Giáo Hội bảo vệ thụ tạo

và môi sinh và thiên nhiên

 

Giáo Hội bảo vệ thụ tạo và môi sinh và thiên nhiên.

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore về vai trò của các Giáo Hội trong việc bảo vệ thụ tạo, môi sinh và thiên nhiên.

Vatican (Vat. 22/03/2010) - Ngày 11-1-2010 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã tiếp kiến Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh nhân dịp chúc mừng năm mới 2010. Trong diễn văn chào mừng đại diện của 178 quốc gia có quan hệ ngoại giao trên cấp bậc đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestina, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng "Người Kế Vị Thánh Phêrô mở rộng cửa cho tất cả mọi người và muốn có những quan hệ với tất cả mọi nước, những quan hệ góp phần vào sự tiến bộ của toàn gia đình nhân loại".

Trong diễn văn Ðức Thánh Cha đã đi từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh để đề cập tới các khía cạnh khác nhau của nghĩa vụ bảo vệ thụ tạo, môi sinh và thiên nhiên, nạn buôn bán vũ khí, chiến tranh và sự gia tăng các chi phí quân sự, nạn nghèo đói và thiên tai, các vụ kỳ thị và bách hại tôn giáo. Ðức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định rằng các đường lối chính trị kinh tế độc tài vô thần, thiếu tham chiếu về sự thật con người đã gây ra biết bao nhiêu vết thương cho phẩm giá sự tự do của con người và của các dân tộc cũng như cho thiên nhiên như nạn ô nhiễm mặt đất, nước và không khí. Việc chối bỏ Thiên Chúa không chỉ làm biến thái sự tự do của con người nhưng còn tàn phá thiên nhiên nữa. Nhắc tới các khó khăn thế giới đã gặp phải trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu triệu tập tại Copenhagen trong các ngày 7-18 tháng 12 năm 2009, Ðức Thánh Cha cầu mong hai cuộc tái nhóm tại Bonn và tại thành phố Mêhicô trong năm 2010 sẽ giúp đạt tới một hiệp định đương đầu với vấn đề thay đổi khí hậu một cách hữu hiệu.

Vấn đề này càng quan trọng hơn vì liên quan tới số phận của một số nước, đặc biệt là một số quốc gia hải đảo. Theo Ðức Thánh Cha điều thích hợp là sự quan tâm và dấn thân bảo vệ môi sinh phải được phối hợp một cách có thứ tự trong toàn bộ các thách đố lớn đang được đề ra cho nhân loại, trong đó có việc bảo vệ sự sống con người từ lúc sinh ra cho tới khi chết tự nhiên, vì con người là đại diện cho những gì cao qúy nhất trong vũ trụ. Và trong các quyền căn bản của con người cũng có quyền được có đầy đủ thực phẩm. Vì thế việc bảo vệ thụ tạo thiên nhiên và môi sinh cũng bao hàm sự quản lý đúng đắn các tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia, trước tiên là những nước có nền kinh tế kém may mắn, nhất là tại Phi châu, nơi đang có nạn hao mòn đất đai mầu mỡ, sa mạc lan tràn và ô nhiễm môi sinh, cũng như các xung đột vì tranh giành tài nguyên. Ngoài ra còn có những vùng có nền nông nghiệp gắn liền với việc sản xuất ma túy như Afghanistan và một vài nước Mỹ Latinh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh tổ chức Liên Hiệp Quốc về vai trò của các Giáo Hội trong việc bảo vệ thụ tạo, môi sinh và thiên nhiên.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Migliore, trong bài diễn văn đọc nhân dịp tiếp kiến Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Ðức Thánh Cha cũng đã nhắc tới Hội nghị thượng đỉnh về các thay đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc triệu tập tại Copenhagen, thủ đô Ðan Mạch, trong các ngày 7-18 tháng 12 năm 2009. Hội nghị đã là một thất bại vì đã không đạt tới một thỏa hiệp pháp lý và chính trị nào có tính cách bắt buộc. Không có các dấn thân giảm số lượng thán khí thải vào khí quyển. Không có việc đồng ý triển hạn thỏa hiệp Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012 tới đây, cũng không có việc xác định số tiền mà mỗi quốc gia phải đóng cho ngân qũy chống thay đổi khí hậu. Phài đoàn các nước sẽ lại tái nhóm vào tháng 6 năm nay 2010 tại Bonn và vào tháng 12 tại thành phố Mehicô. Ðức Cha nghĩ gì về các sự kiện này?

