệt muốn gióng lên một tiếng kêu đau đớn và giận dữ. Nó đã được gợi hứng bởi 40 năm suy tư về tình hình của đất nước Haiti.

Hỏi: Sau trận bão Jeanne hồi năm 2004 và trận động đất hồi tháng Giêng vừa qua và sau hàng chục năm sống dưới các đường lối chính trị tồi tệ đã biến Haiti trở thành một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới, có người đã nói tới Haiti như một quốc gia bị chúc dữ. Và cuốn phim của ông cũng không cho thấy sự lạc quan nào... Riêng ông thì ông nghĩ sao?

Ðáp: Tôi không đồng ý với các suy nghĩ như thế. Haiti không phải là một đất nước bị chúc dữ. Ðúng thật là nó đã có một lịch sử chiến đấu và buồn thương, nhưng đất nước này cũng có trong chính mình khả năng vươn lên. Dân chúng biết điều này và họ chứng minh cho thấy điều này ngày nay hơn bao giờ hết, bằng cách phản ứng chống lại sự tàn phá với lòng can đảm và với sự kiên trì rất lớn. Cộng đồng và các phương tiện truyền thông quốc tế phải phải nhận thấy điều đó và đánh giá cao hơn các nỗ lực này của người dân Haiti.

(Avvenire 2-4-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page