Suy niệm của Ðức Hồng Y Ruini
trong buổi đi đàng Thánh Giá
của Ðức Thánh Cha
Suy niệm của Ðức Hồng Y Ruini trong buổi đi đàng Thánh Giá của Ðức Thánh Cha.
Roma (Vat. 02/04/2010) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã mời Ðức Hồng Y Camillo Ruini soạn các bài suy niệm cho 14 chặng Ðàng Thánh Giá trọng thể tối Thứ Sáu Tuần Thánh 2-4-2010 tại hý trường Colosseo ở Roma.
Nghi thức này được hơn 60 đài truyền hình năm châu truyền đi trên hệ thống Mondovisione.
Văn bản các bài suy niệm này đã được phổ biến trước trên Web của Tòa Thánh (www.vatican.va) để các tín hữu có thể tải xuống, đọc trước, suy niệm hoặc tham gia qua các phương tiện truyền thông. Ðức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Ðàng Thánh Giá. Và trong số những người vác Thánh Giá tại các chặng còn lại có 2 tín hữu Irak, 2 tín hữu từ Haiti, một người Việt Nam là chị Thérèsa Nguyễn Thị Linh Khương (Gia đình Hồng Ân Thiên Chúa, Eau Vive), một phụ nữ Congo và hai tu sĩ Phanxicô từ Thánh Ðịa.
Ðức Hồng Y Camillo Ruini năm nay 79 tuổi, nguyên là Giám quản Roma trong 17 năm trời (1991-2008), cho đến khi về hưu cách đây 2 năm và từng làm chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia trong 15 năm.
Khác với nhiều bài suy niệm trong các buổi đi đàng Thánh Giá của Ðức Thánh Cha trong những năm trước đây, các bài suy niệm của Ðức Hồng Y Ruini không nhắc đến những tệ đoan xã hội hoặc những tranh luận thời sự, nhưng mang một sắc thái huấn giáo về những điểm thiết yếu trong đức tin Kitô giáo. Ðức Hồng Y giải thích rằng "vì có hằng triệu người trên thế giới tham gia buổi đi Ðàng Thánh Giá này, nên tôi thiết nghĩ đây là cơ hội rất tốt để giúp dân chúng đi sâu vào trọng tâm đức tin của chúng ta hoặc tái khám phá niềm tin ấy, đối với những người đã xa lìa Giáo Hội". Sau đây, một số suy niệm cho 9 chặng (1, 2, 3, 4, 5 và 10, 11, 12 và 13). Mở đầu buổi đi Ðàng Thánh Giá, Ðức Thánh Cha xướng lên lời nguyện:
"Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúa biết mọi sự, Chúa thấy tiềm ẩn trong con tim chúng con điều này là: chúng con rất cần Chúa. Xin ban cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận nhu cầu ấy. Xin giải thoát khỏi trí tuệ chúng con sự tự phụ sai lầm và lố bịch, tưởng rằng có thể thống trị mầu nhiệm bao quanh chúng con ở mọi nơi. Xin giải thoát ý chí chúng con khỏi sự tự mãn thơ ngây và vô lý, tưởng rằng mình có thể tự kiến tạo hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống chúng con. Xin làm cho cái nhìn nội tâm chúng con trở nên chân thành và thấu suốt để chúng con thành thực nhìn nhận rằng sự ác đang ở trong chúng con. Nhưng, trong ánh sáng cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Chúa, xin Chúa cũng ban cho chúng con xác tín mạnh mẽ rằng, khi được kết hiệp với Người và được Người nâng đỡ, chúng con cũng có thể chiến thắng sự ác bằng sự thiện. Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tiến bước theo thánh giá Chúa với tâm tình như vậy.
Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình
Tại sao Chúa Giêsu bị kết án tử hình, trong khi Ngài là "Ðấng luôn làm điều thiện" (Cv 10,38)? Câu hỏi này tháp tùng chúng ta trong Ðàng Thánh Giá này cũng như cả cuộc đời chúng ta.
