Ðức thánh cha nói về

ý nghĩa của tam nhựt vượt qua

 

Ðức thánh cha nói về ý nghĩa của tam nhựt vượt qua.

Vatican [VIS 31/3/2010] - Ðức thánh cha Benedicto XVI nói rằng tam nhựt vượt qua đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.

Giải thích về ý nghĩa của tam nhựt vượt qua trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần sáng thứ Tư 31 tháng 3 năm 2010, Ðức thánh cha nói: "Chúng ta đang sống những ngày thánh vốn mời gọi chúng ta suy niệm về những biến cố trọng tâm của công cuộc Cứu Rỗi, cốt lõi của niềm tin chúng ta".

Ðức thánh cha khuyến khích mọi người hãy sống mãnh liệt những ngày này để được kết hiệp một cách quảng đại và mạnh mẽ với Chúa Kitô, Ðấng đã chết và sống lại vì chúng ta.

Thứ Năm tuần thánh là ngày các linh mục lập lại cam kết của mình. Ðức thánh cha khuyên các linh mục: "Năm nay (2010), cử chỉ này có một ý nghĩa đặc biệt vì năm nay là Năm Linh mục, Năm mà tôi đã cho mở ra để tưởng niệm 150 năm ngày qua đời của cha sở họ Ars. Với tất cả các linh mục, tôi muốn được lập lại niềm hy vọng mà tôi đã bày tỏ ở cuối Lá Thư khai mạc Năm Linh mục: "Theo dấu chân của Cha sở họ Ars, anh em hãy để cho Chúa Kitô "quyến rũ". Chỉ như thế, trong thế giới hôm nay, anh em mới có thể trở thành tác nhân của hy vọng, hòa giải và hòa bình".

Chiều thứ Năm tuần thánh là ngày tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể. Ðức thánh cha nói rằng "dưới hình bánh hình rượu, Chúa Giêsu thực sự hiện diện bằng chính Thân Xác mà Ngài đã trao ban và bằng Máu mà Ngài đã đổ ra như hy tế của Giao ước mới.Ðồng thời, Ngài cũng làm cho các tông đồ và những người kế vị các ngài thành thừa tác viên của Bí Tích này, Bí Tích mà Ngài đã ủy thác cho Giáo hội như bằng chứng cao cả của Tình yêu Ngài".

Tiếp tục bài huấn dụ, Ðức thánh cha dẫn giải về ý nghĩa của ngày thứ Sáu tuần thánh. Ðức thánh cha giải thích rằng đây là ngày "chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống của mình như một hy tế để chuộc tội nhân loại, bằng cách chọn một cái chết tàn bạo và nhục nhả nhứt". Theo Ðức thánh cha, bữa ăn cuối cùng và cái chết của Chúa Giêsu liên kết chặt chẽ với nhau: Trong phòng tiệc ly, Ngài hiến dâng Mình và Máu Ngài, báo trước cái chết của Ngài và biến nó thành một hành động yêu thương. Như thế, cái chết mà bản chất là một tận cùng, một sự hủy diệt mọi quan hệ, đã được Ngài biến thành một cử chỉ thông truyền chính mình, một khí cụ cứu độ và một lời loan báo về sự chiến thắng của tình yêu".

Sang ngày thứ Bảy tuần thánh, Ðức thánh cha nhấn mạnh đến sự thinh lặng. Ngài nói: "Trong ngày chờ đợi và hy vọng này, các tín hữu Kitô được mời gọi cầu nguyện, suy tư và hoán cải, nhứt là xuyên qua bí tích hòa giải, để một khi đã được canh tân nội tâm, họ có thể tham dự vào việc cử hành Phục Sinh".

Kết thúc bài huấn dụ, Ðức thánh cha nói rằng trong đêm vọng phục sinh, sự thinh lặng sẽ được phá vỡ bằng tiếng kêu "Alleluia". Ðây là lời loan báo về sự phục sinh của Chúa Kitô. Ðây là lời công bố về chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối, của sự sống trên sự chết.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page