Tương quan giữa

Kitô giáo và Hồi giáo

 

Tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Phỏng vấn Linh Mục Francois Jourdan, thần học gia kiêm chuyên viên Hồi giáo học, về tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Vatican (Avvenire 20-2-2010) - Trong các tuần vừa qua nhà xuất bản Lindau đã cho phát hành ấn bản tiếng Ý cuốn sách của cha Francois Jourdan, tựa đề "Thiên Chúa của tín hữu Kitô, Thiên Chúa của tín hữu hồi. Cái gì hiệp nhất chúng ta, cái gì chia rẽ chúng ta?" Sách do ông Rémi Brague, giáo sư dậy môn Triết lý A rập tại đại học Sorbonne và đại học Ludwig Maximilian Muechen, viết lời tựa.

Linh Mục Francois Jourdan là thần học gia kiêm chuyên viên Hồi giáo học. Cha đã từng là giáo sư tại Học Viện Giáo Hoàng nghiên cứu Á rập và Hồi giáo tại Roma và Học Viện Công Giáo Paris. Hiện nay cha đang làm việc truyền giáo Bên Phi Luật Tân.

Từ mấy thập niên qua Hồi giáo thường bị coi là một yếu tố gây bất ổn cho cuộc sống xã hội tân tiến. Nó đánh lạc hướng, nó gây âu lo và tạo kinh hoàng.

Nhưng sự hiểu biết mà chúng ta có về Hồi giáo thường qúa phiến diện hời hợt bề ngoài, mà không đi vào chiều sâu của nó. Nói chung đây cũng là trường hợp của mọi tôn giáo khác trên thế giới, kể cả Kitô giáo. Chẳng những không được biết tới, đạo lý của các tôn giáo thường khi còn bị khinh rẻ và chế nhạo nữa. Chính để bù đắp sự thiếu sót này cha Francois Jourdan đã viết cuốn sách nói trên và phân tích các tiền đề nòng cốt của Kitô giáo và Hồi giáo.

Ðồng thời cha cho thấy các tương đồng bề ngoài và các khác biệt sâu xa giữa hai tôn giáo như: quan niệm khác nhau về Thiên Chúa, về mạc khải, về các ngôn sứ, về Kinh Thánh, về tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Trong Hồi giáo con người phải hoàn toàn tùng phục sáng kiến của Thiên Chúa, trong Kitô giáo con người được mời gọi bước vào trong giao ước cứu độ Thiên Chúa cống hiến cho nó, với tất cả sự tự do và ý thức trách nhiệm.

Cha Jourdan cũng chứng minh cho thấy sự xa lạ giữa Ðức Giêsu Kitô của Kitô giáo và Isa, Ðức Giêsu của Kinh Coran. Thánh Phaolô bị Hồi giáo và Do thái giáo kết án và bị coi là người đã sáng chế ra Kitô giáo, có trách nhiệm trong việc biến Ðức Giêsu lịch sử thành Ðức Giêsu Con Thiên Chúa. Theo cha Jourdan chỉ với sự trong sáng cuộc đối thoại giữa tín hữu Kitô và tín hữu hồi mới đem lại sự trao đổi lợi ích, giúp hai bên tôn trọng nhau. Và tôn trọng nhau là hàng rào duy nhất hữu hiệu có thể ngăn chặn được khuynh hướng cuồng tín và sự bất khoan nhượng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Francois Jourdan về tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Hỏi: Thưa cha Jourdan, từ nhiều năm qua Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Ðức Ðương Kim Giáo Hoàng Biển Ðức XVI đã cổ võ và nhấn mạnh rất nhiều trên sự cần thiết phải đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Cha thấy có điều gì quan trọng nhất cần phải lưu tâm trong cuộc đối thoại này?

