Ðức Thánh Cha chủ sự
Thánh Lễ làm phép dầu
Ðức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ làm phép dầu.
Vatican (Vat. 1/04/2010) - Trong thánh lễ làm phép dầu sáng thứ Năm Tuần Thánh 1-4-2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã kêu gọi các tín hữu chống lại bạo lực và ngài tái lên án phá thai.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha trong thánh lễ bắt đầu lúc 9.30 sáng tại Ðền thờ Thánh Phêrô có 30 Hồng Y và 60 Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và tòa Giám Quản Roma, cùng với 1,600 Linh mục, trước sự hiện diện của gần 7 ngàn tín hữu. Trước khi thánh lễ bắt đầu, các Giám Mục và linh mục cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.
Bài giảng của ÐTC:
Trong bài giảng sau bài Tin Mừng, Ðức Thánh Cha đặc biệt nói về ý nghĩa của dầu thánh được làm bằng dầu ôliu. Dầu này là lương thực, là dược phẩm, tạo ra vẻ đẹp, tập luyện để chiến đấu và mang lại sức mạnh. Các vua và tư tế được xức dầu, là dấu hiệu phẩm giá và trách nhiệm, cũng như biểu tượng sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Ðức Thánh Cha giải thích thêm rằng:
"Trong danh xưng Kitô hữu của chúng ta có sự hiện diện của mầu nhiệm dầu. Thực vậy, từ "Kitô hữu" mà dân ngoại dùng để gọi các môn đệ Chúa Kitô ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội xuất phát bởi chữ "Cristo, Kitô" (Xc Cv 11,20-21), dịch từ tiếng Hy Lạp "Messia" có nghĩa là "Người được xức dầu". Kitô hữu có nghĩa là xuất phát từ Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Ðấng được xức dầu của Chúa, về Ðấng mà Thiên Chúa đã trao ban vương quyền và chức tư tế. Kitô hữu có nghĩa là thuộc về Ðấng mà chính Thiên Chúa đã xức dầu - không phải bằng dầu vật chất, nhưng bằng chính Ðấng được tượng trưng bằng Dầu, tức là bằng Thánh Linh của Chua. Dầu ôliu như thế đặc biệt tượng trưng cho sự thấu nhập của Con người Giêsu do Chúa Thánh Linh.
"Trong thánh lễ làm phép dầu Thứ Năm Tuần Thánh, dầu thánh ở trung tâm hoạt động phụng vụ. Dầu được Ðức Giám Mục thánh hiến tại Nhà thờ chính tòa cho cả năm. Các dầu này biểu lộ sự hiệp nhất của Giáo Hội được hàng Giám Mục bảo đảm, và qui hướng về Chúa Kitô là vị Mục Tử và vị Canh Giữ đích thực của linh hồn chúng ta, như thánh Phêrô đã nói (Xc 1 Pr 2,25). Và đồng thời, toàn thể năm phụng vụ được ăn rễ nơi Mầu Nhiệm Thứ Năm tuần thánh, sau cùng dầu thánh gởi lại Vườn Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu đã chấp nhận cuộc khổ nạn trong nội tâm của ngài. Nhưng Vườn cây dầu cũng là nơi từ đó Ngài lên cùng Chúa Giêsu, và vì thế đó là nơi Cứu Chuộc: Thiên Chúa đã không bỏ rơi Chúa Giêsu trong sự chết. Chúa Giêsu sống mãi bên Chúa Cha, và chính vì thế, Ngài hiện diện mọi nơi, luôn ở gần chúng ta."
Sau khi giải thích về vai trò của Dầu thánh dưới nhiều hình thức khác nhau, tháp tùng chúng ta trong suốt cuộc đời, từ giai đoạn dự tòng, rửa tội và đến khi chúng ta chuẩn bị ra trước Tòa Chúa, Ðức Thánh Cha đặc biệt quảng diễn ý nghĩa việc xức dầu trong nghi thức truyền chức linh mục:
"Theo nguyên ngữ bình dân, có sự liên hệ giữa danh từ Hy Lạp "Elaion", có nghĩa là "dầu" và từ "Eleos" có nghĩa là từ bi thương xót. Thực vậy trong các bí tích, dầu thánh hiến luôn luôn là dấu chỉ lòng từ bi của Thiên Chúa. Vì thế, việc xức dầu cho các tư tế luôn luôn có nghĩa là một trách vụ mang lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa cho con người. Trong đèn dầu cuộc sống của chúng ta, không bao giờ được thiếu dầu từ bi. Chúng ta hãy luôn tìm kiếm dầu ấy kịp thời nơi Chúa - trong cuộc gặp gỡ với Lời Chúa, trong khi lãnh nhận các bí tích, trong lúc dừng lại cầu nguyện bên Chúa.
