Phụng vụ Lễ Lá
và ngày quốc tế bạn trẻ
Phụng vụ Lễ Lá và ngày quốc tế bạn trẻ.
Vatican (Vat. 28/03/2010) - Dưới bầu trời nắng đẹp đầu mùa xuân, khoảng chừng 50 ngàn tín hữu đã tham dự buổi kiệu lá và Thánh lễ Chúa nhựt Mùa Thương khó do Ðức thánh cha Bênêđictô XVI chủ toạ tại quảng trường thánh Phêrô lúc 9 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 28 tháng 3 năm 2010. Thật khó tả được bầu khí của phụng vụ mở đầu Tuần Thánh. Một bên là cảnh bi thảm của cuộc Tử nạn, được thuật lại trong bài Thương khó đọc trong Thánh lễ; một bên là cảnh tưng bừng của cuộc rước kiệu tung hô Ðức Kitô là Ðấng Mesia, Con vua Ðavit. Xem ra bầu khí buồn thảm đã bị lấn át kể từ khi Ðức thánh cha Gioan Phaolô II dành Chúa nhựt Lễ Lá làm ngày Ðại hội Giới trẻ. Vì lý do gì? Một lý do có thể tìm thấy trong các bài tiền xướng phụng vụ Kiệu lá, dựa theo tư tưởng của Tin mừng: "Các trẻ Do thái cầm nhành ô-liu đi đón Chúa và reo vang ca tụng: Hoan hô Con Vua Ðavit; chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến". Các bạn trẻ trở thành nhân vật chính của buổi lễ. Ðó là nguồn gốc của việc liên kết ngày các bạn trẻ với Lễ Lá, được cử hành tại nhiều giáo phận, cách riêng là tại Rôma từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, cách đây 25 năm, vào năm 1985, được Liên hợp quốc dành làm Năm Các bạn trẻ, đức Gioan Phaolô II ấn định sẽ tổ chức đại hội quốc tế bạn trẻ hàng năm ở cấp giáo phận và cách hai hoặc ba năm trên cấp hoàn cầu. Dĩ nhiên, đây không phải là đại hội văn nghệ hoặc giải trí thể thao, nhưng là đại hội của niềm tin. Thay vì lá cờ hoặc đuốc thiêng, biểu tượng chính của Ðại Hội là Thập giá của Ðức Kitô. Các bạn trẻ được mời gọi hãy tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã mở cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người.
Sứ điệp gửi cho các bạn trẻ năm nay (2010) lấy lại khẩu hiệu của năm 1985: "Thưa Thầy tốt lành, con phải làm gì để được hưởng gia tài là sự sống hằng hữu?" (Mc 10,17). Ðức Bênêđictô XVI đã chia sẻ với các bạn trẻ Rôma và Lazio trong buổi canh thức tối thứ Năm 25 tháng 3 năm 2010 tại quảng trường thánh Phêrô. Hôm Chúa Nhật 28 tháng 3 năm 2010, trong bài giảng, đề tài được gợi hứng từ tư tưởng chính của Tin mừng thánh Luca, trình bày tất cả cuộc đời Chúa Giêsu như một cuộc hành trình đi lên Giêrusalem, và mời gọi các môn đệ cũng đi theo con đường đó. Hành trình lên Giêrusalem có nghĩa là gì?
Ðức Thánh Cha bình giảng như sau: Bài Tin mừng đọc trong nghi thức làm phép lá cho chúng ta hai ý tưởng về việc đi lên Giêrusalem. Thứ nhất, nó nói đến một cuộc đi lên, được hiểu về nghĩa địa lý. Cuộc hành trình của Chúa Giêsu bắt đầu từ Giêricô, ở vị trí 250 thước dưới mặt biển, đi lên Giêrusalem nẳm ở cao độ khoảng 740-780 thước ở trên mặt biển. Như vậy là lên cao đến gần 1000 thước. Tuy nhiên, đó chỉ là tượng trưng cho một cuộc đi lên theo nghĩa tinh thần, dành cho những ai muốn đi theo Chúa Giêsu, đó là vươn lên đến chiều cao của ơn gọi làm người. Con người có thể lựa chọn một con đường dễ dãi, không vất vả. Con người cũng có thể đi xuống tới chỗ bần tiện thô tục. Con người có thể đắm mình vào vũng bùn lầy của dối trá và bất lương. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã đi trước chúng ta, và Người đi lên cao. Người dẫn dắt chúng ta đến điều cao cả, trong sạch, Người đưa chúng ta đến làn khí lành mạnh, đến con đường của sự thật, đến lòng can đảm không chịu lùi bước trước những lời đàm tiếu của người đời, đến đức nhẫn nhục biết chấp nhận tha nhân. Người dẫn chúng ta đến thái độ sẵn sàng phục vụ những ai đau khổ, đến đức trung thành đứng về phía bên kia kể cả lúc tình hình tỏ ra khó khăn. Người dẫn chúng ta đến chỗ sắn sàng giúp đỡ tha nhân, đến lòng tốt không chùn bước trước sự vô ơn. Ðức Kitô dẫn chúng ta đến tình yêu, đến cùng Thiên Chúa.
