Thánh lễ và sứ điệp Phục sinh
của Ðức Thánh Cha
Thánh lễ và sứ điệp Phục sinh của Ðức Thánh Cha.
Vatican (Vat. 4/03/2010) - Thánh lễ Phục sinh tại đền thánh Phêrô có gì khác với các nơi khác trên thế giới không? Dưới một khía cạnh nào đó, thì phải thưa rằng không, bởi vì nội dung của đức tin và buổi cử hành thì đâu đâu cững như nhau, đó là tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu đặc biệt qua bí tích Thánh Thể. Nhưng xét về vài chi tiết bên ngoài, thì thánh lễ tại quảng trường thánh Phêrô mang nhiều nét độc đáo. Thứ nhất, bởi vì người ta có thể nhận thấy tính cách hoàn vũ của Giáo hội, gồm bởi nhiều sắc dân chủng tộc, được tượng trưng qua 65 lời chúc mừng của Ðức thánh cha Benedicto XVI vào cuối sứ điệp Phục sinh. Kế đến, ngươi ta cũng nhận thấy sự hiện diện của nhiều thành phần cộng đoàn Dân Chúa, các hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ thuộc nhiều hội dòng, các phong trào giáo dân, vv. Những đặc trưng này bắt nguồn từ vị trí của vị giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô được đặt làm thủ lãnh Giáo hội. Từ năm 2000, thánh lễ Phục sinh bắt đầu với nghi thức hai phó tế mở hai cánh cửa của bức icôn tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, và hướng về Ðức thánh cha để công bố: "Chúa Kitô đã sống lại và đã hiện ra với ông Simon Phêrô". Dựa theo sách Tông đồ công vụ, ông Phêrô là người đầu tiên thay mặt Hội thánh để rao giảng cuộc Phục sinh của Chúa Kitô. Năm nay còn một thêm chi tiết khác nữa, liền tiếp theo đó, Ðức hồng y Angelo Sodano niên trưởng Hồng y đoàn đã lên tiếng cám ơn đức Bênêđictô XVI vì lòng can đảm làm chứng cho Tin mừng, bất chấp những sự chống đối, và cam đoan với ngài tình liên đới của toàn thể Hội thánh trong lời cầu xin dâng lên Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành để nâng đỡ sứ vụ của ngài.
Bất chấp trời mưa, các tín hữu đã đứng chật quảng trưòng thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ. Các bài đọc Sách thánh đươc xướng bằng tiếng Tây ban nha, Anh, Ý, và các ý chỉ lời nguyện giáo dân bằng tiếng Pháp, Ðức, Nga, Malayalam, Bồ-đào-nha. Ba ca đoàn tổng cộng 230 ca viên đã cùng với cộng đoàn dâng lời ca tụng Thiên Chúa. 140 linh mục đã giúp trao Mình Thánh.
Sau Thánh lễ, Ðức thánh cha lên bao lơn chính để đọc sứ điệp Phục sinh. Tư tưởng chính dựa trên bài ca chúc tụng của dân Do thái sau khi vượt qua Biển đỏ. Phụng vụ Kitô giáo trích lại bài ca đó, áp dụng cho cuộc Vượt qua mà Chúa Kitô đã thực hiện khi dẫn đưa nhân loại từ cái chết đến sự sống mà chúng ta được tham dự nhờ bí tích Rửa tội. Linh đạo của lễ Vượt qua có thể tóm lại trong tiếng "xuất hành", vượt qua cái chết của tội lỗi bước sang cuộc sống mới. Sau đây là bản dịch tiếng Việt từ nguyên văn sứ điệp.