Ðáp: Ðàng sau tất cả các chuyện đó có lẽ có một điểm yếu và một điểm mạnh. Ðiểm yếu kém đó là sự kiện lần lữa không trả lời ngay cho một đe đọa thực sự và nguy hiểm, đặc biệt đối với các dân tộc dễ bị thương tích nhất, mà lại dời nó lại trong tương lai. Ðây là một việc thiếu suy xét, vì việc chữa trị bị các chẩn đoán không trung thực chặn lại, mặc dù các triệu chứng đã rất hiển nhiên, và giờ đây chúng ta hiểu biết hiện tượng một cách rất rõ ràng. Lý do là vì những người có trách nhiệm đưa ra các quyết định, nghĩa là tất cả mọi thành viên của cộng đồng quốc tế kiếm cớ luẩn quẩn, bằng cách đặt để các lập trường kinh tế, chính trị năng lượng, mô thức phát triển, các đòi hỏi gắt gao hay các phương thức trợ giúp trước việc bảo vệ hành tinh này.

Nhưng cũng có một điểm mạnh khích lệ, nếu chúng ta đặt vấn đề vào trong bối cảnh của nó. Sự cách biệt giữa đề nghị và việc thực hiện trên bình diện quốc tế, thường được đặt trong thời gian 30 năm. Vấn đề môi sinh đã được đặt ra trong hội nghị tại Stockholm bên Thụy Ðiển năm 1972. Người ta đã bắt đầu mói tới các tài nguyên như gia tài chung của nhân loại. Ðiều này có nghĩa là không có một quyền tối thượng tuyệt đối, qua đó một quốc gia có thể tùy tiện sử dụng các tài nguyên của mình như mình muốn. Thế rồi trong hội nghị nhóm tại Rio de Janeiro bên Brasil năm 1992 chín mùi ý niệm về con người như là trung tâm của sự phát triển có thể chịu đựng được, cho tới nguyên tắc trách nhiệm chung và khác biệt. Tư tưởng xã hội của Hội Thánh tương ứng với làn sóng dài của sự phát triển liên đới. Cả trên bình diện quốc tế chúng ta cũng liên lỉ sống giữa cảnh tháp Babel chia rẽ "sự hiệp nhất" với "đa dạng" và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh giá cao sự "đa dạng" trong "hiệp nhất".

Hỏi: Mạng lưới các quốc gia gặp nguy hiểm đã đưa ra một loạt các đề nghị. Việc tái nhóm hội nghị về thay đổi khí hậu dựa trên các ý tưởng nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Nó dựa trên các ý tưởng có lương tri và trên thực tế. Thật ra khi nhìn danh sách các đề nghị không phải chỉ có các đề nghị của các nước lâm nguy, người ta thấy có nhiều đề nghị tốt và có tính thuyết phục nhưng qúa tham lam để có thể được mọi nước chia sẻ, thiếu một nền tảng cho việc đồng ý liên quan tới khả thể thực hiện hay sự thích hợp đối với nhiều nước. Thường khi ngay giữa các quốc gia trực tiếp có liên lụy tới vấn đề cũng không có sự đồng thuận. Các khó khăn trong việc chấp nhận và thực thi hiệp định Kyoto cũng được viện dẫn bởi thái độ dè dặt này.

Hỏi: Liên quan tới các cơ cấu quốc tế, Ðức Cha thấy cần phải cải tổ các cơ cấu nào?