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta tìm được câu trả lời đích thực: các thủ lãnh người Do thái đã muốn giết Chúa Giêsu vì họ cho rằng Ngài coi mình là Con Thiên Chúa. Và chúng ta cũng tìm được một câu trả lời mà người Do thái đã dùng như một cái cớ để xin Quan Philatô kết án Chúa Giêsu: "Ông này tự nhận mình là vua trần thế này, vua của người Do thái."
Nhưng đàng sau những câu trả lời ấy có mở ra một vực thẳm mà các Sách Tin Mừng và toàn thể Kinh Thánh cho chúng ta nhìn thấy, đó là Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta. Và sâu xa hơn nữa, Ngài đã chết cho chúng ta, đã chết vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và yêu đến độ ban Con duy nhất của Ngài để chúng ta nhờ Ngài mà được sống (Cx Ga 3,16-17).
Vì thế, chúng ta phải nhìn chính mình: nhìn sự ác và tội lỗi đang ở trong chúng ta và quá nhiều khi chúng ta làm bộ không biết. Và hơn nữa chúng ta phải hướng nhìn về Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Ðấng đã gọi chúng ta là bạn hữu (Xc Ga 15,15). Như thế Ðàng Thánh Giá này và toàn thể hành trình cuộc sống chúng ta trở thành hành trình thống hối, đau đớn và hoán cải, nhưng đồng thời cũng là hành trình biết ơn, tin tưởng và vui mừng.
Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thập Giá
Sau khi bị kết án, Chúa Giêsu bị xỉ nhục. Ðiều mà quân lính làm cho Chúa Giêsu thật là vô nhân đạo: họ nhạo cười và kinh rẻ, qua những hành vi đó có biểu lộ một sự tàn ác tăm tối, bất chấp đau khổ, kể cả về mặt thể lý mà họ vô cớ gây ra cho một người đã bị kết án cực hình kinh khủng là Thập Giá. Nhưng thái độ ấy của quân lính cũng là điều quá thường tình. Hàng ngàn trang lịch sử nhân loại và tin tức báo chí hằng ngày xác nhận rằng những hành động như thế không phải là xa lạ với con người. Thánh Phaolô Tông Ðồ đã nêu rõ sự mâu thuẫn này: "Tôi biết rằng trong tôi.. trong thân xác tôi không có điều thiện: thực vậy tôi không làm điều thiện mà tôi muốn, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm" (Rm 7,18-19)
Quả thực là như vậy: trong lương tâm chúng ta có ánh sáng của sự thật được thắp lên, một ánh sáng hiển nhiên trong nhiều trường hợp và hạnh phúc thay chúng ta để cho mình được ánh sáng ấy hướng dẫn. Nhưng nhiều khi xảy ra điều trái ngược: ánh sáng ấy bị che khuất vì sự chua cay, vì những ước muốn không thể xưng thú được, vì sự sa đọa của tâm hồn. Và khi ấy chúng ta trở nên tàn bạo, có khả năng làm những chuyện xấu xa, thậm chí cả những điều không thể tưởng tượng được.
Lạy Chúa Giêsu, cả con cũng thuộc vào số những người đã nhạo cười và đánh đập Chúa. Thực vậy Chúa đã nói: "Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con làm cho Thầy" (Mt 25,40). Lạy Chúa Giêsu xin tha thứ cho con.
Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I
"Các sách Tin Mừng không nói về những lần Chúa Giêsu bị ngã dưới sức nặng của Thập Giá, nhưng truyền thống cổ kính này thực sự là điều rất có thể đã xảy ra. Chúng ta chỉ nhớ rằng, trước khi vác Thập Giá, Chúa Giêsu đã bị quan Philatô ra lệnh đánh đòn. Sau khi phải chịu tất cả những đau khổ từ đêm trong vườn Giệtsimani, sức lực của Ngài hầu như chẳng còn nữa.
Trước khi dừng lại nơi những khía cạnh sâu xa và nội tâm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta hãy ghi nhận sự đau khổ thể lý mà Ngài phải chịu. Một sự đau khổ lớn lao kinh khủng, cho đến hơi thở cuối cùng trên Thập Giá, một sự đau khổ không thể không gây khiếp đảm.
