Nhìn lại 5 năm

đức Benedicto XVI được bầu làm

Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ

 

Nhìn lại 5 năm đức Benedicto XVI được bầu làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ.

Roma [The National Catholic Register 18/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Hai 19 tháng 5 năm 2010 là ngày kỷ niệm đúng 5 năm ngày Ðức thánh cha Benedicto XVI được bầu làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ, kế vị đức Gioan Phaolô II.

Chúng tôi đã trích đọc tổng kết 5 năm triều đại của Ðức Benedicto XVI trên Nhựt báo Công giáo Pháp La Croix. Hôm nay chúng tôi xin được gởi đến quý vị và các bạn nhận định của một tờ báo Công giáo nổi tiếng khác là tờ "The National Catholic Register", xuất bản tại Hoa kỳ. Trên trang mạng số ra ngày 18 tháng 4 năm 2010, ký giả Robert Royal viết: "Cách đây vài tháng, xem ra đã rõ ràng là di sản của Ðức Benedicto XVI đang hình thành".

Thật vậy, trong bài giảng đầu tiên sau khi được bầu làm giáo hoàng, Ðức Benedicto XVI đã gợi lại di sản của Ðức Gioan Phaolô II và cam kết: "Với tư cách là người kế vị thánh Phêrô, tôi cũng sẽ cương quyết tiếp tục thực thi Công Ðồng Vatican II, theo dấu chân của vị tiền nhiệm của tôi và trong sự trung thành với truyền thống 2000 năm của Giáo hội".

Theo ghi nhận của ký giả Robert Royal, có hai yếu tố được nhấn mạnh trong lời tuyên bố của Ðức Benedicto XVI: một là Công Ðồng, hai là truyền thống. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ có một yếu tố mà thôi. Yếu tố đó chính là một truyền thống linh động, lúc nào cũng cổ xưa, nhưng lúc nào cũng mới mẽ. Và đây có lẽ là tất cả những gì mà mọi vị giáo hoàng trong Giáo hội đều phải nói tới.

Nhưng ký giả Robert Royal viết: "Nhìn lại 5 năm qua, chỉ có một điều mà chúng ta có thể nói về Ðức Benedicto XVI là: ngài là một người "liều lĩnh thánh".

Theo tác giả, những sáng kiến chính của ngài cần phải được hiểu theo viễn tượng ấy, ngay cả khi chúng có tạo ra tranh luận. Bài diễn văn mà ngài đã đọc tại đại học Regensburg, Ðức hồi năm 2006 thường chỉ được nhắc tới vì có chứa đựng một vài câu xem ra có nội dung phê bình Hồi giáo.

Trong thực tế, đó không phải là điểm nhắm của bài diễn văn. Toàn bộ bài diễn văn là một thách đố cho Âu Châu và toàn thế giới để tái khám phá đức tin và phục hồi ý nghĩa trọn vẹn của lý trí trong cuộc hành trình thiêng liêng. Tựu trung, giữa đức tin và lý trí có một mối giây liên kết bất khả phân ly: đây là sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt trong triều đại của vị giáo hoàng này.

Cũng như các tác phẩm mà ngài đã viết trước khi được bầu làm Giáo hoàng, bài diễn văn đọc tại đại học Regensburg cần phải được đọc và nghiên cứu theo sợi chỉ xuyên suốt ấy.

Nhưng đức Benedicto XVI không chỉ là một nhà thần học chỉ có những suy tư trừu tượng. Qua chuyến viếng thăm Hoa kỳ của ngài hồi năm 2008, báo chí đã thấy được cung cách "mục vụ" của ngài. Cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân của lạm dụng tình dục trong chuyến viếng thăm đã được xem là một cử chỉ nổi bật của một vị mục tử nhân lành.

Trong lãnh vực phụng vụ, đức Benedicto XVI đã có những "cải tổ" rất táo bạo. Ngài cho phép cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức có trước thời công đồng Vatican II. Ngài sẵn sàng chấp nhận bị xem như một người "lạc hậu". Thật ra, với quyết định táo bạo này, ngài muốn thu thập lại kinh nghiệm của nửa thế kỷ từ sau công đồng và tìm cách thiết lập những hình thức phụng vụ vừa thích hợp và được đào sâu cho thiên niên kỷ thứ 3.

Trái với cái nhìn chung, ngài đã tỏ ra rất cẩn trọng khi tiếp cận với Huynh đoàn Công giáo thủ cựu Pio X. Ngoại trừ chuyện "bất trắc" đã xảy ra khi ngài rút vạ tuyệt thông cho Ðức cha Richard Williamson, vị Giám mục thủ cựu đã từng chối bỏ trách nhiệm của đức quốc xã trong cuộc sát tế người Do thái hồi đệ nhị thế chiến.

Với quyết định đón tiếp người Anh Giáo trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo và với sự xích lại gần với các Giáo hội Chính thống, nhứt là Giáo hội Chính thống Nga, đức Benedicto XVI đã tỏ rõ một ý muốn đày tham vọng là qui tụ càng nhiều các tín hữu Kitô lại càng tốt để làm thành một lực lượng Kitô giáo sống động hầu rao giảng Tin Mừng cho một "thế giới đang cần thở không khí trong lành".

Nhưng như chúng ta đang theo dõi, những gì đã xảy ra trong những tháng gần đây, cụ thể là những tấn công của báo chí nhắm vào việc ngài xử lý các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của một số linh mục, có thể khiến cho người ta quên đi những thành tựu mà ngài đã đạt được trong 5 năm qua. Không gì vô lý và bất công bằng khi cố tình qui trách cho ngài một hai vụ lạm dụng tình dục xảy ra ở một nơi nào đó và cách đây hằng bao thập niên qua.

Thật ra, càng lúc càng có nhiều bằng chứng cho thấy, hơn bất cứ ai khác, Ðức Benedicto XVI là người đã có nhiều nỗ lực nhứt để thanh luyện Giáo hội khỏi những lạm dụng tình dục trẻ em của một số linh mục.

Ký giả Robert Royal của báo The National Catholic Register kết thúc bài nhận định của ông như sau: "Phần còn lại của triều đại Giáo hoàng của ngài có thể sẽ được dùng để "đền bù" những tội lỗi của người khác một cách công khai. Nhưng bằng một cách ít công khai hơn, những sáng kiến mà ngài đã đưa ra sẽ là một sự "chúc lành" cho thế hệ chúng ta và nhiều thế hệ kế tiếp".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page