Ðáp: Liên Hiệp Quốc là một gia đình các quốc gia, nhưng đa phần không hoạt động tốt. Khi nhóm họp để thảo luận một vấn đề, một thách đố, một việc cấp thiết chung đối với tất cả mọi nước, các phái đoàn tham dự đại diện cho các lợi lộc quốc gia. Mặc dù với tất cả sự liêm chính và thiện chí, họ cũng không luôn luôn hòa hợp được giữa lợi lộc quốc gia với lợi ích chung. Trước khi là vấn đề của các cơ cấu và guồng máy quyết định, nó là vấn đề về quan niệm riêng biệt văn hóa, triết lý và chính trị. Thế rồi chính các guồng máy quyết định cũng chú ý tới sự đa diện này và mặc dù vẫn ước muốn bảo đảm công lý và tình liên đới cấp bách, nhưng thường khi chúng không thành công trong việc bỏ ra bên ngoài thói quen biểu dương sức mạnh hay đòi đặc lợi. Ðây là vấn đề "con tim" của từng cá nhân cũng như của xã hội, và con tim ấy chỉ trưởng thành với sự hoán cải. Ðây là điệp khúc được lập đi lập lại trong các tài liệu giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Mọi tiến trình cải tổ cơ cấu hay phương pháp làm việc đều phải dựa trên tiền đề này.

Chúng tôi thấy rõ điều đó mỗi khi họp để bàn về việc cải tỗ Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, về quyền bỏ phiếu chống, về việc thực thi và kiểm soát các quyền con người, các cơ cấu tài chánh quốc tế. Không thiếu các công thức canh tân ngày càng thích hợp giúp bảo đảm công lý và tình liên đới. Ðiều này cho chúng ta biết là có nhiều trí óc và con tim được soi sáng. Nhưng họ gặp khó khăn trong việc bỏ phiếu chống hay chấp thuận.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Migliore, liên quan tới đề tài bảo vệ thụ tạo, môi sinh và thiên nhiên, hội nghị thượng đỉnh Copenhagen đã có đươc các đồng thuận tinh thần nào? Và công việc do các Giáo Hội và các tổ chức có linh hứng tôn giáo đã thực hiện trong bao nhiêu năm qua đã có sức nặng nào trong hội nghị?

Ðáp: Sự huy động của các Giáo Hội và các tổ chức có linh hứng tôn giáo đã được ve vãn rất nhiều, vì chúng là các cơ cấu có ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Thật ra ban tổ chức hội nghị đã đặc biệt săn sóc khía cạnh này nhằm đạt các mục đích quảng cáo cho mọi người thấy, để được ủng hộ và chấp thuận.

Các cuộc thương lượng trong các giai đoạn chuẩn bị hội nghị tập trung nơi các vấn đề kỹ thuật và tài chánh, nơi việc giảm số lượng thán khí thải vào không trung, gây ra hiện tượng hâm nóng trái đất, nơi việc hạn chế nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu, di chuyển các kỹ thuật và tài trợ cho các ngân qũy thực hiện và các khía cạnh kỹ thuật hơn. Một vài hiệp hội tôn giáo đã cung cấp các dữ kiện, các suy tư và đề nghị. Chúng được đánh giá cao và sử dụng bởi các phái đoàn của các chính quyền và các nhóm vùng miền. Nhưng các công việc của hội nghị đã không dành nhiều chỗ cho các đề tài nền tảng hơn như các lý do, việc giáo dục và cộng tác của mọi tầng lớp xã hội dân sự vào việc bảo vệ thụ tạo môi sinh và thiên nhiên. Trái lại, đây là khía cạnh đã được các tổ chức có nguồn hứng tôn giáo chú ý rất nhiều, tuy nó không được hội nghị lưu tâm, nhưng chắc chắn nó lôi kéo sự chú ý và tham gia của dân chúng. Vì người dân gần gũi các môi trường tôn giáo, xã hội và văn hóa hơn là các cơ cấu xa của cuộc sống quốc tế.

(Jesus, Febbraio 2010, trang 16-17)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page