Sự đau khổ thể lý thì dễ khắc phục hay ít là làm dịu bớt, với những kỹ thuật và phương pháp hiện nay của chúng ta, với thuốc mê và những phương pháp trị liệu chống đau. Cho dù vì nhiều lý do, tự nhiên hay là do thái độ của con người, một khối lượng đau khổ thể lý rất lớn vẫn hiện diện trong thế giới.
Dầu sao, Chúa Giêau đã không từ khước đau khổ thể lý và khi làm như thế, Ngài liên đới với toàn thể gia đình nhân loại, nhất là với phần lớn những người đang phải chịu hình thức khổ đau này. Khi thấy Chúa ngã xuống đất dưới sức đè của Thập Giá, chúng ta hãy khiêm tốn xin Ngài ban ơn can đảm nới rộng không gian quá chật hẹp trong con tim của chúng ta, bằng tình liên đới không phải bằng lời nói mà thôi.
Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài
Các sách Tin Mừng không nói trực tiếp về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài trên đường Thập Giá, nhưng có nói về sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá. Tại đây Chúa Giêsu ngỏ lời với Mẹ và với môn đệ yêu quí của Ngài là Gioan Thánh Sử. Những lời có ý nghĩa trực tiếp: Ngài phó thác Mẹ Maria cho thánh Gioan, để chăm sóc Mẹ. Và một cảm thức bao quát và sâu xa hơn, đó là dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria được kêu gọi nói lên một lời "xin vâng" thứ hai, sau lời thưa đầu tiên lúc truyền tin, qua đó Người trở thành Mẹ của Chúa Giêsu, và nhờ đó mở cửa cứu độ cho chúng ta.
Qua lời thưa "xin vâng" thứ hai, Mẹ Maria trở thành Mẹ của tất cả chúng ta, của mỗi người nam nữ mà Chúa Giêsu đã đổ máu ra để cứu chuộc. Ðây là một tình mẫu tử như dấu hiệu sinh động của tình yêu thương và lòng từ bi của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vì vậy có những mối liên hệ kính mến và tín thác rất sâu đậm nối kết dân Kitô với Mẹ Maria: bởi vậy, chúng ta tự nhiên chạy đến cùng Mẹ nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Nhưng Mẹ Maria đã trả giá đắt đỏ cho tình mẫu tử đại đồng này. Như ông Simeon đã tiên báo về Mẹ tại Ðền thờ Jerusalem, "một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà" (Lc 2,35).
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con, xin giúp chúng con cảm nghiệm trong tâm hồn chúng con, tối hôm nay và mãi mãi, sự đau khổ đầy tình yêu thương đã liên kết Mẹ với Chúa Con của Mẹ.
Chặng thứ V: Ông Simon vác đỡ Thập Chúa Giêsu
"Có lẽ Chúa Giêsu đã thực sự kiệt lực nên quân lính bắt người đầu tiên mà họ gặp và buộc ông ta vác đỡ Thập Giá. Trong đời sống hằng ngày, Thập Giá dưới bao nhiêu hình thức khác nhau cũng thường bất ngờ xảy ra cho chúng ta, từ một cơn bệnh cho đến tai nạn nặng nề, hoặc mất một người thân yêu, mất công ăn việc làm. Và chúng ta chỉ coi đó là một điều xui xẻo, hoặc tệ hơn, như một bất hạnh.
Nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy thì hãy bỏ mình đi, vác Thập Giá của mình và theo Thầy" (Mt 16,24). Ðây không phải là điều dễ dàng, trái lại, trong đời sống cụ thể, đây là những lời dạy khó nhất trong Tin Mừng. Toàn thể cuộc sống chúng ta, tất cả những gì ở trong chúng ta đều nổi loạn chống lại những lời như thế.