Cantemus Domino: gloriose enim magnificatus est: "Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: bởi vì Ngài thật cao cả uy hùng"
Anh chị em thân mến
Tôi xin mang đến cho anh chị em lời loan báo Phục sinh bằng những lời của phụng vụ, vọng lại bài thánh thi chúc tụng cổ xưa của dân Do thái sau khi vượt qua Biển Ðỏ. Sách Xuất hành (ch 15,19-21) thuật lại rằng sau khi dân Do thái đã băng qua giữa lòng biển khô cạn thì bà Myriam, em gái của hai ông Mosê và Aarron cùng với các phụ nữ đã đánh trống nhảy múa xướng lên bài ca hoan hỉ: "Hãy hát mừng Chúa, Ðấng cao cả uy hùng: kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương". Người Kitô-hữu lặp lại bài ca này vào đêm Vọng Phục sinh, và một lời nguyện riêng đã giải thích ý nghĩa của nó dưới ánh sáng của lễ Phục sinh, lời nguyện mà chúng ta hân hoan coi như là của mình: "Lạy Chúa, kể cả vào thời nay, chúng con được chứng kiến những kỳ công của Chúa. Ðiều mà xưa kia bàn tay dũng lực Chúa đã thực hiện khi giải thoát một dân tộc khỏi cảnh áp bức của vua Pha-ra-on, thì ngày nay Chúa thực hiện qua nước của bí tích Rửa tội để cho muôn dân được ơn cứu độ; xin ban cho toàn thể nhân loại được đón nhận vào những con cái của ông Abraham và được thông dự vào phẩm giá của dân tộc được tuyển chọn".
Tin mừng mặc khải cho chúng ta biết những hình bóng cổ xưa thì nay đã hoàn tất: Ðức Giêsu Kitô, nhờ cái chết và sống lại của mình, đã giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ tận căn, ách nô lệ của tội lỗi, và đã mở ra cho chúng ta con đường vào Ðất hứa thực nghĩa, vào Vương quốc của Thiên Chúa, Vưong quốc của công lý, tình yêu và hoà bình. Trước tiên cuộc "xuất hành" này diễn ra ở ngay trong bản thân chúng ta, hệ tại một cuộc tái sinh trong Thánh Linh, công hiệu của bí tích Thanh Tẩy mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua. Con người cũ nhường chỗ cho con người mới; chúng ta bỏ lại đàng sau nếp sống trước kia, và có thể tiến bước theo cuộc sống mới (xc. Rm 6,4). Nhưng cuộc "xuất hành" tinh thần là nguyên uỷ của một cuộc giải phóng toàn diện, có khả năng thay đổi hết mọi chiều kích của con người, cá nhân và xã hội.
Quả vậy, anh chị em thân mến, lễ Phục sinh là cuộc cứu độ đích thực của toàn nhân loại! Nếu Ðức Kitô - Chiên Thiên Chúa - đã không đổ máu mình vì chúng ta, thì chúng ta sẽ chẳng có niềm hy vọng nào, định mệnh của toàn thể thế giới sẽ đương nhiên là cái chết. Nhưng sự Phục sinh đã lật ngược lại tình thế: sự Phục sinh của Chúa Kitô là một cuộc sự tạo dựng mới, như một cành chiết mang lại khả năng làm cho toàn thể thân cây được hồi sinh. Cuộc Phục sinh của Chúa Kitô là một biến cố đã làm thay đổi hướng đi của lịch sử, làm nghiêng cán cân về phía điều thiện, sự sống, sự tha thứ. Chúng ta đã được tự do, chúng ta đã được cứu thoát! Ðó là lý do vì sao chúng ta hoan hỉ thốt lên tự đáy lòng: "Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: bởi vì Ngài thật cao cả uy hùng".
Ðoàn dân Kitô hữu, ra khỏi nước Rửa tội, được phái đi khắp hoàn cầu để làm chứng cho ơn cứu độ, để mang đến cho mọi người hoa trái của cuộc Phục sinh, cốt ở một cuộc sống mới, được giải thoát khỏi tội lỗi và được hoàn phục vẻ đẹp nguyên thuỷ, điều thiện và sự thật Trải qua hai ngàn năm, các Kitô hữu - cách riêng là các thánh - đã liên tục làm cho lịch sử được phong phú nhờ kinh nghiệm sống động của cuộc Phục sinh. Hội thánh là đoàn dân xuất hành, bởi vì luôn luôn sống mầu nhiệm vượt qua và quảng bá ở mọi thời và mọi nơi niềm tin mang sức đổi mới. Kể cả vào thời nay, nhân loại cần một cuộc "xuất hành", không phải là những sự thích ứng hời hợt, nhưng là một sự hoán cải tinh thần và luân lý. Nhân loại cần được ơn cứu độ của Tin mừng, để có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu đậm, và vì thế đòi hỏi những thay đổi sâu xa, bắt đầu từ việc thay đổi lương tâm.
