Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI

viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Malta

 

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI lên đường viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Malta.

Malta (Vat. 17/04/2010) - Chiều thứ Bẩy 17 tháng 4 năm 2010 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Malta. Ðây là chuyến công du thứ 14 ngoài Italia trong 5 năm làm Giáo Hoàng.


Ðức Thánh Cha đến Phi Trường Quốc Tế Malta.


Từ nhiều ngày qua dân chúng đảo Malta đã chuẩn bị tiếp đón Ðức Thánh Cha. Họ rửa đường phố, treo cờ Malta và cờ Tòa Thánh trước cửa nhà cũng như trưng nhiều giỏ hoa trên các bao lơn. Ðã có 300 nhà báo, 200 nhà báo quốc tế và 100 nhà báo địa phương cũng như 60 đài truyền hình đăng ký theo dõi chuyến công du của Ðức Thánh Cha tại Malta. Khoảng 2,000 cảnh sát và nhân viên công lực được huy động để giữ gìn an ninh trật tự. Và một ca đoàn 5,000 trẻ em đã tập dượt để hát mừng sinh nhật thứ 83 của Ðức Thánh Cha sau khi Ðức Thánh Cha viếng thăm tổng thống. Trong các ngày qua báo chí Malta đã đăng rất nhiều bài viết và hình ảnh về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha.

Tờ Thời Báo Malta đăng chương trình chuyến viếng thăm cũng như toàn bộ lộ trình di chuyển của Ðức Thánh Cha. Tờ báo cho biết trong thời gian viếng thăm Malta từ phi trường cho tới thủ đô và thành phố Rabat xe chở Ðức Thánh Cha sẽ đi qua 40 giáo xứ nằm trên lộ trình. Hai ngày trước khi Ðức Thánh Cha đến Malta, nhân công thủ đô đã gấp rút làm việc để mở rộng thêm quảng trường Floriana nơi Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho tín hữu sáng Chúa Nhật 18 tháng 4 năm 2010. Ðã có 10,000 bạn trẻ ghi danh tham dự buổi gặp gỡ với Ðức Thánh Cha tại bến cảng Waterfront chiều Chúa Nhật 18 tháng 4 năm 2010. 400 tù nhân cũng xin phép được tham dự buổi gặp gỡ này. Và có 150 tầu đánh cá nhỏ trang hoàng sặc sỡ hộ tống tầu chở Ðức Thánh Cha từ hải cảng Kalkara sang hải cảng La Valletta để gặp giới trẻ.

Từ Vaticăng Ðức Thánh Cha đã lấy trực thăng để đến phi trường quốc tế Fiuminico nằm cách đó 35 cây số. Chiếc Airbus 320 của hãng hàng không Alitalia chở Ðức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã rời phi trường Roma lúc 15 giờ 30 phút và đến phi trường quốc tế Luqa của thủ đô La Valletta sau 1 giờ 35 phút bay. Khi máy bay còn trên bầu trời Italia Ðức Thánh Cha đã gửi điện chào thăm Tổng thống Georgio Napolitano và dân nước Italia và cầu chúc cho Italia được nhiều tiến triển tinh thần và xã hội.

Trên máy bay theo thói quen Ðức Thánh Cha cũng dành cho các nhà báo tháp tùng ngài cuộc phỏng vấn. Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh thay mặt mọi người chúc mừng sinh nhật thứ 83 của Ðức Thánh Cha ngày 16 tháng 4 và ngày ngài được bầu làm Giáo Hoàng 19 tháng 4. Cha cho biết lần này Ðức Thanh Cha trả lời các câu hỏi mà một số nhà báo đã viết trước liên quan tới mục đích của chuyến viếng thăm. Ðức Thánh Cha nói:

Tuy Năm Thánh Phaolô đối với Giáo Hội hoàn vũ đã qua rồi, nhưng Giáo Hội và quốc gia Malta mừng kỷ niệm 1,950 năm thánh Phaolô bị đắm tầu, giạt vào đảo này. Vì thế đây là dịp để ngài nêu bật gương mặt và sứ điệp của thánh nhân, có thể tóm tắt với các lời trong thư thánh nhân gửi tín hữu Galát: "đức tin hoạt động trong đức bác ái". Ðó là điều quan trọng đối với ngày nay: đức tin, tương quan với Thiên Chúa biến thành đức ái. Tuy nhiên biến cố thánh nhân bị đắm tầu cũng ý nghĩa. Từ cuộc đắm tầu của thánh Phaolô Malta được cơ may có đức tin. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng các cuộc đắm tầu của cuộc sống có thể làm thành dự án của Thiên Chúa đối với chúng ta và chúng cũng có thể ích lợi cho các khởi đầu mới trong cuộc sống.

Lý do thứ hai của chuyến viếng thăm là kinh nghiệm được sống giữa một Giáo Hội sinh động, có nhiều ơn gọi và đáp, tràn đầu đức tin đáp trả lại các thách đố của thời đại chúng ta. Tôi biết Malta yêu Chúa Kitô và Giáo Hội là Thân Mình của Ngài và biết rằng cả khi Thần Mình ấy có bị thương tích vì tội lỗi của chúng ta đi nữa thì Chúa vần thương Giáo Hội ấy và Tin Mừng của Chúa là sức mạnh đích thật thanh tẩy và chữa lành.

Lý do thứ ba của chuyến viếng thăm là Malta là nơi các làn sóng người tị nạn từ Phi châu tới gõ cửa Âu châu. Và đây là vấn đề lớn của thời đai ngày nay. Chúng ta tất cả đều có bổn phận trả lời cho thách đố này và hoạt động làm sao để mọi người có thể sống một cuộc sống xứng đáng tại quê hương của mình. Ðồng thời cũng phải làm sao để các anh chị em tị nạn ấy được tiếp đón và có cuộc sống xứng đáng. Malta nhắc nhớ chúng ta về các thách đố đó và dậy cho chúng ta biết đức tin là sức mạnh trao ban tình bác ái, và với óc tưởng tượng nó giúp trả lời cho các thách đố này.

Máy báy chở Ðức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã hạ cánh tại phi trường quốc tế Luqa của thủ đô La Valletta sau 1 giờ 35 phút bay. Tiếp đón Ðức Thánh Cha tại chân thang máy bay có tổng thống Cộng Hòa Malta ông George Abela và phu nhân cùng với các giới chức chính trị và dân sự, cũng như Ðức Cha Paul Cremona Tổng Giám Mục La Valletta kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Malta, Ðức Cha Mario Grech Giám Mục Gozo, Ðức Cha Annetto Depasquale Giám Mục Phụ tá, và Ðức Cha Joseph Mercieca, nguyên Tổng Giám Mục La Valletta, và một nhóm đông đảo các tín hữu.

Ban nhạc đã cử Quốc Thiều Vaticăng và Quốc Thiều Malta. Ðức Thánh Cha và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự.

Ðáp lời chào đón của tổng thống Malta Ðức Thánh Cha đã cám ơn tổng thống và chính quyền cũng như Hội Ðồng Giám Mục Malta mời ngài viếng thăm Giáo Hội và đất nước này. Ðức Thánh Cha nói ngài đến như một người hành hương để thờ lậy và chúc tụng Chúa vì các việc kỳ diệu Chúa đã làm. Ngài đến như Người Kế Vị Thánh Phêrô để củng cố các tín hữu trong đức tin. Tuy chuyến viếng thăm ngắn ngủi nhưng Ðức Thánh Cha cầu xin cho nó đem lại nhiều hoa trái.