Nhưng Chúa Giêsu nói tiếp: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó" (Mt 16,25). Chúng ta hãy suy nghĩ về câu này "vì Thầy": ở đây có tất cả đòi hỏi của Chúa Giêsu, ý thức của Ngài về bản thân và lời yêu cầu của Ngài đối với chúng ta. Ngài ở trọng tâm mọi sự, Ngài là Con Thiên Chúa, là một với Thiên Chúa Cha (Xc Ga 10,30), Ngài là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của chúng ta (Xc Cv 4,12).
Thực ra, nhiều khi điều ban đầu có vẻ là chỉ một điều xui xẻo hay bất hạnh sau đó nó lại là một cánh cửa mở ra cho đời sống chúng ta và mang lại cho chúng ta một điều tốt đẹp lớn hơn. Nhưng không phải bao giờ cũng như thế: nơi trần thế này, bao nhiêu lần bất hạnh chỉ là những sự mất mát đau thương. Ở đây Chúa Giêsu cũng có những điều để nói với chúng ta. Hay đúng hơn, có một cái gì đó xảy ra cho Ngài: sau Thập Giá, Ngài đã sống lại từ cõi chết, và đã sống lại như người anh cả của nhiều người em (Xc Rm 8,29; 1 Cr 15,20). Ðúng vậy, Thập Giá của ngài không thể tách rời khỏi sự phục sinh của Ngài. Chỉ khi nào tin nơi sự sống lại, chúng ta mới có thể tiến bước một cách khôn ngoan trên con đường Thập Giá.
. . . . . . . .
Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột quần áo
Chúa Giêsu bị tước bỏ y phục của ngài: chúng ta bước vào hồi chót của bi kịch bắt đầu từ khi Ngài bị bắt nơi Vườn Cây Dầu, nơi Ngài bị tước bỏ nhân phẩm, trước khi bị tước bỏ phẩm giá làm Con Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu đứng trần trụi trước cái nhìn của dân thành Jerusalem và trước cái nhìn của toàn thể nhân loại. Theo một nghĩa sâu xa, điều đó cần xảy ra như vậy: Ngài đã hoàn toàn từ bỏ chính mình, để tự hiến cho chúng ta. Vì vậy, việc lột bỏ áo quần cũng là điều chu toàn một lời trong Kinh Thánh.
Khi nhìn Chúa Giêsu trần trụi trên Thập Giá, chúng ta cảm thấy trong lòng một nhu cầu thúc bách: chúng ta cần trực tiếp nhìn vào bản thân mình; lột bỏ một cách thiêng liêng mọi sự trước mắt chúng ta, và trước mặt Thiên Chúa, cũng như trước anh chị em chúng ta nữa. Chúng ta cần tước bỏ khỏi mình lòng tự phụ coi mình tốt đẹp hơn thực trạng của mình, để cố gắng sống thành thực và minh bạch.
Thái độ có lẽ làm cho Chúa Giêsu phẫn nộ hơn mọi điều khác, chính là sự giả hình. Bao nhiêu lần Ngài đã nói với các môn đệ: các con đừng làm "như những kẻ giả hình" (Mt 6,2.5.16), hoặc Ngài nói với những kẻ phản đối những việc lành của Ngài: "Khốn cho các ngươi là những kẻ giả hỉnh" (Mt 23,13.15.23.25.27.29).
Lạy Chúa Giêsu chịu trần trụi trên Thập Giá, xin giúp con trở thành trơ trụi trước mặt Chúa.
Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thập Giá
Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thập Giá. Một cực hình khủng khiếp. Và trong khi Ngài bị treo trên Thập Giá, có nhiều người chế nhạo và khiêu khích Ngài: "Hắn đã cứu người khác mà lại không thể cứu được chính mình!.. Hắn đã tin tưởng nơi Thiên Chúa: giờ đây, Người hãy cứu hắn đi nếu Người thương hắn. Vì hắn đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa!" (Mt 27,42-43). Và thế là họ cười nhạo không những con người của Ngài nhưng cả sứ mạng cứu độ của Ngài nữa, sứ mạng mà Chúa Giêsu đang chu toàn ngay trên Thập Giá.
