Nhìn lại năm năm Ðức Benedicto XVI

được bầu làm giáo hoàng

 

Nhìn lại năm năm Ðức Benedicto XVI được bầu làm giáo hoàng.

Vatican [CNS 31/3 và 1/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sau năm năm đức Benedicto XVI được bầu làm chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, người ta thấy rõ hai mục tiêu mà vị giáo hoàng này đề ra là: tạo không gian cho tôn giáo trong lãnh vực công cộng và tạo không gian cho Thiên Chúa trong đời sống riêng tư.

Trong hàng trăm bài diễn văn và bài giảng, trong ba thông điệp, qua 13 chuyến tông du hải ngoại, tại các Thượng hội đồng Giám mục thế giới và ngay cả trên các trang mạng mới, Ðức Benedicto XVI đã đương đầu với điều mà ngài gọi là "cuộc khủng hoảng đức tin" trong thời hiện đại. Theo ngài, căn cội của những tệ nạn luân lý và xã hội là bởi vì con người không muốn đón nhận chân lý đến từ Thiên Chúa.

Ðể đương đầu với cuộc khủng hoảng này, ngài đã đề ra Kitô giáo như một tôn giáo của Tình Thương chứ không phải của luật lệ. Ngài không ngừng lập lại rằng sứ mệnh trọng tâm của Kitô giáo chính là giúp cho con ngời đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và chia sẻ tình yêu ấy, bằng cách nhìn nhận rằng tình yêu đích thực đòi hỏi phải hy sinh.

Nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa và kêu gọi ý thức về những vấn đề sinh thái, đức Benedicto XVI được mệnh danh là "vị giáo hoàng xanh". Ngài giới thiệu đức tin Kitô như con đường không chỉ dẫn đến cứu độ, mà còn mang lại công bình xã hội và hạnh phúc đích thực.

Ðược bầu làm giáo hoàng ngày 19 tháng 4 năm 2005, đức Benedicto XVI đã khiến cho những người tưởng ngài là một con người có kỷ luật cứng nhắc, phải ngạc nhiên. Là chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, ngài đã hướng dẫn người Công giáo trở về những điều cơ bản trong giáo lý đức tin; ngài dẫn giải cho họ hiểu những thực hành truyền thống của Giáo hội.

Nhưng sứ mệnh dạy dỗ của Ðức Benedicto XVI lại thường xuyên bị làm cho lu mờ vì những vấn đề và khủng hoảng được báo chí tìm cách khai thác.

Theo nhiều viên chức Tòa Thánh, việc kỷ niệm 5 năm đức Benedicto XVI được bầu làm giáo hoàng là dịp để ngài được giới truyền thông chú ý tới. Ðồng thời đây cũng là dịp dể ngài nhấn mạnh đến những đường hướng của triều đại giáo hoàng của ngài.

Tuy nhiên, trong những tuần lễ vừa qua, cuộc khủng hoảng vì những lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục, đã khiến cho Ðức thánh cha trở thành điểm nhắm của báo chí thế giới. Tại Vatican, xem ra người ta không còn nghĩ đến việc kỷ niệm 5 năm làm giáo hoàng của Ðức Thánh Cha mà chỉ lo bênh đỡ cho ngài trước những cuộc tấn công của báo chí.

Trong lá thư gởi cho người Công giáo Ái Nhĩ Lan, đức Benedicto XVI đã đích thân xin lỗi các nạn nhân vì những lạm dụng tình dục của các linh mục và loan báo những biện pháp mới để chữa lành các vết thương.

Các viên chức của Tòa thánh xem đây như một cử chỉ chưa từng có của một vị Giáo hoàng. Tuy nhiên, những kẻ chỉ trích ngài xem lá thư chỉ là những lời nói suông.

Sứ điệp của đức Benedicto XVI cũng bị lu mờ trước nhiều cuộc tranh luận khác.Chẳng hạn khi về thăm quê hương Bavaria, Ðức, hồi năm 2006, đức Benedicto XVI đã làm cho nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo thất vọng khi ngài trích dẫn lời của một vị hoàng đế Byzantin theo đó tiên tri Mahomet là người đã mang lại "những điều tệ hại và vô nhân đạo", như việc ông truyền lệnh phải quảng bá niềm tin bằng gươm giáo.

Trước sự phẩn nộ của thế giới Hồi giáo, đức Benedicto XVI đã lên tiếng xin lỗi. Ngài nói rằng ngài không hề có ý phê bình Hồi giáo. Nhưng ngài nhìn nhận rằng bài diễn văn của ngài đã gây ra ngộ nhận. Sau đó, ngài bắt đầu thiết lập quan hệ với các học giả Hồi giáo để từ đó mở ra một chương mới trong cuộc đối thoại giữa Tòa thánh và Hồi giáo.

Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối năm 2006, ngài đã vào "Ðền Thờ Xanh" của Hồi giáo tại thủ đô Istanbul và đứng cầu nguyện bên cạnh một giáo sĩ Hồi giáo. Cử chỉ này đã tạo một tiếng vang tích cực trong toàn thế giới Hồi giáo. Ðồng thời, ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng mọi tôn giáo đều phải loại trừ bạo động nhân danh tôn giáo.

Phụng vụ cũng là một trong những quan tâm chính của Ðức Thánh Cha. Ðây là một trong những lãnh vực, trong đó ngài muốn quân bình hóa sự canh tân do Công Ðồng Vatican II chủ xướng với truyền thống của Giáo hội. Ðây là một tiến trình mà ngài gọi là "canh tân trong sự liên tục".

Năm 2007, Ðức thánh cha cho phép cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức có trước thời Công Ðồng Vatican II. Ðây là một nhượng bộ lớn dành cho các tín hữu Công giáo thủ cựu để tìm một sự thỏa thuận với Huynh đoàn Pio X là huynh đoàn đã tách lìa khỏi Giáo hội vì không chấp nhận những cải tổ của Công đồng Vatican II.

Thế những khi ngài rút lại vạ tuyệt thông cho 4 vị giám mục thủ cựu hồi đầu năm 2009, thì sự hòa giải hầu như thất bại. Chỉ cách đó 4 ngày, một trong 4 vị giám mục được rút lại vạ tuyệt thông là Ðức cha Richard Williamson đã tạo ra một làn sóng phẩn nộ trên khắp thế giới khi tuyên bố rằng Ðức quốc xã không có trách nhiệm trong cuộc sát tế người Do thái.

Ðức Benedicto XVI đã tìm cách hàn gắn sự rạn nứt với các tổ chức Do thái. Trong một lá thư gởi cho các Ðức giám mục trên toàn thế giới, ngài đã cám ơn "những người bạn Do thái" vì đã giúp tái lập sự tin tưởng. Cũng trong lá thư, ngài bày tỏ đau buồn vì một số người Công giáo cho rằng ngài đã thay đổi hướng đi trong các quan hệ giữa Do thái và Công giáo và công khai lên tiếng công kích ngài.

Tuy không đi nhiều cho bằng người tiền nhiệm của ngài là đức Gioan Phaolo II, đức Benedicto XVI cũng đã thành công trong các chuyến tông du. Ðược nhắc đến nhiều nhứt là chuyến đi Hoa kỳ dạo tháng Tư năm 2008 và chuyến viếng thăm Thánh Ðịa hồi tháng 5 năm 2009.

Ngoài các chuyến tông du, các thông điệp của đức Benedicto XVI cũng gây được một tiếng vang lớn trên thế giới.

Cũng được nhắc đến không kém là lá thư của ngài gởi cho người Công giáo Trung Quốc hồi năm 2008.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page