Lý do trực tiếp của chuyến viếng thăm là dịp mừng kỷ niệm 1,950 năm Thánh Phaolô bị đắm tầu giạt vào đảo Malta như kể trong chương 27 sách Công Vụ. Có người coi đó như là một tai nạn của lịch sử, nhưng con mắt đức tin cho phép nhận ra công trình của Thiên Chúa Quan Phòng. Thật ra Malta đã là ngã tư gặp gỡ của nhiều biến cố lớn và các trao đổi văn hóa trong lịch sử âu châu và địa trung hải từ thời xa xưa cho tới ngày nay. Các hòn đảo này đã nắm giữ một vai trò nòng cốt trong sự phát triển chính trị, tôn giáo và văn hóa của Âu châu, của Vùng Cận Ðông và Bắc Phi. Vị thế địa lý và chiến lược của Malta khiến cho vùng đất này đã góp phần bảo vệ Kitô giáo bằng đường biển và đường bộ. Quốc kỳ có "thập giá thánh Georg" và kiến trúc của đảo với các pháo đài là chứng tá lòng can đảm của dân tộc Malta trong những ngày đen tối của thế chiến thứ II. Và đất nước Malta tiếp tục nắm giữ một vai trò trong các cuộc thảo luận về căn cước, nền văn hóa và các đường lối chính trị âu châu. Ðồng thời chính quyền cũng rất dấn thân trong các dự án bác ái nhân đạo trải rộng cho tới Phi châu.

Tiếp tục diễn văn Ðức Thánh Cha đã đề cao các giá trị mà dân nước Malta có thể cống hiến cho tương lai của Âu châu như: sự khoan nhượng, lòng tôn trọng nhau, việc tiếp đón người di cư vv... Ðức Thánh Cha khích lệ Malta tiếp tục bảo vệ tính chất bất khả phân ly của hôn nhân như cơ cấu tự nhiên và là bí tích, cũng như bản chất đích thật của gia đình, tính chất thánh thiêng của sự sống từ khi thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, việc tôn trọng đích thật quyền tự do tôn giáo theo các cách thức giúp đạt sự tiến triển toàn vẹn cho các cá nhân và toàn xã hội.

Dân nước Malta cũng có các mối liên hệ chặt chẽ với vùng Cận Ðông về phương diện văn hóa cũng như tôn giáo và ngôn ngữ. Vì thế Malta cũng là cây cầu của sự hiểu biết giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo vùng Ðịa Trung Hải. Cần hoạt động nhiều hơn nữa để xây dựng các tương quan tin tưởng, đối thoại phong phú và trải dài tình bạn tới các quốc gia chung quanh trong cả bốn hướng đông tây nam bắc.


Ðức Thánh Cha đọc diễn văn tại Phi Trường Quốc Tế Malta.


Ðược Tin Mừng của Chúa soi sáng từ gần 2,000 năm qua và được liên tục củng cố bơi các gốc rễ Kitô của mình, dân tộc Malta có lý do để hãnh diện về vai trò không thể thiếu của đức tin trong việc phát triển quốc gia. Trong số hoa trái của sự thánh thiện cũng có nhiều vị thánh gốc Malta trong đó có thánh Dun Gorg Preca được Ðức Thánh Cha tôn phong ngày mùng 3 tháng 6 năm 2007. Kết thúc diễn văn Ðức Thánh Cha phó thác dân nước Malta cho sự che chở hiền mẫu của Ðức Bà Ta' Pinu và thánh Tông đồ Phaolô là người cha trong đức tin của tín hữu Malta.

Kết thúc lễ nghi chào đón Ðức Thánh Cha đã đi xe về dinh Gran Maestri để thăm xã giao Tổng thống. Dọc hai bên đường từ phi trường về thủ đô La Valletta đặc biệt trong thủ đô đã có rất đông dân chúng đứng hai bên đường cầm cờ Malta và cờ Tòa Thánh có hai mầu vàng trắng vẫy chào Ðức Thánh Cha.

Tổng thống George Abela sinh năm 1948 thành hôn với bà Margaret và có hai con. Ông đậu tiến sĩ luật tại đại học Malta, đã từng là luật sư của các tòa án dân sự và giáo hội, bảo vệ quyền của giới công nhân và đồng thời cũng là chủ tịch thể thao của Liên hiệp túc cầu Malta. Là thành viên của Ðảng Lao Ðộng ông đã được bầu làm Tổng thống Malta ngày mùng 1 tháng 4 năm 2009.

