Cuộc rước kiệu Lễ Lá tại Gierusalem
Cuộc rước kiệu Lễ Lá tại Gierusalem.
Giêrusalem [La Croix 29/3/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuộc rước kiệu Lễ Lá tại Gierusalem hôm Chúa Nhựt 28 tháng 3 năm 2010 là một cuộc tuần hành "khải hoàn" của các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa.
Như mọi năm, mọi người tập trung tại Núi Cây Dầu vào lúc 2 giờ 30 chiều. Các tín hữu Kitô, địa phương cũng như khách hành hương từ khắp thế giới, cầm cành lá trên tay, tuần hành từ Bethphagé tới nhà thờ thánh Anna trong thành cổ Gierusalem.
Ðối với khách hành hương cũng như các tín hữu Kitô địa phương, đây là giờ để cùng nhau bước vào cuộc cử hành mầu nhiệm vượt qua. Bằng mọi giá, ai cũng được thôi thúc để có mặt trong cuộc rước kiệu káo dài 2 tiếng rưởi đồng hồ giữa nắng nóng. Ðoạn đường không tới 3 cây số, nhưng đoàn người rước kiệu đi những bước chậm rãi dọc theo Núi Cây Dầu trước khi bước xuống thung lũng Cedron và leo lên phía bên kia để vào thành phố cổ. Ðây là một cuộc tuần hành khải hoàn, một ngày vui vỡ bờ.
Ðức cha Fouad Twal, Thượng phụ Công giáo Latinh Gierusalem tiến bước bên cạnh cha Pierbattista Pizzabella, thuộc dòng Phanxico quản thủ Thánh Ðịa và Ðức cha Antonio Franco, Sứ thần Tòa thánh tại Israel. Tất cả mọi người đều đi lại dấu chân của Chúa Giêsu.
Cách đây 2 ngàn năm, khi lên Gierusalem để cử hành lễ Vượt Qua của người Do thái, Chúa Giêsu đã khởi đi từ Bethphagé ["nhà Cây Vã"] trước khi vào Thành Thánh xuyên qua Cửa Vàng.
Hôm Chúa Nhựt 28 tháng 3 năm 2010, đoàn người rước kiệu Lễ Lá cũng đi lại lộ trình này, trừ giai đoạn cuối cùng, tức Cửa Vàng. Vào thế kỷ 11, Cửa Vàng đã bị người Hồi giáo đóng lại vì cửa này nhìn xuống quảng trường Các Ðền Thờ Hồi Giáo. Do đó, để đi vào thành phố cổ, các tín hữu Kitô phải đi qua Cửa Thánh Stephano.
Theo ước tính, hôm Chúa Nhựt 28 tháng 3 năm 2010, có khoảng 2 ngàn người tham dự cuộc rước kiệu lễ lá. Họ hát lên những bài hát và theo những điệu nhạc riêng của họ, nhưng tất cả đều rập ràng. Trên gương mặt của mọi người, ai cũng thấy được một niềm vui chung: đó là niềm vui được ở bên nhau. Người ta cũng đọc được một chút tự hào: đó là niềm tự hào được làm tín hữu Kitô trong một xứ sở mà bản sắc gắn liền một cách chặt chẽ với tôn giáo và nơi mà các tín hữu Kitô chỉ là một thiểu số, dù là tại Israel hay trong những lãnh thổ của Palestine.
Một người Công giáo địa phương nói với phóng viên của Nhựt báo Pháp La Croix: "Hôm nay người ta chứng tỏ rằng thành phố này cũng thuộc về chúng tôi". Mẹ của bà, trên 70 tuổi, hiện vẫn sinh sống tại Bethlehem; năm nào bà cụ cũng đến tham dự cuộc rước kiệu lễ lá.
Trên Núi Cây Dầu,là nơi có đông dân cư theo Hồi giáo, nhiều người hiếu kỳ theo dõi cuộc rước kiệu. Trẻ em Hồi giáo cũng gia nhập vào đoàn rước kiệu. Niềm vui của các tín hữu Kitô được thể hiện qua các bài thánh ca, nhứt là qua ba tiếng "Hosanna" được cất lên nhịp nhàng theo điệu trống của các hướng đạo sinh địa phương.
Khách du lịch, tuy không tham gia cuộc rước kiệu, cũng ném gạo lên các tín hữu như để tỏ dấu khuyến khích và biểu đồng tình. Cảnh sát Israel, một cách kín đáo nhưng hữu hiệu, cũng góp phần làm cho cuộc rước được diễn ra trong trật tự, nhờ chận xe tại các ngã đường có đoàn rước đi qua.
Tất cả các cộng đồng thuộc nghi lễ Latinh tại Gierusalem và các vùng phụ cận đều có mặt trong cuộc rước kiệu. Ngoài các tín hữu Công giáo, còn có nhiều người tin lành thuộc các Giáo hội Kito khác nhau tại Gierusalem. Ðặc biệt năm nay (2010), lịch Gregorien và Juliano trùng nhau, cho nên các tín hữu Chính thống cũng có mặt tại đây để mừng lễ Phục Sinh cùng một ngày với các tín hữu Công giáo. Nhiều tín hữu Chính thống Copte đến từ Ai cập cũng tham gia cuộc rước kiệu. Dĩ nhiên, sự hiện của nhiều khách hành hương từ khắp thế giới cũng cho thấy bộ mặt phổ quát của Giáo hội. Một tín hữu Haiti lập gia đình với một tín hữu Kitô Á rập từ 25 năm nay, năm nào cũng tham dự cuộc rước kiệu. Bà nói: "Ðây là cao điểm của Mùa Chay, Ngày Vui trước khi bước vào thinh lặng, cầu nguyện và ăn chay của Tuần Thánh... Ðây là một Ngày Vui, vui vì thấy niềm tin được liên kết trong mọi ngôn ngữ.Ðó là niềm tin vào sự Sống lại của Chúa Kitô. Giáo hội tại Thánh Ðịa cũng giống như một đại gia đình".
Cuộc rước kiệu kết thúc tại khu vườn của nhà thờ thánh Anna do các Cha Dòng Trắng quản nhiệm. Nhà thờ này nằm trong khu phố của người Hồi giáo cách quảng trường các đền thờ Hồi giáo khoảng 20 thước. Sau khi đoàn rước kiệu đã về đến nơi và yên vị dưới bóng các cây chà là, Ðức thượng phụ Công giáo La tinh Gierusalem cầm trên tay một di tích của Thánh Giá Thật để ban phép lành cho mọi người bằng tiếng Á rập, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Sau đó, niềm vui của Ngày Lễ Lá đạt đến cao điểm. Các tín hữu đứng xếp thành vòng tròn và nhảy múa. Cha Franz Bowen, phục vụ tại nhà thờ thánh Anna từ 40 năm nay, đã có thói quen đón tiếp những người tham gia cuộc rước kiệu lễ lá. Ngài cho biết: "họ đến không những từ Gierusalem, mà còn từ Nazareth và Haifa để mừng lễ này. Năm nay (2010), các tín hữu Kitô tại lãnh thổ Palestine không dễ gì đến được. Nhưng năm nay (2010), bù lại có các hướng đạo sinh Công giáo đến từ Jericho. Phụ trách phần nhạc trong cuộc rước là một nhóm tín hữu Al Raja. Những nhịp trống vui mở đầu cho một cuộc tuần hành vui tươi kéo dài cho đến Lễ Phục Sinh.
CV.