Tình yêu của Thiên Chúa
giúp chiến thắng mọi gian lao thử thách
và bão táp đắm tầu trong đời
Tình yêu của Thiên Chúa giúp chiến thắng mọi gian lao thử thách và bão táp đắm tầu trong đời.
Vatican (Vat. 21/04/2010) - Tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nơi Ðức Giêsu Kitô giúp chúng ta tiếp nhận mầu nhiệm Thập Giá của Người, chiến thắng trong các gian lao thử thách và không sợ hãi các "bão táp" của cuộc đời, kể cả các vụ đắm tầu, bởi vì chương trình tình yêu của Thiên Chúa lớn lao hơn cả các bão táp và đắm tầu trong đời.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước gần 30,000 tín hữu năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần sáng thứ Tư 21 tháng 4 năm 2010 tại quảng trường Thánh Phêrô.
Vì mới công du mục vụ đảo Malta về tối Chúa Nhật 18 tháng 4 năm 2010 nên trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã chia sẻ với tín hữu một số kinh nghiệm và cảm tưởng của ngài. Ðức Thánh Cha cảm tạ Chúa đã cho ngài có dịp hành hương Malta nhân dịp kỷ niệm 1950 năm thánh Phaolô bị đắm tầu giạt vào đào Malta hồi năm 60, lưu lại đây 3 tháng, rao giảng Tin Mừng cho dân chúng và làm nảy sinh ra giáo đoàn địa phương. Ngài cũng tỏ lòng biết ơn Tổng thống và Hội Ðồng Giám Mục đã mời ngài viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Malta, cũng như tất cả những ai đã cộng tác để cho chuyến viếng thăm diễn ra tốt đẹp. Ðề cập tới lịch sử dân nước Malta Ðức Thánh Cha nói:
Lịch sử gần 2,000 năm của dân tộc này không thể tách rời khỏi đức tin Công giáo, làm thành đặc thái nền văn hóa và các truyền thống của nó: người ta nói rằng Malta có tới 365 nhà thờ, "một nhà thờ cho mỗi ngày trong năm", một dấu chỉ hữu hình của đức tin sâu xa ấy.
Tất cả đã bắt đầu với cuộc đắm tầu nói trên: sau khi lênh đênh 14 ngày, bị gió đẩy đưa, con tầu chở tông đồ Phaolô và nhiều người khác về Roma trôi giạt vào một bãi cạn của đảo Malta. Vì thế sau cuộc gặp gỡ rất thân tình với Tổng thống Cộng Hòa trong thủ đô La Valletta, có rất nhiều thanh thiếu niên nam nữ đón chào, tôi đã hành hương ngay tới "Hang của thánh Phaolô" tại Rabat, để cầu nguyện. Tại đây, tôi cũng đã có thể chào thăm một đám đông các thừa sai người Malta. Việc nghĩ tới vùng đảo này nằm giữa Ðịa Trung Hải và kiểu hạt giống Tin Mừng đã tới với người dân tại đây khơi dậy một ý thức kinh ngạc đối với các chương trình nhiệm mầu của Chúa Quan Phòng. Tự nhiên chúng ta phải cảm tạ Chúa và thánh Phaolô, là người giữa cơn bão đó đã duy trì sự tin tưởng và niềm hy vọng và trao ban chúng cho các đồng bạn của cuộc hải hành.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: từ cuộc đắm đầu đó, hay đúng hơn từ sự kiện thánh Phaolô lưu lại Malta, đã nảy sinh ra cộng đoàn kitô sốt sắng và vững vàng, sau 2,000 năm vẫn còn trung thành với Tin Mừng và cố gắng phối hợp Tin Mừng với các vấn đề phức tạp ngày nay. Dĩ nhiên đây không luôn luôn là điều dễ dàng, hay tự dưng mà có, nhưng người dân Mata đã biết tìm ra trong quan điểm kitô về cuộc sống các câu trả lời cho các thách đố mới. Chẳng hạn như sự kiện đã duy trì vững vàng lòng tôn trọng sâu xa đối với sự sống chưa chào đời và đối với sự thánh thiêng của hôn nhân, bằng cách lựa chọn không đưa ra luật phá thai và ly dị.
Do đó chuyên công du của tôi có mục đích củng cố Giáo Hội tại Malta trong đức tin, một thực tại rất sinh động, hòa hợp và hiện diện trên đất Malta và Gozo. Toàn cộng đoàn đã tụ họp nhau tại quảng trường Granai Floriana trước nhà thờ Thánh Publio, và đã sốt sắng tham dự Thánh Lễ do tôi cử hành. Ðó đã là lý do sự vui mừng và an ủi đối với tôi, khi cảm nhận được sự nồng nhiệt của dân tộc Malta có ý thức là một đại gia đình, cùng chung đức tin và quan niệm kitô về cuộc sống. Sau Thánh Lễ tôi đã muốn gặp gỡ một vài nạn nhân của việc lạn dụng tính dục từ phía hàng giáo sĩ. Tôi đã chia sẻ nỗi khổ đau của họ, cảm động cầu nguyên với họ và bảo đảm với họ hoạt động của Giáo Hội trong việc bênh vực họ.