Tôi cầu xin Chúa Giêsu để cho tại miền Trung đông, cách riêng, miền đất đã được thánh hoá nhờ cái chết và sự sống lại của Người, các dân tộc thực hiện một cuộc "xuất hành" thực sự và dứt khoát ra khỏi chiến tranh và bạo lực, và đi đến hoà bình và hoà giải. Với các cộng đoàn Kitô hữ đang nếm nhiều thử thách và đau khổ, đặc biêt là tại Irak, xin Ðấng Phục sinh lặp lại lời nói đầy niềm an ủi và phấn khích với các tông đồ tại nhà Tiệc ly: "Bình an cho các con!" (Ga 20,21).
Với các quốc gia ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi đang chứng kiến cảnh gia tăng tội phạm liên quan đến việc buôn bán ma tuý, ước mong cho cuộc Phục sinh đánh dấu cuộc sống chung hòa bình và tôn trọng ích chung. Mong cho dân tộc Haiti thân yêu, bi tàn phá bởi thảm cảnh động đất, thực hiện được một cuộc xuất hành ra khỏi tang tóc và cảnh tuyệt vọng bước sang niềm hy vọng mới, nhờ tình liên đới quốc tế nâng đỡ. Mong sao cho các công dân Chile, đã bị ngã quỵ vì một cuộc thiên tai nặng nề khác, biết bắt tay vào công cuộc tái thiết nhờ sự nâng đỡ của đức tin.
Trong quyền lực của Chúa Giêsu phục sinh, mong sao bên Phi châu được chấm dứt những cuộc xung đột tiếp tục gây ra cảnh tàn phá và đau khổ, và mong sao cho họ đạt được nền hoà bình và hoà giải, là những bảo đảm cho sự phát triển. Tôi xin ký thác cho Chúa tương lai của Cộng hoà dân chủ Congo, Guinea và Nigeria.
Nguyện xin Chúa Phục sinh nâng đỡ các Kitô hữu vì đức tin mà phải chịu bắt bớ và thậm chí bị sát hại như là tại Pakistan. Nguyện xin Chúa ban cho các nước đang bị nạn khủng bố và kỳ thị hoành hành được sức mạnh dấn thân vào con đường đối thoại và chung sống an hoà. Nguyện xin cuộc Phục sinh của Chúa Kitô đem lại ánh sáng và sức mạnh cho các nhà hữu trách của mọi quốc gia, ngõ hầu hoạt động kinh tế và tài chánh được định hướng theo những tiêu chuẩn của công bằng và tương trợ. Nguyện xin quyền năng cứu độ của cuộc Phục sinh của Chúa Kitô thấm nhập toàn thể nhân loại, ngõ hầu họ vượt bỏ những đường lối biểu lộ "văn minh từ thần" đang lan rộng, để xây dựng một tương lai đầy tình yêu và chân lý, trong đó mạng sống con người được kính trọng và tiếp nhận.
Anh chị em thân mến. Lễ Phục sinh không phát sinh bùa phép nào hết. Cũng như sau khi băng qua Biển đỏ, người Do thái gặp thấy sa mạc, thì Hội thánh, sau cuộc Phục sinh của Chúa, luôn gặp thấy lịch sử cùng với những nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những đau khổ và lo âu của nó. Tuy vậy lịch sử này đã biến đổi, đã được đánh dấu bởi giao ước mới và vĩnh viễn, đã thực sự mở rộng đến tương lai. Vì thế, nhờ được cứu rỗi trong hy vọng, chúng ta tiếp tục cuộc lữ hành, mang trong tâm hồn bài ca cổ xưa nhưng vẫn luôn mới mẻ: "Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: Ðấng cao cả uy hùng".
Sau bài sứ điệp là các lời chúc mừng bằng 65 ngôn ngữ khác nhau (mở đầu là tiếng Ý, rồi các ngôn ngữ châu Âu, châu Á, và kết thúc với tiếng esperanto và latinh).
Phụng vụ mừng lễ Chúa Phục sinh kết thúc với phép lành ban ơn Tòan xá Urbi et Orbi , cho thành phố Rôma và cho tòan thế giới.
Bình Hòa
(Radio Vatican)