Hơn 5,000 trẻ em và mấy ngàn dân đã vẫy cờ hoan hô chào đón Ðức Thánh Cha khi xe chở ngài tiến vào Dinh Gran Maestri. Tổng thống đã đón Ðức Thánh Cha tại sân trong của Dinh và tháp tùng Ðức Thánh Cha vào thang máy lên lầu 3. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong "Phòng Xanh: của dinh. Hai bên đã trao đổi quà tặng. Tiếp đến Ðức Thánh Cha và Tổng thống đã hội kiến riêng trong một "Phòng khách các Ðại sứ". Trong cùng thời gian đó Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Thủ tướng Lawrence Gonzi của Malta hội kiến với nhau trong một phòng khác của dinh với sự tham dự của Ðức Tổng Giám Mục Fernando Filoni, Phụ tá Quốc Vụ Khanh và Ðức Tổng Giám Mục Tommaso Caputo, Sứ Thần Tòa Thánh.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã gặp gia đình của tổng thống và của Thủ tướng, các Bộ trưởng cũng như ngoại giao đoàn và các giới chức chính quyền khác. Sau khi chụp hình lưu niệm Ðức Thánh Cha đã cùng Tổng thống ra bao lơn để chào dân chúng. Ca đoàn 5,000 trẻ em đã hát chúc mừng sinh nhật thứ 83 của Ðức Thánh Cha. Các em cũng ca bài "Ôi ngày hạnh phúc". Trước khi rời Dinh tổng thống Ðức Thánh Cha đã chào Ban tổ chức chuyến viếng thăm.

Sau khi từ biệt Tổng thống Ðức Thánh Cha đã đi xe tới thăm nhà thờ và hang Thánh Phaolô tại Rabát, một thành phố nhỏ cách thủ đô La Valletta 13 cây số. Ðức Thánh Cha đã được cha sở ra đón và tháp tùng vào thăm nhà thờ trong đó đã có 250 thừa sai chờ đợi Ðức Thánh Cha.

Sau khi qùy cầu nguyện một lát trước Mình Thánh Chúa Ðức Thánh Cha đã vào nhà ngyện bên cạnh và xuống cầu thang dẫn vào Hang Thánh Phaolô. Hang này được coi như cột mốc của lịch sử Giáo Hội tại Malta, vì theo truyền thống thánh Phaolô đã sống tại đây 3 tháng sau khi bị đắm tầu vào mùa đông năm 60. Hang đá này trở thành nơi thánh nhân rao giảng Tin Mừng cho dân chúng và thành lập giáo đoàn kitô Malta. Vào thời Trung Cổ vùng chung quanh hang đã biến thành một nghĩa trang. Năm 1463 tín hữu Malta xây ngôi nhà thờ đầu tiên. Nhà thờ này được thay thế bằng 2 nhà thờ khác nữa. Nhà thờ như thấy hiện nay được xây năm 1653. Bên trên hang đá cạnh nhà thờ có một nhà nguyện kính thánh Phaolô. Năm 1743 tu huynh Manuel Pinto Trưởng hội Hiệp Sĩ Malta đã tặng nhà thờ một bức tượng thánh Phaolô được đặt tại đây. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm Hang đá này ngày 27 tháng 5 năm 1990 trong chuyến công đu Malta lần đầu tiên.

Ðức Thánh Cha đã đọc một lời nguyện kính thánh Phaolô, rồi ký tên vào sổ vàng lưu niệm và dâng cho đền thánh một chiếc đèn bằng bạc. Sau đó ngài ra chào hàng ngàn tín hữu tụ tập ngoài quảng trường phía trước nhà thờ.