Tuy địa thế của Malta là các hòn đảo, nhưng xã hội Malta không bị cô lập với thế giới, trái lại Malta có nhiều tiếp xúc với các quốc gia khác, vì sự kiện có nhiều linh mục Malta làm việc tại các nước ngoài. Và Ðức Thánh Cha ca ngợi truyềèn thống giáo dục kitô của các gia đình Malta như sau:
Thật thế, các gia đình và các giáo xứ Malta đã biết giáo dục biết bao nhiêu người trẻ ý thức về Thiên Chúa và Giáo Hội; nhiều người đã quảng đại đáp trả lại tiếng Chúa Giêsu mời gọi và đã trở thành linh mục. Trong số đó có nhiều vị đã đi truyền giáo tại các vùng xa xôi, vì tiếp nhận được tinh thần tông đồ đã thúc đẩy thánh Phaolô đem Tin Mừng tới những nơi chưa được nghe loan báo. Ðức tin được củng cố khi được cống hiến cho tha nhân. Malta đã phát triển nhờ được tháp vào cây đức tin, và giờ đây rộng mở cho các thực tại kinh tế, xã hội, văn hóa và cống hiến cho chúng phần đóng góp qúy báu.
Dĩ nhiên, Malta cũng đã thường phải tự bảo vệ mình dọc dài các thế kỷ, như có thể nhận ra nơi các pháo đài của đảo. Vị trí chiến lược của quần đảo nhỏ này lôi cuốn sự chú ý của các sức mạnh chính trị và quân sự. Nhưng ơn gọi sâu xa hơn của Malta là ơn gọi kitô, có nghĩa là ơn gọi đại đồng của hòa bình. Thập giá nổi tiếng của Malta mà mọi người gắn liền với quốc gia này, đã bao lần tung bay trong các cuộc xung đột và tranh giành; nhưng cám ơn Chúa nó đã không bao giờ đánh mất đi ý nghĩa đích thực ngàn đời của nó: là dấu chỉ tình yêu thương và hòa giải, và đó là ơn gọi đích thực của các dân tộc đã tiếp nhận sứ điệp kitô!
Là ngã tư tự nhiên, Malta là trung tâm của các lộ trình di cư: cũng như vào thời thánh Phaolô, có biết bao người tìm tới đảo này, đôi khi bị thúc đẩy bởi cuộc sống khó khăn, bởi bạo lực và bách hại, và dĩ nhiên điều này tạo ra các vấn đề phức tạp trên bình diện nhân đạo, chính trị và pháp luật. Không dễ mà có thể tìm ra các giải pháp, nhưng cần phải kiên trì tìm kiếm bằng cách phối hợp chúng trên bình diện quốc tế. Tất cả mọi quốc gia có các giá trị kitô trong các gốc rễ Hiến Pháp và nền văn hóa của mình đều nên làm điều đó.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài chia sẻ các kinh nghiệm chuyến viếng thăm Malta với tín hữu: Thách đố phối hợp gía trị ngàn đời của Tin Mừng với cuộc sống phức tạp hiện nay đặc biệt hấp dẫn đối với người trẻ. Thật vậy, các thế hệ mới cảm nhận được điều này một cách mạnh mẽ hơn, vì thế tại Malta tuy thời giờ ngắn ngủi tôi không thể không gặp giới trẻ. Ðây đã là một lúc đối thoại sâu xa, được sự nồng nhiệt của các bạn trẻ và khung cảnh của hải
cảng La Valletta tô điểm cho xinh đẹp hơn. Tôi đã nhắc cho các bạn trẻ biết kinh nghiệm của Thánh Phaolô khi còn trẻ: một kinh nghiệm ngoai thường, duy nhất, có khả năng nói với các thế hệ trẻ thuộc mọi thời đại, vì sự biến đổi triệt để theo sau cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh. Tôi đã trông thấy nơi các bạn trẻ Malta các người thừa kế tiềm năng cuộc mạo hiểm tinh thần của thánh Phaolô, được mời gọi tái khám phá ra vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, được ban tặng cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô; ôm nhận mầu nhiệm Thập Giá của Người và chiến thắng trong các thức thách gianlao, không sợ hãi các "bão táp" của cuộc đời, kể cả các vụ đắm tầu, bởi vì chương trình tình yêu của Thiên Chúa lớn lao hơn cả các bão táp và đắm tầu trong đời.
Rồi Ðức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: đó đã là sứ điệp vắn tắt tôi đem cho dân nước Malta. Nhưng tôi đã nhận được rất nhiều từ Giáo Hội này, từ dân tộc được Thiên Chúa chúc phúc này, đã biết cộng tác với ơn thánh Chúa. Nhờ lời bầu cử của tông đồ Phaolô, thánh Giorgio Preca linh mục, vị thánh tiên khởi của Malta và nhờ lời bầu cử của Ðức Trinh Nữ Maria, mà tín hữu Malta và Gozo đặc biệt tôn sùng, ước chi Malta tiến mãi trong hòa bình và thịnh vượng.
Ðức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài nhắc cho mọi người biết Chúa Nhật tới đây là Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi. Ðức Thánh Cha cầu chúc các bạn trẻ tìm thấy nơi cuộc đối thoại với Chúa câu trả lời cá nhân cho chương trình tình yêu của Chúa. Ngài mời gọi các anh chị em đau yếu dâng các khỏ đau của họ để cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi trưởng thành và thánh thiện. Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết kín múc từ lời cầu nguyện mỗi ngày sức mạnh để xây dựng một gia đình kitô đích thực.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)