Tình trạng các tín hữu Kitô

tại Bethlehem

 

Tình trạng các tín hữu Kitô tại Bethlehem.

Bethlehem [Catholic Herald 19/3/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày càng có nhiều tín hữu Kitô tại Bethlehem bỏ nước ra đi.

Bethlehem, nơi Thiên Chúa nhập thể làm người đã chọn để sinh ra, chỉ cách Gierusalem không quá năm dặm rưởi về phía Nam. Chính tại đây mà vua David đã được tiên tri Samuel xức dầu tấn phong làm vua và cũng chính tại đây mà Con Thiên Chúa đã sinh ra theo dòng dõi vua David. Hài Nhi Giêsu đã được ca đoàn thiên sứ hát mừng chúc tụng và loan báo cho các mục đồng, là những người đầu tiên đã đến thờ lạy Ngài.

Nơi thờ phượng đầu tiên của Kitô giáo nay đang nằm ở trung tâm của thành phố Bethlehem.

Năm 326, hoàng đế Kitô đầu tiên là Constantino đã cho xây cất ngôi nhà thờ cổ xưa nhứt của Kitô giáo. Mẹ ông, nữ thánh hoàng hậu Helena tiếp tục công trình.

Trong cuộc nổi loạn của người Samaria năm 529, nhà thờ đã bị hầu như hoàn toàn phá hủy, nhưng được hoàng đế Giustiniano cho tái thiết trên nền móng của ngôi nhà thờ được hoàng đế Constantino xây dựng. Kể từ đó, nhà thờ này đã trở thành một nơi thờ phượng liên tục của Kitô giáo. Năm 614, Ba Tư đem quân sang cày xéo Palestine. Nhà thờ này suýt bị tàn phá. Nhưng khi các binh sĩ Ba Tư thấy có một bức Mosaic vẽ hình các đạo sĩ mặc sắc phục phán quan Ba tư, họ đã không dám đụng tới nhà thờ. Nhờ thế cho đến ngày nay, ngôi nhà thờ ở trung tâm Bethlehem này vẫn được xem là di tích lịch sử cổ xưa nhứt của Kitô giáo.

Năm 634, thành phố Bethlehem rơi vào tay người Á rập. Nhưng vào khoảng trước năm 1099, trước khi các đạo quân thập tự viễn chinh đặt chân đến, dân chúng đã theo Kitô giáo, bởi vì khi vừa thấy đạo quân Kitô, họ đã mở cửa thành để nghênh đón. Từ đó trở đi, Bethlehem vẫn mãi mãi là một đô thị Kitô. Cho đến năm 1948, các tín hữu Kitô chiếm đến 70 phần trăm dân số của thành phố này.

Nhưng tình hình đã thay đổi một cách bi đát. Năm 1960, có đến 20 phần trăm dân số tại Thánh Ðịa theo Kitô giáo. Ngày nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 1.4 phần trăm. Phần đông các tín hữu Kitô Thánh địa tập trung tại Bethlehem và các làng phụ cận như Beit Sahour và Beit Jalla.

Nhưng đâu là nguyên nhân khiến các tín hữu Kitô rời bỏ Thánh Ðịa? Giữa năm 1948 và năm 1982, đã diễn ra 5 cuộc chiến tranh giữa Israel và khối Á rập. Những cuộc chiến này đã khiến cho hàng loạt người Palestine Hồi giáo tràn vào Bethlehem. Dĩ nhiên, sự hiện diện của người Hồi giáo đã tạo ra nhiều căng thẳng trong vùng. Ðây là lần đầu tiên kể từ một ngàn năm qua, số người Hồi giáo tại Bethlehem đã vượt qua dân số Kitô.

Năm 1964, khi Ðức thánh cha Phaolo VI thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên tại Thánh Ðịa, đã có nhiều báo động về sự giảm sút trầm trọng con số các tín hữu Kitô tại vùng đất này.

Dạo tháng 3 năm 2010, giáo sư Bernard Sabella, một người Công giáo đã từng là dân biểu quốc hội Palestine và giáo sư xã hội học tại Ðại học Công giáo Bethlehem nói tại một hội nghị quốc tế ở Roma rằng cuộc xuất hành của các tín hữu Kitô Thánh Ðịa gắn liền với "thị trường toàn cầu". Một cách cụ thể, nếu một thanh niên Kitô Palestine tìm được công ăn việc làm tại Hoa kỳ hay Dubai, anh liền ra đi.

Nhưng dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn khiến các tín hữu Kitô bỏ nước ra đi. Ðức cha Sleiman ghi nhận rằng mặc dù những vấn đề kinh tế và chính trị là một lý do chính thúc đẩy các tín hữu Kitô ra đi, nhiều người tại Palestine ra đi là vì sợ hãi và bị kỳ thị.

Mới đây, sau cuộc gặp gỡ tại Gierusalem và Bethlehem, Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales đã cho công bố một thông cáo báo chí để kêu gọi nâng đỡ các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa. Trong thông cáo, các Ðức giám mục Anh và xứ Wales mời gọi khách hành hương hãy gặp gỡ với "những cộng đồng Kitô sống động" tại Thánh Ðịa.

Trong một bài báo được đăng trên báo "The Catholic Herald" xuất bản tại Anh, cha Mark Elvins cho biết: sau gần 3 tuần lễ thăm viếng Bethlehem, ngài đã gặp gỡ với một cộng đồng Kitô rất sống động, trong số này có 20 gia đình đang phải trải qua khó khăn, nghèo khó và kỳ thị.

Theo cha Elvins, nguyên nhân thúc đẩy các tín hữu Kitô ra đi không hẳn là tình trạng bế tắc trong cuộc thương thuyết của Israel và Palestine hoặc những hành động khủng bố. Thật ra chính cảnh nghèo khổ mới là nguyên nhân chính thúc đẩy các tín hữu Kitô ra đi.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page