Sứ mệnh của

cộng đồng Kitô tại Thánh Ðịa

 

Sứ mệnh của cộng đồng Kitô tại Thánh Ðịa.

Gierusalem [Asianews 24/3/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vào mỗi thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm, Giáo hội hoàn vũ tổ chức quyên góp một cách đặc biệt cho cộng đồng tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa.

Trong một bài phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews hôm 24 tháng 3 năm 2010, cha Pierbattista Pizzabella, thuộc dòng Phanxico quản thủ Thánh Ðịa đã nói về sự mệnh của cộng đồng Kitô tại đây và sự cần thiết phải trợ giúp cho cộng đồng này.

Nói đến cảm nghiệm về Tuần Thánh tại Thánh Ðịa, cha Pizzabella cho biết: năm nay số khách hành hương đến Gierusalem gia tăng một cách đáng kể. Lễ Phục Sinh tại Gierusalem luôn luôn là một biến cố đặc biệt. Dân chúng rất chăm chú tham dự các cuộc cử hành và lòng tin rất mạnh mẽ. Tuy khác nhau, nhưng các nghi lễ và các nghi thức trùng lập nhau: bên cạnh lễ vượt qua của người Do thái là lễ phục sinh của Công giáo và Chính thống giáo.

Ðược hỏi: liệu lễ Phục Sinh tại Gierusalem là một biến cố của quá khứ hay vẫn còn có ý nghĩa đối với ngày nay, cha Pizzabella trả lời rằng điều đó tùy vào niềm tin của mỗi người. Ngài nói: "Là tín hữu kito, chúng tôi sống ngày Thứ Sáu Tuần Thánh một cách mãnh liệt và với nhiều cảm xúc. Chúng tôi chia sẻ sự đau khổ của Chúa Kitô và những bất bình đẳng trên thế giới".

Tuy nhiên, theo linh mục quản thủ Thánh Ðịa, chỉ cần đi vài bước và vào một xã hội không biết gì về lễ Phục Sinh, thì mọi sự chẳng có gì khác. Ðối với các tín hữu Kitô, đây là một giây phút đặc biệt, nhưng đối với người ngoài Kitô giáo, đây cũng chỉ là một ngày như mọi ngày.

Cha Pizzabella nói rằng ngài không hề có ý phê bình người Hồi giáo hay người Do thái. Ngài chỉ muốn nói rằng một biến cố được xem là trọng tâm và đày ý nghĩa đối với các tín hữu Kitô, thì đối với họ chẳng có gì đặc biệt cả. Tại Âu Châu, người ta xem thường các cuộc cử hành này. Nhưng tại Gierusalem, "chúng tôi cần phải có một thái độ khác. Chúng tôi biết rằng Chúa Kitô, Ðấng đã chết trên thập giá là nguồn ơn cứu độ, đối với chúng tôi cũng như ngay cả những người không hề biết điều đó.

Chính vì thế mà cho dẫu tôn trọng niềm tin và lịch sử của họ, tôi vẫn cảm thấy được thúc đẩy để sống trung thành và yêu mến hơn đối với niềm tin của tôi, để trở thành một nhân chứng tốt đẹp hơn đối với biến cố xảy ra ở đây".

Cha Pizzabella nói: "Cứ như chúng tôi đang mang lấy thập giá nhỏ của chúng tôi: chúng tôi cảm thấy Chúa Giêsu hiện diện trong cuộc "thương khó nội tâm" của chúng tôi".

Ðối với các tín hữu Kitô, Gierusalem là nơi đức tin phát sinh. Nhưng đây lại là một nơi nhân loại bị chia rẽ hơn cả. Ðây là nơi có chiến tranh giữa người Israel và người Palestine từ hằng trăm năm nay. Ðây là nơi người Công giáo và các tín hữu Kitô đông phương cảm thấy khó hợp tác với nhau. Phải chăng đây là ý muốn của Chúa?

