Nhìn lại 5 năm

làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ

của Ðức thánh cha Benedicto XVI

 

Nhìn lại 5 năm làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ của Ðức thánh cha Benedicto XVI.

Roma [CNA 20/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tiếp tục nhìn lại 5 năm đức Benedicto XVI được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, hôm nay chúng tôi xin được trích đọc nhận định của một sử giả người Pháp, ông Alain Besancon, thuộc Hàn lâm viện Pháp.

Trong bài phân tách về năm năm triều đại giáo hoàng của Ðức thánh cha Benedicto XVI được đăng trên báo "Người Quan Sát Roma" số ra ngày thứ Hai 19 tháng 4 năm 2010, sử gia Besancon viết tằng chiến dịch của báo chí tấn công Ðức thánh cha và Giáo hội Công giáo cho thấy có sự thù hận đối với Kitô giáo và Ðức thánh cha đang phải đối đầu với điều mà ông gọi là "sự tự hủy" của toàn xã hội, bản chất và lý trí.

Mở đầu bài viết, sử gia Besancon khẳng định rằng đức Benedicto XVI là người đã chiến đấu không biết mõi mệt cho sự minh bạch và chính xác. Theo ông, không có gì nguy hiểm cho bằng chủ nghĩa duy tương đối hiện đang được đồng hóa với xã hội dân chủ hiện đại: bất cứ tổ chức nào cũng có thể "hợp pháp hóa" tư tưởng của mình chỉ vì tư tưởng ấy là của mình mà không cần dựa vào lý trí.

Sau khi ca ngợi Ðức thánh cha vì "phục hồi lý trí giữa lòng Giáo hội", sử gia người Pháp này nói đến hai "tai nạn" trong triều đại Giáo hoàng của Ðức Benedicto XVI.

Tai nạn thứ nhứt là bài diễn văn ngài đọc tại đại học Regensburg, Ðức, hồi tháng 9 năm 2006. Ông Besancon ghi nhận: "Ðây là một bài diễn văn rất thông thái, dung hòa, từ tâm, nhưng lại gây ra những phản ứng rất dữ dội".

Theo tác giả, "phản ứng thiếu cân bằng" này trước hết cho thấy có sự thiếu hiểu biết của hàng giáo sĩ và giáo dân về sứ điệp của Hồi Giáo và dĩ nhiên về sứ điệp của riêng mình, bởi vì bạn có thể hiểu sứ điệp này mà không cần có sứ điệp khác. Như vậy, theo ông, tuyệt đối cần phải "tái định hướng" sự hiểu biết của Kitô giáo".

Tai nạn thứ hai dưới triều đại của Ðức Benedicto XVI là những tấn công của báo chí nhắm vào ngài và Giáo hội; cụ thể báo chí cho rằng Ðức thánh cha là người bao che các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của một số linh mục. Nhưng ông Besancon khẳng định: "sự thật không phải như thế".

Nhà sử học người Pháp cũng đưa ra hai nhận xét: một về lịch sử xã hội, hai về sự hiểu biết của Giáo hội về mối quan hệ giữa tội lỗi và tội ác.

Ông Besancon giải thích: trong 50 năm qua, việc định nghĩa về tội ác tình dục đã được thay đổi. Trước kia, nhiều hành động tình dục với sự đồng ý của hai bên đã bị trừng phạt nặng nề, nay thường được xem như một "quyền". Trong quá khứ, người ta chú ý đến các tội ác tình dục. Nay người ta hoàn toàn tập trú vào hành động ấu dâm.

Nhận xét thứ hai của sử gia Besancon là: Giáo hội phân biệt tội lỗi và tội ác. Ông viết: "Giáo hội không tha thứ tội ác, nhưng dành cho quan tòa nhiệm vụ trừng phạt nó. Còn việc đánh giá về "tội lỗi" là thuộc thẩm quyền Giáo hội. Giáo hội có chìa khóa để cầm buộc hay tháo gỡ tội lỗi".

Theo tác giả, "Giáo hội không ngừng nói rằng con người là kẻ tội lỗi và tội lỗi là một thực tế luôn hiện diện trong mọi lời cầu nguyện của Giáo hội".

Giáo sư Besancon giải thích rằng "vì thành kiến cho nên chúng ta ngạc nhiên khi biết rằng có một số người, mặc dù gia nhập hàng giáo sĩ, vẫn không khác hay đương nhiên phải tốt đẹp hơn người khác. Cho đến nay, chưa có ai đã tìm ra cách làm cho con người khác hơn bản chất của họ là vẫn cứ kiêu ngạo, tham lam, ham muốn, giận dữ, luôn luôn là người tội lỗi. Họ sẽ không chấm dứt những đam mê ấy chỉ vì đã qua một trắc nghiệm về tâm lý hay y khoa".

Vậy mà báo chí vẫn cứ tấn công Giáo hội Công giáo và đòi hỏi phải cho linh mục lập gia đình, phong chức cho phụ nữ và nhiều điều khác nữa.

Theo ông Besancon, chiến dịch tấn công của báo chí cho thấy có sự thù hận đối với Kitô giáo hoặc Giáo hội Công giáo đã đánh mất uy tín và sự tin tưởng. Ông nói: "Dù sao, Ðức giáo hoàng phải gánh chịu tình trạng hổn loạn ấy. Sau năm năm, thật là một triều đại Giáo hoàng đau buồn".

Tác giả viết: "Ðức Gioan Phaolô II đã chiến đấu chống lại một chế độ chính trị quái ác là chủ nghĩa cộng sản, nhưng xã hội và toàn thể nhân loại đã đứng về phía ngài. Còn đức Benedicto XVI lại có cả một xã hội hiện đại, được khai sinh từ cuộc khủng hoảng của thập niên 60, với một nền luân lý mới và một thứ tôn giáo mới, chống lại ngài."

Theo sử gia Besancon, "Ðức thánh cha Benedicto XVI lâm vào một hoàn cảnh giống như hoàn cảnh của Ðức Phaolô VI sau Công đồng Vatican II. Ðức Phaolô VI phải đương đầu với điều mà ngài gọi là sự "tự hủy" của Giáo hội. Nhưng với Ðức Benedicto XVI, không chỉ có sự "tự hủy" của Giáo hội, mà là của toàn thể xã hội, của bản chất và lý trí".

Tác giả kết luận: "vinh quang của triều đại Ðức Benedicto XVI không được tỏ hiện, bởi vì đây là vinh quang của tử đạo".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page