Ðáp: Trong các tương quan giữa tín hữu Kitô và tín hữu Hồi cần phải tôn trọng sự thật với chính mình và với người khác. Không thể có sự tin tưởng nào và không thể có sự đối thoại nào, khi người ta đeo mặt nạ để che dấu các sợ hãi và căn cước tôn giáo sâu xa của mình. Vì thế cuộc đối thoại phải đương đầu với lãnh vực giáo lý của các tôn giáo. Ðể cho cuộc đối thoại được phong phú không được thinh lặng đối với những khác biệt giữa các tôn giáo.

Hỏi: Thưa cha, chước cám dỗ cũ coi Hồi giáo là một lạc thuyết Kitô ngày nay có còn không hay đã được vượt thắng rồi?

Ðáp: Chưa. Nó chưa được vượt thắng, vì người ta còn luôn luôn nghe lại đề tài này. Nhưng nếu lịch sử chứng thực cho sự hiện diện của các cộng đoàn Kitô đông phương và do thái bên A Rập vào thời Mahomét, giả thuyết do thái Kitô không có đủ các nền tảng để được ủng hộ một cách có gía trị. Thật là điều bình thường khi mọi giải pháp khác nhau đã được nghiên cứu: lạc giáo do thái, lạc giáo Kitô, lạc giáo do thái Kitô vv... Dĩ nhiên là chúng ta có thể thấy Hồi giáo đã vay mượn của Do thái giáo và Kitô giáo nhiều yếu tố như các phong trào ngộ đạo hay ngoại giáo đã làm. Nhưng Hồi giáo đã được xây dựng từ từ như là một tôn giáo mới riêng biệt, không thể bị giản lược vào những gì nó đã vay mượn của Do thái giáo và Kitô giáo.

Như là chìa khóa thần học định đoạt có thể nói rằng vì thiếu Giao Ước kinh thánh trong Kinh Coran và trong giáo lý của mình nên Hồi giáo không phải là một tôn giáo kinh thánh. Không có Giao Ước kinh thánh ông Mahomét đã không bao giờ là người do thái, người Kitô, hay người do thái kitô. Cần phải nhấn mạnh trên điểm nòng cốt này, cũng đã được chứng thực trong Kinh Coran, để tôn trọng nhau trong các căn cước riêng của chúng ta.

Hỏi: Từ quan điểm của Hồi giáo có các giải thích tương tự hay không thưa cha?

Ðáp: Thần học hóa là nét đặc thù của Kitô giáo. Người Hồi đã không tín lý hóa các lạc giáo, nhưng không vì đó mà không cho rằng Kitô giáo là một sai lạc, một hình thức lạc giáo. Theo đó các tín hữu Kitô là các người hồi cổ xưa đã bị lạc đường, do giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi, về thiên tính của Ðức Giêsu, cái chết của Người trên thập giá và sự phục sinh của Người. Vì thế các tín hữu Kitô là những người bất trung.

Hỏi: Thưa cha, cho tới mức độ nào thì được phép thiết lập các tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo?

Ðáp: Giữa các tín hữu các tương quan là một bổn phận. Nhưng giữa các giáo thuyết thì tuyệt đối cần phải có các minh giải, bởi vì tất cả mọi lời nói của hai tôn giáo đều có một ý nghĩa khác nhau, mặc dù các dáng vẻ bề ngoài xem ra giống nhau. Chúng ta hãy lấy thí dụ như thuyết coi Abraham là tổ phụ chung của các tín hữu Do thái, Kitô và Hồi giáo, cũng gọi là thuyết nhánh chung. Ðây là một thuyết dối trá. Như là tín hữu Kitô tôi không phải là con cháu của Ibrahim trong Kinh Coran, là người đã đến La Mecca và đã nhận được một cuốn sách được Trời đọc cho mà chép. Như là tín hữu Kitô tôi đã bước vào Giao Ước qua việc tôi được rửa tội trong Ðức Giêsu, Ðấng đã thực hiện Giao Ước kinh thánh và rộng mở nó cho tất cả mọi người và rộng mở Con Tim của Thiên Chúa cho loài người. Ðây là các viễn tượng hoàn toàn không được biết đến và không thể được chấp nhận trong Hồi giáo. Tôi tôn trọng quan điểm của Hồi giáo, nhưng nếu tôi muốn trung thành với chân lý, thì nó bắt buộc tôi thừa nhận rằng nó tương ứng với một lộ trình và một quan điểm về Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt.