Nhưng trong thâm tâm, Chúa Giêsu còn cảm thấy một nỗi đau khổ lớn lao hơn nữa khiến Ngài phải kêu lên: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?" (Mc 15,34). Ðây là những lời khởi đầu một thánh vịnh và thánh vịnh này được kết thúc với sự tái xác quyết lòng tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nhưng dầu sao những lời ấy cũng cần được coi trọng vì diễn tả thử thách lớn nhất mà Chúa Giêsu phải chịu.
Bao nhiêu lần trước một thử thách, chúng ta nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa quên lãng hoặc bỏ rơi. Hoặc thậm chí chúng ta bị cám dỗ cho rằng Thiên Chúa chẳng hiện hữu.
Thế nhưng, Con Thiên Chúa, đã uống trọn chén đắng của Ngài rồi sống lại, Ngà nói với chúng ta, với trọn con người, cuộc sống và cái chết của Ngài rằng chúng ta phải tín thác vào Thiên Chúa. Chúng ta có thể tin tưởng nơi Chúa.
Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên Thập Giá
Khi một người từ trần sau một cơn bệnh đau đớn, người ta thường thở phào nói: "Người này không còn đau đớn nữa". Theo một nghĩa nào đó, những lời này cũng được áp dụng cho Chúa Giêsu. Nhưng những lời này quá hạn hẹp và hời hợt trước cái chết của bất kỳ người nào, và nhất là trước cái chết của vị là Con Thiên Chúa.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu sinh thì, màn trong đền thờ Jerusalem xé ra làm đôi từ trên xuống dưới và xảy ra những dấu lạ khác khiến cho viên quan bách quân La Mã đứng canh Thập Giá phải thốt lên: "Quả thực ông này là Con Thiên Chúa" (Xc Mt 27,51-54).
Trong thực tế, không gì bí ẩn và huyền nhiệm như cái chết của Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Thiên Chúa Cha là nguồn mạch và là sự sống sung mãn. Những cũng không gì rạng ngời cho bằng cái chết của Ngài, vì ở đây vinh quang của Thiên Chúa chiếu sáng, vinh quang của Tình Yêu toàn năng và thương xót.
Ðứng trước cái chết của Chúa Giêsu, lời đáp trả của chúng ta là thinh lặng thờ lạy. Như thế, chúng ta tín thác nơi Ngài, đặt mình trong tay Ngài, cầu xin Ngài để trong cuộc sống và cái chết chúng ta, không điều gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi Ngài (Xc Rm 8,38-39).
Chặng thứ XIII: Tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá và trao cho Mẹ Ngài
Giờ đây giờ của Chúa Giêau đã hoàn tất và Ngài được tháo khỏi Thập Giá. Ðón nhận xác Chúa có vòng tay của Mẹ Ngài. Sau khi đã nếm đến tột cùng nỗi cô đơn của cái chết, Chúa Giêsu, qua thi hài nhợt nhạt của Ngài, đã tìm lại được mối liên hệ mạnh mẽ và dịu dàng nhất, sự nồng ấm nhất của tình thương Mẹ Ngài. Các nghệ sĩ nổi danh nhất, - chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ đến tượng Ðức Mẹ sầu bi của Michelangelo, - họ đã biết trực giác và diễn tả sự sâu thẳm và kiên cường không thể phá hủy của mối liên hệ ấy.
Khi nhớ lại rằng dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của mỗi người chúng ta, chúng ta xin Mẹ đặt trong con tim chúng ta những tâm tình liên kết Mẹ với Chúa Giêsu. Thực vậy, để trở thành những Kitô hữu chân chính, để có thể thực sự theo Chúa GIêsu, chúng ta cần được liên kết với Chúa qua tất cả những gì ở trong chúng ta: trí tuệ, ý chí, con tim, những chọn lựa bé nhỏ cũng như những chọn lựa lớn lao hằng ngày.
Chỉ như thế, Thiên Chúa mới có thể ở trung tâm cuộc sống chúng ta, và không bị thu hẹp thành một thứ an ủi luôn sẵn sàng sử dụng, nhưng không tác động cụ thể vào những gì làm căn bản cho hoạt động của chúng ta.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)