Ðức Thánh Cha chủ sự lễ

Tưởng Niệm cuộc Thương Khó của Chúa

 

Ðức Thánh Cha chủ sự lễ Tưởng Niệm cuộc Thương Khó của Chúa.

Vatican (Vat. 2/04/2010) - Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 2-4-2010 Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chủ tọa nghi thức trọng thể tại Ðền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của gần 10 ngàn tín hữu, 30 Hồng Y và hàng chục Giám Mục tại Tòa Thánh.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã nói về đề tài "Chúng ta có một vị Thượng Tế đã tiến qua các tầng trời là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa".

Sau khi diễn giải ý nghĩa hy tế của Chúa Kitô Thượng Tế, Cha Cantalamessa áp dụng vào hoàn cảnh ngày nay và nói rằng: "Hy tế của Chúa Giêsu có một sứ điệp mạnh mẽ đối với thế giới ngày nay: sứ điệp ấy nói lớn với thế giới rằng bạo lực là một tàn tích cũ kỹ, một sự suy thoái về trạng thái sơ khai và đã bị vượt qua trong lịch sử loài người, và đối với các tín hữu, đó là một sự chậm chạp có lỗi vì không ý thức sự canh tân nhảy vọt về chất lượng do Chúa Kitô tạo nên".

Cha Cantalamessa nêu rõ một điều mâu thuẫn trong nền văn hóa ngày nay một đàng thì lên án bạo lực, nhưng đàng khác lại tạo điều kiện dễ dàng và ca ngợi bạo lực. Người ta "xé áo mình" bày tỏ phẫn nộ trước một số hành vi đổ máu, nhưng lại không thấy rằng mình đang chuẩn bị điều kiện và môi trường cho những hành vi đó, qua những trang báo hoặc các chương trình truyền hình thành công... Thật là điều đáng lo âu vì bạo lực và máu trở thành một trong những yếu tố chính trong những phim ảnh và trò chơi Video, người ta bị thu hút và thích thú khi xem hoặc chơi những trò này".

Cha Cantalamessa đặc biệt tố giác các hình thức bạo lực vẫn còn lan tràn trong xã hội, nhất là nạn bạo hành phụ nữ trong các gia đình. Cha nói: "Ðây là một thứ bạo lực rất trầm trọng vì nó thường xảy ra trong 4 bức tường gia đình, mọi người khác không biết, thậm chí bạo lực ấy còn được biện minh bằng những thành kiến ngụy tôn giáo và văn hóa. Các nạn nhân ở trong tình trạng cô độc và vô phương thế tự vệ. Ngày nay, nhờ sự nâng đỡ và khích lệ của bao nhiêu hiệp hội và tổ chức, một số phụ nữ đã tìm được sức mạnh để ra mặt, tố giác các thủ phạm".

Cha Cantalamessa ghi nhận rằng nhiều bạo lực như thế có sắc thái tính dục, vì nam giới tưởng là mình chứng tỏ nam tính bằng cách hùng hổ chống lại phụ nữ, nhưng họ không thấy rằng làm như thế là họ chỉ chứng tỏ thái độ bất an và hèn nhát của mình.. Bạo lực chống lại phụ nữ không bao giờ đáng ghét cho bằng trường hợp nó xảy ra tại nơi mà lẽ ra phải có tự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau trong quan hệ giữa vợ chồng".

Vị giảng thuyết tại Phủ Giáo Hoàng cũng nhận xét rằng có những gia đình trong đó người đàn ông cho rằng mình được phép lên tiếng và ra tay đánh đập phụ nữ trong nhà. Vợ và con của họ nhiều khi sống trong tình trạng bị sự nổi giận của người cha đe dọa liên tục. Với những người này, cần phải nhã nhặn nói với họ rằng: "Hỡi những đàn ông đồng nghiệp của tôi, khi tạo dựng nên người nam, Thiên Chúa không muốn cho chúng ta quyền được nổi giận và đập bàn đập ghế vì những chuyện nhỏ nhặt nhất. Lời Chúa nói với bà Eva sau khi phạm tội "đàn ông sẽ thống trị bà" (St 3,16) là một lời tiên đoán đau thương, chứ không phải là một lời cho phép.

Trong phần kết luận, Cha Cantalamessa nói đến sự kiện năm nay, Do thái cũng như Kitô giáo đều mừng Lễ Phục sinh, Lễ Vượt qua vào cùng thời điểm, và cha nhắc đến đến làn sóng báo chí trong thời gian gần đây ồ ạt tấn công Ðức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo. Cha trưng dẫn một đoạn thư của một người bạn Do thái gửi cho cha trong đó có đoạn viết: "Với sự chán ngán, tôi đang theo dõi cuộc tấn công như vũ bão và tập trung chống lại Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng và tất cả các tín hữu từ các nơi trên thế giới. Việc sử dụng những thành kiến, thái độ đi từ trách nhiệm và tội lỗi cá nhân chuyển sang trách nhiệm tập thể gợi lại cho tôi những khía cạnh ô nhục nhất của trào lưu bài Do thái. Vì thế, tôi muốn bày tỏ với cha, với Ðức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội tình liên đới của tôi một người Do thái đối thoại và của tất cả những ngừơi thuộc giới Do thái, họ thật là đông đảo, chia sẻ những tâm tình huynh đệ."

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. 100 Linh Mục đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page