Vấn đề đón tiếp người di dân

trong chuyến viếng thăm Malta

của Ðức Thánh Cha

 

Vấn đề đón tiếp người di dân trong chuyến viếng thăm Malta của Ðức Thánh Cha.

Malta [La Croix 15/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thứ Bảy 17 tháng 4 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI lên đường viếng thăm đảo quốc Malta, quốc gia nhỏ bé nhứt trong Liên Hiệp Âu Châu, nhưng có tỷ lệ Công giáo cao nhứt tại lục địa này: 95 phần trăm dân số. Cộng Hòa Malta có 443,000 dân cư trong đó có 418,000 là tín hữu Công giáo.

Theo chương trình, chiều thứ Bảy 17 tháng 4 năm 2010, sau khi đặt chân đến phi trường, Ðức thánh cha sẽ đến thủ đô La Valletta để viếng thăm xã giao tổng thống nước này, ông George Abela. Sau đó ngài đến Hang động của thánh Phaolô tại Rabat. Ðây là nơi mà truyền thuyết cho rằng cách đây 1,950 năm, sau khi bị đắm tàu, vị tông đồ dân ngoại đã xử dụng nơi đây để rao giảng Tin Mừng cho dân chúng Malta.

Sáng Chúa Nhựt 18 tháng 4 năm 2010, Ðức thánh cha sẽ chủ sự thánh lễ tại quảng trường "các vựa lúa" tại La Valletta và buổi chiều cùng ngày ngài kết thúc chuyến viếng thăm bằng cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại hải cảng lớn của Ðảo này.

Ðược thực hiện để kỷ niệm 1950 năm thánh Phaolô đặt chân đến Malta, chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha có một ý nghĩa đặc biệt về việc đón tiếp người di dân. Ðây là chủ đề mà cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh, đã muốn nhấn mạnh đến trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 13 tháng 4 năm 2010. Trích dẫn hai chương 27 và 28 trong sách công vụ tông đồ, cha Lombardi đề cao lòng hiếu khách của người dân đảo Malta. Ngài nhấn mạnh rằng thánh Phaolô và tất cả 276 hành khách trên chiếc thuyền đều được đón rước lên đảo.

Ngày nay, đảo quốc Malta cũng tiếp tục là một cửa ngỏ để từ đó các di dân từ Phi Châu và nhiều nước khác tìm đến Âu Châu. Chỉ riêng tại Malta hiện có 13 ngàn người di dân. Do đó, di dân sẽ là một chủ đề quan trọng trong chuyến viếng thăm Malta của Ðức thánh cha.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, Ðức cha Agostino Marchetto, thư ký của Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn cũng nói đến ý nghĩa của lòng hiếu khách. Ngài khẳng định rằng hiếu khách là một phần của thái độ Kitô.

Giải thích tại sao di dân là một trong những chủ đề chính của chuyến viếng thăm Malta của Ðức thánh cha, Ðức cha Marchetto nói: "Malta, một xứ sở luôn phải đương đầu với làn sóng di dân, hiện đang ở tuyến đầu. Tình liên đới Âu châu cần phải được thể hiện để giúp đỡ nước này xử lý với các làn sóng di dân, bởi vì chúng ta đang là những người đồng thuyền và điều này lại khẩn thiết hơn đối với những người tỵ nạn hay những người đang tầm trú".

Về giáo huấn của Giáo hội đối với vấn đề di dân, Ðức cha thư ký Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn nói rằng Giáo hội quan tâm đến mọi người, bất luận là di dân kinh tế, tỵ nạn hay những người tầm trú [như trường hợp những bị cưỡng bách di dân, những người vô tổ quốc, các trẻ em bị bắt cầm súng. v.v]. Trong mọi trường hợp, Giáo hội luôn khẳng định rằng hiếu khách là một phần của thái độ Kitô. Ðiều này lại còn ý nghĩa hơn nếu những người cần được đón tiếp là những người bị bách hại, bị hoàn cảnh đẩy đưa phải ra đi.

Ðức cha Marchetto nói: "chúng tôi xem quyền di dân là một phần trong các quyền cơ bản của con người. Nhưng dĩ nhiên, chúng tôi mong rằng không nên đẩy dân chúng vào tình trạng buộc phải di dân để có thể sống xứng đáng hơn".

Ðề cập đến những phương tiện hành động của Giáo hội, Ðức cha thư ký của Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn cho biết: Giáo hội hoạt động xuyên qua các Ủy ban Giám mục đặc trách về di dân, các tổ chức Caritas và nhiều hiệp hội tích cực trong việc đón tiếp người di dân. Trên qui mô quốc tế, giáo hội điều hợp sự hợp tác giữa các Giáo hội xuất xứ của người di dân và các Giáo hội đón tiếp, để giúp cho người di dân hội nhập vào xã hội và Giáo hội địa phương.

Ðức cha Marchetto nói rằng đôi khi các chính phủ cực lực phản đối các lập trường của Giáo hội. Tôn trọng các chính sách của các chính phủ, nhưng Giáo hội vẫn tiếp tục lên tiếng kêu gọi để cải thiện tình trạng của người di dân.

Lập trường của Giáo hội tạo ra nhiều căng thẳng ngay bên trong các cộng đồng Công giáo. Ðức cha thư ký của Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn nói rằng Giáo hội biết rõ điều đó. Có lẽ giáo thuyết xã hội của Giáo hội chưa được giới thiệu đủ như một chiều kích thiết yếu của đạo đức Kitô giáo chăng? Nhiều người xem việc đón tiếp người di dân và tỵ nạn như một sự chọn lựa tự do. Tuy nhiên, Ðức thánh cha Gioan Phaolô II đã không ngừng chứng minh rằng đón tiếp người di dân là một nghĩa vụ của người tín hữu Kitô. Theo ngài, việc tôn trọng sự sống mà Giáo hội tuyên xưng phải trải dài đến mọi cuộc sống, nghĩa là bao hàm cả những người di dân và tỵ nạn.

Ðức cha Marchetto nói rằng đạo Công giáo đề nghị một sự "nhứt quán" toàn diện. Nỗ lực "sư phạm" của Giáo hội là thăng tiến một đức tin bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống và tình yêu xuất phát từ Chúa Kitô.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page