Hỏi: Cha có thể kể ra một số các khác biệt giữa Kitô giáo và Hồi giáo hay không?

Ðáp: Trong Hồi giáo có sự nhậy cảm rất mạnh mẽ đối với tính cách siêu việt của Thiên Chúa duy nhất, là Ðấng ở trên tất cả và thống trị tất cả. Sự nhậy cảm đó gây ấn tượng rất lớn. Nhưng một Thiên Chúa duy nhất không có Giao Ước kinh thánh khiến cho Thiên Chúa là vị thống trị mà không có khoảng trống cho tính cách khác biệt đối với Thiên Chúa, và cho các tín hữu không theo Hồi giáo đối với Hồi giáo. Tính cách khác biệt với Thiên Chúa là Giao Ước tôn trọng sự tự do của con người và kích thích tinh thần trách nhiệm của con người. Khi đó Thiên Chúa có thể là Ðấng Cứu Ðộ như trong Kinh Thánh Cựu Ước và Kinh Thánh Tân Ước, là bà con với nhau và là hai tôn giáo kinh thánh duy nhất, hai tôn giáo của Giao Ước. Dĩ nhiên các tín hữu không luôn luôn trung thành với các quan điểm này về Thiên Chúa, nhưng đó lại là một vấn đề khác.

Hỏi: Cũng có các hiểu lầm gắn liền với các lời trích của Chúa Giêsu trong Kinh Coran, có phải thế không thưa cha?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Như qúy vị biết: "Isa" là tên của Ðức Giêsu trong Kinh Coran được mượn từ tên Edau, biểu tượng cho đế quốc Roma trong truyền thống do thái, là tín hữu hồi. Kinh Coran gán cho Ðức Giêsu các câu nói phù hợp với giáo lý hồi chống lại Thiên Chúa Ba Ngôi, hay gán cho Người tước hiệu Messia, nhưng hoàn toàn trống rỗng không có nội dung kinh thánh, hoặc các cảnh phúc âm mạo thư của thánh Matthêu giả và của Tiền Phức Âm thánh Giacôbê, là những tài liệu không đáng tin cậy, mặc dù chúng muốn kể lại lịch sử cuộc đời Ðức Giêsu. Chẳng hạn như việc Ðức Giêsu làm phép lạ cho chim bằng đất sét bay được, hay cảnh Ðức Giêsu còn sơ sinh mà đã nói được và nói với các lời lẽ rất khôn ngoan.

Hỏi: Các đề tài như nền xã hội học toàn cầu hóa của Hồi giáo và điều kiện sống của nữ giới trong các nước hồi giáo có nằm trong chương trình đối thoại giữa các tín hữu Kitô và các tín hữu hồi giáo không thưa cha?

Ðáp: Có chứ, bởi vì đối thoại là một phước lành Thiên Chúa ban cho chúng ta để giúp thanh tẩy các tôn giáo. Cũng giống như mọi công việc và mọi người các tôn giáo cũng cần phải liên tục tự cải cách theo khẩu hiệu "Giáo Hội luôn canh tân".

Hồi giáo và đa số các tôn giáo khác phải đi tới chỗ độc lập với chính trị, đạt một chặng mới trong lịch sử nhân loại, với sự đa nguyên tôn giáo trong các xã hội, đạt tới sự tự do tôn giáo đích thực, cũng như sự bình đẳng giữa hai phái nam nữ. Ðây là công việc tái giải thích các văn bản giả thiết một sự tự do lớn hơn của mọi tôn giáo. Ðây là một điểm không thể thiếu, nhưng vẫn chưa đạt được. Cuộc đối thoại liên tôn là một lộ trình cần thiết cho nền hòa bình thế giới.

(Avvenire 20-2-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page