Cuộc thương khó
của Ðức Benedicto XVI
Cuộc "thương khó" của Ðức Benedicto XVI.
Roma [Chiesa on line 7/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Các lạm dụng tình dục trẻ em của một số linh mục chỉ là vũ khí cuối cùng nhắm vào Ðức Thánh Cha Benedicto XVI.
Trên trang mạng "Chiesa", tác giả Sandro Magister phân tách sáu cuộc tấn công nhắm vào Ðức thánh cha: tất cả đều xoay quanh vai trò lãnh đạo của ngài.
Cuộc tấn công thứ nhứt xảy ra sau bài diễn văn ngài đọc tại đại học Regensburg, Ðức, ngày 12 tháng 9 năm 2006. Ðức thánh cha bị tố cáo như một kẻ thù của Hồi giáo và là người chủ mưu tạo ra cuộc xung đột giữa các nền văn minh.
Hơn ai hết, đức Benedicto XVI là người muốn chứng minh rằng chính vì loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lý trí mà con người rơi vào bạo động. Những cuộc bạo động và chém giết diễn ra sau bài diễn văn của Ðức thánh cha là một bằng chứng đáng buồn rằng ngài đã có lý. Và cũng không ai chối cãi được rằng sau bài diễn văn của Ðức thánh cha, cuộc đối thoại giữa Hồi giáo và Công giáo lại diễn ra tốt đẹp hơn. Bằng chứng là 138 học giả Hồi giáo trên khắp thế giới đã ký tên vào một lá thư gởi cho Ðức thánh cha để yêu cầu đẩy mạnh cuộc đối thoại.
Trong đợt sóng tấn công thứ hai, Ðức thánh cha bị mô tả như một kẻ thù của lý trí hiện đại và nhứt là của biểu hiện của lý trí là khoa học. Cao điểm của chiến dịch chống đức Benedicto XVI là sự kiện: tháng Giêng năm 2008, nhiều giáo sư tại Ý buộc ngài phải đình hoãn chuyến viếng thăm tại Ðại Học "La Sapienza" ở Roma.
Thật ra, cũng như bài diễn văn tại Regensburg và sau đó tại Học viện Bernadins ở Paris ngày 12 tháng 9 năm 2008, bài diễn văn mà Ðức thánh cha có ý đọc tại Ðại Học La Sapienza chỉ muốn làm nổi bật mối giây bất khả phân ly giữa đức tin và lý trí, giữa chân lý và tự do. Như ngài đã khẳng định: "tôi không đến để áp đặt đức tin, mà chỉ để kêu gọi can đảm vì sự thật".
Ðiều xem ra mỉa mai nhứt là vị giáo hoàng luôn đề cao lý trí lại bị mô tả như một kẻ thù của lý trí và khoa học.
Trong làn sóng tấn công thứ ba nhắm vào Ðức Thánh Cha, ngài bị xem như một người "bảo thủ" bám víu vào quá khứ, một kẻ thù chống lại những canh tân của Công Ðồng Vatican II.
Bài diễn văn ngài đọc trước giáo triều ngày 22 tháng 12 năm 2005, qua đó ngài giải thích về Công Ðồng Vatican II và tự sắc "Summorum Pontificum" qua đó ngài cho phép cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức có trước thời công đồng Vatican II, đã bị xử dụng như một vũ khí để tấn công ngài.
Trong thực tế, Truyền Thống mà Ðức Benedicto XVI luôn trung thành bảo vệ là Truyền thống của chính mầu nhiệm cao cả của Giáo hội, từ khởi đầu cho đến ngày nay: lịch sử này không hề là một bám víu hình thức vào quá khứ. Trong bài diễn văn đọc trước giáo triều, ngài gọi công cuộc canh tân của Công đồng Vatican II là "một sự cải tổ trong liên tục". Ngài nói rằng để canh tân, Công Ðồng Vatican II đã phải trở về nguồn của Giáo hội, tức các vị tử đạo tiên khởi.
Riêng về phụng vụ, nếu có một nhà cải cách đích thực trong phong trào phụng vụ giữa hai thế kỷ 19 và 20, thì con người đó phải là Ðức Benedicto XVI.
Ðợt tấn công thứ tư nhắm vào Ðức thánh cha xoay quanh vấn đề đại kết. Những người tấn công Ðức thánh cha cho rằng ngài là người làm cho phong trào đại kết bị trệt hướng, khi tìm cách hòa giải với nhóm công giáo thủ cựu của đức cố tổng giám mục Marcel Lefebvre.
Thật ra, các sự kiện diễn ra chứng minh điều ngược lại. Kể từ khi đức Benedicto XVI được bầu làm giáo hoàng, cuộc hành trình hòa giải với các Giáo hội Ðông phương đã đạt được những bước phi thường: vừa với các Giáo hội Byzantine vừa với Tòa thượng phụ Chính thống Mascova.
Nếu cuộc hòa giải với các Giáo hội đông phương có đạt được tiến bộ như thế là nhờ Ðức Benedicto XVI, người luôn trung thành với Truyền Thống Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ nhứt, vốn là linh hồn của các Giáo hội đông phương.
Về phía các Giáo hội Tây Phương, một lần nữa chính vì sự gắn bó của Ðức Benedicto XVI với Truyền Thống mà nhiều nhóm trong Liên Hiệp Anh Giáo đã xin trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội.
Ðợt tấn công thứ năm nhắm vào Ðức Thánh Cha diễn ra khi ngài quyết định rút vạ tuyệt thông cho 4 vị Giám mục Công giáo thủ cựu, trong đó một vị là Ðức cha Richard Williamson, đã có lập trường chống Do thái khi tuyên bố rằng Ðức quốc xã không có trách nhiệm trong việc sát tế người Do thái. Ngoài ra, cũng vào thời kỳ này, trong phụng vụ thứ Sáu tuần thánh theo nghi thức cũ, Ðức thánh cha đề nghị cầu nguyện "cho người Do thái nhận biết Chúa Giêsu là đấng Cứu Ðộ mọi người".
Hai sự kiện trên đây đã tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội của người Do thái trên khắp thế giới. Rồi mới đây, những người Do thái lại phẩn nộ không ít khi cha Cantalamessa, nhà thuyết giảng của phủ giáo hoàng, đã so sánh việc lợi dụng vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em để tấn công Giáo hội với chủ nghĩa bài Do thái.
Thật ra, không gì bất công bằng khi mô tả đức Benedicto XVI như một kẻ thù của người Do thái. Trước ngài, chưa từng có vị giáo hoàng nào đã có một cái nhìn tích cực về mối giây liên kết giữa Kitô giáo và Do thái giáo. Người ta có thể đọc được điều đó trong tác phẩm "Ðức Giêsu Nazareth" của ngài.
Thật ra, không phải tất cả mọi người Do thái đều chống lại đức Benedicto XVI. Rất nhiều người Do thái xem ngài như một người bạn.
Cuối cùng, vũ khí mà những kẻ muốn tấn công Ðức thánh cha đang khai thác tối đa là tai tiếng về những vụ lạm dụng tình dục trẻ em của một số giáo sĩ. Ở đây cũng thế, cuộc tấn công lại nhắm vào một con người đã làm nhiều hơn ai hết để đối phó với vấn đề này.
Cứ nhìn vào những hậu quả tích cực tại Hoa kỳ trong những năm vừa qua, để thấy rằng Ðức thánh cha Benedicto XVI là người rất tích cực trong việc đương đầu với những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục.
CV.