Sau khi đã suy nghĩ về tiếng "đi lên", bài giảng tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa tiếng "Giêrusalem". Giêrusalem có thể hiểu về một thành phố thủ đô của nước Do thái. Hơn thế nữa, nó ám chỉ đền thờ dâng kính Thiên Chúa duy nhất. Ðiều này muốn nói lên rằng chỉ có một Thiên Chúa, là chủ tể của mọi loài thọ sinh, và mọi loài đều mang trong thâm tâm lòng khắc khoải tìm kiếm Ngài. Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong lịch sử của một dân tộc được thành hình từ ông Abraham. Ðức Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tham dự lễ Vượt qua với họ, nghĩa là lễ kỷ niệm cuộc giải phóng. Lễ Vượt qua được cử hành với việc sát tế một con chiên, theo sách Xuất hành (12,5-6,14). Lần này, đức Giêsu lên Giêrusalem cử hành lễ Vượt qua mới, hoàn tất các lễ Vượt qua trước đây. Ðức Giêsu trở thành chính Con chiên Vượt qua, bằng cái chết. Tuy nhiên, Người biết rằng cuộc đời của mình không kết liễu với cái chết, nhưng còn đi xa hơn nữa. Vào lúc Người tắt thở trên thập giá, bức trướng trong đền thờ bị xé đôi, biểu tượng cho việc giật sập bức tường ngăn cản con người với Thiên Chúa. Ðức Kitô đã khai trương một mối tương quan mới giữa Thiên Chúa với nhân loại nơi cuộc phục sinh của mình. Người đã lên cùng Chúa Cha, và mời gọi chúng ta hãy đi theo Người để lên cùng Chúa Cha.
Tóm lại, Chúa Kitô đã mời chúng ta hãy đi lên, không những là vươn lên đến những đức tính cao quý của con người, nhưng còn là vươn lên nơi cao của Thiên Chúa, đến cuộc hiệp thông với Thiên Chúa, đến điểm "ở trong Thiên Chúa". Trên hành trình này, Chúa Giêsu muốn chúng ta cùng đi với Người, và đi cùng với đoàn môn đệ của Người là Hội thánh. Tất cả cần biết nắm tay nhau để lên đường, dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa. Chúa cũng nhắc nhở chúng ta rằng nếu muốn lên cao thì ta hãy biết ở khiêm tốn, cũng như biêt chấp nhận cuộc rèn luyện của đau khổ và thập giá.
Vì là buổi cử hành của giáo hội Rôma, nên ngôn ngữ của phần lớn các bài đọc và thánh ca bằng tiếng Ý. Tuy vậy, bài đọc thứ nhất được đọc bằng tiếng Anh, bài đọc thứ hai bằng tiếng Tây ban nha, và 5 ý chỉ của lời nguyện giáo dân (cầu cho đức thánh cha, cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, cho các bạn trẻ, cho các dự tòng, cho những người già yếu bệnh tật) được xướng lên bằng tiếng Pháp, Hindi, Bồ-đào-nha, Swahili, Ðức.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 12 giờ. Trước khi xướng kinh Truyền tin, Ðức Bênêđictô XVI đã gửi lời chào thăm các phái đoàn hành hương bằng các tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây ban nha, Ba lan. Nhân ngày kỷ niệm việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem, ngài cũng bày tỏ mối quan tân đối với tình hình bất ổn tại thành phố này, trung tâm tinh thần của ba tôn giáo lớn, và cầu mong cho những nhà hữu trách tìm ra những giải pháp bảo đảm hoà bình cho thành thánh.
Bình Hòa
(Radio Vatican)