Ðáp lại lời chào của Ðức Cha Paul Cremona Tổng Giám Mục La Valletta, Ðức Thánh Cha nói:

Tôi đến đây theo vết chân của biết bao nhiêu người hành hương dọc dài các thế kỷ đã đến cầu ngyện tại nơi đây để phó thác chính mình, gia đình mình và sự phong phú của quốc gia này cho lời bầu cử của vị Tông Ðồ dân ngoại. Biến cố thánh Phaolô bị đắm tầu và lời sách Công Vụ kể lại mà anh chị em đã lấy làm khẩu hiệu chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này của tôi "Chúng ta phải dạt vào hòn đảo nào đó" (CV 28,26) là lời mời gọi can đảm trước những điều không biết trước được, và kiên vững tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế trong chương trình của Thiên Chúa Thánh Phaolô đã trở thành ngươi cha của anh chị em trong đức tin kitô. Nhờ sự hiện diện của thánh nhân giữa anh chị em, Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đã đâm rễ vững vàng và đem lại nhiều hoa trái không chỉ trong cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn, mà cả trong việc làm thành căn cước cũng như nền văn hóa của quốc gia Malta nữa.

Ðức Thánh Cha đã ca ngợi công lao của thánh Phaolô và thế hệ các vị rao giảng Tin Mừng theo bước chân thánh nhân, đặc biệt là đông đảo các linh mục tu sĩ đã rời Malta để đi truyền giáo đó đây trên thế giới. Nhân danh toàn thể Giáo Hội Ðức Thánh Cha cám ơn các thừa sai Malta từng vị một, vì chứng tá của các vị đối với Chúa phục sinh và công tác phụ vụ tha nhân. Ngài cầu xin cho Malta có thêm nhiều ơn gọi hơn nữa để loan báo Tin Mừng và mở mang Nước Chúa.

Biến cố thánh Phaolô đến Malta đã không được thấy trước. Tầu chở thánh Phaolô trên đường vè Roma đã bị bão đánh giạt vào đảo này. Và Thiên Chúa đã bẻ lái lộ trình ấy. Cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô Phục Sinh trên đường đến thành Damaco đã khiến cho thánh nhân chỉ còn sống cho Chúa Kitô thôi và mỗi hành động và tư tưởng của người đếu hướng tới chỗ loan báo mầu nhiệm thập giá và sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: cả ngày nay nữa Tin Mừng mà thánh Phaolô đã rao giang tiếp tục mời gọi dân chúng của đảo này hoán cải và sống một cuộc sống mới. Như Người Kế Vị Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha mời gọi tín hữu Malta lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn mới mẻ như cha ông họ xưa kia và để cho Lời Chúa biến đổi cuộc sống và cung cách suy tư hành xử của họ. Ngài nói: Anh chị em hãy sống đức tin tràn đầy hơn cùng với các thành phần khác trong gia đình, cùng với bạn bè, trong khu xóm, tại nơi làm việc và trong cuộc sống xã hội. Một cách đặc biệt tôi khích lệ các bậc cha mẹ, các thầy cô và các giáo lý viên nói về cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu phục sinh để dẫn đưa giới trẻ bước vào trong vẻ đẹp và sự phong phú của đức tin công giáo. Trước biết bao nhiêu đe dọa chống lại sự thánh thiêng của sự sống con người, phẩm giá của hôn nhân và gia đình, con người thời nay lại không cần được thường xuyên nhắc nhở về sự phẩm giá cao cả của chúng ta là con cái Thiên Chúa và ơn gọi tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được trong Chúa Kitô hay sao? Xã hội lại không cần tái chiếm lại và bênh vực các sự thật luân lý nền tảng đích thật của sự tự do và tiến bộ tinh tuyền hay sao?

Ðức Thánh Cha đã kết thúc bài huấn dụ với lời cầu xin cho tín hữu Malta duy trì tinh tuyền gia tài mà thánh Phaolô đã để lại cho họ và xin Chúa che chở họ và gia đình trong đức tin hoạt động qua đức ái.

Kết thúc lễ nghi viếng thăm nhà thờ và hang thánh Phaolô Ðức Thánh Cha lên xe về Tòa Sứ Thần cách đó một cây số rưỡi để dùng bữa tối và nghỉ đêm, kết thúc nửa ngày thứ nhất viếng thăm Malta.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page