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Qua câu chuyện con chim câu mang cành cây ôliu, loan báo lụt hồng thủy chấm dứt, và một nền hòa bình mới của Thiên Chúa cho thế giới loài người, không những chim câu, nhưng cả cành ôliu và chính dầu ôliu trở thành biểu tượng hòa bình. Các tín hữu Kitô những thế kỷ đầu tiên thích trang hoàng các ngôi mộ người thân của họ bằng vòng hoa chiến thắng và cành câu ôliu biểu tượng hòa bình. Họ biết rằng Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và người thân quá cố của họ an nghỉ trong an bình của Chúa Kitô. Họ biết rằng chính họ được Chúa Kitô chờ đợi, Ngài là Ðấng đã hứa cho họ an bình mà thế gian không thể ban cho. Họ nhớ rằng lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ là "Bình an cho các con!" (Ga 20,19). Có thể nói chính Chúa đã mang cành cây ôliu, mang hòa bình vào thế giới. Ngài loan báo lòng từ nhân cứu độ của Thiên Chúa. Ngài là hòa bình của chúng ta. Vì thế, các tín hữu Kitô phải là những người hòa bình, những người nhìn nhận và sống mầu nhiệm, Thánh Giá như một mầu nhiệm hòa giải. Chúa Kitô không chiến thắng bằng gươm giáo, nhưng bằng Thánh Giá. Ngài chiến thắng bằng cách khắc phục oán thù, bằng sức mạnh của tình yêu thương lớn hơn của Ngài. Thập giá của Chúa Kitô biểu lộ sự phủ nhận bạo lực. Và chính vì thế, thập giá là dấu hiệu chiến thắng của Thiên Chúa, thập giá loan báo con đường mới của Chúa Giêsu. Người chịu đau khổ mạnh hơn những kẻ nắm quyền. Qua sự sự hiến trên Thánh Giá, Chúa Kitô đã chiến thắng bạo lực. Trong tư cách là tư tế, chúng ta được mời gọi trở thành những con người hòa bình, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi chống lại bạo lực và tín thác nơi sức mạnh lớn hơn của tình yêu."
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng:
"Cũng thuộc biểu tượng dầu sự kiện dầu làm cho con người mạnh mẽ hơn để chiến đấu. Ðiều này không trái ngược với đề tài hòa bình, nhưng là thành phần của hòa bình. Cuộc chiến đấu của các tín hữu Kitô đã và còn hệ tại việc không sử dụng bạo lực, nhưng họ đã và còn sẵn sàng chịu đau khổ vì sự thiện, vì Thiên Chúa; các tín hữu Kitô, trong tư cách là những công dân tốt, tôn trọng luật pháp và làm điều đúng và tốt. Cuộc chiến đấu của Kitô hữu cũng hệ tài phủ nhận tất cả những gì trong hệ thống luật pháp hiện hành, tất cả những gì không phải là luật pháp công chính, nhưng là bất công. Cuộc chiến đấu của các vị tử đạo hệ tại họ phủ nhận bất công một cách cụ thể: họ từ khước tham gia vào việc tôn thờ thần tượng, tôn thờ hoàng đế, từ chối cúi mình trước sự giả dối, sự thờ lạy con người và quyền lực của họ. Với sự phủ nhận của họ chống lại giả dối và tất cả những hệ luận của gian dối, họ tuyên dương sức mạnh của luật pháp công chính và sự thật. Như thế, họ phụng sự hòa bình chân thực. Ngày nay cũng vậy, điều quan trọng là các tín hữu tuân theo luật pháp công chính là nền tảng của hòa bình. Ngày nay cũng vậy, các tín hữu Kitô cần không chấp nhận một bất công được nâng lên thành mộit quyền, ví dụ việc sát hại các trẻ thơ vô tội chưa sinh ra. Chính khi làm như thế, chúng ta phụng sự hòa bình và chúng ta noi theo vết tích của Chúa Kitô, Ðấng mà thánh Phêrô đã nói: "Bị nguyền rủa, Ngài không đáp lại bằng nguyền rủa; bị ngược đãi Ngài không đe dọa báo thù, nhưng tín thác nơi Ðấng xét xử công chính. Ngài mang những tội lỗi của chúng ta trong thân thể trên thập giá, để chúng ta không còn sống cho tội lỗi, nhưng sống công chính" (1 Pr 2,23s).
Sau bài giảng của Ðức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục.
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Ðầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. "Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật", rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật". Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn để trong Thiên Chúa.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)