Cha Pizzabella khẳng định rằng tuyệt đối không phải như thế. Gierusalem là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau. Vẽ đẹp của Gierusalem nằm trong sự kỳ diệu mà cuộc gặp gỡ này gợi lên. Ðây là nơi người ta có thể thấy khoảng cách giữa chương trình của Thiên Chúa và những tính toán của con người... Sẽ không có nhiều đau khổ tại Gierusalem nếu Chúa Kitô đã không đến đây. Tuy nhiên, Chúa Kitô đang mang lấy gánh nặng khổ đau của nhân loại và chính vì vậy mà tại đây chúng ta có thể thấy được nổi đau khổ của thế giới".

Ðược hỏi về những dấu hiệu của sự chết và sống lại tại Gierusalem, cha Pizzabella trả lời rằng có những bất bình đẳng và đau khổ mà Thập Giá của Chúa Giêsu là hiện thân. Nhưng những bất bình đẳng và đau khổ ấy xuất phát từ một cảm xúc sâu xa hơn. Cảm xúc ấy là sự sợ hãi. Ðiều này đúng đối với người Israel cũng như người Palestine, đối với người Do thái cũng như Hồi giáo và tín hữu Kitô. Cứ nhìn các tín hữu Kitô chúng tôi: chúng tôi nói rất nhiều về hòa giải, nhưng lại tỏ ra không đáng tin.

Theo linh mục quản thủ thánh địa, "sợ người khác và thiếu tin tưởng nơi họ có những hậu quả mà ai cũng có thể thấy được".

Những nỗi sợ hãi này cũng giống như thể Chúa Giêsu phải hấp hối một lần nữa. Tuy nhiên, như thánh Phaolo đã viết trong thư gởi cho giáo đoàn Epheso, "Ngài đến để đánh đổ bức tường ngăn cách của thù nghịch".

Bức tường do Israel dựng lên là một bất công lớn lao bởi vì nó không cho nhiều người được đi làm việc hay cấp sách đến trường. Nhưng việc Palestine không chấp nhận hoàn toàn quyền của Israel được hiện hữu và sống trong hòa bình và an ninh lại cũng là một bất công nền tảng khác.

Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có thể thấy được những dấu hiệu nhỏ của sự phục sinh: những dấu hiệu này xuất hiện mỗi lần có sám hối trong tâm hồn, khi tình yêu đối với Chúa Giêsu biến hận thù thành tình yêu.

Cha Pizzabella nói: "Có một giáo viên tại Bethlehem nói với tôi rằng mỗi khi bà đi qua các trạm kiểm soát của Israel, bà luôn cảm thấy nhục nhã. Ðiều ấy xảy ra một thời gian dài. Thế rồi, cuối cùng bà quyết định sẽ không nhắm mắt cúi đầu và thù ghét những người lính Israel nữa. Thay vào đó, bà nhìn thẳng vào mắt họ như một người bình đẳng. Và từ đó bà cảm thấy được giải thoát".

Theo linh mục quản thủ Thánh Ðịa, giữa bạo động, vẫn có nhiều nhóm, đạo cũng như đời, Israel cũng như Palestine, vẫn còn gặp gỡ nhau dù có những hàng rào ngăn cách. Vẫn có nhiều người giúp đỡ người nghèo, tranh đấu cho nhân quyền và phải trả một giá đắt vì hoạt động của mình.

Cha Pizzabella cũng nói rằng các dự tòng cũng là một dấu chỉ của sự phục sinh. Phục Sinh này, sẽ có hai người Israel chịu phép rửa. Ngoài ra trong cộng đồng nói tiếng Hy bá lai của cha, cũng có một số người Palestine, Thái, Sri Lanka và Phi luật tân sẽ được rửa tội. Tại Gierusalem, Giáo hội thật sự là của mọi dân tộc.

Nói về sự quyên góp cho các tín hữu Kitô Thánh Ðịa, cha Pizzabella cho biết: chính thánh Phaolo là người đầu tiên kêu gọi quyên góp cho Gierusalem. Theo cha, cuộc quyên góp vào mỗi thứ Sáu Tuần Thánh rất quan trọng, vì nó cho thấy Gierusalem thuộc về mọi tín hữu Kitô trên thế giới. Các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa là một thiểu số nhỏ. Bỏ một mình, cộng đồng này không thể sống còn. Chính vì vậy mà Giáo hội hoàn vũ có nghĩa vụ phải nâng đỡ cộng đồng này.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page