Quan hệ giữa Công giáo

và Hồi giáo tại Nigeria

 

Quan hệ giữa Công giáo và Hồi giáo tại Nigeria.

Nigeria [Zenit 11/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuộc sống chung giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo tại Nigeria gặp nhiều khó khăn, nhưng Ðức cha Ignatius Kaigama, Tổng giám mục Jos, miền Trung Nigeria, là nơi xảy ra nhiều xung đột mới đây, vẫn tin ở điều mà ngài gọi là "đối thoại bằng cuộc sống".

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho hãng tin Công giáo Zenit, Ðức cha Kaigama giải thích về những lý do tại sao có căng thẳng giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo. Theo ngài, nguyên nhân chính của những căng thẳng và xung đột giữa hai bên chính là việc áp đặt luật Hồi giáo Sharia tại miền trung Nigeria.

Ðức tổng giám mục Jos cho biết: luật Sharia đã từng có tại Nigeria, nhưng các tín hữu Kitô và người Hồi giáo vẫn sống chung hòa bình với nhau. Nhưng kể từ khi luật này được chính thức áp đặt lên mọi người dân, các tín hữu Kitô cảm thấy bị đe dọa. Chẳng hạn, nếu một tín hữu Kitô làm chủ một hiệu buôn có bán bia rượu, người đó bị buộc phải đóng cửa. Ngay cả các tiệm buôn bán quần áo cũng như tự do thờ phượng và tự do tôn giáo cũng bị đe dọa. Do đó, các tín hữu Kitô rất hoang mang. Một số tín hữu Kitô đã rời bỏ miền trung Nigeria, một số khác ở lại nhưng đành phải đóng cửa tiệm, vì họ đang đứng trước một tương lai hoàn toàn vô định. Bạo động có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Các tín hữu Kitô nghĩ rằng tốt nhứt là đề phòng và họ đề phòng bằng cách hoặc là đóng cửa tiệm hoặc là đi nơi khác.

Tại bang Zamfara, đàn ông và đàn bà không được phép di chuyển trên cùng những phương tiện công cộng và phải ăn mặc theo phong tục Hồi giáo. Ðức cha Kaigama nói rằng các tín hữu Kitô đang phải chịu áp lực nặng nề của luật Hồi giáo. Vấn đề di chuyển công cộng trở nên khó khăn hơn khi đàn ông và đàn bà bị tách biệt như thế. Với các dịch vụ xã hội thì vấn đề lại càng phức tạp hơn. Ðây là lý do tạo ra căng thẳng bởi vì một khi rời khỏi sở làm, dân chúng thích được thư giản: họ muốn được đi xem chiếu bóng, được uống một ly rượu. Trong tình thế hiện nay, họ không còn được tự do nữa và đây chính là nguyên nhân tạo ra căng thẳng trong cuộc sống.

Tại miền Nam Nigeria, đa số dân chúng theo Kitô giáo; người Hồi giáo vẫn còn được tự do để xin gia nhập Kitô giáo. Nhưng tại miền Bắc thì trái lại, người Hồi giáo không thể cải đạo. Ðức tổng giám mục Jos giải thích về trường hợp giới trẻ. Ngài nói rằng có nhiều bạn trẻ Hồi giáo thuộc hai sắc tộc Hausa và Fulani đến bày tỏ ước muốn được gia nhập Kitô giáo. Họ cho biết họ bị đe dọa giết chết. Họ bị đuổi ra khỏi nhà và nếu biết họ đến xin Giáo hội giúp đỡ, người ta sẽ giết họ.

Ðức cha Kaigama nói rằng ngài lâm vào một tình thế nan giải: nếu ngài đón tiếp các bạn trẻ Hồi giáo, chính ngài cũng sẽ có nguy cơ bị tấn công. Chính vì thế mà Giáo hội tuyển lựa rất kỷ những người muốn xin trở lại Công giáo: một số xin trở lại chỉ để "thâm nhập" vào Giáo hội. Gặp trường hợp không rõ ràng, ngài khuyên các bạn trẻ nên trở về với tôn giáo của mình và cố gắng sống cho ra một người Hồi giáo tốt.

Ðức cha Kaigama cũng cho biết: một số chiến dịch chống Hồi giáo trên thế giới cũng tạo ra nhiều cuộc bạo động tại Nigeria. Theo Ðức tổng giám mục Jos, sở dĩ có những phản ứng bạo động tại Nigeria là vì sự ngu dốt. Ngài khẳng định rằng trước kia, người Hồi giáo và các tín hữu Kitô vẫn luôn sống chung hòa bình với nhau. Nhưng theo ngài, tôn giáo không hẳn là nguyên nhân chính tạo ra căng thẳng và bạo động. Rất có thể, một số chính trị gia muốn lợi dụng tôn giáo để đạt đến ý đồ của mình.

Ngoài ra, kinh tế cũng có thể là một yếu tố tạo ra căng thẳng: một số người trẻ đang thất nghiệp có những phản ứng bạo động trước những vấn đề hoàn toàn không liên can đến họ. Sự ngu dốt cũng như tôn giáo đều có thể bị lợi dụng như một khí giới để tạo ra bạo động.

Trong bốn năm vừa qua, đã có trên 300 nhà thờ bị phá hủy. Ðức cha Jos nói rằng tình trạng này khiến cho các tín hữu Kitô đành phải sống qua ngày và học cách sống còn. Ðức cha nói: "Tôi không nghĩ rằng tất cả mọi cuộc tấn công và bách hại sẽ khiến chúng tôi chối bỏ Chúa Giêsu Kitô hay chối bỏ đức tin của chúng tôi. Cuộc sống cần phải tiếp tục. Khi một nhà thờ bị phá hủy, bạn sẽ thu nhặt lại các mãnh vụn và tiếp tục xây dựng lại".

Ðức tổng giám mục Jos cho biết: trong 5, 6 năm vừa qua, tổng giáo phận không ngừng tái thiết các nhà thờ bị phá hủy. Ngài nói: "Bạn có thể phá hủy các nhà thờ, chứ không thể phá hủy tinh thần Kitô trong chúng tôi". Ngài nói rằng ngài luôn khuyên các tín hữu không nên báo thù và phải tránh bạo động.

Ðức cha Kaigama cũng cho biết: trong vùng của ngài, ngài không gặp khó khăn nào trong việc xây cất hay tái thiết nhà thờ. Nhưng tại một số vùng khác như Kano hay Sokoto, xin phép xây một nhà thờ mới không phải là chuyện dễ dàng. Chính quyền cho phép xây bệnh viện hay trường học vì đó là những dịch vụ xã hội mà dân chúng đang cần. Nhưng khi xin phép xây nhà thờ, họ nghĩ rằng mình tìm cách quảng bá tôn giáo, do đó chống lại. Chính vì thế mà, trực tiếp hay gián tiếp, chính quyền địa phương không cho Giáo hội mua đất hay được phép xây cất nhà thờ. Một thực tế đau lòng đã từng xảy ra tại Kano: ban đêm dân chúng lén lút dựng nhà thờ, ngày hôm sau dân làng đến phá hủy.

Ðức cha Kaigama đã viết một cuốn sách với nhan đề "Ðối thoại bằng cuộc sống". Trong cuốn sách, vị Giám mục này bày tỏ hy vọng rằng đối thoại bằng cuộc sống là một khí cụ hiệp nhứt giữa các tín hữu kito và người Hồi giáo. Theo Ðức cha, đây là cách thế tốt nhứt để tạo sự cảm thông và bầu khí chung sống hòa bình.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page